Nhận định ơn gọi tu trì
Linh Mục Tôma Vũ Quang Trung, S.J
(Bài thuyết trình tại Đại hội tu sĩ toàn quốc lần II, 2008)
Dẫn nhập
Giáo Hội Việt Nam hiện nay là một trong số các Giáo Hội tại Châu Á đang có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ. Nhiều bạn trẻ đang tiếp tục tìm đến các chủng viện, các dòng tu, đan viện, tu hội để xin được tìm hiểu ơn gọi tu trì.
Là những người được trao trách nhiệm nhận các em vào đời sống thánh hiến, chúng ta thường tự hỏi khi tiếp xúc với các em đến xin gia nhập cộng đoàn để sống đời tu trì: Động lực nào đã thúc đẩy bạn trẻ này đến đây để xin tìm hiểu và gia nhập chủng viện hoặc cộng đoàn? Đây là một câu hỏi không dễ có câu trả lời chính xác chỉ sau một vài ngày tĩnh tâm hoặc một vài tháng tìm hiểu!
Ơn gọi trước hết là một mầu nhiệm. Chúa gọi những ai Người muốn (x. Mc 3,13). Nhiệm vụ chúng ta là giúp các em khám phá ra tiếng Chúa gọi và đáp trả. Điều này diễn ra trong tiến trình nhận định ơn gọi. Tiến trình này lâu hay mau tuỳ thuộc vào việc nhận định các yếu tố liên hệ cho thấy có thể xác quyết đây là một ơn gọi thực sự.
Bài chia sẻ này xin trình bày về việc nhận định một ơn gọi, qua việc chú trọng đến việc khảo sát các động lực thúc đẩy một người trẻ đến xin gia nhập chủng viện, các dòng tu, đan viện, tu hội để trở nên các linh mục, tu sĩ.
I. CÁC ĐỘNG LỰC Ý THỨC VÀ VÔ THỨC THÚC ĐẨY ƠN GỌI
Thế nào là động lực thúc đẩy ơn gọi? Đâu là những yếu tố can dự vào các động lực này? Một cách chung, động lực thường được hiểu như một ước muốn, một khao khát thực hiện một dự phóng, một mục tiêu nào đó của cuộc sống. Động lực này có những yếu tố bên trong và những yếu tố bên ngoài. Các yếu tố bên trong nằm ở tầng sâu thẳm của nội tâm mỗi người. Nó được diễn tả qua các ước muốn hoặc những sức mạnh lôi cuốn về một giá trị tinh thần hoặc thiêng liêng nào đó.
Trong các động lực thúc đẩy một người tìm đến một hướng sống hay một mục tiêu cho cuộc đời, cần lưu ý rằng, con người nào cũng đều có một phần tự do và một phần khác không hoàn toàn tự do. Vì vậy, những quyết định chọn lựa trong cuộc sống của mỗi người luôn chịu ảnh hưởng của mức độ tự do và không tự do của chính mình. Khi nhìn về đời sống linh mục, một chủng sinh có thể cảm thấy được lôi cuốn bởi một hình ảnh thật đẹp của một nhà truyền giáo đang vượt qua những thách đố và nguy hiểm để loan báo Tin Mừng cho các dân tộc đang sống nơi những vùng đất xa xôi, đầy gian nan, trắc trở. Một thiếu nữ có thể được đánh động bởi hình ảnh một nữ tu đang quên mình chăm sóc cho những trẻ em khuyết tật đáng thương hoặc các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối bị người thân bỏ rơi để đi đến quyến định chọn đời sống tu dòng. Trong sức hấp dẫn đầy lôi cuốn của những hình ảnh cao đẹp này, các bạn trẻ có thể nhận biết các động lực đang thúc đẩy trong lòng mà mình ý thức. Tuy nhiên, họ lại không thể biết đến những sức mạnh thôi thúc tiềm ẩn bên dưới nằm trong tầng sâu của vô thức. Chính những sức mạnh này ngấm ngầm chi phối cách mạnh mẽ quyết định chọn lựa hướng đi của cuộc sống mà họ không hề ý thức.
II. NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC ĐỘNG LỰC ƠN GỌI
Các nghiên cứu cho thấy rằng, trên bình diện ý thức, một bạn trẻ ước muốn trở nên linh mục hay tu sĩ thường bị lôi cuốn bởi lòng khao khát đi theo Chúa Giêsu qua việc dâng hiến đời mình để phục vụ tha nhân. Có bạn nói mình muốn đi tu để có thời giờ cầu nguyện và tìm sự bình an trong tâm hồn trong khung cảnh tĩnh lặng của đời chiêm niệm. Có những bạn khác khẳng định mạnh mẽ ước muốn trở nên một vị thánh. Lại không thiếu các bạn trẻ nghĩ rằng, nếu mình vào được nhà dòng, mình sẽ có cơ hội học tập tốt hơn, có thời giờ cầu nguyện nhiều hơn cho những người thân thuộc. Và biết đâu, lại chẳng có cơ hội được đi đây đi đó ra nước ngoài!
Tuy nhiên, các bạn trẻ lại ít biết rằng, bên cạnh những giá trị cao đẹp mà họ ao ước theo đuổi để thực hiện thì nơi thẳm sâu của tầng vô thức, có những sức mạnh khác thôi thúc họ chọn lựa đời tu không mấy phù hợp với các giá trị Tin Mừng, thậm chí hoàn toàn lệch lạc! Họ tìm kiếm để bù đắp một thiếu thốn sâu thẳm trong cuộc sống gia đình thời thơ ấu. Đời sống tu trì lúc này trở thành một môi trường thuận tiện có thể giúp họ thoả mãn những nhu cầu căn bản này.
Một cậu bé từ nhỏ đã luôn nghe mẹ nói: “Mẹ mong muốn con mai kia làm linh mục giống như bác con”. Ngày này qua tháng nọ, cậu bé được thấm dần ước mơ của mẹ cậu là cậu sẽ trở thành một linh mục, giống như bác cậu. Cậu vẫn hết lòng ngưỡng mộ bác cậu trong những lần bác có dịp về thăm mẹ và dâng lễ ngoài nhà thờ giáo xứ. Nghĩ về tương lai, nếu cậu làm linh mục giống bác cậu, mọi người dân trong làng sẽ kính trọng cậu. Mẹ cậu sẽ được mọi người xưng tụng là “bà cố”. Gia đình cậu sẽ được danh giá giữa xóm làng! Hướng đi tương lai của cậu như đã được xác định từ lúc cậu chưa đủ khả năng để có một quyết định chín chắn của một người trưởng thành!
Một cô bé nhà nghèo, vẫn phải đầu tắt mặt tối phụ việc với mẹ để lo kế sinh nhai cho gia đình, mà hoàn cảnh vẫn bữa đói bữa no. Nhờ các dì trong một nhà dòng gần đó giúp đỡ, cô bé mới có điều kiện đến trường. Một ngày kia, cô được mẹ gửi vào ở trong nhà nội trú của các dì. Ngày qua tháng lại, cô bé quen biết các dì hơn và sinh lòng cảm mến. Cô mong được sống như các dì mà không hề biết rằng mong ước tốt lành của cô chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của ước muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói của gia đình, và hơn thế nữa, như một cách để trả ơn sự giúp đỡ của các dì.
Hai ví dụ trên đây cho chúng ta thấy một ơn gọi hướng đến đời sống tu trì luôn chịu ảnh hưởng bởi những động lực ý thức pha lẫn với những động lực vô thức.
Ơn gọi là tiếng gọi mầu nhiệm của Thiên Chúa dành riêng cho một người được kêu gọi và tuyển chọn cho một sứ mạng. Ngài thường dùng một số những dấu chỉ tự nhiên để lôi kéo con người đến ơn gọi này. Hai ví dụ trên đây còn giúp chúng ta hiểu được những động lực có thể thôi thúc một bạn trẻ dấn thân vào đời sống tu trì. Đây là những dấu chỉ giúp chúng ta nhận định về ơn gọi của một bạn trẻ. Những dấu chỉ này vừa là những yếu tố bên trong, vừa là những yếu tố bên ngoài.
2.1 Các yếu tố bên trong
Khi kêu gọi ai, Thiên Chúa đặt trong lòng họ một ước ao sâu thẳm hướng họ về đời sống tu trì để trở nên linh mục, tu sĩ. Tuy nhiên, ước muốn vẫn chưa đủ. Một người có thể ước muốn bước vào đời tu với nhiều lý do khác nhau. Vấn đề là phải có động lực ơn gọi đúng đắn và trong sáng. Chính tại điểm này mà chúng ta chạm đến mầu nhiệm con người với tất cả sự phức tạp của đời sống tâm linh, nơi có sự tương tác qua lại giữa những nhu cầu vô thức và ý thức. Sự tương tác này gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống các giá trị của một người và ảnh hưởng trên các động lực thôi thúc họ tìm đến ơn gọi. Một bạn trẻ bước vào đời tu có thể vừa do các nhu cầu, vừa do các giá trị mình theo đuổi. Vì vậy, các yếu tố bên trong của một ơn gọi có liên hệ trực tiếp đến các động lực ý thức và các động lực vô thức.
2.1.1 Các động lực ý thức
Các động lực ý thức là sự hiểu biết trực tiếp về chính mình. Các động lực này, dù chính đáng hay không, cũng vẫn dễ dàng nhận biết. Giáo Hội luôn mong chờ nơi các ứng sinh tìm đến ơn gọi với các giá trị tích cực. Một bạn trẻ có thể trả lời về lý do thôi thúc mình đi tu (1) vì mình muốn phụng sự Chúa, (2) vì mình muốn hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, (3) vì mình muốn làm cho Nước Chúa được mở rộng, (4) vì mình muốn sống Tin Mừng sung mãn và triệt để hơn, (5) vì mình muốn cộng tác với Chúa để xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn, (6) vì mình muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc mình đang có cho người khác. Đó là những giá trị mà các bạn trẻ nhắm đến khi muốn dấn thân vào đời sống tu trì. Các động lực ý thức này thường hướng đến các giá trị thiêng liêng và tôn giáo.
Sự phức tạp trong tiến trình nhận định ơn gọi chính là mỗi người không chỉ có một động lực duy nhất khi đến với ơn gọi. Những động lực thúc đẩy ơn gọi nơi một người lại càng không hoàn toàn thuộc mức độ ý thức. Vì thế, bên cạnh những động lực ý thức vẫn có sự pha lẫn các động lực vô thức khác.
2.1.2 Các động lực vô thức
Các động lực vô thức thường rất khó nhận thấy. Thông thường, người ta cần nhờ đến các hình thức trắc nghiệm tâm lý hiện đại để khám phá ra các động lực này. Kết quả các loại trắc nghiệm này có thể giúp người ta khám phá và nhận biết mình rõ hơn. Một khi nhận biết các động lực vô thức, vốn thường bị lệch lạc và không lành mạnh, người ta có thể thanh luyện chính mình để mỗi ngày tiến đến sự tự do nội tâm hoàn hảo hơn.
Từ hai ví dụ trên đây, chúng ta có thể liệt kê ra một vài động lực vô thức thường hay tiềm ẩn dưới những giá trị tốt đẹp của bình diện ý thức như sau:
(1) Thực hiện ước muốn của cha mẹ
Ứng sinh được thôi thúc đến ơn gọi tu trì là để thực hiện ước muốn của cha mẹ. Chính người bạn trẻ không hề có xác tín cá nhân rằng mình nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi và hoàn toàn muốn đáp trả tiếng gọi ấy. Khi nhận ra điều này, ứng sinh nhiều khi không đủ can đảm xin chuyển hướng khi biết rõ mình không có ơn gọi vì sợ làm cha mẹ buồn và thất vọng về mình. Nhưng khi cha mẹ không còn, thì việc chuyển hướng sẽ xảy ra vì động lực ơn gọi không còn nữa. Khi ấy, có thể ứng viên đã là một linh mục hay nữ tu nhưng lại không đủ sức tiếp tục con đường mà mình cho là đã chọn lựa một cách sai lầm trước đó chỉ để làm vui lòng cha mẹ! Nếu không bỏ cuộc thì đời sống tu trì lúc đó sẽ không còn ý nghĩa nữa. Nó chỉ là một chuỗi ngày kéo lê với tất cả mọi sự hỗn độn của nó, gây ra không ít khó khăn cho bản thân của người ấy vì không tìm được niềm vui và hạnh phúc, cho đời sống cộng đoàn và cho sứ mạng phục vụ của Giáo Hội.
Sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ trong bà con họ hàng có thể ảnh hưởng đến việc chọn lựa ơn gọi của một ứng sinh. Ảnh hưởng này có thể tốt hoặc xấu tuỳ trường hợp. Nếu ứng sinh bị cuốn hút vì những giá trị tinh thần và thiêng liêng cao đẹp nơi sự dấn thân của các linh mục, tu sĩ này thì sự hiện diện đó sẽ sẽ ảnh hưởng tốt trên ơn gọi của ứng sinh. Ngược lại, nếu ứng sinh chỉ bị lôi kéo về các giá trị có vẻ thế tục ngoài xã hội như thấy họ có địa vị cao, được mọi người kính trọng, có cuộc sống đầy đủ tiện nghi… thì sự hiện diện này sẽ ảnh hưởng xấu trên ơn gọi của ứng sinh. Lúc đó, ứng sinh có thể theo đuổi ơn gọi để tìm kiếm các giá trị thế tục này cho bản thân mình.
(2) Ước muốn phát triển bản thân
Một bạn trẻ có thể được thôi thúc bước vào đời tu như một con đường tiến thân mở ra một bảo đảm tương lai cho bản thân. Lúc ấy, đời tu như một môi trường thuận lợi để phát triển các tài năng cá nhân. Việc phục vụ trở nên một cơ hội phô trương cái tôi trước mặt mọi người. Đặc biệt, trong bối cảnh hôm nay của Giáo hội Việt Nam, nhiều bạn trẻ gõ cửa các nhà dòng, tu hội là để có cơ hội học hành tốt hơn, thậm chí chỉ là để được đi ra nước ngoài. Khi mục tiêu này trở thành đích nhắm của ơn gọi, người ta sẵn sàng chấp nhận uốn mình vào kỷ luật đời tu trong thời gian huấn luyện để ráng “nín thở qua sông”. Qua tới bờ bên kia, họ trồi lên khỏi mặt nước và tiếp tục con đường của riêng mình!
(3) Thoát khỏi cảnh nghèo
Ơn gọi tại Việt Nam hôm nay đa số phát xuất từ những gia đình nghèo ở miền quê. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc theo đuổi ơn gọi của ứng sinh. Kinh nghiệm thiếu thốn về đời sống vật chất khi còn ở gia đình có thể biến việc theo đuổi ơn gọi như một bù trừ nhằm thoát khỏi cảnh nghèo đói. Đời tu được xem như bảo đảm chắc chắn về đời sống vật chất và sự an toàn cho tương lai. Khi có được những điều mình tìm kiếm, đời tu cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa!
(4) Mong được người khác chú ý
Đây là một nhu cầu phát xuất từ khuynh hướng sâu thẳm rất tự nhiên nơi con người: nhu cầu được mọi người chú ý đến. Việc theo đuổi đời tu là một chuỗi ngày tìm kiếm, lôi kéo sự chú ý của người khác dưới mọi hình thức. Những người này thường làm ra vẻ “nhân vật quan trọng”, thường hay lăng xăng trong những dịp đại lễ dù mình chẳng có nhiệm vụ gì! Việc học tập, thay vì được nhìn như phương tiện để có khả năng phục vụ, lại trở thành cơ hội tốt để chơi trội, để “nổi” hơn người khác. Những người này dễ có thái độ ghen tương với bất cứ ai trong cộng đoàn được chú ý hơn họ, hoặc ngấm ngầm tìm cách loại trừ, hạ bệ những ai có khả năng vượt trội hơn họ. Họ không thích làm những việc âm thầm nhưng tìm mọi cách để cho người khác nhìn thấy mình mà ca ngợi.
(5) Mong được người khác nhận biết
Ước muốn được người khác nhận biết cũng là một khuynh hướng căn bản và thâm sâu nơi con người. Khuynh hướng này có thể chi phối các hoạt động của một ơn gọi trong sứ mạng phục vụ. Thay vì nhắm đến ích lợi của người mình được sai đến để phục vụ thì lại tìm kiếm những ích lợi riêng cho chính bản thân mình.
(6) Mong được người khác chấp nhận
Được người khác chấp nhận cũng có nghĩa là được yêu thương, được thấy mình có giá trị. Một người để khuynh hướng này lấn át trong những quyết định chọn lựa hướng đi thì sẽ không đủ cam đảm để đứng về phía chân lý và khó có thái độ cương quyết khi phải quyết định một điều chính đáng và đúng đắn mà làm phật lòng kẻ khác. Lối sống này dễ đưa đến tình trạng “dĩ hoà vi quý”, hoà bình bằng mọi giá, miễn sao mình được người khác chấp nhận là được, không dám lên tiếng trước những sai trái của người khác!
7) Ước muốn bù trừ sự thiếu vắng tình cảm trong gia đình
Đây cũng là một sức mạnh tiềm ẩn không ngừng thôi thúc ứng sinh nhằm tìm kiếm bù trừ những thiếu vắng trong các tương quan của thời thơ ấu, đặc biệt trong lĩnh vực tình cảm. Sự thiếu vắng tình cảm của người cha hoặc người mẹ trong những năm tháng ấu thơ dễ làm cho đời sống cảm xúc của một ứng sinh mất đi sự quân bình. Sự thiếu vắng này thôi thúc ứng sinh thiết lập các tương quan khả dĩ bù đắp được những thiếu vắng về nhu cầu tình cảm của bản thân. Những thôi thúc này, nếu không được đưa ra ánh sáng ý thức để thanh luyện và trưởng thành về tâm cảm, sẽ đưa ứng sinh đến các tương quan thiếu lành mạnh, thậm chí nguy hiểm dưới những hình thức “yêu riêng” hoặc lệch lạc tình cảm trong đời tu, gây ra những xáo trộn và ảnh hưởng không tốt đến đời sống chung của một cộng đoàn.
(8) Tìm kiếm sự an toàn cho bản thân
Đời tu được tìm kiếm như một thành luỹ vững chắc cho tương lai. Sự bảo đảm về vật chất và sự an tâm về tương lai biến đời tu như một lối đi an toàn cho bản thân. Những người này sẽ ít dám liều lĩnh dấn thân trong các sứ vụ đụng chạm đến sự an toàn của bản thân, đặc biệt trong những lãnh vực khó khăn hoặc những sứ vụ nhiều thử thách, nguy hiểm đòi sự can trường và tín thác vào quyền năng Chúa.
(9) Tìm kiếm sự kính trọng, danh dự
Đời tu có thể bị biến tướng thành một cuộc tìm kiếm ngấm ngầm hư danh của thế gian nơi những thành công của các công việc tông đồ. Lời khen, tiếng chê của người khác dễ gây ảnh hưởng trên quyết định chọn lựa của ứng sinh trong sứ mạng phục vụ. Đặc biệt, yếu tố danh dự gia đình dễ gây ảnh hưởng lớn đến quyết định theo đuổi ơn gọi của ứng sinh, làm cho ứng sinh mất đi thái độ tự do nội tâm cần thiết trong việc nhận định, tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời mình.
(10) Sợ hãi người khác phái
Những kinh nghiệm tiêu cực trong thời gian thơ ấu đối với người khác phái sẽ để lại một nỗi sợ hãi đầy lo âu xao xuyến nơi tâm lý ứng sinh. Quyết định theo đuổi ơn gọi trong đời sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời vốn là một giá trị thiêng liêng tích cực, có thể trở thành sự che đậy nỗi sợ hãi đối với người khác phái khi ứng sinh chọn đời sống tu trì như một tránh né những phiền toái của đời hôn nhân do nỗi sợ hãi này gây ra. Điều này lại càng đúng nếu vết thương tâm lý do một biến cố quá khứ để lại vết thương khó chữa trị trong đời sống tinh thần và tâm linh của ứng sinh. Nỗi sợ hãi này có khi làm tê liệt khả năng thiết lập những tương quan tốt đẹp và lành mạnh trong sứ mạng phục vụ đối với tất cả mọi người khác phái.
Những động lực vô thức trên đây thường xuất phát từ những nhu cầu căn bản không được thoả mãn của thời thơ ấu. Nếu tình trạng này không được đưa ra ánh sáng ý thức để hiểu biết về chính mình, để được thanh luyện và điều chỉnh, thì tiến trình theo đuổi ơn gọi của một bạn trẻ sẽ dễ bị lệch lạc và thiếu vắng sự tự do nội tâm cần thiết cho mọi quyết định của một người trưởng thành về tâm cảm, về thiêng liêng và chín chắn trong ơn gọi. Vai trò của các vị đồng hành thiêng liêng trong tiến trình giúp đỡ các ứng sinh nhận định về ơn gọi của mình hết sức quan trọng. Điều này không chỉ tiến hành trong thời gian của một cuộc tĩnh tâm nào đó là đủ. Nó cần một sự thanh luyện và hoán cải liên tục trong suốt chặng đường ơn gọi để đi đến sự tự do nội tâm hoàn toàn để trở nên một dụng cụ mềm dẻo, dễ sử dụng và hữu hiệu trong bàn tay quyền năng Chúa.
2.1.3 Dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng (Mt 13,24-30)
Dụ ngôn này là một hình ảnh Kinh Thánh có thể minh hoạ cho chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng lẫn lộn các động lực ý thức và các động lực vô thức trong một ơn gọi cũng như cách thức chúng ta cần tiến hành đối với cả hai loại động lực này.
Người đi gieo hạt giống tốt tương trưng cho một bạn trẻ đến với ơn gọi linh mục tu sĩ với tất cả động lực trong sáng, lành mạnh. Kẻ thù gieo cỏ lùng giữa đồng lúa ban đêm tương trưng cho sự hiện diện của các động lực vô thức không mấy phù hợp với các giá trị Tin Mừng.
Khi lúa mọc lên thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Điều này làm cho người gieo giống tốt bối rối và lúng túng. Đó là sự lúng túng của người bạn trẻ tự hỏi không biết mình có ơn gọi tu trì không khi thấy các động lực vô thức lệch lạc xuất hiện trên bình diện ý thức.
Khuynh hướng tự nhiên của người bạn trẻ khi thấy những động lực vô thức xuất hiện là nghĩ đến mình bất xứng với ơn gọi cao quý nên lìa bỏ ơn gọi hoặc nghĩ rằng mình không có ơn gọi. Thái độ này tựa như thái độ của những đầy tớ đề nghị với chủ cho đi nhổ tất cả cỏ lùng trong ruộng lúa đang xanh tốt. Thế nhưng nếu họ làm như vậy thì sẽ có hại đến các cây lúa đang mơn mởn phát triển. Sẽ có những thời điểm thuận tiện để làm công việc luyện lọc này. Cần để cả lúa tốt lẫn cỏ lùng lớn lên đến mùa gặt. Đây là thời điểm một ơn gọi trưởng thành. Sự phát triển nhân bản, thiêng liêng cùng với cảm thức về nhân vị, về căn tính, về trách nhiệm sẽ cùng lớn lên theo. Đó là lúc ngưới ta có khả năng đối diện với các động lực vô thức cách trưởng thành hơn và thích hợp hơn. Đó cũng là lúc ngưới ta có thể đi đến những quyết định tự do hơn dựa trên những gì mình nhận định để sống phù hợp hơn nữa với các giá trị Tin Mừng.
2.1.4 Phân loại ứng sinh
Dựa trên sự pha trộn giữa những động lực ý thức và những động lực vô thức, chúng ta có thể đưa ra 3 loại ứng sinh đến với ơn gọi linh mục tu sĩ:
(1) Ơn gọi như tìm kiếm một địa vị xã hội
Sức hấp dẫn của ơn gọi tu trì đối với loại ứng sinh này là sự pha trộn giữa các thôi thúc ý thức với các thôi thúc vô thức. Trên bình diện ý thức, ứng sinh hiểu rằng ước muốn hy sinh sống đời tu trì sẽ được bù đắp bằng việc đạt đến một vị trí đáng được người khác kính trọng. Tuy nhiên, vẫn có những thôi thúc vô thức đi liền với những chọn lựa ý thức của ứng sinh như ước muốn được người khác chú ý, được nhìn nhận, được kính trọng, được phát triển tài năng cá nhân, thoát khỏi cảnh nghèo… Cũng có khả năng ứng sinh bị cuốn hút bởi các yếu tố bên ngoài như tu phục, biểu tượng của sự quý mến của mọi người hay một bậc sống được mọi người trân trọng.
(2) Ơn gọi như thực hiện một công việc mình thích
Sức hấp dẫn ứng sinh loại này đến với ơn gọi tu trì là một công việc, một sứ mạng cụ thể nào đó. Cuộc sống tu trì là một công việc cụ thể hơn là sự cam kết dâng hiến bản thân.
Xét về động lực ý thức thì nó có thể tích cực hoặc tiêu cực. Tích cực, nếu sức hấp dẫn đến từ một sứ mạng hoặc một sự dấn thân phục vụ. Tiêu cực, nếu nó không đưa đến sự thanh luyện. Điều gì sẽ xảy ra cho một linh mục hoặc một nữ tu loại này nếu vì một tai nạn hoặc một sự cố nào đó, họ không còn khả năng làm việc đó nữa? Điều gì sẽ xảy ra nếu dòng tu ấy không còn điều kiện thi hành sứ mạng qua công việc phục vụ đó nữa? Ví dụ, một thiếu nữ đi tu chỉ vì thích dạy học nhưng bây giờ cộng đoàn không được quyền mở trường nữa chẳng hạn? Có khá nhiều bạn trẻ đến với ơn gọi linh mục tu sĩ thuộc loại thứ hai này. Họ cần được thanh luyện khỏi các động lực vô thức thường không phù hợp với các giá trị Tin Mừng.
