Lời Chúa Năm B Người chứng thứ nhất – Ga 12, 24-26

Người chứng thứ nhất – Ga 12, 24-26

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Ga 12,24-26

 

Một thanh niên 19 tuổi bị tuyên án tử hình mà không được nói một lời để bào chữa mình. Người tuyên án là quan trấn tỉnh Phú Yên. Vào tháng 7 năm 1644 vị quan này từ triều đình nhà vua về, đem theo sắc lệnh cấm đạo và bắt đầu giam một ông già tên rửa tội là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà vị thừa sai Đắc Lộc để bắt thầy giảng số một là Inbaxu. Khi toán lính xông vào nhà tìm thầy Inbaxu thì chỉ gặp người thanh niên Phú Yên là người mà Cha Đắc Lộ đã rửa tội được ba năm và đã từng cho đi theo để giúp dạy giáo lý. Người thanh niên này đã can đảm nhận hết các tội chúng gán cho thầy Inbaxu và các thầy giảng, nên bị chúng trói lại và điệu đi. Anrê Phú Yên vui vẻ theo toán lính và trong suốt quảng đường không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục hầu hưởng phúc Thiên Đàng.

Nhờ sự can thiệp của cha Đắc Lộ và một số thương gia người Bồ Đào Nha, ông già Anrê được tha bổng, còn Anrê Phú Yên thì không. Người thanh niên cường tráng này dám cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo nên sẽ phải chết để nêu gương cho mọi người biết vâng lệnh nhà vua. Vậy lính dẫn Anrê Phú Yên tới thửa ruộng cách thành phố chừng nửa dặm. Mặc dầu đeo gông nặng, Anrê đi rất nhanh đến nỗi cha Đắc Lộ theo không kịp. Tới nơi hành quyết, thầy giảng trẻ tuổi Anrê quỳ xuống để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh không cho ai vào phía trong cả, nhưng viên đội trưởng cho phép cha Đắc Lộ được đứng cạnh thầy. Cha thấy rõ mắt thầy Anrê nhìn trời cao, miệng luôn hé mở và kêu danh thánh Giêsu.

Một người lính lấy giáo đâm thầy từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Khi ấy thầy nhìn cha Đắc Lộ như để vĩnh biệt và cha khuyên thầy nhìn lên trời là nơi thầy sắp được Chúa Giêsu đón vào cõi phúc. Từ giây phút đó thầy chăm chút nhìn lên và không còn nhìn xuống nữa. Người lính rút lưỡi giáo ra đâm phát thứ hai, rồi đến phát thứ ba, hắn cố ý đâm trúng tim anh nhưng vẫn chưa chết. Thấy thế, một người lính khác lấy mã tấu chặt vào cổ anh, anh vẫn chưa xong, phải thêm một nhát thứ hai đầu anh mới lìa khỏi cổ, máu chảy tràn lai làng. Hành quyết xong, toán lính kéo nhau ra bờ sông để rửa các vết máu. Cha Đắc Lộ nhặt đầu anh gói lại kỹ càng như một báu vật, còn xác anh ngài tẩm liệm gởi xuống tàu buôn đưa về Macao chôn cất. Ngài biết đây là một thánh nhân, cần tôn trọng thi thể này để ngàn đời lưu danh. (theo “Người chứng thứ nhất” của Phạm Đình Khiêm).

Anh chị em thân mến,

Mỗi lần nói đến các Thánh Tử Đạo là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh ngục tù, gông cùm, gươm giáo, đầu rơi, máu đổ. Thế nhưng, ở thời đại đang tiến dần vào thế kỷ 21, những cảnh hành hình tàn bạo, dã man, cổ điển ngày xưa và việc bắt đạo của các chính quyền hầu như không thể tái diễn. Vì hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Đàng khác, các án tử hình cũng dần dần được loại bỏ trong các bộ luật hình sự của các nước trên thế giới.

Ngày nay, khái niệm về tử đạo hiểu rộng rãi hơn. Người tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho quyền sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức. Nói chung là chết vì Chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Trong Tông Thư “Tiến đến thiên niên kỷ thứ ba”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi Giáo Hội địa phương lập danh mục các vị tử đạo mới của thế kỷ này. Vì “trong thế kỷ này lại có những người tử đạo, – thường là âm thầm, họ như thể là “những chiến sĩ vô danh” – vì đại cuộc của Thiên Chúa. Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thầy về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những giám mục, linh mục, các trinh nữ, những người kết hôn, góa bụa và trẻ em” (số 37).

Tại đất nước chúng ta, giai đoạn lịch sử của 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam được ghi nhận kéo dài đúng 117 năm, với hai vị tử đạo tiên khởi là Thánh Phanxicô Frederic Tế và Matthêu Liciana Dậu, hai linh mục dòng Đa Minh, cùng chịu tử đạo tại Thăng Long, miền Bắc năm 1745. Nhưng trước đó hơn một thế kỷ, đã có máu đào đổ ra để làm chứng cho Chúa Kitô, như thấy nơi cái chết của Thầy giảng Anrê Phú Yên năm 1644 tại miền Trung. Vị Tử đạo cuối cùng trong số 117 là Thánh Phêrô Đa, giáo dân thợ mộc, vừa bị thiêu đốt vừa bị chém đầu ngày 17 tháng 6 năm 1862 tại Qua Linh, miền Bắc. Cuối năm 1861 đầu năm 1862, cuộc cấm đạo trước khi chấm dứt còn bùng lên dữ dội ở miền Nam. Chỉ ở hai nơi là Biên Hòa và Bà Rịa, 846 Kitô hữu đã bị thiêu sống. Vậy trong ngày lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta không những kính 117 vị đã được tôn phong hiển thánh nhưng còn tỏ lòng biết ơn hàng trăm người đã hy sinh tính mạng vì Chúa Kitô và đã có công truyền lại đức tin cho chúng ta là con cháu.

Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta cần tỏ lòng biết ơn Đấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đến với loài ngừoi chúng ta. Thiên Chúa đã yêu loài người đến nỗi đã ban Con Một Người và Người Con Một ấy trước khi chết vì chúng ta đã quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ. Kế đến Ngài đã dành những lời tâm huyết để nhắn nhủ các môn đệ. Ngài ví bản thân Ngài như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, phải chết đi để sinh được nhiều bông hạt lúa mới (x.Ga 12,24). Rồi Ngài dặn dò các môn đệ về cái thế giới chẳng mấy thân thiện đối với cả thầy lẫn trò: Họ ghét anh em vì họ đã ghét Thầy trước.

Chính tình yêu đến hy sinh mạng sống như Chúa Giêsu là cái giá phải trả để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Cái giá ấy các môn đệ xưa đã trả bằng cách hy sinh mạng sống mình. Cái giá ấy các Thánh Tử Đạo cũng đã trả để mang lại nhiều hoa trái là nhiều người nhận biết Chúa Kitô để được ơn cứu độ. Đúng như lời vị Giáo Phụ Tertulianô đã nói: “Máu các vị Tử Đạo chính là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”.

Thưa anh chị em,

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống. Mỗi ngày chúng ta thường vị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Chúa Giêsu y hệt như các vị Tử Đạo ngày xưa. Càng có tự do, chúng ta càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những tạo vật gây ra những bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện. Ước gì chúng ta không để mất đức tin đã được mua bằng giá máu của bao vị Tử Đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho anh em đồng bào trên quê hương Việt Nam chúng ta.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

 

Exit mobile version