Người trẻ trước Màu Nhiệm Giáng Sinh

70
Các bạn trẻ thân mến,

Mỗi dịp Noel về,  chắc hẳn đường phố luôn đông vui nhộn nhịp. Già trẻ, lớn nhỏ đều muốn lướt một vòng ngắm hang đá, xem diễn nguyện. Nơi đó, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những đôi nhân tình tay trong tay dạo bước với những điệu nhạc Giáng sinh. Nói chung đó là một ngày lễ hội đáng mừng. Hơn nữa, là người Công giáo, đó còn là một ngày nhắc nhớ chúng ta vào một đêm đông năm xưa Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người.

Có lần một bạn trẻ hỏi tôi, “Tại sao những sách viết về Chúa Giêsu lại gọi là Phúc Âm hoặc Tin Mừng?” Điều ấy thật thú vị, vì tất cả những gì kể về cuộc đời Chúa Giêsu, từ khi giáng sinh cho tới phục sinh, đều là tin vui. Hơn nữa, những gì liên quan đến Đức Giêsu, đều có giá trị cứu độ, kể cả những ngày tháng Người được sinh hạ nơi làng Bê Lem. Chính Người là Con Thiên Chúa hằng sống đã làm người, giống chúng ta mọi phần, chỉ trừ tội lỗi. (Dt 4,15).

Các bạn biết câu chuyện giáng sinh được trình bày khá dài nơi Tin Mừng Nhất Lãm. Ở đây chúng ta có thể tóm tắt như sau: Khi tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến gặp một trinh nữ tên là Maria. Sau buổi truyền tin ấy, Đức Mẹ có thai. Bất ngờ hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Bởi đó, Mẹ Maria và thánh Giuse đang ở Nazarét, phía bắc Israel, phải về quê quán, phía nam, để khai tên tuổi. Đến làng Bêlem, họ không tìm được quán trọ nên phải tá túc ngoài đồng. Khi hai người đang ở đó, thì Mẹ Maria sinh Đức Giêsu. Mẹ lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ. Như thế, tuy các tác giả kể cho chúng ta sự kiện Chúa giáng sinh rất đỗi bình thường, nhưng ẩn chứa trong những chi tiết đó là cả một màu nhiệm cao vời.

Các bạn có bao giờ dám nghĩ có một hoàng nhi trần gian lại sinh ở chốn giá lạnh đêm đông, không cửa không nhà. Không đời nào! Ở đây, cả chiều dài lịch sử dân Do Thái ngóng chờ Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa đến để cứu họ. Một Thiên Chúa cao trọng vô song, giờ lại mang hình hài trẻ nhỏ, mong manh trước sóng gió cuộc đời. Như nhiều bạn trẻ nói vui rằng: “Sao Thiên Chúa không phán một lời để cứu độ con người? Tại sao Thiên Chúa lại phải nhập thể nơi Đức Giêsu?” Kinh Tin Kính Công đồng Nixêa (năm 325) đã trả lời: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.” Thật nhiệm mầu đến nỗi ta khó thể hiểu hết. Dẫu sao, Thiên Chúa vì con người, vì tôi, vì bạn mà Người mặc lấy xác phàm để ở với chúng ta. Đúng như lời thán phục của ĐGH Bênêđictô XVI: “Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người.”

Gọi là mầu nhiệm giáng sinh vì nơi Đức Giêsu luôn có hai bản tính mà người trẻ chúng ta thường khó hiểu. Nói màu nhiệm, nghĩa là “một thực tại (hoặc là một mặt của thực tại) mà sự hiểu biết do lý trí không thể đạt tới được.” Chẳng hạn, tại sao Chúa Giêsu Kitô “vừa là Thiên Chúa thật lại vừa là người thật”. Hay Người chỉ giả bộ làm Người? Quanh vấn đề này, các bạn thấy có một thời gian người ta tranh luận gắt gao với nhau. Chung cuộc, Công đồng Calcêđôn (năm 451) dạy chúng ta rằng: “Thiên tính và Nhân tính đã nên một trong Chúa Giêsu Kitô, không chia lìa hoặc lẫn lộn.”

Nếu chúng ta có mặt trong đoàn người mục đồng năm xưa, khi họ đến tôn thờ Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta cũng thấy Hài Nhi Giêsu. Bạn thử xem Hài Nhi có giống chúng ta không, nghĩa là Người có linh hồn, có tâm trí có thân xác không? Chắc ở đây chúng ta phải nhờ đến bản văn của Công Đồng Vaticanô II, để hiểu: “Có. Vì Chúa Giêsu là người thật, nên Người làm việc với đôi tay con người, nghĩ tưởng với tâm trí con người, hành động với ý muốn con người, và yêu thương với trái tim con người.”(Hiến chế Mục vụ số 22). Thực ra, chúng ta đang đứng trên khía cạnh tìm hiểu về Hài Nhi Giêsu nên những câu hỏi ấy mới trồi lên. Và để giải thích tường tận màu nhiệm giang sinh là điều không thể. Nói như ĐGH Bênêđictô XVI: “Khi nào chúng ta từ bỏ tham vọng nắm bắt Thiên Chúa và tôn trọng huyền nhiệm khôn dò của Người, thì chúng ta mới có thể nói về Người cách thích hợp.” Ở đây, chẳng hạn như các mục đồng hay những nhà chiêm tinh, trước Màu Nhiệm Giáng Sinh, họ chỉ chiêm ngắm, tôn thờ và hát vang: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Hoặc nói như thần học gia công giáo Thụy Sĩ Hans Urs Von Balthasar: “Còn Chúa Giêsu là một hiển nhiên (quá rõ ràng không còn gì có thể nghi ngờ).”

Ước gì mỗi dịp Giáng sinh về, hoặc mỗi khi chúng ta gặp ngỡ Hài Nhi Giêsu, người trẻ chúng ta cũng mang tâm tình của Đức Mẹ, Thánh cả Giuse và các mục đồng. Cùng nhau quây quần nơi máng cỏ, quanh Hài Nhi Giêsu, luôn là một hình ảnh đẹp. Chúc cho các bạn trẻ luôn có một Giáng Sinh an lành, một bình an của Chúa Giáng Sinh luôn tỏa bóng trên cuộc đời các bạn.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

dongten.net