Người tu sĩ có Chúa và thiếu Chúa

157

Đi tu bước theo tiếng gọi dâng hiến, mỗi người tu sĩ đã được học biết rõ căn tính chung và thiết yếu của đời sống thánh hiến là tự nguyện hiến thân theo Chúa Kitô để sống Tin Mừng một cách triệt để và trọn vẹn hơn trong đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục (x. Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 1,5-13). Vì thế, mỗi người tu sĩ cần phải sống đúng căn tính của mình là sống trọn vẹn ba lời khuyên Phúc Âm để mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng mà người tu sĩ nguyện bước theo. Nghĩa là người tu sĩ ấy luôn có Chúa Kitô hiện diện trong mọi giây phút cuộc đời mình, để khi nhìn vào người tu sĩ, người ta sẽ thấy hình ảnh Chúa Kitô hiện diện sống động trong đó.

Thế nhưng, trong cuộc hành trình dài của ơn gọi, của sứ vụ, với những cám dỗ, yếu đuối, những tham, sân, si của phận người…người tu sĩ đôi khi bỏ quên căn tính của đời tu sĩ, họ đánh mất hình ảnh Chúa Kitô nơi mình.

Người tu sĩ có Chúa là người biết quên mình vì tha nhân như Chúa Kitô, không màng danh vọng, lời khen, làm mọi sự có thể vì lợi ích tha nhân. Ngài đến để cứu độ con người, chứ không để được ca tụng, không tìm lời khen. Ta thấy trong Tân Ước, Chúa Giêsu sau mỗi lần làm phép lạ, chữa bệnh, hay trừ quỷ Chúa cấm các Tông Đồ, kể cả ma quỉ không được thuật lại với ai (Mt 16:20; Mc 8: 29-30; Lc 9:21;Lc 4:41;Mc :1:34; 3:12…). Nhưng khi người tu sĩ thiếu Chúa thì sẽ tìm danh vọng, địa vị, và những lời khen cho mình, họ làm gì cũng muốn được người khác công nhận. Người tu sĩ thiếu Chúa họ sẽ đi tìm những thứ hảo huyền để lắp đầy. Họ đi đến đâu là muốn được ca ngợi, được đón tiếp nồng hậu đến đó. Những gì họ làm phải được ca ngợi, được ghi công, được trả ơn. Nếu người tu sĩ ấy không được khen ngợi, không được đón tiếp,… thì họ sẽ buồn bã, thất vọng, họ đánh mất nhiệt huyết phục vụ tha nhân vô vị lợi mà đáng lẽ ra họ phải như thế.

Người tu sĩ có Chúa là người dám chấp nhận cuộc sống bếp bênh như Chúa Kitô – Thầy của họ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Theo Chúa là chấp nhận bước vào một con đường nghèo khó, từ bỏ, không dính bén. Người tu sĩ luôn sẵn sàng ra đi đến bất cứ nơi nào mà nhu cầu sứ mạng cần đến, chỗ giàu sang hay nghèo khó, thiếu thốn, ở đâu cũng được, miễn là ở cùng với Chúa Kitô, làm việc với Ngài phục vụ lợi ích cho tha nhân. Ngược lại, người tu sĩ thiếu Chúa là khi người tu sĩ khó chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, bấp bênh, họ muốn cuộc sống đầy đủ tiện nghi, nhà cửa khang trang, rộng rãi, đẹp mắt, hấp dẫn,… Họ đi đến đâu là phải có nhà cửa đầy đủ mọi thứ đến đấy, mọi sự phải sang trọng, thuận lợi. Khi thiếu Chúa, người tu sĩ không còn hăng hái đi đến những nơi thiếu thốn, nghèo khó, họ do dự khi được sai đến chỗ mà họ không muốn. Họ trở nên than phiền khi mà cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, không như họ mong ước.

Người tu sĩ có Chúa là người có lòng thương cảm như Chúa Kitô, Ngài luôn quan tâm đến những người thấp bé, tội lỗi, yếu đuối, Ngài cảm thông và tha thứ, không kết án, không bêu xấu, không làm tổn thương họ,… “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12, 20). Khi người tu sĩ thiếu Chúa trong mình thì rất dễ làm tổn người tha nhân, rất dễ kết án, và khó tha thứ, cảm thông cho sai lỗi của tha nhân. Họ cho mình là hoàn hảo, có học thức, có hiểu biết, có kinh nghiệm,… và dễ coi thường người khác. Người tu sĩ dễ mắc phải sai lầm là lên án, phê bình, nói xấu,… hạ giá người khác. Vì thiếu Chúa nên người tu sĩ cũng đánh mất đi lòng thương cảm của Chúa, họ trở nên vô tâm với khổ đau, khó khăn,… của tha nhân, họ không mấy bận tâm đến nhu cầu của tha nhân nữa, mà họ làm là vì nhu cầu thể hiện bản thân, thể hiện lòng tốt để được người khác biết đến.

