Nhận và cho (Thứ Năm Tuần 10 Thường niên – Thánh Barnaba)

54

NHẬN VÀ CHO

T.năm tuần 10 TN. Barnaba. Mt 10, 7-13

 

Lời Chúa: Mt 10, 7-13

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần’. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Ðừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Ði đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em”.

Suy niệm

Mâu thuẫn, bất hòa, có thể là hệ quả của nghèo khổ đói rách, đôi khi vì giầu, vì quá sung sướng, hoặc do quyền cao chức trọng, mà gây nên sự phân biệt, chia rẽ. Rắc rối, dẫn đến đổ bể, cũng có thể là do sống “hào phóng” hoặc quá “keo kiệt” mà ra. Ở mọi thời, biết bao người vẫn tự hỏi : sống sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê ! Câu trả lời phải là hãy sống công bằng, hãy sống tương quan yêu thương chia sẻ, đó cũng là cách thể hiện đạo lý làm người.

Tiền nhân chúng ta không có ý truyền dạy con cháu, phải “mưu sự tính toán” đến độ : tay làm hàm nhai, hay khéo ăn thì no khéo co thì ấm. Đúng hơn, kêu cầu hạnh phúc là một nghĩa vụ, và bổn phận góp công sức xây dựng quê hương đất nước, đối tượng nào cũng phải ý thức hành động. Với những gì ta đang có, vật chất tiện nghi, sự thông thái, mức độ hiểu biết…, luôn nhắc ta phải biết đáp đền ơn nghĩa qua câu ca dao : non kia ai đắp mà cao, sông kia biển nọ ai đào mà sâu.

Đời hay đạo, cổ xưa hay tân thời, mọi người vẫn đối diện với qui luật : “ơn đền, oán trả”. Có người nghĩ đến việc tu thân tích đức, có người chủ trương ở hiền gặp lành, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Chúa Giêsu năm xưa đã chỉ thị cho các học trò, các con hãy đi rao giảng rằng : “Nước Trời đã gần đến”. Chúa không đặt nặng vấn đề “được hay mất”, “khen thưởng hay quở trách”, nhưng Chúa đã lưu ý các học trò : “các con đã lãnh nhận những không, thì hãy cho nhưng không”.

Được xếp vào hàng ngũ môn đệ của Đức Giêsu, được chỉ thị ra đi làm chứng nhân cho Nước Chúa, “nhận nhưng không và cho nhưng không” có thôi thúc ta về sứ mạng tông đồ, có khơi lên trong ta về đức công bình đối với ơn thánh ta đang có không ? Con người vẫn bị mang tiếng xấu là “đầy ham hố”, là “lòng tham vô đáy”, muốn có nhiều có mãi, muốn nhận được cả tình lẫn tiền; riêng với người môn đệ Chúa, chúng ta không thể cho đi mà thiếu nhận lãnh. Làm sao người môn đệ có thể thuyết phục được người nghe Tin mừng, chữa bệnh, trừ quỉ, nếu thiếu vắng sự hiện diện của tình yêu Chúa ?

Sách có câu : cử chỉ đẹp là đức hạnh được dịch ra từ một thứ ngôn ngữ yêu thương dễ hiểu. Là con cái Chúa, mỗi ngày mỗi giờ phút, chúng ta đang khao khát nhận ơn gì, niềm vui, bình an hay là vật chất địa vị xã hội ? Có Chúa trong tâm hồn, có Chúa trong cuộc sống, chúng ta có đủ ý thức chia sẻ, mang tình yêu và ơn bình an của Chúa đến với anh chị em mình không ? Xin Chúa gìn giữ, thánh hóa và biến đổi chúng con nên người môn đệ trung tín của tình yêu Giêsu. Amen.

Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc