Người mù có thể dẫn người mù khác được không?

165

Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng Chúa nhật 03/03/2019.

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình bày về các đoạn dụ ngôn ngắn, qua đó Chúa Giêsu muốn chỉ ra cho các môn đệ của mình lối đi để sống khôn ngoan. Với câu hỏi: “Người mù có thể dẫn người mù khác được không?” (Lc 6, 39), Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng người hướng dẫn thì không thể bị mù, mà phải nhìn thấy rõ, nghĩa là anh ta phải khôn ngoan để hướng dẫn bằng khôn ngoan, nếu không sẽ có nguy cơ gây thiệt hại cho những người cậy dựa vào anh. Do đó, Chúa Giêsu kêu gọi sự lưu tâm của con người, những người có trách nhiệm giáo dục hoặc chỉ huy: các mục tử linh hồn, các cơ quan công quyền, nhà lập pháp, giáo viên, phụ huynh, thúc giục họ nhận thức được vai trò tế nhị của mình và luôn luôn nhận ra con đường đúng đắn để dẫn dắt con người.

Chúa Giêsu vay mượn thành ngữ về khôn ngoan để ám chỉ bản thân Ngài như là khuôn mẫu bậc thầy và là người hướng dẫn để theo: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi”(câu 40). Đó là một lời mời để bước theo tấm gương và giáo huấn của Ngài để trở thành những người hướng dẫn chắc chắn và khôn ngoan. Và giáo huấn này đặc biệt có trong bài diễn từ trên núi, trong phụng vụ Tin mừng từ ba Chúa nhật, cho thấy thái độ dịu dàng và thương xót đối với những người chân thành, khiêm tốn và công chính.

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy một đoạn quan trọng khác, khuyến khích chúng ta không được tự phụ và đạo đức giả. Chúa nói: “anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (c. 41). Tất cả chúng ta điều biết, rất nhiều lần chúng ta dễ dàng phân biệt và lên án những khuyết điểm và tội lỗi của người khác, mà không thể nhìn thấy chính mình bằng sự sáng suốt như vậy. Chúng ta thường che giấu khuyết điểm của mình, chúng ta cũng che giấu lỗi lầm đối với bản thân mình; trái lại, chúng ta dễ dàng nhìn thấy khuyết điểm của người khác. Cám dỗ đó là nuông chiều với chính mình – dễ dãi với chính mình – và khó khăn với người khác. Giúp đỡ người khác với những lời khuyên dạy khôn ngoan luôn hữu ích, nhưng trong khi chúng ta theo dõi và sửa chữa những khiếm khuyết của tha nhân, chúng ta cũng phải nhận biết rằng chúng ta cũng có khuyết điểm. Nếu tôi cho rằng tôi không có những sai lầm, tôi không thể kết án hay sửa lỗi người khác. Tất cả chúng ta đều có sai sót: tất cả mọi người. Chúng ta phải nhận thức được điều này và trước khi lên án người khác, chúng ta phải nhìn vào bên trong chính mình. Vì đó, chúng ta có thể hành động một cách đáng tin, với sự khiêm tốn, bằng cách làm chứng cho đức ái.

Cũng như chúng ta có thể hiểu được nếu đôi mắt chúng ta được trong sáng hay khi nó bị ngăn chặn bởi một cái xà? Lần nữa Chúa Giêsu nói về điều ấy: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!” (c.43-44). Quả là các hành động và cũng là lời nói. Từ lời nói chúng ta có thể biết được phẩm chất của cây. Thật vậy, người tốt thì rút ra điều tốt từ môi miệng và tâm hồn của mình, còn người xấu thì rút ra những điều xấu, bằng cách thực thi những điều rất có hại cho chúng ta, đó là người hay phàn nàn, gièm pha, nói hành người khác. Đây là người phá hoại; phá hoại gia đình, trường học, phá hoại nơi làm việc, khu xóm. Từ cái lưỡi khởi đầu cho những cuộc chiến. Chúng ta suy nghĩ một chút về giáo huấn của Chúa Giêsu và chúng ta tự đặt ra câu hỏi: Tôi có nói xấu về người khác không? Tôi có luôn cố gây nên nhuốc nhơ cho người khác không? Đối với tôi, tôi có dễ dàng thấy những lỗi lầm của người khác hơn là của mình không? Và chúng ta cố gắng sửa mình ít là một chút: nó sẽ làm cho chúng ta tốt hơn với tất cả mọi người.

Chúng ta cầu xin sự nâng đỡ và cầu bầu của Đức Maria để bước theo Chúa trên hành trình này.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