Người sống đời thánh hiến và đức vâng phục

169

Dẫn nhập

khanKhi cam kết sống đức vâng phục, người sống đời thánh hiến như bước vào hành trình của sự từ bỏ và “lội ngược dòng”. Mục đích của hành trình ấy là để kiếm tìm và kết hiệp trọn vẹn với Đấng mà mình kết ước. Dù có nhiều thách đố và đôi khi bị xem là những người “điên rồ”, người sống đời thánh hiến vẫn luôn tiến bước vì biết rằng đó là con đường đạt được hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Với nhãn quan cá nhân, người viết xin trình bày khái quát về đức vâng phục, những thách đố, thể hiện và đề xuất để sống đức vâng phục trong đời sống cộng đoàn những người sống đời thánh hiến.

1. Vâng phục là gì?

Thông thường, nhiều người thường hiểu vâng phục theo một nghĩa duy nhất (một chiều) là chấp hành mệnh lệnh của bề trên. Tuy nhiên, theo nguyên ngữ, vâng phục có gốc trong tiếng La tinh là Obedire. Chữ này có căn ngữ là từ động từ audire và tiếp đầu ngữ ObOb có nghĩa chính là đối diện, trước mặt; đổi lại. Vì vậy obedire trước hết có nghĩa là nghe, là đối thoại.

Theo thánh Kinh, vâng phục như là thái độ căn bản của con người trước Thiên Chúa (x.Xh 19,5; 24,7; Đnl 6,4; 11,13; 1Sm 15, 22; Tv 1,11). Vâng phục là vâng nghe theo ý Thiên Chúa và đáp trả lời mời gọi của Ngài.

Theo các nhà tu đức: vâng lời là thái độ sẵn sàng lắng nghe và thực hành thánh ý Thiên Chúa dù thuận lợi hay khó khăn. Thánh ý Chúa có thể được thể hiện cách trực tiếp qua những cảnh huống của cuộc sống hay qua trung gian những vị hữu trách.

2.      Những thách đố để sống đức vâng phục

Nhiều người sống đời thánh hiến thường quan niệm vâng phục là “tuân lệnh” bề trên của mình. Thật ra, điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì cốt yếu của đức vâng phục là tuân giữ luật (chủng viện, Dòng) và chu toàn thánh ý Thiên Chúa qua Bề trên. Điều mà người sống đời thánh hiến cần hướng đến và vâng phục là chính Thiên Chúa.

 Tuy nhiên, hiện nay việc tuân giữ đức vâng phục đang “rơi vào” khủng hoảng ngay chính trong cộng đoàn những người sống đời thánh hiến. Có nhiều nguyên nhân cho thực trạng này như: sự lạm dụng quyền của bề trên, những quan niệm sai lạc, ảnh hưởng từ xã hội.

Quả vậy, có nhiều Bề Trên đã “quá tay” trong việc sử dụng quyền của mình. “Bề Dưới” dường như bị ép buộc để tuân theo những mệnh lệnh của Bề Trên. Họ vâng phục cách mù quáng! Những lý giải được đưa ra cho thực trạng này là: vâng phục chính là “chu toàn thánh ý Chúa”! .Thậm chí còn có “phương châm”: “hãy ước muốn như Bề Trên ước muốn, chỉ xét đoán như Bề Trên xét đoán và chỉ làm điều Bề Trên truyền dạy mà thôi”.

Điều này là do ảnh hưởng của quan niệm không đúng lắm về đức vâng phục. Trong quá khứ, đức vâng phục được đề cao “quá mức” không chỉ trong cộng đoàn tu trì nhưng còn là nơi nhiều giáo xứ, giáo họ. Đó là thời kỳ của mô hình Giáo Hội kim tự tháp. Nhiều Bề dưới quan niệm sống vâng lời để nên giống Chúa Giêsu “Đấng đã vâng lời cho đến chết, và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Tuy nhiên, nhiều lúc sự vâng phục ấy là một sự vâng lời “tối mặt tối mày”. Bề dưới chỉ vâng phục như một con rô-bốt! Đức vâng phục phải được tuân giữ trong sự tự do với ý thức yêu mến Chúa và tha nhân chứ không phải vâng phục cách tiêu cực. Sống trong môi trường như vậy có thể  biến những thành viên của cộng đoàn tu trì thành những “nam- nữ quân nhân” của một trại lính với kỷ luật thép, lạnh lùng chứ không phải là một gia đình yêu thương. Điều này xem ra có vẻ mâu thuẫn với ý định tạo dựng và cứu độ con người của Thiên Chúa. Ngài đã sai Con của Ngài đến giải thoát và đem lại tự do để chúng ta sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Ngoài ra, người sống đời thánh hiến còn bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội. Mọi thực tại cần được nhìn dưới hai khía cạnh chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, hiện nay dường như con người chỉ quan tâm đến yếu tố chủ quan mà đánh mất khách quan. Con người đề cao chủ nghĩa cá nhân xem kỷ luật như là sự ràng buộc làm mất tự do của con người. Khẩu hiệu “dám nghĩ, dám làm được đề cao và cũng ngấm ngầm len lỏi trong đời tu. Nhiều người sống đời thánh hiến “ngụy biện” cho khẩu hiệu ấy rằng: thế giới hôm nay luôn chuyển động không ngừng, một thế giới của sáng tạo và tự do; không chấp nhận sự rập khuôn, gò bó, chật hẹp.

3. Sống vâng phục trong cộng đoàn

a. Tự do sống vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông

Trong quá khứ, theo mô hình lãnh đạo kim tự tháp, Bề Trên thường ít khi đối thoại với Bề Dưới. Ngày nay với nhiều lý do, Bề Dưới chẳng mấy khi muốn đối thoại với Bề Trên, mà chỉ muốn ước bảo vệ sự độc lập và tự do của mình.

Sự tự do sống vâng phục của người sống đời thánh hiến phải “là sự tự do của con cái Thiên Chúa, một sự tự do khiến chúng ta không còn phải sợ hãi như những kẻ nô lệ, nhưng đồng thời cũng là sự tự do của những người ý thức trách nhiệm của mình đối với Cha (x.Lc 2,49; Ga 4,34). Nên các Bề Trên phải “thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ đối với anh em mình, bằng cách đó diễn tả tình yêu của Chúa đối với họ. Các Bề Trên phải lãnh đạo những kẻ thuộc quyền mình, như là những con cái Thiên Chúa, với sự tôn trọng nhân vị và khuyến khích họ vâng phục tự nguyện” (Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, 14)Khi biết khám phá và đón nhận sự vâng phục trong tự do thì người sống đời thánh hiến đạt được sự vâng phục cao độ.

 Tuy nhiên, cũng không thể vịn vào sống tự do mà Bề Dưới sống “không vâng phục Bề Trên”, sống độc lập thoát khỏi sự “kiểm soát” của cộng đoàn. Đó không phải là sự tự do của con cái Thiên Chúa mà là của thế gian. Điều quan yếu của đức vâng phục chính là lắng nghe tiếng Chúa và những vị có trách nhiệm bởi vì mục đích của sự vâng lời chính là đức bác ái. Bề Trên và Bề Dưới cần phải lắng nghe và đối thoại trong tình bác ái huynh đệ vì thánh Phaolô đã nói: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10). Bề Trên cần “phải sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ của mình, khuyến khích họ lo cho lợi ích của hội Dòng và của Giáo Hội” (Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, 14).

b. Vâng phục là sống yêu thương

Nơi Đức Giêsu, vâng phục hoàn toàn là yêu thương. Người đón nhận tất cả từ nơi Chúa Cha: tình yêu, chương trình cứu độ, công việc, ý muốn… Vâng phục là lẽ sống, là niềm vui của Đức Kitô: “Lương thực của Thầy là làm theo ý muốn Đấng đã sai Thầy (Ga 4, 34); “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29). Trọn cuộc sống, Đức Kitô luôn cho biết sứ mạng của Người khi đến trần gian “ không phải để làm theo ý Tôi nhưng làm theo ý Đấng đã sai Tôi”(Ga 6, 38). Người luôn luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha : vâng phục trao hiến mạng sống mình chịu đóng đinh vào thập giá, vâng phục trở thành tấm bánh bẻ ra cho mọi người. Dù có những xao xuyến nhưng Người vẫn sống vâng phục Chúa Cha cho đến tận cùng.  Trong vườn cây dầu, Người đã nói:“Lạy Cha nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha đã định trước muôn đời” (Mt 26,42).

Người sống đời thánh hiến là những người bước theo Đức Kitô nên phải sống vâng phục trong yêu thương và phó thác. Bởi vì Đức Kitô cũng đã sống vâng phục trong yêu thương và phó thác nơi Chúa Cha. Vâng phục trong yêu thương sẽ giúp người sống đời thánh hiến thăng tiến và tìm thấy sự tự do đích thực, sự giải thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, các yếu đuối và ảo tưởng.

c. Vâng phục là chia sẻ trách nhiệm

Người tu trẻ hôm nay luôn muốn sống năng động và khát khao được thể hiện chính mình. Trong họ luôn có tâm thế “lên đường” chứ không muốn mãi mãi ở trong tình trạng “bị động, làm theo lệnh”. Tuy nhiên, vì thiếu sự quan tâm chia sẻ đồng trách nhiệm nên nhiều Bề Trên thường “âm thầm lặng lẽ ” vác thánh giá một mình.  Nhiều Bề Trên đã quá “hà tiện” hay thiếu tin tưởng trong việc trao trách nhiệm cho Bề Dưới. Họ trở thành người “có tinh thần trách nhiệm quá cao” đến nỗi “bao sân” những công việc đã được trao cho Bề Dưới. Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã tin tưởng trao trách nhiệm và cơ hội cho người trẻ để họ “lên đường” cho sứ vụ (các Tông đồ, Timôthê, Titô). Ngay từ thuở Giáo Hội sơ khai đã có mô hình Giáo Hội hiệp thông đồng trách nhiệm. Mỗi người theo khả năng riêng mình góp phần cùng nhau xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô. Tại sao mô hình ấy lại bị lãng quên? Nếu chỉ nhìn theo khía cạnh tiêu cực, sống đức vâng phục là một thách đố khó có thể vượt qua. Tuy nhiên, khi nhìn xa và rộng hơn, sống đức vâng phục không phải là sự mất mát nhưng còn mở ra cho người sống đời thánh  hiến một chân trời mới, chân trời tự do và ân phúc.

4. Đề xuất:

Ngoài những phương thế siêu nhiên, có thể kể ra một số đề xuất trong thực tế sau:

Mỗi người cần phải biết sống vâng phục bằng cách lắng nghe: lắng nghe bằng đôi tai và cả con tim chân thành. Cả Bề Trên- Dưới phải biết lắng nghe và đối thoại trong bác ái và xây dựng cùng nhau chia sẻ trách nhiệm nhờ sự “đồng tâm nhất trí” (Cv 2, 46). Sự lắng nghe và đối thoại phải được phát xuất từ cả hai phía. Với Bề Trên phải biết lắng nghe anh chị em, tôn trọng những điểm cá biệt độc đáo và khả năng của anh chị em để cùng cộng tác trong tinh thần huynh đệ. Với Bề Dưới, phải tuân phục Bề Trên của mình trong đức tin và yêu mến đối với thánh ý Thiên Chúa để chu toàn một cách tích cực những “lệnh truyền”.

Mỗi người cần phải biết sống vâng phục bằng cách khiêm tốn từ bỏ ý riêng và hướng đến ích chung của cộng đoàn. Bởi vì nhận ra thánh ý Chúa đã khó mà vâng phục ý Chúa trong những tác nhân trung gian lại càng khó hơn. Nhờ từ bỏ ý riêng mà sự sống thần linh trong tâm hồn được lớn lên và sinh hoa kết trái (x.Ga 12,24).

Mỗi người cần phải biết sống vâng phục bằng cách luôn xác tín rằng theo Chúa trong đời sống thánh hiến  không phải để tìm kiếm sự an nhàn, thoải mái hay được tự do sống theo ý riêng mình nhưng là để nên giống Chúa. Nhờ đó, họ có thể đón nhận tất cả với niềm vui để có thể sống trọn vẹn cho lý tưởng sống phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Kết luận

Napoleon đã nói: “Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính bản thân mình”. Thật vậy, khi đoan hứa sống đức vâng phục, người sống đời thánh hiến như đã “đụng chạm” sâu thẳm đến “cái tôi” của mình. Chiến thắng để từ bỏ chính mình là sự chiến thắng và từ bỏ sâu xa nhất. Ước mong với ơn Chúa cùng những trợ lực và cố gắng từ bản thân, người sống đời thánh hiến sẽ luôn biết soi đời mình nơi Đức Ki-tô để biết tự do sống vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông, vâng phục trong yêu thương và trách nhiệm hầu có thể ngày một trưởng thành và triển nở hơn trong ơn gọi của mình.

                                                                                                  Felicitas