Người giảng lễ trong Tam Nhật Thánh là ai?

23
Hỏi: Ngày Thứ Sáu và Thứ Năm Tuần Thánh, Sách Lễ Rôma quy định các linh mục là người giảng lễ. Linh mục có thể ủy quyền cho một phó tế giảng vào những ngày này không? Tôi biết được một số thông tin cho rằng, lý do khiến người ta nói điều này là vì ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là thánh lễ, nên chỉ thị này nhằm tránh trường hợp bài giảng được trao cho giáo dân. – GP, Ann Arbor, Michigan
Giải đáp của Cha Edward McNamara thuộc Hội dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư thần học Phụng vụ và Bí tích.
Trả lời: Luật chữ đỏ trong các câu hỏi là:
Thứ Năm Tuần Thánh:
“Sau khi công bố Tin Mừng, linh mục giảng, bài giảng sẽ đề cập đến các mầu nhiệm được tưởng niệm trong thánh lễ này, tức là việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế, và giới răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ”.
Thứ Sáu Tuần Thánh :
“Sau khi đọc Bài Thương Khó của Chúa, linh mục giảng vắn tắt. Giảng xong, linh mục có thể mời gọi giáo dân thinh lặng cầu nguyện trong giây lát”.
Về những người có thể giảng lễ, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (QCSLRM) nêu rõ:
“66. Thông thường bài giảng hoặc do chính linh mục chủ tế, hoặc một vị đồng tế được ngài ủy thác, đảm nhiệm. Đôi khi, cũng có thể tùy nghi trao cho một phó tế, nhưng không bao giờ trao cho một giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, Đức Giám mục hoặc một linh mục khác, hiện diện nhưng không thể đồng tế, cũng có thể giảng.
Vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc, trong mọi Thánh lễ cử hành có cộng đoàn tham dự, phải giảng và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng; còn các ngày khác cũng nên giảng, nhất là các ngày trong tuần mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông người tới nhà thờ. Sau bài giảng, nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian vắn”.

Cũng nên nhớ rằng dù Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là Thánh lễ, nhưng nó gắn bó mật thiết với Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa vào Thứ Năm Tuần Thánh và luôn đòi hỏi sự hiện diện của một linh mục. Việc này không bao giờ được ủy quyền cho thầy phó tế hay bất kỳ ai khác.

Nói chung, luật chữ đỏ trên nhằm diễn tả các nghi thức và không phủ nhận các quy tắc khác. Mặc dù luật chữ đỏ chỉ đề cập đến linh mục, nhưng chắc hẳn nó chỉ cho biết cách phải làm gì, đặc biệt là vào những ngày lễ trọng thể như vậy.
Những loại chữ đỏ diễn tả này không được coi là nơi lặp lại các quy tắc chung đã được chỉ dẫn trong QCSLRM 66. Nếu nhà lập pháp muốn những ngày này là ngoại lệ đối với quy tắc chung, thì có thể họ phải dùng những từ như “chỉ linh mục” hoặc “linh mục, nhưng không phải là phó tế… giảng lễ…”
Vì vậy, tôi muốn thưa rằng luật chữ đỏ trên không loại trừ khả năng linh mục chủ tế chỉ định một phó tế để giảng lễ.
Tuy nhiên, các quy tắc chung nói rằng “thỉnh thoảng và nếu thích hợp” phó tế có thể được chỉ định để giảng. Bản chất và sự long trọng của ngày Thứ Năm Tuần Thánh như lễ kỷ niệm ngày khởi đầu của thiên chức linh mục, và Thứ Sáu Tuần Thánh như ngày tưởng niệm hy tế cao cả của Chúa Kitô, cho nên việc ủy ​​thác bài giảng cho phó tế trở nên kém thích hợp hơn so với những ngày khác trừ một số lý do đặc biệt.
Để kết luận, chúng ta có thể nhớ lại những lời của huấn thị Redemptionis Sacramentum liên quan đến nội dung của bài giảng:
“67. Đặc biệt, phải quan tâm theo dõi bài giảng được hoàn toàn tập trung vào mầu nhiệm cứu độ, bằng cách trình bày, suốt năm phụng vụ, từ các bài đọc Thánh Kinh và những bản văn phụng vụ, các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống kitô-hữu, và bằng cách chú giải các bản văn của phần Chung hay phần Riêng của Thánh Lễ, hay nữa của nghi lễ khác của Giáo Hội. Tất nhiên là tất cả những giải thích Thánh Kinh phải hướng về Đức Kitô như là cột trụ tuyệt đỉnh của kế hoạch cứu độ; tuy nhiên, việc đó phải được thực hiện cũng có quan tâm đến bối cảnh đặc thù của việc cử hành phụng vụ. Người giảng phải chăm lo chiếu rọi ánh sáng Đức Kitô vào các sự kiện của đời sống, mà không phải vì thế tước đi ý nghĩa chân chính và đích thật của lời Thiên Chúa, ví dụ, bằng cách chỉ dựa vào các nhận xét chính trị hay những luận chứng ngoại đạo, hay bằng cách dựa theo các quan niệm vay mượn của những phong trào tôn-giáo-giả phổ biến trong thời đại của chúng ta”.

G. Võ Tá Hoàng