Người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên dấu chỉ cho thời cánh chung
Đời sống thánh hiến không chỉ là một hành trình dâng hiến cá nhân mà còn mang một sứ mạng cao cả là trở nên dấu chỉ cho thời Cánh Chung, nơi niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu được tỏa sáng. Lời mời gọi này nhắc nhở các tu sĩ sống chứng tá cho Nước Trời qua việc tuân giữ Ba Lời Khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục.
Thánh Gioan trong sách Khải huyền đã mô tả vinh quang của thời cánh chung: “Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc, và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta…Những người mặc áo trắng kia là ai vậy ?…Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người” (Kh 7). Chúa Giêsu thì khẳng định với nhóm Xa đốc rằng: “Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mc 12, 25). Như thế, những người sống đời thánh hiến cũng được mời gọi trở nên dấu chỉ cho thời cánh chung này.
Người Xa đốc không tin vào sự sống lại nên ước muốn sinh con cái chính là tìm cách thắng được cái chết. Còn Chúa Giêsu khi sống ở trần gian, Người không sử dụng thân xác như công cụ để sinh sản nhưng như một món quà trao hiến cho tha nhân, cho mọi người. Người đã sống Khiết tịnh và Khó nghèo, đã cứu chuộc và thánh hóa nhân loại với thái độ vâng phục cho đến chết trên Thánh giá. Được thúc đẩy bởi tình yêu Chúa Kitô, các tu sĩ muốn hiến thân trọn vẹn cho Người, muốn họa lại chân dung của Người nơi trần gian này, vì thế họ tuân giữ Ba lời khuyên Phúc Âm : Khiết tịnh, Nghèo khó, Vâng phục. Nhưng để sống được Ba lời khuyên Phúc Âm, không những tu sĩ phải chết đi cho tội lỗi, mà còn phải chết đi chính bản thân mình và thế gian. Như vậy, tu sĩ không còn bị ràng buộc bởi thân xác mau hư nát, nhưng hoàn toàn tự do trong một cuộc sống mới, một cuộc sống thuộc trọn về Chúa Kitô và kết hợp mật thiết với Người. Đối với tôi, một tu sĩ đang chập chững trong ơn gọi, đang từng ngày tập sống những Lời khuyên Phúc Âm để cùng với chị em trở nên dấu chỉ cho sự sống vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban cho những ai tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Ngài. Tôi nhận thấy rằng, những lời Chúa Giêsu và các ngôn sứ vén mở cho cuộc sống mai sau rất tuyệt vời, là nơi không còn khổ đau, không còn sự chết, không còn chiến tranh, hận thù, đói khát, nhưng được hạnh phúc diện kiến Thánh Nhan, nơi chỉ còn yêu thương chan hòa, nơi chỉ còn niềm vui hoan lạc vì được sống kết hợp mật thiết với Đức Lang Quân mà mình say đắm. Để sống và tiên báo trước điều đó, tôi cũng như mỗi tu sĩ phải sống yêu thương như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy. Trong tình yêu, tôi không còn đi tìm bản thân mình nhưng là tìm Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Người, cũng như yêu tha nhân như Chúa yêu. Để có một trái tim rộng mở biết yêu thương, tôi cần có một đời sống khiết tịnh, trái tim tôi hoàn toàn thuộc trọn về Chúa và có khả năng yêu thương hết mọi người, không còn bị ràng buộc, lệ thuộc vào thế gian. Để yêu như Chúa yêu, yêu thương cả kẻ thù và những kẻ ngược đãi đòi tôi phải thực sự từ bỏ ý riêng, sống khiêm nhường, có đời sống cầu nguyện, năng kết hợp với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và thường xuyên thực hành khổ chế. Để cho thế gian thấy rằng đời sống tu trì trong một Hội dòng, một cộng đoàn chính là Thiên đàng đang hiện diện trong trần thế này, tôi và tất cả mỗi chị em phải sống tươi vui, hạnh phúc, chan hòa với nhau. Đời sống độc thân vì Nước Trời sẽ không làm cản trở sự phát triển nhân cách và nữ tính, nhưng tạo cho tôi một trái tim rộng mở và biết thao thức về hạnh phúc của mỗi người, biết ôm trọn cả thế giới trong trái tim mình.
Sống tinh thần Nghèo khó cả về vật chất lẫn tinh thần giúp tôi được tự do, không lệ thuộc vào của cải vật chất hay các mối quan hệ. Đó là điều đi ngược lại với thế giới đề cao của cải vật chất và hưởng thụ hôm nay. Để sống được tinh thần Nghèo khó, tôi cần nhìn ngắm Đức Kitô – Đấng đã tự nguyện rời bỏ địa vị giàu sang của Thiên Chúa để trở nên nghèo khó từ Bêlem đến Núi Sọ. Người đã đến với những người nghèo khổ, bất hạnh, bị gạt bên lề xã hội để khôi phục phẩm giá cho họ và ban ơn cứu chuộc. Dù tôi sống đầy đủ tiện nghi nhưng tôi không được bám víu, không được lệ thuộc vào những thứ đó nhưng sử dụng mọi của cải vật chất như một người nghèo của Thiên Chúa. Gần gũi và chia sẻ cho người nghèo cũng là cách giúp tôi sống nghèo. Còn về tinh thần, tôi cần đến với Chúa với đôi bàn tay trống rỗng, tôi không có gì cả, tất cả là của Chúa và khiêm tốn nài xin cho tôi có Chúa làm gia nghiệp. Khi tôi ý thức về điều này tôi nhận thấy cuộc đời này không có gì để mình tự hào, để kiêu ngạo, để bám víu. Chị Têrêsa Hài Đồng nói rằng chị không có gì cả vì chị đã sẻ chia hết tất cả những gì mình có sau khi đã nhận được. Để sống chứng tá cho Nước Trời mai sau trong lãnh vực Đức Nghèo khó thánh hiến, tôi cũng cần phải có thái độ tôn trọng công bình xã hội trong tương quan với mọi người, bằng thái độ sẵn sàng phục vụ trong vui tươi, cách vô vị lợi, bằng tinh thần thanh thoát và đời sống đạm bạc thực sự.
Sống Đức Vâng phục thánh hiến là tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Giêsu Kitô và liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, để thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha, ngang qua các vị bề trên trong Giáo Hội và Hội dòng. Đã là một con người, ai cũng có những ý riêng, những sở thích nhưng yêu mến Thiên Chúa nên tôi hiến dâng ý riêng, sở thích, kế hoạch…như một của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha. Để sống Đức Vâng phục tận căn, tôi cần nhìn lên Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Người vâng lời vì yêu Chúa Cha và nhân loại. Vì vậy, tôi cũng cần sống cho tình yêu, vì khi yêu mọi việc đều trở nên nhẹ nhàng và khi yêu tôi sẽ không còn nghĩ đến bản thân mình nhưng nghĩ đến việc làm đẹp lòng người mình yêu. Thao thức tìm kiếm thánh ý Chúa qua các trung gian, điều này đòi hỏi tôi phải thực sự thinh lặng nội tâm và nhạy bén mới có thể lắng nghe và đọc được ý Chúa, tôi cũng cần kết hợp, gần gũi với Chúa trong đời sống cầu nguyện. Khi đã tìm được ý Chúa, tôi cần mau mắn, vui tươi, đem hết sức lực, trí tuệ, ý chí, năng khiếu tự nhiên và ân huệ siêu nhiên để thi hành thánh ý Người.
Đời sống thánh hiến là một hành trình đòi hỏi sự dấn thân, từ bỏ và hy sinh, nhưng cũng là một con đường chan chứa niềm vui, hy vọng và ân sủng. Qua việc sống Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục, tu sĩ không chỉ trở nên dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, mà còn là chứng nhân loan báo niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Những ai đáp lại tiếng gọi sống đời thánh hiến đều mang trong mình ơn gọi cao cả: trở thành hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, phản chiếu ánh sáng cánh chung, nơi mọi đau khổ, bất toàn sẽ tan biến trong hạnh phúc trọn vẹn bên Đấng Tình Quân. Qua từng bước đi trong hành trình ơn gọi, tôi ý thức rằng, sự thánh hiến của mình là một lời mời gọi không ngừng yêu thương, hiến thân và tin tưởng. Và chính khi sống chứng tá đời sống này cách trọn vẹn, tôi cùng các chị em đang góp phần nhỏ bé vào việc tiên báo một thế giới mà tình yêu Thiên Chúa là tất cả, một thế giới mà chúng ta cùng nhau hy vọng và hướng về. Đó là những gì tôi được Chúa đánh động và mời gọi, tuy nhiên tôi chưa sống được hết những cảm nghiệm thiêng liêng đó. Ước mong những gì tôi cảm nghiệm sẽ trở thành hành động trong mọi ngày sống của đời tôi và ước mong sao ngày càng có nhiều người dâng hiến đời mình để tiên báo đời sống Cánh Chung.
Sâu Đất, MTG. Thủ Đức