Người của Thiên Chúa (Lễ Đức Mẹ Dâng Mình)

54

3Dù chỉ mới 3 tuổi, Cô Bé Maria đã được Ông Bà Gioakim và Anna đưa lên Đền Thờ để kính dâng Thiên Chúa. Từ đó, Cô Bé Maria là người-của-Thiên-Chúa, thuộc về Thiên Chúa theo sự quan phòng và tiền định của Ngài. Lễ Đức Mẹ Dâng Mình nhắc các bậc cha mẹ về việc dâng con cái cho Thiên Chúa, và nhắc mỗi chúng ta về việc tận hiến cho Thiên Chúa và Đức Mẹ – vì mỗi chúng ta cũng là “người của Thiên Chúa” theo kế hoạch của Ngài.

Theo lịch sử, lễ Đức Mẹ Dâng Mình có xuất xứ từ Giáo hội Đông phương là dịp kỷ niệm Thánh hiến Thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Giáo hội Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc tiến vào Đền Thờ của Mẹ Thiên Chúa. Họ mừng lễ này từ ngày 20 đến 25 tháng 11, dựa vào Ngụy thư tiền Tin Mừng theo Thánh Giacôbê, được soạn vào giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện về Đức Trinh Nữ Maria lúc còn thơ ấu đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến lúc 12 tuổi: “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc: Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ… Thiên Chúa ban ân sủng của Người cho con trẻ, nó đã nhảy mừng, mọi người trong nhà Ít-ra-en yêu mến con trẻ…”.

Từ thế kỷ IX, lễ này được cử hành tại các đan viện ở Ý, sau đó lan tràn tới Anh. Năm 1373, ĐGH Grêgôriô XI (sống tại TP Avignon, Pháp) cho cử hành lễ này. Đây cũng là công lao của hiệp sĩ Philippe de Mézièrès, sau thời gian sống bên Đông phương, ông đã về phổ biến lễ Đức Mẹ Dâng Mình tại Tây phương, hy vọng nối kết lại với anh em Hy Lạp. Sau đó, ĐGH Sixtô IV ghi lễ này vào lịch phụng vụ từ năm 1472.

Mỗi người là một công trình vĩ đại của Thiên Chúa, và Ngài có kế hoạch riêng đối với mỗi người. Thật vậy, Ngài đã xác nhận: “Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có tương lai và hy vọng” (Gr 29:11). Một trong các kế hoạch vĩ đại của Ngài là Ngài tiền định cho Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ ngay từ thuở nhỏ. Cả cuộc đời Mẹ, không khoác trên mình chiếc áo dòng với các nghi thức khấn hứa “hoành tráng”, Mẹ chỉ âm thầm khấn trọn đời đồng trinh nhưng Mẹ đã giữ trọn các lời khấn khác, đặc biệt là ba lời khấn: Thanh tuân, thanh khiết, thanh bần. Một nữ-tu-tại-gia nhưng là mẫu gương cho mọi người sống đời dâng hiến.

Ngày xưa, Thiên Chúa đã kêu gọi dân lưu đày: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi. Bấy giờ, các người sẽ nhận biết rằng Đức Chúa các đạo binh đã phái tôi đến với các người” (Dcr 2:14-15). Thuộc về Chúa và được Ngài ở giữa thì còn hạnh phúc nào bằng! Không chỉ như vậy, lời hứa còn rất rạch ròi: “Đức Chúa sẽ lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giêrusalem” (Dcr 2:16).

Kế hoạch của Thiên Chúa bí nhiệm, khôn dò đối với phàm nhân, thế nên phàm nhân vẫn như người ngái ngủ. Thiên Chúa lại tiếp tục đánh thức chúng ta: “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người” (Dcr 2:17). Vậy mà chúng ta vẫn “leo lẻo” khấn hứa đủ điều, thế nhưng chúng ta chỉ “hứa nhiều chứ chẳng giữ được bao nhiêu”. Thật là tồi tệ!

Chúng ta thực sự mắc cỡ khi biết được ngày xưa, Bà Anna đã vui mừng thân thưa với Thiên Chúa: “Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang. Con mở miệng nhạo báng quân thù: Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ” (1 Sm 2:1). Còn chúng ta, ai dám ngẩng cao đầu trước mặt Thiên Chúa như Bà Anna?

Thiên Chúa luôn trái ngược với con người, chuyển bại thành thắng: “Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng. Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn” (1 Sm 2:4-5). Đức Mẹ cũng đã phấn khởi vang lời chúc tụng Thiên Chúa sau khi nhận lời truyền tin từ Sứ thần Gáp-ri-en: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:50-53).

Bà Anna tiếp tục ca tụng: “Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao. Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. Vì nền móng địa cầu là của Đức Chúa, Người đặt cả hoàn vũ lên trên” (1 Sm 2:6-8). Với người đời, các động thái của Thiên Chúa hoàn toàn điên rồ, chỉ có những người-của-Thiên-Chúa, thuộc về Thiên Chúa, mới khả dĩ cảm nghiệm sâu sắc được hành động của Thiên Chúa và Thánh Ý Ngài.

Khi báo tin vui, Thiên sứ Gáp-ri-en đã chúc mừng Đức Maria: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Chị” (Lc 1:28). Ước gì chúng ta cũng được chúc phúc như vậy!

Đức Maria là “Đệ Nhất Thụ Tạo”, là người được đại phúc, vô cùng diễm phúc, nhưng có những người có thể diễm phúc hơn như vậy: Những người biết lắng nghe và tuân giữ lời của Thiên Chúa. Ui da! Thật vậy ư?

Hoàn toàn đúng như vậy, sự thật hiển nhiên. Trình thuật Mt 12:46-50 cho chúng ta biết rõ điều này. Một hôm, khi Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông, có mẹ và anh em của Ngài đứng bên ngoài tìm cách nói chuyện với Ngài. Thấy vậy, có kẻ thưa Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Chắc hẳn ai cũng vui mừng khi được mẹ tìm gặp, ai cũng thích khi có thân nhân muốn gặp mình. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn thản nhiên như chẳng có vấn đề gì. Không phải là Ngài hờ hững và lạnh nhạt với thân nhân, nhưng Ngài muốn dạy người ta điều quan trọng hơn những gì thuộc về trần gian này. Ngài muốn chúng ta hướng thượng chứ không nên hướng hạ.

Nghe có người “báo cáo” như vậy, Ngài liền “hỏi ngược lại” kẻ ấy: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Hỏi để mà hỏi, chứ Ngài biết chẳng ai trả lời được, ai cũng miệng chữ A và mắt chữ O, đứng “chết trân” như trời trồng, chẳng khác gì tượng đá hoặc giống như chú Tàu nghe kèn vậy thôi. Rồi Chúa Giêsu thản nhiên giơ tay chỉ các môn đệ và dõng dạc nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. Quá đỗi bất ngờ, nhưng đó là sự thật trăm phần trăm đấy!

Đức Mẹ được mọi người mọi thời ca tụng là người diễm phúc vì được cưu mang và cho Chúa Giêsu bú mớm. Tuy nhiên, điều diễm phúc hơn ở Đức Mẹ là “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Vâng, diễm phúc của Đức Mẹ là “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” và vững đức tin, như Chị Ê-li-da-bét đã xác nhận với Cô Em Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương đức tin của Đức Mẹ và giúp chúng con trung thành với những gì khấn nguyện với Ngài, dù chung hay riêng. Lạy Thánh Mẫu Maria, xin dìu bước chúng con trên mọi nẻo đường trần gian, nhất là những quãng đường đời đầy bóng tối. Xin giúp chúng con trở nên “khí cụ bình an và yêu thương” của Thiên Chúa để chúng con thuộc trọn về Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU