“Biến cố Giêsu” đã để lại một ấn tượng lớn trong Giáo Hội thời kỳ đầu. Qua lời rao giảng và các việc làm của các Tông Đồ, người ta bắt đầu tin vào Đức Giêsu như là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Giáo Hội nhanh chóng lan rộng. Niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu dành cho Đức Giêsu cũng dần dần thấm vào đời sống của các tín hữu. Bởi thế, khi đối diện với cuộc bách hại kinh khủng, nhiều người vẫn sẵn sàng chịu chết, lấy máu mình làm của lễ dâng lên Chúa, chứ nhất quyết không chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu. Thậm chí, người ta còn vui mừng khi chịu chết vì danh Chúa. Họ xem đó là một vinh dự vì được kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Có thể nói, đối với họ, cuộc đời này chẳng còn mong chờ gì hơn, ngoài việc quy hướng tất cả về Chúa, chờ đợi Người sẽ đến và kiện toàn Nước Trời như lời Người đã nói.
Khi cuộc bách hại qua đi với chiếu chỉ của Constantine vào năm 313, các Kitô hữu được tự do sống niềm tin của mình. Đây là một dấu hiệu tốt, nhưng cũng để lại một cuộc khủng hoảng trong lòng những ai muốn hiến dâng tất cả, kể cả mạng sống mình, cho Chúa. Không còn những bắt bớ cũng đồng nghĩa với việc không còn cơ hội để kết hiệp với Đức Kitô chịu khổ nạn. Các tín hữu bắt đầu tìm những cách khác để thể hiện khao khát muốn hiến thân. Trong một vài tài liệu cổ, người ta nhận thấy vào những thế kỷ đầu, đã có những nghi thức thánh hiến trinh nữ. Đó là những người phụ nữ không muốn lập gia đình như bao phụ nữ khác theo phong tục tập quán lúc bấy giờ. Họ muốn dành chọn cuộc đời như một của lễ dâng lên Chúa.
Lúc này, có một xu hướng “chê ghét” thế gian. Nhiều người xem “thế gian”, tức xã hội mà trong đó người ta sinh sống, là chốn ồn ào, xô bồ, nơi giao tranh của những điều phàm tục, xấu xa. Bởi thế, họ cho rằng thế gian là nơi dành cho những con người có đời sống thiêng liêng thấp, nơi hoạt động của ma quỷ, lôi kéo người ta đến những điều nhơ nhuốc. Để gặp được Thiên Chúa, người ta cho rằng phải tìm đến những nơi thanh tịnh. Từ đó, có một xu hướng đi vào rừng sâu, sa mạc, tìm đến những nơi thanh vắng với hy vọng có thể tìm gặp được Chúa trong sự bỏ mình, phạt xác. Mỗi người tự tìm cho mình một góc riêng. Ăn uống đạm bạc, không ăn mặc cầu kỳ. Dành phần lớn thời gian trong ngày để cầu nguyện, giữ tâm hồn thinh lặng tuyệt đối. Ta được biết đến câu chuyện của thánh Anton Tu Rừng, người đã có những cuộc chiến với ma quỷ khi chúng muốn cám dỗ ngài bỏ cuộc.
Cứ thế, làn sóng kéo vào sa mạc để tu trì ngày càng gia tăng. Sa mạc vốn là ơn yên tĩnh, nay lại trở nên nơi ồn ào vì có quá nhiều người kéo đến để tu. Các tu sĩ lại khăn gói lên đường, tìm một nơi khác để sinh sống và tu. Bên cạnh đó, do nhu cầu về sinh tồn và an toàn, một số người đã liên đới với nhau, giúp đỡ nhau, đặc biệt là những trinh nữ. Họ sống với nhau trong một khoảng không gian, phân chia nhau những phận vụ. Khi người này cầu nguyện thì người kia đi kiếm thức ăn, hoặc ngược lại. Khi có thời gian rảnh rỗi, họ có thể chia sẻ với nhau những tâm tình hay những điều đã nhận được từ giờ cầu nguyện để nâng đỡ nhau. Chính Pacom, vào khoảng thế kỷ thứ 4 ở Ai Cập, sau bảy năm thụ huấn với Palemon, đã nhận thấy việc sống một mình không giúp ông tăng trưởng nhân đức. Vì thế, ông đã tách ra và khởi xướng một hình thức sống chung. Dần dần, hình thức này trở nên phổ biến. Đời sống ẩn tu (mỗi người một góc) dần dần được thay thế bởi hình thức cộng tu (nhiều người sống với nhau).
Hình thức cộng tu cũng theo thời gian có sự biến đổi, đặc biệt khi số lượng người muốn cộng tu gia tăng. Ngoài ra, do có nhiều tu sĩ có tiếng tăm về đạo hạnh và sự khôn ngoan, nhiều giáo dân cũng tìm đến với họ để xin theo, hoặc chỉ để tìm kiếm những lời khuyên trong cuộc sống, hoặc nhờ vị này cầu nguyện với Chúa giúp mình. Số lượng người hành hương cũng rất đông. Và để khỏi phải mất công đi xa, họ quyết định chọn một nơi nào đó gần nơi cư trú của vị tu sĩ để dễ gặp gỡ, trao đổi. Thế là, có một quần thể đông đúc người dân sinh sống, vây quanh khu vực của các tu sĩ. Các tu sĩ không thể cứ chuyển chỗ, nhưng cũng không thể để đời sống của mình bị ảnh hưởng bởi những người dân. Họ quyết định xây nhà, với tường rào và những cánh cổng kín đáo. Họ chọn một người cao niên, có đức độ làm người đứng đầu. Họ bắt đầu viết lề luật trong nhà: giờ đọc kinh, giờ cầu nguyện, giờ mở cửa gặp gỡ… Trong khuôn viên kín đáo ấy, các tu sĩ tự cày cấy, chăn nuôi để chu cấp nguồn thức ăn cho mình. Khi được mùa, họ chia sẻ những phần còn dư cho những người chung quanh. Đây chính là hình thức đầu tiên của kiểu sống đan viện, còn kéo dài cho đến tận ngày nay. Chính thánh Biển Đức là tổ phụ của đời sống đan tu này.
Thời gian trôi qua, các kiểu đan viện như thế này xuất hiện càng nhiều. Các tu sĩ vẫn giữ thói quen thinh lặng, cầu nguyện và lao động, gặp gỡ Chúa trong những bổn phận thường ngày và trong lối sống đơn sơ, thanh thoát, không cạnh tranh với đời. Viện Phụ được xem như người cha trong đan viện, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho từng tu sĩ. Tất cả đều phải tuân theo lề luật vì lề luật giúp bảo vệ tu sĩ khỏi những sa ngã. Người ta cho rằng đan viện chính là Thiên Đường, nơi Thiên Chúa ngự trị, còn cuộc sống bên ngoài chẳng khác gì hoả ngục, vì đó là nơi hoành hành của các nết xấu. Ai muốn dâng hình cho Chúa, không cần phải tử đạo như trước, nhưng có thể từ bỏ mọi sự, sống hãm mình và hy sinh trong đan viện. Đó cũng là một kiểu tử đạo, một kiểu biến mình làm của lễ dâng lên Chúa.
Tuy nhiên, dần dần, lối sống ngày phát sinh một vấn đề liên quan đến căn tính đời tu: đi tu chỉ để lo cho đời sống của mình thôi sao, có nhất thiết phải trốn đời mới đi tu? Hay nói cách khác, đâu là tương quan giữa đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ; làm sao để có thể vừa gặp Chúa, vừa gặp người ta? Những bức tường kín cổng của đan viện dường như ngăn cản các đan sĩ gặp gỡ người dân để nâng đỡ họ. Bên trong đan viện thì trù phú, nhưng bên ngoài đan viện là những con người đói khát, không có chút thức ăn. Nhưng nếu các đan sĩ cứ ra ngoài để làm việc tông đồ thì làm sao có thể chu toàn những bổn phận về các giờ kinh, giờ cầu nguyện nghiêm ngặt?
Khoảng thế kỷ thứ 12,13, Giáo Hội rơi vào thời gian đêm tối, cái mà người ta vẫn gọi là “đêm trường Trung Cổ”. Hàng Giáo sĩ ăn chơi, sa đoạ, sống truỵ lạc, chẳng màng gì đến đời sống đức tin. Linh mục không chăm lo cho đời sống thiêng liêng của giáo dân. Nhiều người trong số đó cũng thất học, chẳng hiểu gì về đức tin. Giáo dân thì noi gương các giáo sĩ. Chỉ giữ đạo theo kiểu mê tín, chứ hoàn toàn không có chút kiến thức nào về những điều mình tin. Đời sống đan viện dường như không thể cáng đáng nỗi sự sa đoạ trong Giáo Hội lúc bấy giờ.
Nhưng Chúa đã an bài mọi sự. Ngay giữa đêm tối ấy, xuất hiện trong Giáo Hội hai vị đại thánh là thánh Phanxico Assisi (1181-1226) và thánh Đa Minh (1170-1221). Hai vị này đã lập nên hai dòng mang tên mình, với hai linh đạo khác nhau. Thánh Phanxico Assisi đã dùng sự khó nghèo làm trụ đỡ cho đời sống thiêng liêng. Còn thánh Đa Minh thì dùng phương pháp giảng thuyết để giúp củng cố đức tin cho các tín hữu. Cả hai đều có chung lý tưởng xây dựng Giáo Hội. Hàng ngày đi xin ăn, tiếp xúc với người khác, sống đời sống đạm bạc, theo mẫu gương Đức Giêsu khó nghèo. Gương lành và đời sống đạo đức cùng những việc bác ái tốt đẹp do hai vị thánh này cũng như các tu sĩ trong hội dòng mang tên họ đã lôi kéo được nhiều người về với Chúa. Khác với đời sống đan viện, các dòng khất thực không khuôn mình trong những bức tường, nhưng đã đi ra ngoài, tiếp xúc với người khác để làm việc tông đồ.
Nơi thánh Inhaxio Loyola (1491-1556), Thánh Thần đã thổi một luồng gió mới vào Giáo Hội. Linh đạo của Inhaxio, xuất phát từ kinh nghiệm của chính bản thân ngài, đã là nguồn khởi hứng cho rất nhiều cá nhân, tu hội khác từ lúc ra đời cho đến nay. Với Inhaxio, hai yếu tố “chiêm niệm” và “hoạt động” không còn là hai trục tách rời nhau, nhưng hoà quyện với nhau thành một: chiêm niệm trong hoạt động. Chiêm niệm là nguồn mạch của mọi hoạt động, và trong chính hoạt động, người ta đang chiêm niệm. Nói rõ hơn, theo ngôn từ của Inhaxio, người ta phải cố gắng “tìm thấy Chúa trong mọi sự”. Con người phải luôn nhìn đến Chúa như là cùng đích của đời mình và sử dụng mọi cái Chúa ban như phương tiện giúp mình đến với Chúa. Nói cách khác, con người phải luôn có gắng kết hiệp với Chúa qua việc thực thi ý của Ngài. Trong mọi việc mình làm, dù ở đâu, dù thế nào, vẫn luôn hướng trọn tâm trí về Chúa, để tất cả đời sống của mình trở thành một lời cầu nguyện dâng lên Chúa.
Sau thánh Inhaxio Loyola, chắc chắn sẽ còn có nhiều linh đạo khác nữa ra đời, giúp các tín hữu nên thánh trong cuộc sống của mình. Ôn lại lịch sử các linh đạo, ta như được gợi nhắc về bản chất nguyên thuỷ của đời tu. Đó là một cuộc đời tử đạo, một chọn lựa để mình ngày càng chết đi với Chúa và được cùng Người sống lại trong một sự sống mới. Thật ra, trước khi Đức Giêsu ra đời, đã có những dấu tích của một cuộc sống ẩn tu, xa lánh thế gian, sống độc thân trong sa mạc (ví dụ như cộng đoàn Essenes ở Qumran, gần Biển Chết ở Palestin). Nhưng chỉ khi biến cố nhập thể xảy ra, khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đời tu mới thật sự mang lấy một ý nghĩa phong phú. Đức Giêsu trở thành khởi nguồn, nền tảng và điểm tựa của đời tu. Vì thế, chẳng nghi ngờ gì, ta có thể khẳng định rằng từ Đức Giêsu, ta tìm thấy nguồn gốc và ý nghĩa thật sự của đời tu, của một sự dâng hiến trọn vẹn.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