Người Thầy và bài học là một

95

Đi theo Chúa, thuộc về Chúa, được gọi Chúa là Thầy… Những người sống đời Thánh Hiến luôn luôn nhận được những bài học từ Người Thầy của mình mà chẳng bao giờ phải đóng một đồng học phí nào. Có những bài học đơn sơ, dễ nhớ, dễ làm. Có những bài học ẩn ý sâu sắc. Có bài học loay hoay học mãi chưa xong, làm mãi chưa được. Một trong số đó là bài học về SỰ THA THỨ. Thầy bảo phải tha thứ “bảy mươi lần bảy”, cách nói tượng trưng ấy không phải dạy chúng ta cách tính toán để lập công. Nhưng Chúa muốn chúng ta hiểu là: Giới hạn của sự tha thứ thì tha thứ không giới hạn. Và hiểu thôi thì chưa đủ, chúng ta phải thực hành điều ấy mỗi ngày trong suốt đời làm môn đệ Thầy.

Cuộc sống luôn có những mối tương quan giàng giữ chúng ta. Tương quan tốt đẹp, chúng ta hoan hỉ biết ơn, nhưng tương quan gãy đổ, chúng ta phải làm sao? Tha thứ cho kẻ khác thì cần dẹp bỏ tự ái, còn đón nhận sự thứ tha thì cần khiêm tốn. Tự ái tự nó làm chúng ta đau khổ. Và khi khổ chúng ta thường cật vấn Chúa: Tại sao người ấy làm con đau? Tại sao Chúa lại đặt để con bên cạnh một người trắc nết, khó tính?…  Ngay cả khi những câu hỏi của ta không có gì sai trái, dù lời đáp có vẻ chính đáng hợp lý đi chăng nữa, nhưng đáp án vẫn luôn ở bên ngoài ta, mà cứ xét những thứ bên ngoài, ta đâu có giảm được niềm đau. Căn bệnh nằm ở phía bên trong, bên trong tâm hồn ta. Tha thứ cho người khác không phải là cởi trói cho họ nhưng chính là cởi trói cho chính ta trước. Khi chúng ta đủ bình tâm và lắng đọng để soi mình vào chiếc gương là Lời của Chúa thì những chất vấn về những vấn nạn đau khổ ta gặp phải trong tương quan đời sống chỉ càng thêm rối.

Mối bất hòa đầu tiên phải chăng là mối bất hòa giữa tôi với chính tôi? Sự cầu toàn sẽ khiến tôi vỡ mộng.  Mối bất hòa thứ hai là giữa tôi với Chúa, sự nôn nóng mỗi lúc chúng ta kêu cầu, Chúa như lặng thinh, chúng ta thiếu chữ nhẫn nên giận Chúa. Làm phép toán ngược lại trong bài học Chúa dạy về sự tha thứ, chúng ta mới biết mình dại dột. Sao không cho người khác một trăm quan tiền để nhận lại được mười ngàn yến vàng. Mỗi ngày, chúng ta đều thốt lên lời kinh Lạy Cha mà Thầy dạy, nhưng ta đâu hiểu hết giá trị của tha thứ trong lời kinh ấy. Chúng ta nên tự hỏi: tôi đã bước vào hành trình tha thứ Chúa dạy hay chưa? Có mấy ai dám tự tin trả lời câu chất vấn của Thầy mình: “ai trong các ngươi sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném đi.” Quả thực, một mình Chúa thì không thể làm gì được khi chưa có thiện chí và sự nỗ lực của hai kẻ còn lại. Ở đó, người gây xúc phạm phải nhìn nhận trách nhiệm về việc mình gây ra, còn người bị xúc phạm cũng cần thanh tẩy ký ức một cách khiêm tốn và can đảm.

Chúng ta càng thấy mình bất lực trước sự cứng cỏi của mình thì càng cần cầu xin Ơn Chúa, để chúng ta được biết Chúa, biết Chúa nhân hậu, nhẫn nại và giàu lòng thương xót. Chúng ta cần thứ kinh nghiệm về sự tha thứ từ chính Chúa của mình. Vì chính chúng ta còn đầy bất toàn và yếu đuối cần được Chúa cảm thông, và cần người khác xí xóa bỏ qua.

Tha thứ là vậy, nhưng tha thứ không có nghĩa là đồng lõa, dung dưỡng với những thói hư tật xấu của chính mình cũng như của người khác. Xin Chúa giúp chúng ta sáng suốt phân định mà khi cần mềm thì mềm, khi cần rắn thì rắn.

Tha thứ cũng không nằm trong một công thức cứng nhắc, nên chúng ta cần xin Chúa thúc đẩy sự tự nguyện quảng đại nơi đáy lòng chúng ta.

Cuối cùng, mỗi ngày hãy hướng nhìn lên và hướng lòng về cây Thập Giá có Thầy nằm trên đó. Bài học về sự tha thứ đến cùng và yêu đến cùng luôn hiển hiện sống động cho chúng ta tập bắt chước mỗi ngày. Bài học không khó nhưng chỉ sợ lòng chúng ta “ngại núi e sông”.

Nt. Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức