Người sống đời thánh hiến và đức khó nghèo

648

Dẫn nhập:

thanh-hien3Căn tính của đời tu là nỗ lực sống tận hiến cho Thiên Chúa. Chính Ngài đã chọn gọi riêng những con người và trao cho một sứ mạng đặc biệt. Người sống đời thánh hiến đáp trả lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa cách cụ thể qua 3 lời khuyên: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Những lời  khuyên ấy là phương cách để người sống đời thánh hiến sống kết hợp mật thiết với Đấng mà mình thuộc về và nên chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Bài viết dưới đây là những nét phác họa và đề xuất chủ quan về việc tuân giữ và sống lời khuyên khó nghèo của người sống đời thánh hiến.

1. Chúa Giê-su là mẫu gương sống khó nghèo

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo về sống nhân đức khó nghèo. Người đã chọn sinh ra trong một gia đình nghèo, nơi hang lừa. Người sống cuộc đời ẩn dật với gia đình bằng nghề thợ mộc thanh bần (x.Mt 13,55; Mc 6,3; Lc 2,7); đón nhận đau  khổ và cái chết trên thập giá (x.Mt 27, 35) theo cách rất nghèo: chết như một kẻ nô lệ, bị tước đoạt tất cả, có thể nói, cả cuộc sống nơi trần thế của Đức Giêsu là một cuộc đời đón nhận và sống nhân đức khó nghèo cách triệt để đến tận cùng. Người đã tự nguyện đón nhận và sống nghèo cho sứ mạng để chu toàn kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. 

2. Người sống đời thánh hiến sống đức khó nghèo

Nhờ sống đức khó nghèo, người sống đời thánh hiến có được sự tự do, thoát khỏi những mối bận tâm của vật chất hầu có thể hoàn toàn thuộc về Chúa và anh chị em trong mọi hoàn cảnh: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả” (Pl 4,12-13). Thật vậy, khó nghèo giúp người sống đời thánh hiến luôn thanh thoát và giản dị. Bởi vì một khi nơi người sống đời thánh hiến thủ đắc được sự “giầu có trong Thiên Chúa” thì tất cả mọi sự khác không còn quan trọng nữa. Lúc này, họ sẵn sàng “liều lĩnh” tiến bước. Sống khó nghèo làm chứng cho những giá trị cao cả vững bền trong Nước Trời. Khi sống khó nghèo người sống đời thánh hiến nên nhân chứng sống động cho trần gian về sứ điệp: hạnh phúc viên mãn của con người là ở nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi vật chất trong cuộc trần này. Người sống đời thánh hiến cần một thái độ tin tưởng và phó thác vào tình thương Chúa. Do vậy, người sống đời thánh hiến cần để tâm hồn “trống rỗng” vì chỉ khi thấy mình “trống rỗng” thì Thiên Chúa mới “có chỗ” trong cuộc đời mình. Khi đó người sống đời thánh hiến sẽ trở nên một “dấu chỉ rạng ngời của việc bước theo Đức Giêsu” trong xã hội hôm nay” (Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 13).

3. Những nguy cơ cho cuộc sống khó nghèo

Sống trong một xã hội tiêu thụ, người sống đời thánh hiến ít nhiều cũng có nguy cơ bị “cuốn vào” vòng xoáy của nó. Họ không thể tách mình ra khỏi thực tại ấy được. Hằng ngày, mọi nơi và mọi lúc trong mọi khía cạnh của cuộc sống, những mời gọi hấp dẫn của trần gian là những lời mời gọi lôi cuốn khiến con tim người sống đời thánh hiến dễ ngủ quên trước Thiên Chúa và anh chị em. Những lời mời gọi ấy là những lối mòn dẫn người sống đời thánh hiến sống “khó mà nghèo”. Khi tâm hồn “giàu có vật chất và ích kỷ” trái tim người sống đời thánh hiến sẽ khép lại trước Thiên Chúa và tha nhân. Nếu không tỉnh táo và đủ tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho lý tưởng tu trì thì rất có thể họ sẽ trở thành người sống hai mặt, chân trong chân ngoài. Môi miệng luôn nói trung thành với Chúa, với lý tưởng nhưng trong thực tế lại chạy theo những vật chất hào nhoáng bên ngoài. Khi ấy, người sống đời thánh hiến chỉ đang sống nghèo “theo chữ” của luật lệ chứ không phải là cho tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Một điều đáng quan ngại là nhiều lúc, người sống đời thánh hiến không biết hay cố tình không nhận ra mình có chiều hướng sống xa tinh thần khó nghèo của Đức Kitô với những cam kết, thề hứa ban đầu.

Ngoài ra, rất có thể người sống đời thánh hiến sẽ có những “ngụy biện” cho việc quá dính bén đến của cải vật chất của mình theo kiểu bù trừ. Những lý do có thể là: cần sống hòa nhập và hòa mình với xã hội và con người thời nay; không nên “khác người” để dễ dàng cho sứ vụ với khẩu hiệu “phương tiện phục vụ cho sứ vụ”. Có lý do sẽ có mọi phương cách và mọi hình thức để “bù trừ”. Nhiều lần “bù trừ” sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất chính mình, và sẽ không thể sống nhân đức trong đời tu; thậm chí mất ơn gọi.

4. Phương cách

a. Mặc lấy cái nghèo của Đức Kitô

Người sống đời thánh hiến cần sống mầu nhiệm tự hủy. Vì Đức Kitô là “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà đã hạ mình xuống, đã tự huỷ ra không” (x.Pl 2,6-11). Chính từ nền tảng này mà người thánh hiến tìm cách hướng đời mình đi trên con đường khiêm tốn nghèo khó để thanh thoát theo sát Đức Giêsu và được nên một với Ngài.“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6,24 ) vì “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy bán đi tài sản của anh, rồi hãy đến theo Tôi” (Mt 19, 21).

Để làm được như thế, thiết nghĩ cá nhân mỗi người cần hoạch định một chương trình cụ thể tìm kiếm sự tròn đầy cho mình nơi chính cuộc sống của Đức Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng với người trẻ “hãy lội ngược dòng, siêu thoát với ham muốn sở hữu. Hãy dành chỗ nhất cho Chúa Giêsu để Người giải thoát chúng ta khỏi những nô lệ hóa. Đồng thời hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Ngài biết chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và không bao giờ quên chúng ta” (Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014).

b. Tái xác định động lực

Mỗi người có một đặc điểm và lịch sử khác nhau. Vì vậy, vấn đề là phải tìm ra động lực và cách thế phù hợp với mỗi người cho việc sống đức khó nghèo với tinh thần Phúc Âm. Người sống đời thánh hiến cần tìm và trở về với nguồn mạch Tình Yêu là Đức Kitô. Quyết tâm theo gót Đức Kitô, Đấng đã hóa nên nghèo vì yêu thương. Người sống đời thánh hiến tháp nhập đời mình với Bí tích Thánh Thể, kín múc nguồn ân sủng từ Thánh Thể Chúa và trở nên tấm bánh bẻ ra cho tha nhân. Vì chỉ trong Thánh Thể, những tính toán so đo hơn thua kiểu nhân loại sẽ không còn, và thay vào đó là sự quảng đại, trao ban. Quảng đại trao ban như chính Chúa Kitô. Chính trong và qua Bí tích Thánh Thể, người sống đời thánh hiến được biến đổi trở nên khí cụ trong tay Thiên Chúa.

c. Thanh thoát với vật chất

Với người Kitô hữu nói chúng và người sống đời thánh hiến thì Chúa chính là cùng đích của cuộc đời. Khi chọn Chúa là cùng đích, dù trong hoàn cảnh nào, người sống đời thánh hiến cũng tự do tự tại và thực sự “ngạo nghễ” trước của cải vật chất để nên những người sống “giữa trần thế nhưng không thuộc về trần thế”. Bởi vì chính Chúa là điểm tựa cho họ bám víu với niềm tin tưởng phó thác. Khi ấy, người sống đời thánh hiến sẽ dễ dàng đón nhận thánh ý Chúa và sẵn sàng đặt vị trí ưu tiên cho chương trình chung trên những đòi hỏi cá nhân. Hơn nữa, người sống đời thánh hiến cần sống đức khó nghèo với tất cả tự do và tự nguyện hầu có thể sẵn sàng dấn thân phục vụ anh chị em trong cộng đoàn và tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật những người đang bị gạt ra khỏi xã hội không chỉ về vật chất nhưng còn là những tinh thần nữa. Người tu cần sống quảng đại, không giữ điều gì làm của riêng mà trái lại sẵn sàng chia sẻ khi mọi người cần đến cái mình đang có. Nhờ đó, người sống đời thánh hiến sẽ“trở nên khí cụ của Thiên Chúa, để giải thoát và thăng tiến người nghèo, và để giúp người nghèo có khả năng là một phần tử của xã hội cách trọn vẹn” ( ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 187).

d. Phút hồi tâm

Thiết tưởng, mỗi người cần trung thành với giây phút hồi tâm cuối ngày để có thể đối diện với chính con người của mình và Thiên Chúa. Nhờ đó, người sống đời thánh hiến có thể phân định dưới ánh sáng của ân sủng Chúa con người của mình với những thiên hướng về phía nào trong việc theo Đức Kitô khó nghèo: tích cực, chủ động hay tiêu cực, thụ động? Qua những phút hồi tâm người sống đời thánh hiến có một thái độ sẵn sàng, một con tim rộng mở để can đảm sống đức khó nghèo của Đức Ki-tô; cũng như dễ dàng đón nhận sự thật nơi chính mình và nhận biết khuôn mặt của Chúa nơi tha nhân, nơi người nghèo.

Tạm kết

Ước mong mỗi người thánh hiến luôn sống triệt để nhân đức khó nghèo trong đời tu vì “Khó nghèo là mối phúc tiên hết trong Bát Phúc. Tinh thần nghèo khó có nghĩa là chỉ gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa mà thôi. Như thế, không hề có một Giáo Hội gắn bó với tiền bạc, suy nghĩ về tiền bạc hay tìm cách để kiếm tiền (ĐGH Phanxicô). Khi gắn bó và theo sát Đức Kitô nghèo khó người sống đời thánh hiến sẽ“có tâm hồn tách rời khỏi tiền của để tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ những ai thiếu thốn. Giáo Hội của chúng ta là Giáo hội của những người khiêm nhường và khó nghèo, nhưng chúng ta có thực sự sống khó nghèo và khiêm nhường chưa?” (ĐGH Phanxicô).

                                                                                     Felicitas