Người Do Thái và người Công giáo: đối thoại, hòa giải và hợp tác
Đức Thánh Cha nhận định: “Các cộng đồng Do Thái năng động có mặt ở khắp châu Mỹ Latinh, nhất là ở Argentina và Brazil, sống chung với đa số người Công giáo. Kể từ sau Công đồng Vatican II, mối tương quan giữa người Do Thái và người Công giáo đã trở nên gắn bó hơn, cả ở vùng châu Mỹ Latinh, và nhiều sáng kiến khác nhau được thực hiện giúp cho tình bạn chung của chúng ta thêm sâu sắc”.
Đức Thánh Cha tái khẳng định rằng Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II vẫn “là nguyên tắc và hướng dẫn cho những nỗ lực của chúng ta nhằm thúc đẩy các cộng đồng của chúng ta gia tăng hiểu biết, tôn trọng nhau và hợp tác. Tuyên ngôn không chỉ đề ra một quan điểm rõ ràng chống lại mọi hình thức bài Do Thái, mà còn đặt nền tảng giúp đánh giá lại mối tương quan giữa Giáo Hội với Do Thái giáo về mặt thần học, bày tỏ tin tưởng rằng việc trân trọng di sản tinh thần mà người Do Thái và Kitô hữu cùng nhau chia sẻ sẽ dẫn đến sự hiểu biết và tôn trọng ngày càng nhiều hơn”.
“Khi xem xét các tiến bộ đạt được trong 50 năm qua về các mối quan hệ Do Thái-Công giáo trên khắp thế giới, chúng ta chỉ có thể tạ ơn Đấng Toàn Năng về dấu chỉ hiển nhiên ấy của lòng nhân lành và quan phòng của Người. Nhờ sự gia tăng sự tin tưởng, tôn trọng và thiện chí, các nhóm ban đầu thiếu tin tưởng, đã dần dần trở nên các đối tác và bạn bè trung thành, thậm chí là những người bạn tốt, có khả năng cùng nhau đối mặt với cuộc khủng hoảng và vượt qua những xung đột một cách tích cực. Tất nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để rũ bỏ gánh nặng của quá khứ và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa các cộng đồng của chúng ta và để đáp ứng những thách đố ngày càng gia tăng mà các tín hữu phải đối mặt trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, việc chúng ta đang cùng nhau cam kết đi theo con đường hòa giải, đối thoại và hợp tác là một lý do để tạ ơn”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Trong một thế giới ngày càng bị đe dọa vì đánh mất các giá trị tinh thần và đạo đức –những giá trị bảo đảm cho phẩm giá con người được tôn trọng và nền hòa bình lâu dài– thì việc các tôn giáo và các nền văn hóa đối thoại chân thành và tôn trọng lẫn nhau là rất quan trọng cho tương lai của gia đình nhân loại. Tôi cũng hy vọng rằng cuộc viếng thăm của quý vị hôm nay sẽ là một nguồn khích lệ và canh tân niềm tin khi chúng ta đối mặt với thách đố phải xây dựng các mối tương quan bền chặt hơn của tình hữu nghị và hợp tác, và làm chứng cho sức mạnh của sự thật, công lý và tình yêu của Thiên Chúa, vì thiện ích của toàn nhân loại”.
(VIS, 10.05.2012)
Minh Đức