Người trẻ nghèo – Bạn là ai?

338

6-4-2013_gioitre“Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo. Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo…” Câu hát của tác giả Trần Quý vang lên đâu đó có thể khiến người ta buồn vì “số phận” hay “kiếp nghèo”của “người trong cuộc”; đằng khác gợi lên trong mắt ta một mảng màu khá đặc biệt của bức tranh xã hội mọi nơi mọi thời: “giàu và nghèo”. Cảm nghiệm của sự chênh lệch này và suy nghĩ về kiếp nghèo thật đáng lưu tâm, vì nó có thể khiến người ta “nổi loạn” với chính bản thân mình, với người khác và với cả Thượng đế nữa.

Trong chúng ta chẳng ai dám vỗ ngực xưng tên là mình giàu có, vì biết rằng của cải thế gian chỉ tạm bợ. Có chăng người ta tự hào khi mình thành công trong việc làm thay đổi số phận của mình. Bao nhiêu ước ao được “đổi đời” thúc đẩy người ta tiến lên, và lắm khi khát vọng “được giàu có” có thể trở thành đam mê cháy bỏng nơi con người. Theo cách suy nghĩ bình dân mà nói, “Giàu” đồng nghĩa với việc có nhiều tiền của, nhà cao, cửa rộng, xe hơi, áo quần sang trọng.Thế còn “người nghèo” họ là ai? Bạn có thể tìm ra câu trả lời cho chính mình và phần nào hiểu rằng: “nghèo” không đồng nghĩ với “tội tình”, với “khổ đau”, với “bất hạnh”, với “bất khả thể”. Bạn thử hình dung trong bối cảnh của một nước tây phương giàu có, trước mắt tôi là một hàng dài những người đi xếp hàng chờ đến lượt mình để nhận cơm từ thiện. Họ ăn mặc đàng hoàng, có điện thoại di dộng, nữ trang đeo đầy người. Họ chịu ăn cơm từ thiện như người nghèo vì bị vuột mất cơ hội có công ăn việc làm ổn định, hoặc vừa đến từ một nước khác và đang chờ “cơ hội đổi đời”. Có người được xếp vào loại “nghèo” vì không có dư tiền để đi du lịch nước ngoài, hoặc không có nhà riêng và phải ở chung cư (!).

Mà người ta thực sự “nghèo” khi không được sống đúng nhân phẩm của mình. Nhiều bạn trẻ cũng được xếp vào loại “người nghèo” như thế. Nếu bạn là một người quan tâm đến giới trẻ, bạn có nghĩ họ là ai không? Cha Pascual Chavez (Bề Trên Cả của Dòng Don Bosco) có thể giúp chúng ta hiểu thêm điều này.

Theo cha Chavez, số “người trẻ nghèo” trong những năm gần đây được xem là những nạn nhân của những thay đổi kinh tế, của biến động chính trị, của chủ nghĩa tiêu thụ và loại trừ, của sự thiếu liên đới và lối sống cá nhân chủ nghĩa…

Họ là những trẻ em đường phố, những băng nhóm thanh thiếu niên, bị gia đình bỏ rơi và rất gần với con đường dẫn đến phạm pháp, với con số khoảng 100 triệu.

Họ là những “trẻ em cầm súng”, những “chiến sĩ nhỏ” trong các vùng có tranh chấp hay các nơi đang xảy ra chiến sự, là những thanh thiếu niên mang trên mình vũ khí giết người mà chẳng biết mình sống chết vì mục đích gì, với con số khoảng 300 ngàn.

Họ là những thanh thiếu niên bị bức hại về tinh thần lẫn thể xác để phục vụ cho thị trường “sex-tour”, với con số thống kê của UNICEF, khoảng 1 triệu trẻ em cho khoản lợi nhuận chừng 13 tỷ đô-la mỗi năm.

Họ là những “nô lệ lao động tuổi vị thành niên”, với con số khoảng 250 triệu, ở tuổi từ 5-15 mà phải làm việc trong các môi trường nguy hiểm hay bị bốc lột sức lao động một cách phi nhân bản.

Họ là 50 triệu trẻ em sinh ra không tên tuổi, không gia đình, cộng thêm con số khoảng 130 triệu trẻ em mù chữ vì không mang danh tính và không được đến trường.

Họ là “những tên tội phạm tuổi vị thành niên” lạnh lùng và không có tương lai hay cơ may để hoàn lương (Chỉ riêng nước Mỹ đã có khoảng 100 ngàn).

Họ là những trẻ em phải bán thân nuôi miệng (khoảng 4 triệu trẻ nữ), hay chịu cắt xẻ thân thể để bán nội tạng cho người khác, với con số gần 6 triệu trẻ.

Họ là những trẻ em đói khát và chết vì thiếu ăn, với con số hơn 600 triệu trẻ em sống dưới mức “bình thường”, 160 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, 6 triệu chết đói mỗi năm: 17 ngàn trẻ mỗi ngày, 708 trẻ mỗi giờ…

Họ là 12 triệu trẻ em di cư sống trong các cống rãnh, nhà ổ chuột ở Châu Á, Nam Mỹ và cả Châu Âu, lang thang đây đó kiếm sống bằng những trò lừa đảo và luôn mang trong mình mầm mống của sự thù hận hay muốn nổi loạn.

Họ là 11 đến 13 triệu bạn trẻ ở Châu Phi và nhiều nơi khác đang bị bệnh tật nan y hành hạ, hay mồ côi vì cha mẹ đã chết vì bệnh AIDS.

Và còn nhiều loại “bạn trẻ nghèo” khác nữa như nghèo ý chí, nghèo tài năng, nghèo đạo đức, nghèo ước mơ, nghèo tinh thần và tình cảm, và chỉ biết đến game, tình dục hay ma tuý… Loại này cũng thật đáng buồn, vì họ sống mà chẳng có hạnh phúc trọn vẹn cho chính mình và cũng chẳng mang lại hạnh phúc cho người khác.

Những ai quan tâm và ưu tư với các vấn đề của người trẻ sẽ đặt câu hỏi: Có cách nào làm thay đổi cuộc sống cho họ không? Một cách tự nhiên, người trẻ cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và hướng dẫn từ những người lớn hay bất cứ ai có trách nhiệm và quan tâm đến họ. Người ta không thể nào thay thế vai trò của cha mẹ, hay thầy cô bằng những tổ chức từ thiện hay bằng những gói học bổng đây kia. Người ta không thay đổi được gì cho người trẻ nếu chỉ thay đổi dạng thức “nghèo” này sang dạng “nghèo” khác nơi họ! Với tiềm lực nơi chính bản thân mình, người trẻ muốn thay đổi cuộc sống và luôn mong muốn vươn lên từ chính khả năng của mình. Tuy nhiên người trẻ cần được nâng đỡ, hướng dẫn trong những bước đầu đời và họ rất cần những “cơ hội” để thể hiện tài năng của mình. Một xã hội văn minh và tiến bộ không thể không nghĩ đến điều này cho người trẻ. Một người có trách nhiệm với chính mình và với thế giới không thể không lo lắng cho tương lai của nhân loại đang ẩn mình nơi người trẻ.

Với bạn trẻ, ta có thể nói tới ba yếu tố cần cho một thành công: “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Nếu bạn là người trẻ và bạn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác: bạn khoẻ mạnh và thông minh, được sống trong một mái ấm gia đình, được học hành, được mọi người tin tưởng và hy vọng cho tương lai,…, sao bạn lại không “thử sức” mình nhỉ? Hãy đừng để mình phải rơi vào trạng thái “nghèo” không đáng có; và nếu gặp ai đang trong tình trạng khốn khó, với khả năng của mình, bạn có thể tạo cơ hội để giúp họ vươn lên cùng bạn lắm chứ! Hãy thứ sức một lần đi!

Lê An Phong, SDB