VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Người cha âm thầm

Người cha âm thầm

Người cha âm thầm

 

“Công Cha như núi Thái sơn

Nghĩa Mẹ như nước nguồn chảy ra

Một lòng thờ Mẹ kính Cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Từ khi mở mắt chào đời đến nay, tôi chưa nghe cha tôi nói với tôi một lời nào. Tại sao như thế? – Thưa vì từ nhỏ, cha tôi đã bị bệnh câm điếc. Và căn bệnh bẩm sinh này vô tình đã theo cha suốt cả cuộc đời. Khi lớn lên, ông bà nội cho cha đi học ở trường Câm Điếc Lái Thiêu. Sau biến cố năm 1975, cha phải trở về sống với gia đình. Tình cờ, cha tôi gặp mẹ tôi và hai người đã nên duyên. Gia đình tôi có bốn anh em: một trai và ba gái. Điều lạ lùng cả bốn anh em chúng tôi không ai mắc bệnh giống cha. Khi suy nghĩ về cuộc đời của cha, tôi rút ra được bài học quý giá này: mặc dù cha tôi không nói và không nghe nhưng người dạy dỗ tôi nhiều điều trong cuộc sống làm người:

Cha tôi bị bệnh nhưng tính tình của cha rất bình thản, rất bình an. Cha tôi sống hiền lành và hài hoà với mọi người xung quanh. Ngôn ngữ của cha là những cử điệu của hai bàn tay. Hồi nhỏ ông bà nội cho cha đi học ở trường câm điếc nên bây giờ cha cũng biết viết chữ chút ít. Chữ không đẹp nhưng dễ đọc. Khi người khác không hiểu hoặc khi đi xưng tội, cha thường viết vào giấy để chia sẻ nỗi lòng thầm kín của mình. Nhìn cách sống và cách ứng xử của cha thì tôi hiểu được rằng: cha tôi đã vui lòng chấp nhận những giới hạn mà Thiên Chúa đã trao ban.

Cha tôi bị bệnh nhưng bù lại Thiên Chúa ban cho cha có được một sức khoẻ khá tốt. Cha làm việc chân tay khá giỏi. Người thường làm những việc nặng nhọc trong gia đình. Hình như ngày nào cha cũng ra đồng: có ngày đi làm ruộng; ngày khác đi làm mía; ngày thì đi chài cá bắt tôm… Ngoài những công việc của gia đình, cha còn tham gia những công tác của Họ Đạo. Mỗi khi có dịp gặp cha sở, ngài thường nói với tôi: “Cha của con làm việc rất nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm rất cao”. Khi nghe những lời nhận xét đó, lòng tôi cảm thấy ấm áp và thầm hãnh diện về người cha của mình.

Khi lớn lên, tôi phải đi học xa. Mỗi lần về thăm nhà, cha tôi rất vui. Cha đến bên cạnh và ra dấu hiệu bằng tay để hỏi tôi được nghỉ học bao nhiêu ngày. Đến lúc từ giã ra đi, cha luôn ra dấu bảo má lấy tiền cho tôi. Lần nào, cha tôi cũng làm như thế. Có khi, hai cha con chỉ nhìn nhau mà không biết nói gì, không biết tâm sự như thế nào, vì cha con tôi chỉ có thể hiểu ý nhau trong những chuyện đơn giản và thực tế. Khi biết tôi muốn đi tu, cha rất ủng hộ. Ngày tôi được thụ phong linh mục, cha tôi rất vui mừng và hạnh phúc.

Sau những năm tháng bình an. Bất ngờ sóng gió lại ập vào gia đình tôi: má tôi bị bệnh nặng. Bác sĩ bảo phải vô hoá chất điều trị thì hy vọng mới khoẻ. Nhưng mỗi lần vô hoá chất là một cực hình đối với má. Má không ăn được, không ngủ được và bị rụng tóc hết. Hoá chất làm cho thân xác của má phải đau đớn. Có lần vì quá đuối sức cho nên các em phải mời cha đến xức dầu cho má. Nghe tin đó, tôi vội vàng về thăm. Về đến nhà, tôi thấy cha rất buồn và lo lắng. Cha ra dấu bảo tôi với ngụ ý: “Đừng cho má đi bệnh viện nữa, vì đi nên mới mệt mỏi và rụng tóc như thế này”. Tự nhiên lòng tôi cảm thấy đau nhói. Hai mắt cay xè. Nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi liền vội đi nơi khác để cố nén cảm xúc của mình. Khi đó tôi tự hỏi: tôi phải làm gì, phải ra dấu như thế nào để cho cha hiểu được bệnh tình của má? Chắc là cha không thể nào hiểu được. Lúc đó, tôi thấy thương má và thông cảm cho cha vô cùng.

Sau một thời gian điều trị, Chúa thương cho má tôi được bớt bệnh. Gia đình tôi rất vui. Nhưng không bao lâu một cơn sóng khác lại ập vào gia đình tôi: em gái tôi lại phát bệnh trầm trọng. Gia đình đưa em đi nhiều nơi để điều trị, tốn khá nhiều tiền nhưng sức khoẻ của em ngày một yếu dần. Rồi một ngày nọ: “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”. Em tôi ra đi lúc còn khá trẻ, mới 27 tuổi, để lại cho chồng hai đứa con thơ còn nhỏ dại. Khi đó gia đình tôi rất buồn, đặc biệt tôi thấy cha tôi khóc rất nhiều. Khóc như chưa bao giờ có dịp để khóc. Cha tôi rất đau khổ vì mất đi đứa con gái thân yêu. Hiện giờ cha tôi thương các cháu như là thương mẹ của chúng nó vậy. Cha thường đạp xe để đi rước hai đứa cháu về chơi cho vui cửa vui nhà.

Cha tôi như thế đó! Người không nói được, cũng không nghe được, nhưng tâm hồn lại dạt dào tình cảm, đầy ắp tình người. Cha tôi không nói với tôi bằng lời nhưng nói bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng con tim và những hy sinh trong cuộc sống. Cha tôi bị bệnh phần xác nhưng tâm hồn lại rất khoẻ mạnh. Cha tôi đã dành cả cuộc đời cho anh em chúng tôi.

Cám ơn Chúa đã ban cho con có một người cha như thế. Cám ơn cha đã yêu thương và chăm sóc cho anh em chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho cha mẹ của con được nhiều sức khoẻ, nhiều niềm vui và bình an trong cuộc sống.

 

Lm. Phaolô Trương Hoàng Phong

 

Exit mobile version