Nhận biết Chúa Yêu Thương
Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
Phúc họa, là điều mà chúng ta từng chứng kiến ; nước chảy về nguồn, là điều chúng ta đã nghe ; làm tốt nên khen thưởng, làm sai phải khiển trách; cũng không lạ gì đối với người thời đại. Cha ông chúng ta thật phong phú hóa khi nói: con nhà lính, tính việc nhà quan, ý muốn nói hãy chăm chỉ việc hiện tại, lo chu toàn việc của mình, còn tương lai, chuyện người khác mình không thể hiểu, vì thế đừng quá ảo tưởng về suy xét của mình là hay là thượng sách.
Cũng nên nói rằng : không phải cứ chiến tranh loạn lạc là có đàn bà góa, đâu phải cứ phá rừng khai thác khoáng sản là nguyên nhân dẫn đến thiên tai lũ lụt, không phải cứ chết sớm chết trẻ là do bệnh tật mà ra ! Cái nguyên lý sinh tử, có khởi đầu, có kết thúc, không phải là chúng ta chưa nghe ; hãy nên tự hỏi chúng ta đã sống cái triết lý ở đời: khôn cho người ta vái, dại cho người ta thương như thế nào rồi ?
Chúa Giêsu hôm ấy gợi lại câu chuyện cũ rích thời Ông No-e, ấy vậy mà câu chuyện như đang sắp xảy đến với người Do thái. Chúa Giêsu nhắc tới “cái phúc” mà Tổ phụ No-e năm xưa nhận biết ý Chúa, ông đã chuẩn bị, đã kêu gọi mọi người thay đổi cách sống ; thật đáng tiếc, tình yêu thương của Thiên Chúa bị bỏ ngoài tai ! Hậu quả đau lòng xảy đến nơi những ai không tỉnh thức là điều rất có thể, Chúa Giêsu tất nhiên không muốn tai họa, không muốn lịch sử án phạt sẽ lập lại nơi người tội lỗi đang làm ngơ trước lời cảnh báo đầy tình yêu thương.
Một thế giới thiếu tình yêu thương là một thế giới ngập đầy hận thù tranh chấp ; một xã hội chỉ nghiêng về quyền lợi vật chất là một xã hội khập khiễng, trong đó người ta sẽ đánh mất ý nghĩa thiêng liêng “tứ hải giai huynh đệ”. Một gia đình không giữ được truyền thống đạo đức, hệ quả tất nhiên là trên bảo dưới không nghe, mạnh ai nấy sống. Một tâm hồn thiếu vắng bình an, là một tâm hồn không còn đủ sáng suốt để phận định thật giả, tốt xấu nữa, tức chỉ có tối tăm và sự chết. Một Kitô hữu thiếu vắng ơn Chúa, làm sao linh hồn ấy có thể nhận ra dấu chỉ yêu thương như Tổ Phụ No-e mà chuẩn bị, mà tỉnh thức sẵn sàng….
Vì không hiểu tại sao có phúc lộc có thảm họa xảy ra ở đời này, các thiện nam tín nữ đến hỏi Đức Phật, và họ được Đức Phật giải thích là : Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết, mà nguyên nhân là chính các ngươi lãnh cái “quả” do mình gây ra. Trong Nho giáo, Đức Khổng Tử lưu ý các học trò muốn là gì, thì trước hết đều phải tu thân, tề gia. Còn kinh nghiệm của cha ông chúng ta, muốn “công thành danh toại”, trước đó người ta phải “tu thân tích đức”. Trong Kitô giáo chúng ta, mọi tín hữu muốn hiểu và sống giới luật yêu thương, người ta trước hết phải có quyết tâm thực hành điều thiện và xa lánh điều xấu.
Người Trung Hoa có câu danh ngôn thế này : muốn an vui một ngày thì bạn hãy đi uống rượu. Muốn an vui một tuần thì bạn hãy nuôi chim. Muốn an vui một tháng thì bạn hãy cưới vợ. Muốn an vui trọn đời thì bạn hãy đi tu. Còn người Kitô hữu chúng ta, muốn niềm vui muôn thuở thì bạn đừng bao giờ sống xa Chúa, tất nhiên đó cũng là người luôn ở trong tư thế sẵn sàng, không hoang phí hiện tại mà cũng chẳng bán rẻ tương lai.
Trách nhiệm của người Kitô hữu chúng ta không phải là né tránh sự thật về sinh – lão – bệnh – tử, không phải là căn me thời thế, thế thời để được danh – lợi – thú, nhưng là hãy thực lòng chuẩn bị tâm hồn để có thể đứng vững trước mặt Con Người, khi Ngài đến.
Con Thiên Chúa đến lần thứ hai để làm gì ? Giáo lý cho biết là Ngài đến để trọng thưởng kẻ lành và hỏi tội kẻ xấu, thế mà dường như kẻ tội lỗi cũng như người thánh thiện đều khiếp sợ ! Tại sao lo sợ ? Vấn đề này tiền nhân chúng ta rất khách quan khi chia sẻ rằng : trong cuộc đời, người ta có 3 cái sợ thật vu vơ : sợ xấu, sợ là người vô dụng, sợ không còn được yêu thương. Cái chết tự nhiên, cái giờ Con Thiên Chúa đến là có thật. Thiên Chúa quyền năng, Ngài để một chút sợ hãi để chúng ta bớt tự mãn kiêu căng, Ngài để cho chúng ta có sự khôn ngoan vừa đủ, để chúng ta cần Chúa, để chúng ta hiểu thế nào là sức mạnh của thế gian và đâu là sức mạnh của Chúa. Vâng chính niềm tin sẽ mang lại bình an, nghiệm ra thời đại Chúa đến là thời đại hòa bình như tiên tri Isaia đã diễn tả : vào thời ấy, người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo mà rèn nên lưỡi hái. Nước này sẽ không còn tuốt gươm ra xông đánh nước kia. Mọi người sẽ chung sống với nhau trong hoà thuận và yêu thương. Sẽ không còn cái cảnh “mạnh được yếu thua”, người trên kẻ dưới, lúc đó tất cả chúng ta sẽ cùng chúc tụng Thiên Chúa là Cha.
Lm. Giuse Dương Đức Hưng, Gp. Xuân Lộc