Nhạc Giáng Sinh trong lòng người ngoại giáo

124

Trên thế giới hình như không có một lễ hội tôn giáo nào được “quốc tế hóa” như lễ Giáng Sinh. Ngay tại Việt Nam, không chỉ người Công giáo nao nức, hân hoan mừng đón Noel, mà có cả những người ngoài đạo. Giáng Sinh có khi đi vào lòng họ chỉ từ những bản nhạc bất hủ.

Cụ bà Phò, 80 tuổi, một cư dân Sài Gòn, ngụ trong con hẻm gần nhà thờ Chợ Quán kể rằng, vì sống trong khu của người Công giáo nên cứ mỗi Giáng Sinh, lại được nghe bài hát quen thuộc: “Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa…”. Là người ngoại giáo, nhưng nghe từ thuở nhỏ nên cụ thuộc lòng và hiểu cả câu chuyện Chúa Hài Ðồng sinh trong máng cỏ. Giờ đây đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ vẫn bảo: “Mỗi lần Giáng Sinh, tôi rất nôn nao khi nghe lại bản nhạc xưa. Và hình như năm nào nhà thờ cũng hát bài này ít nhứt một lần trong tháng 12”. Thật vậy, bản nhạc “Hang Bêlem” của cố nhạc sĩ Hải Linh đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt. Ca từ đơn giản, dễ hiểu và nguyên bài hát như một câu chuyện về sự giáng trần đơn sơ của Thiên Chúa.

Với không ít người, bài “Silent night” tạo ấn tượng thật đẹp về một tôn giáo như Công giáo. Ông Phạm Phúc Hải, 50 tuổi (Q3, TPHCM) hồi tưởng lại thời ở tuổi mới lớn, vẫn đi theo bạn bè vào dự thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ Vườn Xoài. Ông nói, mình theo đạo Phật và đi lễ chỉ là sự tò mò của tuổi nhỏ, vậy mà khi nghe ca đoàn hát, cảm nhận ca khúc thật êm đềm, như dòng suối nhạc chảy từ trên cao: “Sau này, tôi mới biết đó là bản ‘Ðêm thánh vô cùng’ dịch từ nhạc phẩm nước ngoài là ‘Silent night’. Cũng từ đó cứ đến Giáng Sinh, tôi lại lắng nghe bài này. Tuy không có đạo, tôi vẫn tổ chức ăn tiệc nửa đêm cùng gia đình, tìm mua đĩa nhạc Noel mà trong đó chắc chắn có bản ‘Silent night’…”.

Ðúng như ông Phúc Hải chia sẻ, bản “Silent night” hát lúc nửa đêm với một ban nhạc thánh thót hẳn không khác những tiếng hát của Thiên Thần. Cùng cảm xúc như ông, không ít người ngoại giáo biết và thích bản nhạc này. Bà Nguyễn Thị Tâm, 50 tuổi (Q5, TPHCM), ngoài bài “Silent night” còn rất thích bản “Cao cung lên” của linh mục Hoài Ðức và Nguyễn Khắc Xuyên, do ca sĩ Hoàng Oanh hát. Bà kể, có lần đến nhà người bạn Công giáo và nghe bài hát này từ một băng nhạc trong máy cassette, tự nhiên cảm thấy thật ấn tượng.

 

 

Những giai điệu nhẹ nhàng bay bổng của Giáng Sinh được hòa với sự sôi động vui tươi cũng dễ đi vào lòng người như bài Jingle bells. Anh Nguyễn Phước, 30 tuổi, người gốc Bình Ðịnh cho biết, mình sống trong gia đình theo đạo thờ ông bà, khi vào Sài Gòn học đại học, Giáng Sinh đầu tiên, anh nghe bản nhạc từ một máy hát của người hàng xóm: “…Chuông vang vang, chuông vang vang, chuông giáo đường ấm cúng…”. Ca từ kể về tiếng chuông giáo đường ngân vang đúng với bản sắc Việt Nam, một đất nước không có tuyết cũng như xe trượt tuyết. Thế rồi anh Phước bảo với một người bạn học đạo Công giáo rằng mình rất thích bài hát này, và người bạn ấy đã cho anh bản nhạc nguyên gốc, đó là bài “Jingle bells”.Từ ấy, cứ Giáng Sinh đến, tôi lại nôn nao hát bản ‘Jingle bells’ một mình, rồi tưởng tượng những đoàn người trên chiếc xe ngựa kéo trên tuyết với tiếng chuông leng keng thật vui tai: ‘Jingle bells, jingle bells, jingle all the way…’…”. Cứ vậy mà giai điệu ấy theo anh đến hôm nay và dường như anh Phước chưa bao giờ cảm thấy chán nhạc phẩm bất hủ này.

Nhạc Giáng Sinh Việt không thiếu những giai điệu vui tươi cuốn hút tâm hồn bao thế hệ người ngoại giáo. Trong ký ức của bà Trần Thị Thành, 62 tuổi, vẫn không quên một buổi chiều trong năm 1974, đi học về ghé nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Ðồng chơi, và bà như “đứng hình” khi nghe tiếng hát như từ trên cao: “Ðêm nay tầng xanh vương hương dịu dàng, ngàn tinh tú lấp lành hào quang. Ðêm nay trần gian chuông reo tưng bừng, nhạc vươn lên gió mây vang lừng. (Kính keng kòng keng kính keng kòng keng). Thiên thần bay đi chúc lành… Sáng danh Thiên Chúa trên Trời, bình an dưới thế cho người lòng ngay…”. Ca từ và giai điệu du dương như đưa bà vào cõi thiên đường như lời trong giai điệu: “…Ta nhìn ngắm đê mê, ta quên cả lối về…”. Bà Thành khẳng định, dù bao năm trôi qua, đây vẫn là bản nhạc bà yêu thích nhất. Một lần vào nhà sách Ðức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nghe bài hát này, bà không ngần ngại hỏi tên đĩa nhạc và mua ngay. “Cứ gần Giáng Sinh, tôi lại mở đĩa cùng thưởng thức bản nhạc kỷ niệm ấy chung với những tuyệt phẩm Noel khác”, bà cho hay.

 

Còn bà Lê Thị Ngọc Hân, 61 tuổi (Q6, TPHCM), cũng không quên thời điểm hơn 40 năm về trước, có người bạn rủ đến nhà thờ nghe trình diễn nhạc phẩm trong đêm Giáng Sinh. Sau một số bản nhạc quen thuộc, chợt người dẫn chương trình giới thiệu: “Chú bé đánh trống…”. Mọi người chen lên tìm chú bé đánh trống. Không ngờ đó là tên một bản nhạc kể về một chú bé đến thăm Chúa Hài Ðồng, không có gì ngoài một chiếc trống và “tay nghề gõ trống” vụng về của chú. Thế nhưng Chúa Hài Ðồng vẫn chấp nhận. Bà Hân vẫn nhớ khi ấy, đoàn hợp xướng hát có kèm theo tiếng trống vụng về xen kẽ thật linh hoạt và dễ thương: “Người ơi đến nhé pa rum pum pum pum, để cùng coi Chúa giáng thế pa rum pump um pum. Quà tặng đâu xin mang theo pa rum pum pum pum…”. Sau này, bà rất vui khi được nghe và hát lời bằng tiếng Anh của bản nhạc này. Là cô giáo dạy Anh văn, cứ gần đến Giáng Sinh, bà lại tập cho học sinh của mình ca khúc lừng danh với nội dung cảm động này. Chỉ một buổi theo bạn vào nhà thờ, nghe nhạc Giáng Sinh mà một người ngoại giáo như bà Hân, đã yêu và phổ biến bản nhạc này với bao thế hệ học trò.

NGUYỄN NGỌC HÀ