HOẠT ĐỘNG Khiếm Thị Nhà mù Bừng Sáng: Ánh sáng nơi đâu?

Nhà mù Bừng Sáng: Ánh sáng nơi đâu?

Nhà mù Bừng Sáng: Ánh sáng nơi đâu?

VRNs (16.08.2012) – Sài Gòn – Ngày 15.07 vừa qua, Christine Hà, cô gái Mỹ gốc Việt đến từ Houston (Texas) đã vượt qua khoảng 30.000 người sáng mắt để lọt vào top 36 thí sinh dự chung kết cuộc thi truyền hình nổi tiếng MasterChef tại Mỹ. Cô gái này mắc một chứng bệnh về thần kinh, bắt đầu giảm thị lực từ năm 19 tuổi và bị mù hoàn toàn vào năm 27 tuổi. Hà đã làm lay động bao trái tim của khán giả khi thể hiện niềm đam mê nấu nướng cháy bỏng của mình với đôi mắt hầu như không nhìn thấy gì. Thiếu ánh sáng từ đôi mắt, Hà lấy ánh sáng từ trái tim.
50 em khiếm thị tại mái ấm Bừng Sáng sẽ phải làm gì để hội nhập và còn vươn lên hơn nữa với những người bình thường trong một xã hội còn quá nhiều phân biệt đối xử và khắc nghiệt với người khiếm thị?

Mái ấm của tình thương
Chị Hạnh, 24 tuổi, dáng người gầy ốm nhưng nói chuyện vui vẻ và thân thiện, chị bị khiếm thị do một tai nạn. Chị Hạnh dẫn chúng tôi quẹo vào một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10, Sài Gòn (266/5 Nguyễn Tri Phương, P.4, Q.10). Trước mắt chúng tôi hiện lên một căn nhà nhỏ hẹp, khoảng 25 m2 và có một căn gác nhỏ. Dân chung quanh quen gọi là “nhà mù”.

Mái ấm đang chăm sóc và nuôi dưỡng 50 em nhỏ. Mái ấm Bừng Sáng do thầy giáo khiếm thị Đào Khánh Trường sáng lập. Ông bị khiếm thị từ nhỏ do hậu quả của căn bệnh đầu mùa. Đồng cảm với những người khiếm thị, đặc biệt là các em thiếu nhi, năm 1977, thầy Trường nhận các em khiếm thị về nuôi. Đến ngày 16.09.1986, mái ấm Bừng Sáng chính thức thành lập. Cơ sở hoạt động đến nay đã được 25 năm.
Thầy Trường là giáo sư Âm Nhạc trường Khiếm Thị, cũng như các em, đôi mắt của thầy không thấy gì ngoài một màu đen. Để duy trì ngôi trường này miễn phí cho các em, thầy đã đi dạy và làm việc vất vả để có nguồn kinh phí ổn định cho nơi này. Cơ sở là một căn nhà chật hẹp, nằm trong con hẻm nhỏ, đang có 43 em khiếm thị sống ở đây, được giáo dục bởi người những người thầy khiếm thị. Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng thiện nguyện viên trong và ngoài nước.
Đến nay, trường Bừng Sáng đã xây dựng xong cơ sở 2 khang trang hơn ở gần ngay cơ sở 1 và có đầy đủ nhạc cụ, máy vi tính và những máy móc, phần mềm tin học dành riêng cho các bạn khiếm thị.
Từ khi thầy Trường mất, sơ Nguyễn Thị Hoàng, (điện thoại: 0909681611), Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, đảm nhận công việc Chủ Nhiệm của trung tâm. Sơ Hoàng chia sẻ: “Lúc thầy Trường sinh thời, sơ và công đoàn thường xuyên lui tới thăm hỏi chia sẻ và giúp sức. Sau khi Thầy Trường mất, vì thương các em nhỏ không ai lo chăm sóc, nên sơ Hoàng xin chuyển về điều hành công việc, chăm lo cho các em về mặt tinh thần, giáo dục kiến thức, giúp các em tự tin vào bản thân, khuyến khích các em học tập nếu cám em ham muốn đi học, còn các em khác tùy vào khả năng sơ dạy làm đồ thủ công, bên cạnh đó còn có các bạn sinh viên, những nhà hảo tâm và các bạn đã rời mái trường trở về giúp duy trì và phát triển ngôi trường.”

Khó khăn không làm vơi ý chí
Những trẻ em nơi đây được sơ Hằng và sơ Hoa chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ. Còn cô Loan, quê ở Tây Ninh, phụ trách công việc bếp núc cho các em.
Ban đầu còn khó khăn nhưng sau thời gian được các sơ chăm sóc, dạy dỗ và rèn luyện thói quen nên các em có thể thích nghi với cuộc sống thường ngày phần nào. Chị Hạnh tự hào cho biết: “Các bạn có thể tự nấu cơm bằng nồi cơm điện, nấu những món chiên xào đơn giản bằng bếp điện.”
Anh Hòa, 31 tuổi, sống tại mái ấm hơn 20 năm. Anh đang giảng dạy tin học cho các em. Anh kể về chính mình: “Khi mới tiếp cận với bất cứ công việc gì thì cũng khó khăn, nhưng dần dần quen rồi thì thấy mọi việc cũng bình thường. Tôi đã được Thầy Trường đón nhận và dạy dỗ, bây giờ tôi cũng phải dạy lại cho các em bằng chính những kinh nghiệm tôi anh có được”.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với người khiếm thị chính là vấn đề học hành và đi lại. Mỗi lần các bạn muốn đi đâu thường phải nhờ người chở, hoặc phải có người dắt đi. Gần “nhà mù” có một vài công trình đang xây dựng và sửa chữa, nên việc di chuyển bất tiện và nguy hiểm. Chị Hạnh, khi đi cùng chúng tôi, không chú ý nên va phải các song sắt và cây gỗ từ một trong những công trình này.
Một số em được học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, trường học dành riêng cho người khiếm thị, và một số thì được học tại các trường hòa nhập. Ngoài ra, sơ Hoa, các em nhỏ hay gọi sơ là “cô giáo Bông” đến tận nhà giảng dạy chữ Braille (loại chữ nổi dành cho người mù) và dạy toán cho các em. Đôi khi, các em học bằng cách thâu âm và sau đó về nghe lại những đoạn âm thanh đã thâu được. Ngoài ra, học tin học, học đánh đàn, học nghề… và những thứ khác đều trở nên khó khăn với các em.


Các giảng viên ở trung tâm Bừng Sáng cũng chính là những thành viên trong mái ấm này. Những người được đi học và về hướng dẫn lại cho nhau, chẳng hạn như thầy Phú, thầy Huyến dạy nhạc… Bên cạnh đó, các bạn còn được học nghề massage, học cách kết cườm, làm hoa, làm móc chìa khoá, đan giỏ… Sau khi học xong các lớp phổ thông thì các em còn được học tiếp lên đại học và cao đẳng.
Vào thời gian rảnh, chị Hạnh cho biết những trẻ em hay kiếm công việc làm thêm, chẳng hạn như massage, công việc thủ công, kết cườm, làm hoa, móc chìa khoá, làm giỏ. Khi chúng tôi hỏi các em làm việc này như thế nào khi không nhìn thấy ánh sáng, chị trả lời: “Các em vận dụng những giác quan khác và luyện tập nhiều lần để làm công việc này. Thí dụ như việc kết cườm, các em dựa vào cảm giác để phân biệt những hạt cườm theo kích thước to nhỏ khác nhau trong các hộp riêng biệt. Còn massage thì đi học ở trung tâm và làm theo hướng dẫn của thầy, tiền công là khoảng 15.000đ/tiếng.”
Nhờ những công việc ấy mà các bạn có thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân cũng như để phụ giúp với mái ấm trong việc lo cho các em nhỏ.
Tuy nhiên, công việc massage cũng có nhiều bất trắc. Chị Hạnh kể, có một chị bị khiếm thị từ thuở nhỏ, khách hàng gọi đến nhà để massage cho khách và cuối cùng là bị khách cưỡng hiếp. “Cơ sở bên mình thì nữ làm cho nữ, nam làm cho nam. Những cơ sở khác thì không quan trọng điều này”.

