Người tín hữu vô thần

62
Cách đây chừng hai thập kỷ, hai chữ “vô thần” luôn gợi lên trong tâm trí chúng ta một ý thức hệ chính trị đối nghịch với các niềm tin tôn giáo. Hệ thống chính trị này luôn phê phán, tuyên truyền bóp méo, kỳ thị, thậm chí là tìm cách xóa bỏ các tôn giáo. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, vô thần không chỉ là khái niệm dành cho những người kỳ thị tôn giáo hoặc vô tín ngưỡng, mà còn diễn tả một tình trạng đáng lo ngại nơi người Kitô hữu: đó là những người tín hữu, nhưng lối sống của họ ngược lại với những gì họ tuyên xưng. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Mátta sáng 23-3-2017 vừa qua đã nói đến những người tín hữu bịt tai trước lời mời gọi của Chúa và ngài gọi họ là những người tín hữu vô thần.
 
Đức Thánh Cha nói: “Khi chúng ta không chăm chú nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ lánh xa Ngài và quay lưng lại với Ngài. Nếu chúng ta không lắng nghe Lời Ngài, chúng ta sẽ tìm nghe những lời khác…Khi khước từ Lời Chúa và khi cứng lòng, chúng ta sẽ trở thành những người công giáo bất trung, những người dân ngoại, và tệ hại hơn, những người công giáo vô thần, bởi vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa hằng sống” (Nguồn: Zenit 24-3-2017). Theo vị Chủ chăn của Giáo Hội, khước từ Lời Chúa (mà ngài gọi là “điếc”) sẽ dẫn đến tình trạng thờ ngẫu tượng, tức là tôn thờ vật chất và những đam mê trần tục. Việc chối bỏ Lời Chúa cũng dẫn đến hậu quả là lầm lẫn trong nhận định, trong phân biệt giữa điều thiện và điều ác.
 
Người Kitô hữu có Lời Chúa là kim chỉ nam cho cuộc đời. Chúa Giêsu đã so sánh những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, sẽ giống như người xây nhà trên nền đá, luôn bền vững trước bão tố mưa sa. Ngược lại, những ai không thực hành Lời Chúa giống như người xây nhà trên cát, sẽ sập đổ khi nước lũ dâng tràn (x. Mt 7,24-27). Thiên Chúa vẫn luôn luôn ngỏ lời với chúng ta, qua Giáo Hội và qua những biến cố xảy đến xung quanh, nhất là qua Lời Chúa trong Thánh Kinh. Thiếu ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta mất phương hướng và đi trong lầm lạc.
 
Trong thực tế, tình trạng những tín hữu vô thần khá phổ biến nơi các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta.
 
Có những người tin Chúa mà vẫn vô thần, vì họ không gặp gỡ Chúa và tâm sự với Ngài trong lời cầu nguyện. Vì thế, trong đời sống của họ thiếu những “khoảng lặng” để suy tư về hạnh kiểm của mình. Đối với họ, Thiên Chúa chỉ giống như một khái niệm. Đức Giêsu chỉ thuần túy là một nhân vật lịch sử xa xưa và giáo huấn của Người cũng chỉ là một mẫu gương luân lý. Người tín hữu không cầu nguyện giống như xác không hơi thở. Thánh Gioan Maria Vianey đã viết: “Lời cầu nguyện cần thiết cho người tín hữu, giống như mưa cần thiết cho đất trở nên màu mỡ”. Quả vậy, lời cầu nguyện là cầu nối giúp ta gặp gỡ Chúa, tiếp nghị lực siêu nhiên từ Ngài. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI khẳng định: “Tin là sự gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó, một định hướng dứt khoát” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 1). Sự gặp gỡ này thể hiện qua lời cầu nguyện. Đời sống nội tâm giúp ta càng ngày càng gắn bó với Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ngài mọi nơi mọi lúc. Cảm nhận được sự hiện diện cao quý ấy, chúng ta sẽ mở rộng con tim, chăm chú lắng nghe và thực hiện lời Ngài. Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời, chúng ta sẽ sống cao thượng hơn đối với những người xung quanh, sẽ dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm. Xác tín có Chúa đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn mọi sự việc, mọi con người với cái nhìn mới, bao dung quảng đại và kiên nhẫn vị tha. Như thế, khi sống ở đời này, dù còn nhìn thấy Chúa mờ mờ như trong gương, lòng chúng ta đã kiên vững và được sưởi ấm, vì chúng ta tin vào sự hiện diện và tình thương yêu của Ngài trong giờ phút hiện tại. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 3).
 
Có những người tin Chúa mà vẫn vô thần, vì ngôn hành của họ trong cuộc sống đời thường không tương ứng với đức tin mà họ tuyên xưng. Đối với họ, giáo lý Kitô giáo rất cao đẹp và đầy tính nhân văn, nhưng chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà không được thể hiện trong cuộc sống. Nói cách khác, đời sống của họ không được xây dựng trên nền tảng đức tin, cũng không được đức tin soi dẫn. Lời Chúa mà họ nghe thường xuyên, chỉ giống như những thông tin trên các phương tiện truyền thông. Hậu quả là có những người mang danh công giáo mà vẫn gian dối, vẫn chia rẽ bè phái. Khi không ưng ý trong Giáo Hội thì họ phản ứng theo kiểu thế gian. Với một đức tin hời hợt và bề ngoài, khi phải lựa chọn, họ sẵn sàng nghiêng về phía lợi lộc vật chất và từ bỏ Luật Chúa; sẵn sàng gạt bỏ tiếng nói của lương tâm để nghe theo tiếng gọi của tiền bạc. Đây đó, vẫn có trường hợp cha mẹ công khai chối bỏ đức tin để con mình được vào học tại một số trường chuyên nghành hay làm việc ở một số cơ quan của nhà nước. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào mà thôi (Mt 7,21). Do ảnh hưởng của quan niệm xã hội ngày nay, nhiều cá nhân và hội đoàn có khuynh hướng phô diễn đời sống đức tin qua những sinh hoạt tôn giáo sầm uất, nhưng tiếc tay, chỉ dừng lại bề ngoài. Vì thế, họ coi nhẹ việc học giáo lý để củng cố đức tin và tình hiệp nhất giữa các thành viên của một hội đoàn đạo đức. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc lên án những người biệt phái và luật sĩ. Người ví họ như những mồ mả tôi vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ, bên trong thì thối tha. Chúa Giêsu đã nhắc lại giáo huấn của ngôn sứ Isaia, lên án những người chỉ tôn thờ Chúa bề ngoài như sau: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta (Mc 7,6).
 
Trong phần kết thúc bài giảng tại nhà nguyện thánh Mátta, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy kiểm điểm lương tâm trước mặt Chúa qua những câu hỏi: “Tôi có chuyên tâm nghe Lời Chúa không?”; “Tôi có cứng lòng trước lời dạy của Chúa không?; “Tôi có đánh mất lòng trung tín với Chúa và chạy theo tôn thờ những ngẫu tượng đang tràn lan trong cuộc sống hôm nay không?” “Phải chăng tôi đã đánh mất niềm vui của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu?”. Thiết tưởng mỗi chúng ta cần suy tư nghiêm túc để trả lời những câu hỏi này, nhờ đó Mùa Chay trở nên mùa hồng phúc cho chúng ta.
 
Mến Chúa, yêu người, đó là hai giới răn trọng nhất của Kitô giáo. Nói đúng hơn, đó chỉ là một giới răn duy nhất, tức là tình yêu. Tình yêu ấy hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân. Người tín hữu đúng nghĩa là người thực thi tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chí cho tình yêu này: Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình ta vậy. Thực hành được những tiêu chí này, chúng ta sẽ là người Kitô hữu đích thực. Thiếu những điều kiện trên, chúng ta có nguy cơ trở thành vô thần.
 
“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: ‘Các ngươi chớ cứng lòng’ (Tv 94, 8). Ước gì mỗi chúng ta hãy để cho Lời Chúa thẩm thấu tâm can, trở nên con người mới, để hình ảnh của Chúa luôn tỏa rạng nơi cuộc đời tín hữu chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên