Nhận diện chính mình trước thập giá Chúa

104

Nơi chính mình, có thể có những lối sống xa lạc hoặc đối nghịch với Thập giá Đức Kitô, và như vậy, cuộc sống tâm hồn và nhân cách tôn giáo không thể triển nở được, khiến ơn cứu độ có thể trở nên xa vời. Cần nhận diện và xóa bỏ những kiểu cách nào đó, để có thể đón nhận chính Chúa cách sâu xa hơn. Đối diện với Thập giá Đức Kitô, mở cho ta một tầm nhìn mới, chiếu vào hiện trạng tâm hồn, làm lộ ra những lệch lạc, những bất ổn trong suy nghĩ, hành động và mọi sinh hoạt đời thường. Tất cả cần phải được phơi bày lên vùng ý thức, để giúp ta làm nên một cuộc chuyển biến nội tâm.

Nhìn vào bối cảnh thập giá Chúa Giêsu, ta có thể phát hiện ra con người mình qua những dạng sau:

1. Con người tự mãn

Kinh nghiệm đời sống thiêng liêng cho ta biết, người tội lỗi có nhiều khả năng sám hối để trở lại hơn là những người cho rằng mình sống công chính, nhưng lại luôn tự mãn về chính mình. Kẻ tự mãn là kẻ đã no thỏa, không còn đói khát và mong muốn điều gì khác. Đó là một cách thức đánh lừa mình để rồi dần dần hình thành một lối sống ngụy tạo. Đây là lối sống của người Biệt phái mà Chúa Giêsu từng cảnh giác các môn đệ Ngài (x. Mt 16, 6).

Trái lại, người tội lỗi thực sự cảm thấy mình bất lực, buồn tủi, đau khổ, và nhiều khi rất chán chường bản thân mình. Nhưng những điều họ thực sự cảm thấy như vậy lại là một cơ may để tiếp nhận lòng thương xót của Chúa. Bởi vậy, mỗi tội nhân đều có một tương lai, và mỗi thánh nhân đều có một quá khứ. Có thể nói sự hối cải của người trộm lành (x. Lc 23, 39-43) là chìa khóa mở ra sự hoán cải cho tâm hồn ta. Ta trở về với Chúa không phải vì ta đạo đức, mà vì nhận biết mình tội lỗi. Ta trở về với Chúa qua ngã tội lỗi hơn là qua ngã nhân đức. Thánh Kinh cho thấy nhiều trường hợp như thế, và thực tế cuộc sống cũng vậy: Chúa đến thế gian không phải cho người công chính tự hào, nhưng cho người tội lỗi ăn năn trở lại (x. Lc 5, 23); Chúa chết không phải để tôn vinh người lành thánh, nhưng để cứu chuộc những tội nhân (x. Cl 1, 14).

Chỉ khi nào ta không còn tự hào về bản thân mình nữa, để biết hạ mình xuống và ngước lên, thì lúc đó ta mới khởi đầu trên con đường tự hối. Đừng đặt ra những lý do bên ngoài mình, nhưng là tự vấn lương tâm mình; đừng cứ xét xem mình tốt lành đến đâu, nhưng là nghiệm lại mình tồi tệ tới mức độ nào; đừng căn cứ theo lý lẽ, nhưng hãy lắng nghe tiếng lòng mình.

2. Con người ích kỷ

Tính cách ích kỷ bộc lộ ra nơi người trộm dữ bị đóng đinh bên trái Đức Giêsu. Tính ích kỷ đó khiến kẻ trộm dữ không những chỉ quay quắt với bản thân mình, mà còn ngang nhiên thách thức Chúa Giêsu: “Nếu ông là Đức Kitô, ông hãy giải thoát mình và giải thoát chúng tôi.” (Lc 23, 39). Mục đích giải thoát của Đức Giêsu là đưa con người vào đường lối của Thiên Chúa, là biến đổi hiện trạng tăm tối của bản thân thành vùng ánh sáng, là mở rộng một tình yêu xả kỷ trong trái tim con người, chứ không để con người chạy theo vọng tưởng của mình. Ước muốn giải thoát của anh ta thật hàm hồ và bất khả, vì nó không nằm trong đường lối giải thoát của Thiên Chúa. Đang khi đó, người bạn của anh ta bên phải Chúa Giêsu lại hoàn toàn được giải thoát ngay trong chính cực hình phải chịu.

Quả thực, nơi con người có quá nhiều tính xấu, nhưng suy cho cùng, tất cả đều phát xuất từ một cái gốc mà ra: tính ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết nhắm đến lợi ích riêng mình, bất chấp thiệt hại hay cảm tưởng của người xung quanh. Tham lam cũng bắt nguồn từ ích kỷ, vì muốn vơ hết về mình. Lật lọng, tráo trở cũng bắt nguồn từ ích kỷ, vì miễn sao phần thắng về mình. Tự phụ, độc đoán, háo danh, hiếu thắng, coi thường và khinh rẻ người khác, chẳng qua cũng do ích kỷ, vì chỉ biết có mình thôi.

Nhìn từ chiều kích xã hội, tính ích kỷ không chỉ dừng lại ở đó, nó còn biến thái thành những tệ nạn xã hội: tham nhũng, bất công, tàn ác, độc đoán, trấn áp, bóc lột, v.v… Nó biến xã hội thành một bãi chiến trường đầy những mảnh đời bất hạnh. Chính ích kỷ dẫn đến nạn phân biệt giai cấp, kỳ thị chủng tộc, xung đột tôn giáo, thảm họa chiến tranh, tai ương khủng bố… Ích kỷ như bức tường ngăn cách, phân rẽ và hủy diệt mọi tương quan cuộc sống với nhau, với Chúa, với chính bản thân.

Máu Đức Giêsu đổ ra trên Thập giá để giao hòa, tha thứ, nối kết, hợp nhất lại tất cả. Nhưng mầm mống và sự băng hoại của ích kỷ chỉ thực sự bị triệt tiêu, khi con người biết mở lòng ra, khiêm tốn ngước nhìn thập giá Chúa, để dòng máu cứu rỗi từ trái tim Chúa nhuộm thắm tâm hồn, và khơi nguồn sự sống mới. Chỉ khi thực sự đối diện với thập giá Đức Kitô thì mọi mặt nạ, mọi phù phiếm, mọi ảo tưởng về bản thân ta mới rơi xuống, như máu Chúa đã rơi xuống vì chúng ta.

3. Con người lãnh đạm

Những kẻ lãnh đạm là những kẻ bàng quan đứng nhìn Thập giá Chúa mà không hề động lòng trắc ẩn. Khi chọn tư thế bàng quan, con người trở nên vô tâm, hờ hững và khô cứng. Thật ra những kẻ lãnh đạm không phản bác hay lên án Chúa, cũng chẳng tìm hiểu để lên tiếng bênh vực. Họ hiện diện dưới chân Thập giá chỉ vì tò mò, muốn xem có gì lạ, mà không hề có chút tình thương. Khi đó thì Đức Giêsu đang trong cơn khát khủng khiếp sau một đêm bị hành hạ dưới đòn roi dã man, sau khi bị căng xác để đóng đinh chân tay vào thập giá, bị đội vòng gai đâm thâu vào đầu, bị phơi trần toàn thân nóng rát dưới mặt trời thiêu đốt giữa trưa hè, và máu không ngừng chảy ra. Trong tình trạng đó, cơn khát đã lên đến tận cùng, và Ngài thốt lên: “Tôi khát”: khát tình yêu, khát nhân nghĩa, cũng là cơn khát phần rỗi các linh hồn.

Cơn khát tình yêu đến cùng cực của Đức Giêsu cũng không lay động nổi những tâm trạng vô hồn, những lối sống vô tâm, những trái tim vô cảm. Có thể ta là kẻ lãnh đạm, không nhúng tay vào sự ác, nhưng rồi cũng không ngăn cản sự ác. Quả thật, “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt” (Napoléon).  Phải chăng đó là thái độ thỏa hiệp với sự dữ? Dù sao đó cũng là thái độ khoan hòa giả tạo, lập lờ đánh lận con đen: tưởng mình quảng đại, mà thực chất là nhu nhược; thấy mình đang quan sát mọi sự, nhưng chẳng chú tâm đến điều gì; nhìn mình có vẻ nhu mì đạo đức, nhưng thực tế là sống trong tâm trạng phàm tục của kẻ vô tín.

Mỗi người chúng ta đều nằm trong cơn khát của Chúa Giêsu. Tình yêu Ngài đã trút cạn cho ta, nên Ngài khao khát chính ta. Ngài đang chờ trái tim ta mở rộng cho nỗi khao khát của tình yêu Ngài. Đó là điều không thể tưởng, nhưng có thật, vì đó chính là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa là Tình Yêu, mà Tình Yêu là cơn khát khôn nguôi, là dòng chảy khôn xiết, là sức mạnh khôn lường, là sự da diết khôn tả. Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là như thế trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Điều đáng buồn là nhiều khi ta không dám tin như vậy, nên định hướng sống của ta vẫn mập mờ, cách sống của chúng ta vẫn lơ đãng. Hãy tin! hãy cảm thụ cơn khát của Chúa Giêsu trên Thập giá, để ta không còn sống lãnh đạm trước ngọn lửa tình yêu đang bốc cao trong trái tim Ngài.

4. Con người ganh tị

Philatô ganh tị quyền lực của Chúa; Anna ganh tị sự vô tội của Chúa; Caipha ganh tị sự đắc nhân tâm của Chúa; Hêrôđê ganh tị đức hạnh cao cả của Chúa; các luật sĩ và phái Pharisêu ganh tị sự khôn ngoan của Chúa. Kẻ ganh tị lúc nào cũng mong sớm hạ bệ những ai có sự ưu việt hơn mình. Và rồi để cho thấy Chúa không còn đáng ganh tị nữa, họ đồng hóa Ngài với hạng người tội lỗi.

Chính người trộm dữ cũng ganh tị với quyền lực của Chúa Giêsu. Anh ta tức tối vì Ngài không sử dụng quyền lực ấy để cứu lấy cả anh ta nữa. Sự sai lầm này khiến anh ta mù tối, không thể nhận ra Chúa Giêsu là ai. Đúng ra, không ai gần ơn cứu chuộc bằng anh, nhưng rồi chẳng ai xa ơn cứu chuộc hơn anh. Tính ganh tị khiến anh sai lầm ngay điều anh yêu cầu: được xuống thay vì được lên.

Trước mắt quần chúng, cả ba người đang bị treo trên thập giá đều là những tên gian phi, đều đáng mang một bản án gia hình, nhưng ở đoạn kết, cái hậu của sự thật đều khác biệt. Ba bản án treo trên ba thập giá được thể hiện khác nhau:

– Ganh tị (Salvandus – một người đáng lý được cứu độ)

Trắc ẩn (Salvantus- một tên trộm được cứu độ)

Ái tuất (Salvatore – một Đấng Cứu Độ).

Ganh tị là nguồn gốc của mọi phán đoán sai lầm, lạc lối, và đi tới vực thẳm của tăm tối. Nói hành, vu cáo, võ đoán, hãm hại, đều do ganh tị mà ra. Ganh tị phủ nhận mọi công lý và yêu thương. Nơi cá nhân, tính ghen tỵ biến thành vô liêm sỉ, phá hoại những giá trị luân lý, làm hư hại đời sống tha nhân và bản thân. Trong đời sống cộng đoàn, tính ganh tị biến thành giả hình: giống như sói đội lốt chiên, vẫn tay bắt mặt mừng cho đến khi đủ sức tiêu diệt đối phương. Người ganh tị thì lòng đầy tham lam, muốn cướp giật nơi người khác điều mà mình không có. Ganh tị hay đố kị đều làm mờ ám lương tri và xơ cứng con tim. 

5. Con người nhục dục

Trên thập giá, Chúa đã chịu lột trần thân xác, chịu cảnh tượng ô nhục vì những khoái lạc ô nhơ của con người. Thân xác Chúa bị hành hạ tan nát vì đòn roi, gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đòng, đến độ không còn hình tượng người ta nữa, chỉ vì yêu thương muốn gánh chịu những hậu quả bi thảm do những tội phạm dâm dật của loài người chúng ta.

Cuộc đời chỉ đẹp khi đi vào trật tự, nề nếp, bậc sống và trong sự tiết độ của nó. Nếu đời sống ta thiếu hoặc mất đi sự tiết độ (temperantia), thì khả năng làm chủ bản thân sẽ dần dần bị vô hiệu hóa. Sự ham muốn thú vui và chiều chuộng thân xác quá đáng đẩy con người rơi dần vào si mê chính mình hay người khác, từ đó phát sinh những tật xấu về dâm ô.      

Ai cũng biết rằng, kẻ nào bị lửa ái tình chiếm đoạt thì trở thành nô lệ cho nó. Ngọn lửa đó không chỉ lấn át lý trí mà còn thiêu đốt các nguồn năng lượng khác trong con người. Cái đáng sợ của tật dâm dục lôi kéo theo nhiều hậu quả tai hại cho hành trình tâm linh: nó dẫn đến sự buông thả, phóng túng, khiến con tim lạnh lùng đối với những thực tại thần linh, không còn tha thiết gì với việc cầu nguyện và luyện tập các nhân đức, dần dần đứa đến sự bại liệt tâm hồn.

Dù không nhuốm vào những tật dâm dục đi nữa, nhưng ngày nào còn dễ hướng chiều về những thú vui vật chất, ham muốn sung sướng và hưởng thụ, ngày đó ta không thể vươn cao trong đời sống tinh thần. Những gì chỉ hướng đến thỏa mãn thân xác đều gây cản trở và bế tắc cho sự triển nở tâm hồn. Ơn gọi nên thánh mời gọi ta không chỉ ở mức độ chế ngự tư tưởng và hành động dâm ô, nhưng chủ yếu nhắm đến biến đổi con tim thanh tịnh. Ơn gọi nên thánh của mọi bậc sống đều hướng đến lan tỏa tình yêu chan hòa bằng sự hy sinh, trung thành, trong sáng, và vươn cao  trong nhân cách. Đó là điểm chung cũng là đỉnh cao của đức khiết tịnh trong hôn nhân cũng như trong bậc tu trì.

6. Con người lười biếng

Trên Thập giá, Đức Giêsu tuyên bố “hoàn tất” vì Ngài đã một đời làm việc cật lực theo thánh ý Cha, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Công việc của Ngài luôn nhằm vào sự cứu chuộc con người theo hoạch định của Thiên Chúa, chứ không theo sự ước tính khôn ngoan của loài người. “Mọi sự đã hoàn tất” nghĩa là đã ứng nghiệm tất cả những lời mà các ngôn sứ tiên báo trong Thánh Kinh, đặc biệt là hình ảnh người tôi tớ đau khổ (Is 53, 1-12). Như vậy, “Mọi sự đã hoàn tất” chỉ có trên Thập giá, nghĩa là trong đau khổ, trong hy sinh chính mình. Sẽ không tìm được “sự hoàn tất” ở bất cứ nơi nào khác.

Đức Giêsu là mẫu mực định hình cho phương cách làm việc và hoàn tất chính cuộc đời của mỗi chúng ta. Công việc nào cũng là công việc của Chúa chứ không của riêng ta. Chính Chúa đã khởi sự và tiến hành mọi công việc nơi ta. Điều còn lại, Ngài mong ta cũng hành động nương theo ân sủng để ăn khớp với tâm tình và hành động của Ngài trong mọi lúc.

        

“Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Không thể có một đức tin “ngồi chơi xơi nước”. Sinh viên, học sinh chỉ tin vào kiến thức của thầy thôi, mà không dùi mài kinh sử, thì dốt vẫn dốt. Bệnh nhân chỉ tin vào thầy thuốc thôi mà không uống thuốc theo toa thì chẳng bao giờ được chữa lành. Cũng vậy, kết quả cuối cùng không do người giảng hay người nghe chân lý, mà chỉ người nào thực thi chân lý mới đáng lãnh triều thiên vinh phúc. Tin vào Đức Kitô là phải nhiệt tình sống cuộc sống của Đức Kitô, và cũng phải chết cái chết của Đức Kitô (x. Rm 6, 4).

Những ai lười biếng là tự hủy hoại mọi khả năng và ân ban của mình. Phúc Âm đưa ra ba loại người lười biếng: Năm trinh nữ khờ dại (Mt 25, 1-12); Cây vả không sinh trái (Lc 13, 6-9); Nén bạc đem chôn (Lc 19, 16-25). Tất cả đều dẫn đến kết cục thảm hại. Vì thế, sự cảnh báo được lập lại 9 lần trong phúc âm Nhất lãm: “Hãy coi chừng!”. Con người có thể rất siêng năng ở một vài lãnh vực nào đó, nhưng lại rất lười biếng trong đời sống tâm hồn. “Coi chừng” sự lười biếng tâm hồn vẫn chưa đủ, còn phải kiện toàn đời sống toàn diện. Trong cuộc chiến chống lại tính lười biếng, từ ngữ quan trọng phải nằm lòng chính là “hoàn tất”.

Hoàn tất không xét theo hiệu quả của thế gian, nhưng xét theo cách thức ta chu toàn các bổn phận được trao phó và hoa trái thánh thiện được trổ sinh dồi dào. Hiệu quả cũng không phải dựa vào những công trình bên ngoài mình làm nên, nhưng phù hợp với ước muốn của Chúa. Một cuộc đời được xem là thành công không nhất thiết phải có thành tích; người gieo giống không nhất thiết phải là người gặt. Cũng vậy, không phải do địa vị, chức vụ hay tài năng mà kết quả công việc được mỹ mãn, nhưng là do ý hướng và tính cách thi hành nhiệm vụ. Thi hành nhiệm vụ cách lỏng lẻo, vô tổ chức, thiếu đạo đức, không chiều sâu, không tình yêu, thì chức vụ cũng bằng thừa.

Cuộc đời cũng giống như sân khấu, mỗi người đều có một vai diễn trong kịch bản. Tầm quan trọng không phải là sắm vai vua hay vai tớ, mà là khả năng diễn xuất độc đáo của nghệ sĩ. Tính cách diễn xuất chỉ hoàn tất thật hay khi lòng yêu mến thật sâu. Yêu mến phải là động lực cao nhất, mạnh nhất, thúc đẩy ta đón nhận và hoàn tất công việc mình. Không phải việc làm nào đó mới là quan trọng, nhưng lý do làm việc đó mới xác định tầm mức giá trị của nó. Không một công việc nào được kể là hoàn tất nếu không được thực hiện vì lòng mến Chúa, cho vinh quang Chúa (x. 1Cr 10, 31).

7. Con người hà tiện

Người hà tiện ham mê tích trữ và chiếm hữu mọi của cải. Nhưng càng chiếm hữu lại càng trơ trọi, càng ham mê lại càng bệ rạc, nhất là ham mê tiền bạc. Thánh Phaolô cho biết: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6, 10). Mọi cái trong đời chỉ là phương tiện, không phải mục đích. Ham muốn chiếm đoạt bất cứ cái gì, cũng sẽ bị xói mòn trong chán chường và thất vọng về điều đó. Chỉ có những ai ham muốn tìm kiếm Chúa và quảng đại trao ban mới đạt tới niềm vui đích thực.

Người ta hà tiện tưởng rằng những điều mình thu tích sẽ làm cho cuộc sống trở nên sung túc mọi bề, và nhờ đó vui hưởng hạnh phúc thỏa thuê. Thiên Chúa gọi người hà tiện là “Đồ ngốc!” (Lc 12, 20). Ngốc vì tưởng rằng tiền của làm nên tất cả, hóa ra lại mất tất cả: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 20).

Thường thì hạng người giàu hay giữ độc quyền về tội hà tiện, tuy nhiên thực tế, nhiều kẻ nghèo cũng thèm khát của cải chẳng kém người giàu. Của cải ở đây không chỉ là tài sản vật chất, nhưng còn là tài sản tri thức, tình cảm, danh giá… Ham muốn gom góp và chiếm hữu mọi cái cho riêng mình luôn là hành vi của kẻ hà tiện. Vì hà tiện, nên cách sống cũng bần tiện, không ngần ngại làm những điều ti tiện, đánh mất phẩm giá cao đẹp của con người mà Chúa đã trao ban.

Chẳng có gì mà ta không đón nhận từ lòng thương xót của Chúa. Toàn bộ đời sống ta đều là ân ban cách nhưng không. Do đó, nhân cách đích thực và chân chính của ta chỉ triển nở trong sự trao ban và chia sẻ mà thôi. Bất cứ  thái độ hà tiện nào cũng ít nhiều phá hủy chương trình quan phòng của Chúa và tạo ra bất công trong đời sống xã hội. Chẳng ai cũng chẳng có cộng đoàn nào có được bình an, tốt lành, thánh thiện, khi lòng người còn dính bén với tính tham lam, hà tiện, bủn xỉn.

Chỉ lòng tin thẳm sâu vào Chúa, ta mới có thái độ siêu thoát với mọi của cải, để đem lại an vui cho mình và tha nhân. Bớt đi những khao khát của cải phù vân, ta mới có thêm lòng khao khát Chúa. Chỉ có Ngài mới lấp đầy sự khao khát khôn cùng của tâm hồn ta. Mơ ước có được mọi của cải rồi cũng giống như giấc mộng Nam Kha: “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.

Điều ta cần gom góp không phải là vật chất của cải, nhưng là một tình yêu sung túc, tràn đầy; một tình yêu dâng hiến cho mọi người như Chúa đã dâng hiến cho chúng ta. Đó mới là của cải bất diệt và biến thành sự sống muôn đời mà chính Chúa Giêsu đã làm nên cho chúng ta nhờ hy tế thập giá của Ngài.

Lm. Thái Nguyên