Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ “Công Giáo”

134

NGUỒN GỐC và Ý NGHĨA CỦA CHỮ ”CÔNG GIÁO”

 (Có bổ sung ý kiến của người viết vào ngày 20.11.2012 về nguồn gốc của chữ ”Da-tô, Gia-tô”.)

Theo thiển ý người viết, phải làm sáng tỏ ”nguồn gốc” của chữ ”Công Giáo” trước khi giải thích ”ý nghĩa” của nó bởi vì giải thích ”suông” mà chẳng đưa ra ”nguyên do”: lý do, duyên cố, do lai, tức là ”căn cơ, cội nguồn” của chữ này thì giải thích cho lắm cũng bằng không!

”Mọi sự đều có nguyên nhân!” Mệnh đề khẳng định này là một trong bảy nguyên tắc căn bản của lý trí con người. Blaise Pascal nói: ”Con người là cây sậy biết tư duy.” Descartes bảo: ”Tôi tư duy, vậy là tôi hiện hữu.” (Cogito, ergo sum. – Je pense, donc je suis. – I think, therefore I am.) Tôi hiện hữu có giới hạn nên tôi biết rằng có Đấng Vô Hạn, tức là Đấng Hằng Hữu hay là Đấng Tự Hữu. Đấng ấy không phải là ”sự của mọi sự”, mà là ”Tác Giả, Nguyên Lý, Nguồn Gốc” của mọi loài hữu hình và vô hình. Ngài là Ông Trời mà người đời đề cập đến trong thơ-văn, cuộc sống như sau: ”Ơn trời mưa nắng phải thì – Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu; Lạy trời mưa xuống! Lấy nước tôi uống! Lấy ruộng tôi cầy! Lấy đầy bát cơm! Hãy tự giúp mình thì Trời sẽ giúp cho. Ai cho không bằng trời cho. Trời sinh* voi, sinh cỏ. Trời ơi, cứu con với! SOS: Save our souls – Xin cứu linh hồn chúng con.” (*Nature: (được sinh ra) là ”tự nhiên”, tức là ”thiên nhiên”!)

Khắp năm châu, ”thiên” hạ đều ngẫm nghĩ về thành công hay thất bại của mình là do ở ”thiên” thượng như sau: ”Mưu sự tại nhân; thành sự tại thiên. – Tính việc tại người; nên việc ở trời.” Tôi lấy câu này bằng tiếng Đức, đổi thì ”hiện tại” sang ”thì quá khứ” là câu lại có nghĩa khác: ”Con người nghĩ ngợi nên Trời cười cho! – Der Mensch hat gedacht, und Gott hat gelacht! (1) ” Trời ”cười cho” là phải bởi vì: ”Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. – Lưới trời lồng lộng, không ai thoát được.”

Còn Cụ Nguyễn Du thì cho rằng Ông Trời rất công bằng: ”Ngẫm hay muôn sự tại trời – Trời kia đã bắt làm người có thân – Bắt phong trần phải phong trần – Cho thanh cao mới được phần thanh cao – Có đâu thiên vị người nào – Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai”! Vậy thì, theo Cụ, phải chăng đó là ”Công Đạo”? Cụ Trần Tế Xương buồn đời, làm thơ trào phúng: ”Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ – Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi?” Hàn Mặc Tử thì biết được chữ tình do đâu: ”…Như đón từ xa một ý thơ – Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều – Để nghe dưới đáy nước hồ reo – Để nghe tơ liễu rung trong gió – Và để xem Trời giải nghĩa yêu!” như Lời Thánh Vịnh, 27,10: ”Dù cha-mẹ bỏ tôi, Chúa vẫn tiếp rước tôi.”, như Thánh Hiền dạy: ”Thiên nhân tương dữ.” (Trời và người giao hảo.)

Nhưng cũng có người tỏ bày tâm sự mà dám than van: ”Trời sao, Trời ở không cân? Kẻ ăn không hết, người mần / lần không ra!” Ngược lại, cũng có người tin vào luật ”nhân-quả” trên cõi tạm này: ”Ở hiền thì Trời chúc phúc! Ở ác thì Trời phạt!” Xét cho cùng, suy nghĩ này lại phù hợp với ”Hiến Chương Nước Trời về sau” trong Kinh Thánh (Phước thật tám mối): ”Thứ sáu: Ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phước thật, vì chưng sẽ đặng thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.”