(3) Ơn gọi như một dấn thân do xác tín về một giá trị thiêng liêng
Sức hấp dẫn ứng sinh loại này đến với đời sống tu trì là ước muốn gặp gỡ sâu xa với Chúa Giêsu. Họ muốn nên giống Chúa Giêsu trong cung cách hành xử, nơi các nhân đức, các giá trị. Họ ý thức đây là một tiến trình đòi hỏi sự hoán cải liên tục về các thôi thúc, cũng như việc nhận định thiêng liêng để đáp lại lời mời gọi và vượt qua những thách đố để thực thi sứ mạng hằng ngày. Họ ước muốn dấn thân trong ơn gọi để trao ban hơn nữa. Họ trưởng thành về tâm lý và thiêng liêng. Nếu xét về tỉ lệ, ứng sinh loại này chỉ chiếm một số ít. Họ vẫn có những ước mơ đóng góp vào việc làm biến đổi thế giới và làm cho thế giới trở thành một nơi xứng đáng hơn để ở. Họ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng trong cuộc sống dâng hiến và tông đồ.
Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam, các bạn trẻ cần được chuẩn bị trong những năm tìm hiểu và nhận định ơn gọi để có thể đi từ loại một và loại hai sang loại ba. Các ứng sinh loại cuối cùng này sẽ có sự bền vững nhất trong tiến trình theo đuổi và sống ơn gọi dâng hiến và tông đồ cách sung mãn. Đây là loại ứng sinh có những dấu chỉ tốt nhất về ơn gọi tu trì.
2.2 Các yếu tố bên ngoài
Ngoài các yếu tố quan trọng bên trong, chúng ta còn chú ý nhận định một số các yếu tố bên ngoài sau đây xem ứng sinh có phù hợp với ơn gọi không:
(1) Sức khoẻ: Ứng sinh cần có sức khoẻ tốt và bền bỉ để có thể theo đuổi ơn gọi và thi hành sứ mạng tông đồ trong tương lai. Hiện nay, nên chú ý đến tình trạng bệnh lý về tim mạch do cuộc sống có nhiều căng thẳng gây ra nơi các em. Cần lưu ý đến các yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thể lý, đặc biệt những xung đột nội tâm.
(2) Tuổi tác: Không nên quá trẻ, cũng không nên quá lớn tuổi. Độ tuổi tốt nhất hiện nay khoảng từ 18 đến 24 tuổi. Tuổi càng lớn sẽ càng khó huấn luyện vì hầu hết nhân cách và quan niệm sống của một người đã hình thành. Ứng sinh càng lớn tuổi càng khó có khả năng biến đổi trong quá trình huấn luyện.
(3) Trưởng thành thiêng liêng: Có nền tảng cần thiết cho một đời sống đức tin vững chắc vào Thiên Chúa. Biết cách cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Yêu mến sự gắn bó kết hiệp mật thiết với Chúa. Siêng năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt bí tích Hoà Giải và Thánh Thể. Có hiểu biết căn bản về Giáo lý Công giáo. Tham gia một số các hoạt động tông đồ cụ thể trong giáo xứ hoặc những hình thức phục vụ xã hội khác. Có những đức tính căn bản như sự chân thật, lòng trung tín, quảng đại phục vụ, không sợ hy sinh.
(4) Trưởng thành tâm cảm (Psycho-emotional maturity): Ứng sinh cần có mức độ trưởng thành về tâm cảm cần thiết để cuộc sống được quân bình trong mối tương quan với những anh chị em khác trong cộng đoàn. Có khả năng thiết lập những tương quan lành mạnh trong đời sống tông đồ phục vụ. Cần chú ý đặc biệt khả năng sống đời sống khiết tịnh thánh hiến trong bối cảnh xã hội văn hoá mở cửa hôm nay. Không rơi vào các mặc cảm tự ti hoặc tự tôn vốn cản trở sự phát triển của một nhân cách tôn giáo lành mạnh. Khả năng biết mình và sống tự do nội tâm.
(5) Khả năng trí thức: Cần có khả năng trí thức trung bình hoặc cao hơn tuỳ mức đòi hỏi của chủng viện, dòng tu, tu hội. Khả năng này nhằm đáp ứng việc tiếp nhận những kiến thức về đời sống đức tin, những môn học cần thiết trong quá trình huấn luyện. Khả năng này thường được đánh giá qua chỉ số IQ (Intelligence Quotitent). Nhưng cần lưu ý, chỉ số này chỉ mang tính tham khảo về khả năng ứng sinh chứ không có tính quyết định để được nhận hay không. Một ứng sinh có thể rất thông minh nhưng lại thiếu khả năng sống tương quan trong cộng đoàn hoặc khả năng tạo lập những tương quan lành mạnh với tha nhân trong cuộc sống phục vụ. Các nghiên cứu chuyên môn cho thấy không có mối tương quan chặt chẽ giữa chỉ số thông minh (IQ) và mức độ trưởng thành về tâm cảm (EQ).
(6) Một số các đòi hỏi khác: Tuỳ theo mỗi linh đạo và đặc sủng phục vụ mà ứng sinh cần đáp ứng một số các điều kiện khác như khả năng viết lách, thuyết giảng, chăm sóc bệnh nhân, sống với người nghèo, thích ứng được với các vùng truyền giáo…
LỜI KẾT
(1)Vừa là một mầu nhiệm đến từ tiếng gọi của Thiên Chúa, vừa là một tiến trình nhận định thiêng liêng từ phía con người để đọc và khám phá ra dấu chỉ ơn gọi nơi các bạn trẻ, tiến trình nhận định ơn gọi tu trì vừa đòi hỏi những vị đồng hành thiêng liêng nhiều kinh nghiệm nhân bản và thiêng liêng, vừa có những hiểu biết sâu xa về con người, đặc biệt là hiểu được tâm thức và ngôn ngữ của các bạn trẻ hôm nay để giúp họ khám phá tiếng gọi của Chúa và quảng đại đáp trả.
(2) Để vun trồng ơn gọi nơi người trẻ, ước muốn mà thôi vẫn chưa đủ. Cần giúp các bạn trẻ hiểu biết và nhận ra điều gì đang thúc đẩy mình tìm đến với ơn gọi. Cần làm sáng tỏ cả động lực ý thức lẫn các động lực vô thức để đi đến một nhận định thiêng liêng sâu xa về lịch sử của từng ơn gọi.
(3)Ơn gọi, trước hết là lời mời gọi trở nên một con người có niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa. Kế đến là lời mời gọi bước vào một lối sống, lối sống nhân bản, làm người, nền tảng căn bản cho mọi tiếng gọi khác. Từ đây, người trẻ mới có khả năng đáp trả tiếng gọi của niềm tin, đi theo Chúa Kitô một cách triệt để trong đời sống tu trì và dâng hiến của linh mục, tu sĩ để lớn lên trong sự phát triển hài hoà giữa nhân bản và thiêng liêng nhờ hiểu biết hơn về chính mình.
(4)Dù con người có một phần tự do và một phần không hoàn toàn tự do nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta lớn lên trong tự do mà Chúa đã tạo dựng. Chúa muốn chúng ta tự do trong việc đáp trả tiếng Chúa kêu gọi khi quyết định chọn lựa đời sống linh mục, tu sĩ.
(5) Động lực ơn gọi là nhân tố chính yếu để bảo đảm cho sự bền vững của ơn gọi tu trì. Mỗi ơn gọi đều pha trộn giữa những động lực ý thức với những động lực vô thức. Những động lực vô thức cần được đem ra ánh sáng để được thanh luyện từ từ theo các giá trị Tin Mừng. Nếu những động lực vô thức này không được thanh luyện, một người sẽ trở nên khuyết tật về nhân cách và không thể trưởng thành để sống ơn gọi linh mục tu sĩ cách tốt đẹp và đem lại hoa trái thiêng liêng cho cuộc sống phục vụ.
(6)Sau cùng, ơn gọi tu trì hướng đến tâm điểm là chính con người của Đức Giêsu, mẫu mực của mọi ơn gọi. Đáp lại tiếng Chúa mời gọi là noi theo cung cách sống và hành xử của chính Chúa trong sứ mạng yêu thương và phục vụ cho sự sống của tha nhân như Chúa Giêsu: “Tôi đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
[1] Trình bày dựa theo những ý tưởng chính của bài thuyết trình “Beneath and Beyond the Roman Collar and the Habit: Motivations For Priestly and Religious Vocation”của Sr. Judette Gallares, RC. Tại Hội nghị Chuyên đề về Ơn gọi tại Châu Á do Liên HĐGM Châu Á (FABC) tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện Mục vụ Tổng Giáo phận Bangkok, Thái Lan, Baan Phu Wann, ngày 23-10-2007, với ứng dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội tại Việt Nam.
nguon: dongten.net