Xưa nay, khi nói tới Thánh nữ Maria Mácđala, người ta thường nghĩ ngay về một phụ nữ tội lỗi và sám hối, một thời đàng điếm, trác táng, là gái hạng sang nên nổi danh cả một vùng lớn: Maria ở TP Mácđala, gọi tắt là Maria Mácđala – kiểu nói giống như nghệ sĩ Út (ở) Trà Ôn, nghệ sĩ Bà Năm (ở) Sa Đéc, anh Tư (ở) Saigon, chị Ba (ở) Cần Thơ,…
Xưa nay, người ta thường cho rằng người phụ nữ đã xức dầu thơm chân Chúa Giêsu, rồi khóc rơi nước mắt ướt chân Ngài và lấy tóc mình mà lau chân Ngài, không ai khác là chính Thánh nữ Maria Mácđala. Thật là “nỗi oan Thị Kính” đối với thánh nữ quá chừng! Chúng ta cùng đọc lại Kinh Thánh để xem “người phụ nữ tội lỗi” kia là ai, vô danh hay hữu danh?
Về việc Đức Giêsu được xức dầu thơm tại Bêtania, có ba thánh sử kể lại.
- Thánh sử Mátthêu (Mt 26:6-13) cho biết: Đức Giêsu đang ở làng Bêtania, tại nhà ông Simon Cùi, có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa. Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: “Sao lại phí của như thế? Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo”. Biết thế, Đức Giêsu bảo các ông: “Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu! Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô”.
Thánh sử Mátthêu tường thuật các chi tiết khá rõ ràng về “sự việc” xảy ra hôm đó: Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách người ta dám vô cớ “gây chuyện” với người-phụ-nữ-tội-lỗi này, đặc biệt là người ta “kể lại việc cô làm mà nhớ tới cô” mỗi khi nói về Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
- Thánh sử Máccô (Mc 14:3-9) cho biết: Lúc đó, Đức Giêsu đang ở làng Bêtania, tạinhà ông Simon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người. Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau:“Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo”. Rồi họ gắt gỏng với cô. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi để chuẩn bị ngày mai táng. Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô”.
Thánh sử Máccô tường thuật các chi tiết rõ ràng tương tự Thánh sử Mátthêu. Nhưng cách dịch Việt ngữ khác một chút: Trong trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, “chủ từ ngôi thứ nhất” (Chúa Giêsu) được dịch là THẦY, còn trong trình thuật Tin Mừng theo Thánh Máccô, “chủ từ ngôi thứ nhất” được dịch là TÔI.
- Thánh sử Gioan (Ga 12:1-8) cho biết: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đếnlàng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.
Cả ba Thánh sử Mátthêu, Máccô và Gioan đều nói rõ vùng theo địa lý là LÀNG BÊTANIA. Về địa điểm cụ thể, Thánh sử Mátthêu và Thánh sử Máccô nói là NHÀ ÔNG SIMON CÙI, còn Thánh sử Gioan nói là NƠI ANH LADARÔ Ở.
Cách kể chuyện của Thánh Gioan khác với Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, chi tiết cũng khác. Đọc Tin Mừng theo Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, chúng ta không biết danh tính người-phụ-nữ-tội-lỗi kia, nghĩa là vô danh. Nhưng Tin Mừng theo Thánh Gioan nói rõ danh tính người-phụ-nữ-tội-lỗi đó: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau”.
Trong Tân Ước, ngoài Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (Mt 1:16), ai cũng đã rõ, chúng ta thấy có vài phụ nữ khác cũng tên là Maria: Maria Mácđala và một Maria khác (Mt 28:1), Maria vợ ông Cơlôpát (Ga 19:25), Maria mẹ ông Giô-xết (Mc 15:47), Maria mẹ ông Giacôbê (Mc 16:1). Maria mẹ ông Giacôbê (Thứ, Nhỏ, khác với Giacôbê Lớn) và Maria mẹ ông Giô-xết cũng là một: “Có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết, cùng bà Salômê” (Mc 15:40).
Nói về các phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8:1-3).
Thánh Máccô cho biết rõ: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ” (Mc 16:9). Rõ ràng Maria Mácđala chính là người-được-trừ-khỏi-bảy-quỷ (Chúa Giêsu chữa), tức là Maria ở Mácđala, chắc chắn khác với Maria ở Bêtania. Bêtania là nơi mà Thánh Gioan xác định: “Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số” (Ga 11:18).
Thánh sử Gioan (Ga 12:9-11) cho biết thêm điều liên quan dạ tiệc mà Chúa Giêsu được một phụ nữ xức dầu thơm: “Một đám đông người Do-thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu”.
Trước đó, Thánh sử Gioan (Ga 11:1-2) đã cho biết: “Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Mácta và Maria. Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng, là em của cô”. Thánh Gioan cho biết các chi tiết rất rõ ràng. Sau đó, Thánh Gioan cho biết rằng Ladarô chết và được Đức Giêsu cho sống lại, dù đã an táng 4 ngày và nặng mùi rồi.
Như vậy, rõ ràng người phụ nữ mà chúng ta gọi là tội nhân kia KHÔNG PHẢI là Maria Mácđala, mà chính là Maria ở Bêtania – em gái của Mácta và chị của Ladarô.
Còn Maria Mácđala thì sao? Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, Thánh Gioan cho biết:“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala” (Ga 19:25). Không thấy nói tới hai chị em Mácta và Maria.
Khi Chúa Giêsu đã được an táng trong mộ đá: “Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ” (Ga 20:11). Khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài hiện ra với bà Maria Mácđala nhưng bà tưởng người làm vườn. Chúa Giêsu gọi tên bà. Nghe giọng quen, bà nhận ra Ngài. Sau đó, “bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa’, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20:18). Thánh Maria Mácđala là nhân chứng thứ nhất của Đức Kitô phục sinh.
KHA ĐÔNG ANH