Người tu sĩ có Chúa là người biết noi gương Chúa Kitô “…đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ…” ( Mt 20:28). Người tu sĩ sẵn sàng lăn xả vào công việc, cùng làm với mọi người, không sợ dơ bẩn. Họ không câu nệ hình thức, vị trí, áo quần của mình, nhưng hòa nhập một cách trọn vẹn. Họ không ngồi đợi để người khác phục vụ, quan tâm, chào hỏi trước…. Người tu sĩ có Chúa đi đến đâu sẽ dễ hội nhập đến đó, họ không cầu kỳ, không đòi hỏi, mà đón nhận mọi sự khác biệt. Còn người tu sĩ thiếu Chúa thì sẽ khó hội nhập, họ dễ đòi hỏi, họ trông chờ người khác đến chào hỏi, phục vụ họ trước. Người tu sĩ ấy rất khó xắn tay áo lên để lao vào công việc, vì họ sợ dơ, sợ dính đến tu phục đẹp mượt mà của họ. Khi thiếu Chúa trong đời, người tu sĩ rất khó để đón nhận những khác biệt của văn hóa, của môi trường nơi mình đến phục vụ. Họ đòi hỏi người ta phải phục vụ nhu cầu mình cần, chứ họ không nghĩ đến nhu cầu của tha nhân là gì.

Người tu sĩ có Chúa là người biết yêu mến đời sống cầu nguyện như Chúa Kitô, Ngài cầu nguyện âm thầm ở những nơi thanh vắng, sớm mai, hay chiều tối. Ngài thường cầu nguyện trước những việc quan trọng. Ngài cầu nguyện trong Hội Đường, trong nhà, nơi thanh vắng, trên núi,… Bất cứ nơi đâu Ngài cũng có thể kết hiệp cùng Chúa Cha. Cũng thế, người tu sĩ có Chúa là luôn biết dành khoảng riêng cho cầu nguyện, dù cuộc sống có bận rộn thế nào đi nữa, khoảng riêng cho Chúa luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tu sĩ. Ngược lại, người tu sĩ thiếu Chúa thì đời sống cầu nguyện không còn là nhu cầu thiết yếu của họ nữa, họ sẽ đỗ thừa là do công việc nhiều quá không có thời gian cầu nguyện. Dần dần, thời gian cho Chúa là một thứ xa xỉ trong ngày sống của họ, nó không còn quan trọng, không có cũng chẳng sao. Họ mãi miết với công việc, với người này người kia, với mạng xã hội, với tin tức thế giới,… nhưng lại không có giờ cho cầu nguyện. Người tu sĩ không còn cầu nguyện thì chỉ như cái bong bóng căng tròn, chỉ cần một chút va chạm là nó vỡ toang.

Người tu sĩ có Chúa là người biết khiêm tốn rút lui tạo cơ hội cho người khác, nhất là người trẻ hơn có cơ hội phát triển. Như lời nói của Thánh Gioan: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30), đã biểu lộ lòng khiêm tốn sâu thẳm của Ông đối với Chúa Giêsu. Tu Sĩ có Chúa là luôn biết khiêm tốn chấp nhận làm vai phụ để cho cho người khác nổi hơn, phát triển hơn. Khi có Chúa thì họ biết khi nào cần rút lui để nhường chỗ cho người trẻ hơn làm việc, có cơ hội cống hiến khả năng, họ dám chấp nhận người khác, nhất là người trẻ làm tốt hơn mình. Người tu sĩ có Chúa luôn biết làm chỗ dựa, nơi đỡ nâng, chia sẻ kinh nghiệm cho đàn em đi sau mình, không sợ bị mất chỗ, mất ảnh hưởng. Nhưng người tu sĩ thiếu Chúa thì rất khó để rút lui về phía sau, họ luôn nghĩ rằng không có mình thì chẳng ai làm được, nên mình phải lãnh trách nhiệm, phải làm cho đến cùng. Họ không muốn người khác, nhất là người trẻ giỏi hơn, không đón nhận những sáng kiến mới của người trẻ. Người tu sĩ không có Chúa luôn sợ mất ảnh hưởng, sợ bị lãng quên, vì thế họ cứ cố níu kéo mọi thứ, họ không muốn buông bỏ, không muốn tạo cơ hội cho người phía sau.

Và còn đó rất nhiều biểu hiện tốt khi mà người tu sĩ có Chúa hiện diện trong mình, ngược lại còn biết bao biểu hiện chưa tốt khi người tu sĩ thiếu Chúa trong đời sống của mình. Khi tiếp xúc với một người tu sĩ chúng ta sẽ nhận ra được người này có Chúa hay thiếu Chúa qua thái độ, cử chỉ, lời nói, và thái độ sống của họ. Chọn lựa sống đời tu là người tu sĩ chọn lựa cuộc sống có Chúa, với Chúa và vì Chúa, nhưng là phận người mỏng giòn, yếu đuối cho nên ngày càng có nhiều tu sĩ để cho mình bị thiếu Chúa. Nhưng tiếc thay bản thân người tu sĩ đôi khi không  nhận ra mình thiếu Chúa, cứ nghĩ mình thánh thiện, đạo đức, tốt lành,… và vì sự thiếu Chúa trong họ đã làm ảnh hưởng không tốt đến đời dâng hiến.

Xin cầu nguyện cho tu sĩ – những phận người yếu đuối biết sống đúng căn tin của đời thánh hiến, để cuộc đời của họ luôn tràn ngập Chúa. Mỗi khi gặp tu sĩ nào thiếu Chúa, xin hãy cảm thông và tha thiết cầu nguyện cho họ để họ biết nhận ra sự thiếu thốn trầm trọng ấy mà đi kiếm tìm Chúa lắp đầy cuộc đời mình.

Tác giả: Sr Mây Trắng – Nữ Tu Chúa Quan Phòng Cần Thơ
Nguồn: Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux