“Vụ nổ Big Bang không mâu thuẫn với đức tin”, Cha Jose Gabriel Funes cho biết trong một thông cáo ngày 2-2 về cuộc triển lãm của Vatican gồm có các hình ảnh, công cụ nghiên cứu và khoáng chất từ Mặt Trăng và Sao Hoả.
Cuộc triển lãm có tựa đề “Những câu chuyện từ một thế giới khác: Vũ trụ bên trong và bên ngoài chúng ta”, sẽ được trưng bày từ ngày 10-3 đến 1-7 tại Pisa, nơi sinh của Galileo, cha đẻ của ngành thiên văn học hiện đại.
Cha Funes nói với CNA về sự kiện này rằng sự giải thích về Big Bang “là lý thuyết tốt nhất chúng ta có hiện nay về việc tạo thành vũ trụ”. Lý thuyết này cho rằng sự sáng tạo bắt đầu cách đây khoảng 14 tỷ năm với một vụ nổ khổng lồ mà từ đó không gian, thời gian, năng lượng và vật chất được tạo ra, và các thiên hà, các ngôi sao và hành tinh – vẫn còn tiếp tục mở rộng – được thành hình.
“Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo”, cha nói thêm, “Người là người Cha trọn hảo, Đấng có một kế hoạch quan phòng cho chúng ta, mà chúng ta là con cái Ngài, và mọi thứ chúng ta có thể tìm hiểu bằng cách lý luận về nguồn gốc của vũ trụ thì không mâu thuẫn với thông điệp tôn giáo trong Kinh Thánh”.
Cha Funes nói rằng với tư các là một nhà thiên văn học và là một người Công giáo, cha mở ngỏ cho việc giải thích về việc hình thành vũ trụ, mặc dù “có một số nghi vấn chưa có câu trả lời”. Chẳng hạn – Cha lưu ý – trong khi không có bằng chứng nào về sự sống thông minh khác trong vũ trụ, “chúng ta không thể loại trừ việc đó”, vì các nghiên cứu cho thấy có gần 700 hành tinh theo quỹ đạo các ngôi sao khác.
“Nếu trong tương lai xác minh được có sự sống, đặc biệt là sự sống thông minh, tồn tại (ngoài hành tinh), điều mà tôi nghĩ sẽ rất khó xảy ra, thì tôi không nghĩ điều này mâu thuẫn với thông điệp tôn giáo về việc tạo dựng vũ trụ, bởi vì những cuộc sống (ngoài hành tinh) đó cũng sẽ là thụ tạo của Thiên Chúa” – Cha nói. Cuối cùng, những người Công giáo “sẽ thấy vũ trụ như một món quà của Thiên Chúa” và chúng ta nên “chiêm ngưỡng vẻ đẹp tồn tại trong vũ trụ”.
“Vẻ đẹp mà chúng ta thấy bằng một cách nào đó sẽ dẫn chúng ta đến vẻ đẹp của Đấng Sáng Tạo”, Cha nói. “Và cũng thế, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự thông minh và óc lý luận, chúng ta có thể tìm thấy các biểu tượng, mà sự giải thích hợp lý về những hiện hữu trong vũ trụ cho phép chúng ta dấn thân nghiên cứu khoa học một cách chính đáng”.
Sự quan tâm chính thức của Giáo Hội về thiên văn học có từ thế kỷ 16. Việc Đức Giáo hoàng Leo XIII quyết định xây dựng một cách chính thức Đài Thiên văn Vatican, vào năm 1891, cho thấy Giáo Hội không chống lại sự phát triển của khoa học, nhưng tích cực ủng hộ nó. Kể từ đó, Đài Thiên văn Vatican đã hoạt động bên ngoài thành Castel Gandolfo và sử dụng một kính thiên văn đặt tại Tuscon, bang Arizona của Hoa Kỳ, dành cho việc nghiên cứu.
Mai Trang