Luôn có niềm hy vọng
Thời gian đầu khi mới vào ngôi nhà nhỏ bé này, các em đều mặc cảm với chính mình và xa lánh mọi người xung quanh. Các em nhỏ luôn luôn có cảm giác là mình bị bố mẹ bỏ rơi, Bé Vi 9 tuổi khiếm thị do di truyền vừa khóc vừa nói: “Sao mẹ lại quên em, có phải mẹ đã bỏ em rồi không chị, tại em bị mù phải không chị, tại em không giúp được gì cho mẹ phải không chị, tại em không ngoan phải không chị, tại em, tại em… ”. Hầu như các em nhỏ ở đây đều cảm thấy mình đã bị mất tình thương yêu của những người thân trong gia đình.


Theo thời gian, khi đã thích nghi được với mọi thứ thì nỗi buồn vơi đi, những niềm vui đã bắt đầu nhen nhóm trong tâm trí các em lúc này đã bừng sáng, các em cố gắng rất nhiều trong việc học hành, giao tiếp, vui chơi, thân thiện với mọi người. Anh Hòa 31 tuổi vui vẻ chia sẻ: “Cũng bình thường thôi, mọi việc đã trở thành thói quen”.

Niềm vui khiến các em nhiệt tình hơn, hăng say với các công việc hơn, trong các hoạt động giải trí ngoài công viên, tại các nhà thờ. Chúng tôi được nghe bé Đức kể chuyện diễn cảm, nghe bé Khang đàn một vài bài nhạc ưa thích và được bé Vy chia sẻ về ước mơ trở thành cô giáo giống như sơ Hoa, “cô giáo Bông”.
Trên thế giới có khoảng 161 triệu người mù lòa, trong đó có 124 triệu người khiếm thị (người vẫn còn nhìn thấy được, nhưng thị lực rất yếu, dưới mức 3/10) và 37 triệu người mù (người hoàn toàn không nhìn thấy gì) (theo thông kê vào năm 2002). Cứ 5 giây trôi qua lại có thêm một người bị mù và cứ một phút trôi qua lại có một đứa trẻ vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Hàng năm cả thế giới phải tiêu tốn hơn 42 tỷ đôla Mỹ cho việc chữa trị các bệnh về mắt.
Theo khảo sát của RNIB trên những người khiếm thị về tuổi khởi phát bệnh, thì khoảng 75% trong số các bệnh gây mù có thể tránh được bằng các phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa. Thống kê riêng ở Anh về tuổi khởi phát bệnh mù lòa cho thấy 31% người trả lời nói rằng bắt đầu mắc bệnh khi còn ở độ tuổi lao động (từ 17 đến 59 tuổi), nhưng 56% cho rằng bệnh khởi phát từ khi 60 tuổi trở về sau. Chỉ có 8% bắt đầu bị bệnh khi mới dưới 16 tuổi.
Riêng ở Việt Nam hiện nay có khoảng 900.000 người (1,2% dân số) bị khiếm thị, 5,1 triệu người có khuyết tật về mắt. Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khuyết tật về mắt là bị khiếm thị từ thuở nhỏ và do tai nạn.
Chẳng hiểu sao, tôi chợt nhớ đến sơ Hoàng, sơ Hằng, sơ Hoa với dáng người bé nhỏ nhưng yêu Chúa và thương các em vô vàn…
Những em ở mái ấm Bừng Sáng và những em khiếm thị ở các nơi khác luôn xứng đáng được hưởng một tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Ánh sáng, phải chăng ở chính ước mơ của các em, sự hy sinh phục vụ của các sơ, lòng nhiệt huyết của những người thầy và ở ngay mỗi người trong chúng ta?

Teresa Đinh Trần Hoàng Vi – Anna Nguyễn Thị Thanh Xuân
Maria Đặng Thị Kim Huệ – Teresa Trần Ngọc Bích

Exit mobile version