Rõ ràng Cái Đạo của Trời (Thiên Đạo) là Lý Lẽ (Thiên Lý) hiển nhiên mà người đời phải vâng theo để sống ”Đạo của thọ tạo” là lòng biết ơn và sự tôn thờ Đấng Hóa Công như ai cũng nói: ”Đầu đội Trời; chân đạp đất.” Con người được Trời ban cho (Thiên phú) tự do suy nghĩ và hành động theo Lẽ của Trời để sống xứng đáng với ”thiên chức” của mình là ”Thiên-Tử”: Mọi người là con của Trời, được tác tạo qua cha-mẹ, chứ không phải một mình Đức Vua mới được ”Thiên Ân” đó. Có những Ngôi Chùa của bà con Phật Giáo mang Quý Danh này! Phải chăng quý Thầy, quý Sư Cô, quý Ông Bà và Anh-Chị-Em Phật Tử cũng quan niệm rằng Đức Phật là ”Vĩ Nhân, Đại Thánh”, là ”Thiên Bửu Bối” mà Trời ban qua Thân-Sinh của Ngài Thích Ca? Giáo Hoàng Biển-Đức dạy thêm thế này: ”Nước Cha trị đến cũng là khi mọi Tôn Giáo đều nhìn nhận có Đấng Tối Cao…!”

”Tối Cao” vì Ông Trời là Đại Kiến Trúc Sư, Toàn Năng, Vô Biên! Còn con người chỉ là kỹ sư tí hon, hữu hạn. Nhà bác học Edison ghi trong Sổ Vàng vào dịp Khánh Thành Tháp Eiffel như sau: ”Tôi thán phục các kiến trúc sư làm nên Tháp này và cúi đầu thờ lạy Thiên Chúa là Kiến Trúc Sư Toàn Năng!” Thật vậy, dù có thể ”thay Trời làm mưa” chăng nữa, tôi chỉ dừng lại trong phạm vi hữu hạn của tôi, tức là ”mượn, nhờ” những nguyên lý, định luật và vật chất…mà Ông Trời đã làm ra sẵn. Nguyên lý Archimède (sức đẩy của nước) đã có từ thuở tạo thiên lập địa. Archimède không phải là tác giả, mà chỉ tìm tòi, khám phá ra Khoa Học là cái do Ông Trời làm nên. Sẽ không bao giờ thấy được nguyên tử, nhưng hầu như ai cũng biết rằng đầu một mũi kim may có hằng triệu nguyên tử và trong mỗi nguyên tử lại có vô số âm, dương điện tử và trung hòa tử! Ứng dụng nguyên tử vào việc phục vụ công ích là thuận với Trời để mà còn: Thuận thiên giã tồn! Dùng nó để chế tạo vũ khí tàn sát sinh linh, hủy diệt thế giới là trái với Trời thì mất: Nghịch thiên giã vong! Phật Giáo cũng nhìn thấy Kỳ Công của Ông Trời qua ”sinh mệnh” hay ‘thọ mệnh” cụ thể như lời dạy của Đức Phật: ”Trong một giọt nước có hằng hà sa số chúng sinh.” Phật Tử cũng nói: ”Nhờ Trời, Phật phù hộ… Cảm ơn Trời, Phật!” Ông Trời được người dân Việt diễn tả bằng nhiều Danh Xưng khác nhau, nhưng vẫn có cùng một ý nghĩa là ”Chúa Tể Càn Khôn” hay ”Thượng Đế”: Ông Vua của muôn thọ tạo, ngự ở trên cao. Trong thơ-văn Việt Nam cũng có các Danh Xưng dành cho Ông Trời: Ông Cao Xanh, Ông Xanh, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đấng Vô Hình, Đấng Vô Hạn…” Có người lấy Vũ-Trụ mà ám chỉ Ông Trời: ”Thử xem con tạo xoay vần nơi nao!” Cũng có người ”trách móc” Ông như sau: ”Con tạo bất công!”

Theo Lão Giáo, Ông Trời được quan niệm như sau: ”Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề lưu hề, độc lập bất cải, chu hành nhi bất dãi, khả vi thiên hạ mẫu. Ngộ bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo.” (Có gì đó không rõ ràng, sinh ra trời đất trước, mà lặng lẽ, mà còn đó, đứng riêng biệt không thay đổi, xoay vần mà không mỏi, có thể làm mẹ người đời. Ta không biết danh xưng lạ lùng, gọi được là Đạo.)

Hai Tôn Giáo Bạn trên đây đồng quan niệm về Ông Trời như các Tôn Giáo khác dù mỗi Tôn Giáo ”đặt tên” cho Ngài theo cách của mình. Do Thái Giáo và Ki-tô Giáo thì được Ngài mạc khải Danh Xưng là Gia-vê, tức là ”Đấng Hằng Hữu”. ”Có gì còn đó, đứng riêng biệt, không thay đổi”, tức là ”cái có mãi, cái độc lập, cái bất biến, vĩnh hằng”, không do ”cái nào” tạo ra cả. Chính ”cái đó” mới có ”toàn tri, toàn năng” mà sinh ra trời-đất để con người ngợi khen: ”Cảm ơn Trời! Tạ ơn Chúa!: Deo gratias!; Dieu merci!; Thanks be to God!; Gott sei Dank!” ”Cái gì đó không biết mỏi”, Sáng Thế Ký gọi là ”Thần Khí Chúa, Lời ở trong Thiên Chúa.” Thánh Gioan ghi trong Tin Mừng: ”Nhờ Lời mà muôn vật được tạo thành.” Lời không phải là âm thanh, chữ viết, mà là ”Đấng Hành Động: Le Verbe”, là chính là Giê-su nhập thể và nhập thế. Cho nên ”Cái: tự chi viết Đạo” cũng là quan niệm của Anh-Em Tin Lành ”Maranatha Baptist Church”. Họ dịch như sau: ”Đạo là Đức Chúa Trời.” (Giăng 1,1) Đại Sư Bouddhadàsa ở Thái Lan nhận ra được Triết Lý của Phật Giáo nơi Đạo tôn thờ Cây Thập Giá của Chúa Cứu Thế: ”Quên Mình: Vô ngã tại ngã.” (Thập Giá là chữ ”I: tôi” có gạch ngang, là ”quên mình.) Đại Sư Vivakananda ở Ấn Độ phát biểu: ”Thượng Đế là Tâm O. Mọi Tôn Giáo đều là đường kính đi qua Tâm O. Nước là H2O. Nước đựng ở đâu cũng là nước.”

Như vậy, nhận xét của Đại Sư Thái Lan cũng không ngược lại với Kinh Thánh: ”Lời” là Giê-su, cũng là Thiên Chúa, đã ”quên mình” để xuống thế làm người, lại còn ”quên mình” thêm lần thứ hai là chịu chết để gánh tội của mọi người.” Đại Sư Ấn Độ cũng thừa nhận là có Thượng Đế chung cho mọi Tôn Giáo. Do đó, tôi cũng hy vọng rằng người trong Tôn Giáo Bạn vui lòng thông cảm cho người Công Giáo khi họ dùng hai chữ này. Thiên Chúa đã hứa ban Ơn Cứu Chuộc cho loài người sau khi tổ tông của loài người, Adam và Eva, sa ngã. Khái niệm ”Công” khai sinh từ đó vì ”công” có nghĩa là ”cho tất cả, không trừ ai.” Chúa Giê-su xuống thế sau khi Đức Phật sinh ra là điều quá hiển nhiên như nhiều người vẫn nói: ”Phật Thích Ca sinh ra trước Chúa!” Nhưng tôi xin thêm chữ ”Cứu Thế” sau chữ ”Chúa” vì Ngài xuống thế (sinh ra làm người) sau Đức Phật, vì ”hứa” và ”thực hiện lời hứa” là hai thời điểm xa nhau! LỜI là Giê-su vì Ngài đã phán dạy cho người Do Thái biết Ngài là Đấng Hằng Hữu, lại còn khẳng định như sau: ”Trước khi có Abraham thì đã có Ta!” Vả lại, Ngài cũng là Thượng Đế mà Đại Sư Ấn Độ gọi là Tâm O. Đạo Thờ Chúa Trời bắt đầu từ khi có con người, chứ không phải cách đây chỉ hơn hai ngàn năm mà thôi! Chúa Giê-su không hủy bỏ Đạo này như Lời Ngài Phán: ”Đừng tưởng rằng Ta đến để phá Lề Luật, nhưng mà để làm cho Lề Luật nên trọn hảo.” Do đó, Kinh Thánh gồm có Cựu Ước và Tân Ước. (Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người.) Chúa Giê-su lập nên Giáo Hội với mục đích là mời mọi người vào trong đó là ”Đàn Chiên cùng một Chủ Chăn” như Lời Ngài phán: ”Vậy các con hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần…” (Mathêô 28,19) Chữ ”Công Giáo” còn được cụ thể hóa và công khai hóa bằng chính Lời Ngài: ”Những gì Thầy truyền cho các con trong bóng tối, hãy nói ra nơi ánh sáng. Những gì Thầy truyền cho các con bên tai, hãy lên hô trên mái nhà.” (Mathêô 10,27)

Vâng Lời Ngài dạy, nhờ Ơn Thánh Linh, các Tông Đồ mạnh dạn công khai tuyên xưng Đức Tin, Thánh Sử-Gia ghi lại Tin Mừng, Thánh Luca viết Sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Phao-lô viết tám thư cho Cộng Đoàn, bốn thư cho cá nhân mà cũng là chung, các Thánh Gia-cô-bê, Phê-rô, Gioan và Giu-đa (Thánh) cũng viết bảy thư khác, gọi là Thư Chung: Lettres Catholiques. Ngoài ra, còn có ”Khải Huyền” được Thánh Gioan ghi lại, cũng là Lời Chúa rao truyền cho hết mọi người. Khái niệm ”cho hết mọi người” cũng giống bên Phật Giáo quan niệm: ”Phổ Độ chúng sanh”! Chữ ”Bác Ái, Từ Bi” không tặng riêng ai! Cánh cửa nhà thờ, Caritas, nhà chùa sẵn sàng mở rộng để đón tiếp bất cứ người nào!!! Chữ ”Công” còn được dùng cho các Hội Nghị của các Nghị Phụ trong Hội Thánh, gọi là ”Công Đồng”. Sau khi Chúa về Trời, Giáo Hội đã lan rộng khắp nơi, Tông Đồ đúc kết Lời Chúa bằng Kinh Tin Kính, có câu sau đây: ”Tôi tin Giáo Hội hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công…” Sau đó, vào thế kỷ thứ IV, Công Đồng Nicée-Constantinople (325-381) giữ lại ý vừa nêu và bổ sung một số từ: ”Tôi tin Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.” (Anh-Em Tin Lành dùng chữ ”phổ thông” thay cho chữ ”công giáo” và bỏ chữ ”tông truyền”: Truyền lại qua Tông Đồ.)

Tự Điển Oxford London dùng chữ ”Catholic” để chỉ Ki-tô hữu nói chung, và chữ ”Roman Catholic” để chỉ Ki-tô hữu Roma tùng phục Giáo Hoàng. Ở Đức, Công Giáo và Tin Lành dịch chung Kinh Thánh để sử dụng trong nhà thờ, tại tư gia và các nơi khác. Như vậy, Chữ ”Tin Lành” không ám chỉ rằng bên Công Giáo là ”tin dữ”. Chữ ”Chính Thống Giáo” cũng không có ẩn ý rằng Công Giáo và Tin Lành là ”ngụy giáo”! Hồi Giáo cũng dùng Công Lịch và cũng gọi Giê-su là ”Lời của Thiên Chúa” theo nghĩa Ngài chỉ là Tiên Tri của họ mà thôi, chứ không phải Thiên Chúa. Danh từ ”Thiên Chúa Giáo” gồm có Do Thái Giáo, Công Giáo, Hồi Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành là những Tôn Giáo thờ một Chúa, chứ không phải chỉ riêng cho Công Giáo như nhiều người hiểu lầm hay không có thiện cảm với ”chữ này” vì họ nghĩ rằng ”tự vênh vang” như thế là ”áp đặt”, rằng người ngoài Đạo nói theo là ”đồng tình”, là vô hình trung xem Đạo của mình như là ”Tư Giáo”!

Hồi còn đi học, tôi vẫn đọc Báo ”Chánh Đạo” của Phật Giáo. Danh xưng này không hề có nghĩa là Tôn Giáo Bạn đều là ”tà đạo”! Phật Giáo có Phật Lịch, nhưng cũng dùng Lịch Chung (Công Lịch) cho toàn thế giới là Dương Lịch. Người Việt nói: ”Công Nguyên”, tức là ”Cái Gốc, Tiêu Chuẩn Chung” để tính năm. Người Pháp, Anh, Đức… cũng gọi là: ”Thời Kỳ, Thời Đại, Kỷ Nguyên của chúng ta”. Chữ ”Chúa Nhật, Chủ Nhật” là ngày mà ai cũng mong chờ để nghỉ ngơi vì, theo Sách Khởi Nguyên, vào ngày này, Thiên Chúa ngưng công việc Ngài làm. (Ngài ”làm việc” trong sáu ngày là cách ”ấn định” thời gian cho phù hợp theo suy nghĩ hữu hạn của con người. Thiên Chúa là Đấng ”phi thời gian, phi không gian” vì Ngài là Tác Giả của chúng.) Người Pháp dùng chữ ”Dimanche”, do chữ ”dies dominicus” (2) là ”ngày của Chúa: Jour du Seigneur.” Người Anh, Đức dùng chữ ”Sunday, Sonntag” là ngày của mặt Trời vì mặt Trời là biểu tượng cho Thiên Chúa như Đạo Cao Đài cũng thờ, vì để nhớ ơn Ngài như Thánh Vịnh có ghi: ”Vừng thái dương để cai ban ngày vì Ơn Ngài miên man vạn đại!” (TV,135,8) Giáng Sinh là ngày Lễ Chung cho toàn thế giới. Ở Đức, ngoài quà Giáng Sinh, mọi người còn được lãnh ”Tiền Giáng Sinh”. Có nơi công nhân, công chức ngoài Ki-tô Giáo lại được hưởng ”lương tháng mười ba” vì ý nghĩa của Đại Lễ này.

Tóm lại, chữ ”Công Giáo” dịch sát nghĩa của chữ ”Catholique” (3), gốc Hy-lạp là ”katholikos”, đồng nghĩa với ”universel: phổ biến, phổ thông, cho mọi người, cho toàn thế giới” như chủ nghĩa ”Đại Đồng: Tứ Hải Giai Huynh-Đệ! Universalisme!” Tiếp đầu ngữ ”uni” có nghĩa là ”một”; chữ ”versel” do gốc Latinh ”versus” (4) là quá khứ phân từ của động từ ”vertere” có nghĩa là ”quay quanh”. Như vậy, chữ ”universel” có nghĩa rõ ràng là ”quay về một mối” chính là Ông Trời theo quan niệm của dân gian như đã trình bày. Việc làm của người đời, dù tốt hay xấu, được khen, bị chê, cũng gọi là ”công, công cộng, đại đồng”, huống chi là Giáo Hội do Chúa lập nên để đem tình thương của Ngài đến cho đồng loại!  Chữ ”Công Giáo”, nếu hiểu theo cách khác, còn có nghĩa là ”Đạo Công Bằng” vì không có ”Công Bằng, Công Lý” là không phải ”Bác Ái”! Ngoài ra, theo Lời Dạy của Chúa qua Thánh Gia-cô-bê: ”Đức Tin không có hành động là đức tin chết!” Chữ ”Công” là ” việc làm vì công ích, vì mọi người.”

Đaminh Phan văn Phước

PHẦN BỔ SUNG VỀ NGUỒN GỐC CỦA CHỮDA-TÔ, GIA-TÔ

Mới đây, sau khi viết bài này, thấy học giả kia bảo rằng người Tàu phiên âm chữ Jesus là Ye-su, rằng Nhà Nguyễn cũng viết Ye-su trong các dụ cấm đạo, nhưng, khi được phiên âm ra chữ Nôm, chữ ấy (Ye-su) lại được đọc là Da-tô hay Gia-tô. Học giả ấy cũng dẫn chứng rằng, trong Sách ”Chân Đạo Yếu Lí” (1822), Giám Mục Paul-François Puginier đã viết: “Bằng tiếng Da Tô kẻ ghét đạo quen dùng, thật là tiếng vô nghĩa trong nước Annam…” Ngoài ra, Học Giả người Việt vừa nêu còn phát biểu như sau: ”Những người dùng danh từ Da-tô hay Gia-tô để chỉ đạo Công Giáo đều cố ý phỉ báng.”

Vậy, tôi xin mạo muội có ý kiến: Nên thông cảm cho Đức Giám Mục Paul-François Puginier bởi vì, dù có kiến thức uyên bác, là người Pháp, Ngài vẫn không thể nắm hết luật biếm âm trong tiếng Việt như sau: Chữ Canada được phiên âm thành Gia-nã-đại. (Âm ”ca” thành âm ”gia”.) Trong khi đó, âm ”ye-su, giê-su” khác xa âm ”da, gia” một trời, một vực. Vì lẽ đó, chữ ”Da-tô; Gia-tô” là do âm ”kato” trong chữ KATHOLIKOS mà ra!!!

Xin nêu trường hợp sau đây để kính mong quý vị thông cảm thêm cho Đức Giám Mục Puginier: Trong Hán-Việt Từ Điển, Cụ Đào Duy Anh cũng giải thích không đúng về nguồn gốc của chữ Da-tô: (nhân) Người Do-thái, Cơ-đốc-giáo xưng ông là giáo-chủ, và gọi là Cơ-đốc. Da-tô giáo tức là Cơ-đốc giáo.

Nhận xét: Chữ Da-tô không chỉ ”người” (nhân)! Đó là cách biến âm của ”catho” như đã trình bày! Chữ ”Cơ-đốc” là cách biến âm của ”Christo” (Chúa Kitô) mà tôi sẽ nêu rõ trong bài khác. Chính vì ”hiểu lầm” như Đức Giám Mục và Cụ Đào Duy Anh mà học giả (đã nêu) cho rằng Da-tô hay Gia-tô là cách phiên âm chữ Ye-su sang chữ Nôm, rằng cách phiên âm ấy là cố ý phỉ báng.

Ngoài ra, tôi cũng không đồng ý với học giả ấy và với một LM Pháp cho rằng Nhà Nguyễn lầm tưởng đạo do người Bồ Đào Nha nên gọi đó là HOA LANG. Trong bài khác, tôi sẽ viết rõ về gốc gác của chữ HOA LANG.

Ghi Chú:

1. Động từ ”lachen: cười” và ”lenken: điều khiển” cùng có quá khứ phân từ ”gelacht”! Bài khác sẽ nói về cách biến âm của chữ ”Catholique”, các chữ cùng một gốc với nó, các Danh Xưng của Chúa Giê-su được phiên âm không giống nhau …

2. Ngày trước, Giáo Hội viết ”dies dominica” là hiểu theo nghĩa ”thời giờ của Chúa/thuộc về Chúa”. Với nghĩa ấy, ”dies” có giống cái (féminin) nên tính từ ”dominicus” phải thành ”dominica” theo giống cái. (Từ điển Langenscheidtswörterbuch của Đức.) Chữ ”dies dominicus” thì thông dụng hơn với ngoài đời và nhất là với học giả về Latin ở Châu Âu bởi vì ”dies” có giống đực (masculin).

Chúng ta cũng có các từ như là: cena dominica: Tiệc (bửa ăn) của Chúa là ”Phép Thánh Thể”; oratio dominica: Paternoster / Pater Noster – Kinh Lạy Cha; corpus dominicum: Mình (Thánh) Chúa.

3. Chữ ”Catholic” có ngữ nguyên Hy-lạp ”kata” là ”among, into, to, for, in respect of …”; còn ”holos” là ”the whole, all, altogether …” Chữ ”holocauste” là ”lễ vật toàn thiêu: bị thiêu hoàn toàn – victime entièrement brûlée”; Chữ ”causte” do gốc Hylạp ”kaiein” là ”đốt cháy”. Từ đó, chữ ”holocauste” cũng có nghĩa là ”việc tàn sát tập thể”.

4. Chữ ”univers, université, universaliser…” đều lấy gốc ”versus”. Chữ ”vers” là ” về hướng”; chữ ”verser” là ”đổ, đổ về, theo, đi theo”.