Mọi việc thường không đơn giản như bạn nghĩ, cái bạn xem là thông minh hay ngu dốt có thể không phải như vậy. Một câu chuyện luôn có nhiều chiều.
Thông Minh nghĩa là nghĩ sâu sắc vấn đề – nỗ lực tìm ra câu trả lời thực sự, không phải câu trả lời đầu tiên. Câu trả lời đầu tiên là câu trả lời dễ dàng, nhưng chưa chắc là câu trả lời đúng.
Ngu Dốt nghĩa là tránh phải suy nghĩ bằng cách nhảy đến kết luận. Nhảy đến kết luận giống như bỏ cuộc không thi đấu: bạn thua theo luật.
Vì vậy những người nói “Tôi không biết” thường thông minh. Đó là sự từ chối nhảy đến kết luận.
Khi bạn nói “Tụi nó ngu quá!” nghĩa là bạn đã dừng suy nghĩ. Bạn nói để được nếm cảm giác xong việc với chủ đề đang tranh luận, bởi vì bạn không còn làm được gì với việc này nữa. Bạn bó tay, bó chân, bó miệng, bó não.
Nếu bạn chỉ trích suôn ai đó ngu dốt, có nghĩa là bạn đang không suy nghĩ, có nghĩa là bạn đang không thông minh. Cho nên: Người thông minh không chỉ trích người khác ngu dốt.
Cách hành xử phù hợp
Vậy đâu là cách hành xử phù hợp giữa người thông minh và người ngu dốt?
Bạn có thể nói: “Nhưng mà thấy người ngu như vậy thì không chịu được”. Và bạn lựa chọn chỉ trích, khinh thường, dè bỉu.
Có một lựa chọn khác: giúp đỡ. Tuyên truyền kiến thức, chỉ cho sách hay để đọc, việc hay để làm, chủ đề hay để thảo luận, lời hay để nói. Nếu mặc kệ và thờ ơ với những người bạn cho là ngu dốt, thì bạn sẽ phải chịu cảnh đóa sen trong vũng bùn văn hóa. Tỏa hương sắc trong bãi rác là điều khó chịu và cô đơn. Những người bạn đã chỉ trích và mặc kệ lớn lên sẽ nuôi dạy con cái giống như họ, và con bạn tiếp tục gánh chịu nỗi đau phải sống chung với những người ngu dốt. Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình.
Người thông minh hiểu rằng mỗi người đều có những nguồn lực riêng. Một số tiền, một số mối quan hệ, một số công việc chỉ có họ mới có thể thể làm. Họ có giá trị của họ. Và người thông minh giúp người khác phát huy đúng ưu điểm thay vì chỉ trích khuyết điểm.
Đối với người được giúp đỡ, điều tồi nhất bạn có thể làm là không làm gì cả. Người khác có thể cho bạn rất nhiều lời khuyên hữu ích. Bạn có thể nghe, có thể chất vấn, có thể phản biện, nhưng cuối cùng bạn không làm gì cả. Tại sao phải làm thế? Làm thế được lợi gì? Phương châm ba không: Không tin – Không hiểu – Không làm.
Nếu luôn đòi người khác phải giải thích cho đến khi bạn hiểu thì lúc đó đã quá muộn để hành động. Cuộc sống có nhiều tầng lớp phong phú mà bạn phải thừa nhận sự kém hiểu biết của mình. Cha mẹ chỉ bạn cách giao tiếp lễ phép, thầy cô định hướng sự nghiệp, bác sĩ dặn dò bạn uống thuốc, bạn bè nhắc nhở bạn ăn mặc đẹp hơn. Liệu bạn có đủ nhận thức để hiểu hết điều đó? Có thể bạn không hiểu, nhưng nếu điều đó tốt cho bạn, bạn có làm không?
Khi bạn không biết về một lĩnh vực và nhận được lời khuyên quý giá từ một người có chuyên môn – hãy nghe lời Nike: “Just do it”.
Người Việt Nam thông minh?
Chỉ trích không đóng góp là ngạo mạn. Nghe không làm là ngạo mạn. Ngạo mạn là không thông minh. Ý thức về giá trị tự thân là thông minh.
Đã dành được độc lập hơn 37 năm, nhưng chúng ta vẫn phải chiến đấu với giặc dốt. Dốt là kém tin học và kém tiếng Anh, đó là mù chữ trong tiêu chuẩn xã hội hiện đại. Dốt trong cách ứng xử hời hợt, vô tâm, tục tằn. Dốt là học mà không hành, là hành mà không học, đó là sự khinh thường tri thức.
Theo nhiều tài liệu về ưu khuyết điểm của người Việt Nam, đều có nhận định chung rằng người Việt Nam nổi bật nhất ở sự thông minh và sáng dạ. Trường khó nào trên thế giới ta cũng thi vào được. Đất nước nào cũng có người Việt Nam thành công.
Tuy nhiên, nhận định khác là xã hội chúng ta sống chưa thông minh, cái vô thức tập thể còn kém văn hóa. Phần cứng (thể chất và bộ óc) của người Việt nam tốt, còn cái phần mềm (tâm lý và văn hóa) thì dở. Phần cứng xịn, phần mềm dở, tiềm năng của bạn trẻ Việt Nam vẫn chưa được phát huy đúng mức.
Chúng ta cần phải học rất nhiều để giúp đỡ chính mình và người khác bớt ngu dốt.
Sưu tầm