Nhà thờ Đức Bà bị ngọn lửa đốt cháy tạo nên một lỗ hổng trong tâm hồn chúng ta, nhưng không thể phá hủy niềm tin của chúng ta.

337

Sự hoài nghi và cú sốc đang tạo nên sự hiệp nhất những người công giáo và dân tộc Pháp.

Không có nhiều từ để tổng hợp những cảm xúc của người công giáo và cả những người lương dân, khi nhìn ngọn lửa đang càn quét qua các mái nhà của Vương cung Thánh đường Đức Bà Paris, hay còn gọi là Nhà thờ Đức Bà. Đám đông tụ tập trong im lặng nhìn vào đám cháy trong sự hoài nghi, cầu nguyện và với hy vọng rằng các nhân viên cứu hỏa có thể kiểm soát được ngọn lửa trước khi phá hủy một trong những bảo vật quý nhất của nước Pháp.

Nhà thờ Đức Bà uy nghi đứng dọc theo bờ sông Seine, không chỉ là biểu tượng của Paris mà còn là nơi ẩn náu cho nhiều người dân; là nơi tổ chức thánh lễ và hỗ trợ cho những biến cố lớn trong suốt cuộc tấn công khủng bố năm 2015. Và bây giờ khi chứng kiến ngọn lửa ập đến, biết bao giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt buồn rượi của những người đang tụ tập, bất chấp đức tin của họ.

Cú sốc của ngọn lửa thật sâu đậm, có lẽ vì đã từ lâu chúng ta đã dành cho nhà thờ này sự ngưỡng mộ lớn lao. Một công trình 850 tuổi đang sụp đổ trước mắt chúng ta, vào lúc mà công việc trùng tu lớn chỉ mới được bắt đầu. Một cấu trúc vững chắc như nói lên sức mạnh của nhiều người công giáo Pháp, một nhà thờ còn sống sót sau các vụ đánh bom, lũ lụt và các âm mưu khủng bố khác trong nhiều thế kỷ nay đã bị khuất phục bởi ngọn lửa.

Nhà thờ Đức Bà được xây dựng trên vị trí của một nhà thờ cũ với kiến trúc Roman, theo lệnh của Giám mục Paris, Maurice Sully, để đáp lại mong muốn của vua Louis VII coi Paris là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Pháp. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1345. Việc tòa nhà hoàn tất cho thấy giá trị của sự cống hiến và quan tâm đến từng chi tiết của gần 200 năm vẫn phải trải qua những sửa đổi trong các thế kỷ tiếp theo để phản ánh tình cảnh chính trị và tôn giáo thời đó. Một số bộ phận của Nhà thờ đã bị thay đổi vì nhiều lý do rất thực tế: các cửa sổ làm bằng kính màu thế kỷ 12 và 13 được thay thế để có thêm ánh sáng, tháp nhọn ban đầu bị gỡ xuống vì gió gây thiệt hại.

Nhà thờ Đức Bà không chỉ trải qua những thay đổi về thể chất, mà trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1793, Thánh đường bị mạo phạm và nhường chỗ cho tôn giáo Sùng bái Lý trí, tiếp sau là Sùng bái Thượng đế (hình thức của các giáo phái duy lý), nhiều cổ vật lịch sử và kho báu bị phá hủy hoặc cướp bóc. Tượng Đức Mẹ đồng trinh cũng bị thay thế bởi Nữ thần Tự do trên một số bàn thờ trong một khoảng thời gian. Cuối cùng, dưới thời cai trị của Napoléon Bonaparte, năm 1802, Nhà thờ đã được trả lại cho Giáo hội Công giáo. Mặc dù Nhà thờ được sử dụng vào thế kỷ 19, nhưng nó đã bị hư hại nặng nề. Năm 1844, nhờ vào tác phẩm nổi tiếng “thằng gù nhà thờ Đức Bà” của văn hào Victor Hugo, Nhà thờ được chú ý và Vua Louis Philippe đã ra lệnh trùng tu. Việc trùng tu bao gồm bổ sung một ngọn tháp mới, cao hơn và trau chuốt hơn so với bản gốc. Ngọn tháp ấy vừa sụp đổ trước 8 giờ tối nay, giờ Paris.

Đặc biệt vào đêm nay, bao nhiêu cảm xúc dâng trào khi nhiều người tưởng nhớ lại những khoảnh khắc kỷ niệm và đau buồn của ngôi Thánh đường – vào ngày 26/8/1944, nơi này đã diễn ra thánh lễ đặc biệt mừng ngày giải phóng Paris khỏi sự chiếm đóng của quân Đức trong thế chiến thứ II, với sự hiện diện của hai vị tướng là Charles de Gaulle và Philippe Leclerc. Có vẻ quá sức tưởng tượng khi chứng kiến một công trình như thế đã từng ngâm mình trong lịch sử, đức tin và văn hóa nay đang rực cháy. Cảm giác này được lặp lại trong dòng tweet của tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Nhà thờ Đức Bà đang bốc cháy. Tôi xin chia sẻ với tất cả người Công giáo và tất cả người dân Pháp. Cũng như tất cả đồng bào của chúng ta, tối nay tôi rất buồn khi thấy một phần của chúng ta đang chìm trong biển lửa”.

Đức ông Olivier Ribadeau Dumas, phát ngôn viên của HĐGM Pháp nói rằng Nhà thờ là một biểu tượng của đất nước, nó mang đến niềm an ủi cho rất nhiều người trên thế giới, hơn 50.000 khách hành hương đến viếng thăm mỗi ngày. Nhiều tín hữu công giáo lo âu muốn biết các thánh tích quý giá nhất của Nhà thờ đang ở đâu : một mảnh Thánh giá thật của Chúa Giêsu và Mão gai được lưu trữ trong nhà thờ do Vua Louis IX đưa về Pháp từ Đế quốc Byzantine năm 1238. Rất may khi đám đông sơ tán khỏi Nhà thờ, những bảo vật quý báu này cũng đã được di chuyển đến nơi an toàn. Cha Frederic cho biết, ngài hy vọng rằng những bảo vật này sẽ được đưa về lại với nhà thờ sớm hết sức có thể.

Khi ngọn lửa này tạo nên một lỗ hổng trong trái tim chúng ta, chúng ta phải nhìn vào lịch sử của Nhà thờ một lần nữa. Chúng ta biết rằng chúng ta có thể khôi phục lại ngôi Nhà thờ đầy ấn tượng này về lại thời huy hoàng thực sự trước đây của nó nhờ vào sự cống hiến hiệp nhất của một dân tộc. Và chỉ cần nghĩ đến sức mạnh của tòa nhà biểu tượng này, thật không thể tin được khi một ngôi Nhà thờ đang cháy có thể đem lại hàng triệu nỗi buồn cho một đất nước nổi tiếng với lập trường thế tục của mình.

Cuối cùng, khi mặt trời lặn và ngọn lửa mất đi sự ảnh hưởng của nó, thì đừng quên, chúng ta đang hướng đến ngày Chúa nhật Phục Sinh, và chúng ta là những người may mắn bước vào một giai đoạn hy vọng và vui mừng. Chúng ta có cơ hội đến với nhau để tiếp tục xây dựng đức tin và Nhà thờ yêu dấu của chúng ta một lần nữa.

Cerith Gardiner

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng