NGƯỜI ẤY
“Năm, mười, mười lăm, hai mươi,
Không được chạy đi xa
Không được rúc vào bụi cây…”
Ôi! Sao nhớ hoài cái tuổi lên chín lên mười, cái tuổi mà tối ngày chỉ biết chơi năm mười, thật là kì diệu, thật là hồn nhiên. Ôi! Cái tuổi bé bỏng ấy làm sao tôi có thể quên được cơ chứ! Đôi mắt của người ấy không rời khỏi tôi khi tôi chạy đi trốn trong trò chơi năm mười. Người ấy không thích tôi trốn xa, vì người ấy thừa biết tôi sẽ không chịu xuất đầu lộ diện cho tới khi trời tối mịt. Người ấy không thích tôi trốn ở trong bụi cây vì đơn giản người ấy không đủ can đảm để nhìn những vết côn trùng cắn đầy trên bàn tay, bàn chân và thậm chí là đầy trên mặt tôi mỗi khi chơi xong
Ôi! Sao nhớ mãi cái thời mà tôi hay giận người ấy, cũng chỉ vì cái trò chơi năm mười. Người ấy cứ gọi tôi về ăn cơm ngay lúc tôi bị thua. Tôi giận người ấy chỉ vì chúng bạn gọi tôi là “đồ ăn gian”. Tôi thắc mắc, tại sao lại cứ nhằm lúc này mà gọi tôi về, còn bản thân người ấy thì đã đợi tôi về ăn cơm từ lâu rồi.
Còn nữa, còn nhớ mãi cái thời cắp sách đến trường, cái thời tiểu học ngây ngô, hay còn gọi là cái thời 500 với chả 1000. Nghĩ lại thấy mình con nít thật chứ! Mỗi ngày đi học, người ấy cho tôi 500 đồng để ăn vặt cả ngày. Tôi thấy chúng bạn đứa nào cũng được 1000, tôi kì kèo người ấy. Đến khi được 1000 rồi thì chúng bạn đã lên đến 2000. Mỗi lần tôi “theo đuôi” người ấy thì đúng chỉ là có chuyện “tăng lương”. Tôi hay khóc vì “lương” vẫn ở mức cố định vì còn đâu nữa để mà cho thêm tôi đây? Nhà tôi chỉ được có thế là cùng.
Rồi làm sao có thể quên được một trận đòn te tua. Người ấy vừa phết cho mấy roi, vừa sụt sịt trong hàng lệ nóng hổi lăn dài trên gò má: “Sao đi học mà mãi không chịu về? Đi chơi thì không xin phép! Đã thế còn không biết giờ về đi lễ nữa chứ! Lần sau mà còn như vậy thì nhịn cơm luôn đi nhé!”. Đau quá chừng! Tôi lì ra không thèm nói đến nửa câu, chỉ quỳ đó rồi khóc nức, khóc nở. Biết tôi đau nhưng người ấy chỉ nói: “Tại mình đấy chứ! Sao còn ngồi đó mà ấm ức?”. Biết rõ tôi thích ăn bánh bao nóng, người ấy đã mua cho tôi một cái thật to, thật thơm, có lẽ tôi chưa bao giờ được ăn như thế. Cũng thừa biết tôi quỳ nãy giờ đã đói lắm rồi, người ấy bẻ ra và đưa bánh cho tôi. Tôi làm cao không thèm ăn, người ấy “xuống nước: “ăn đi, đói sao ngủ được!”. Thế đấy, nói mãi tôi mới chịu ăn, nhưng cũng có thể lúc đó tôi ăn không phải vì đói, vì thèm nữa mà vì thương người ấy. Cảm giác đó sao thật êm đềm, sung sướng và hạnh phúc biết bao. Đêm đó, người ấy ôm chặt tôi vào lòng, xoa bóp những lằn roi ban chiều và thủ thỉ, đôi môi của người ấy nhấp nháy trên gò má của tôi: “Còn đau nhiều không? Lần sau đừng như thế nữa nhé!”.
Nhớ nhất những ngày còn bé, mỗi khi tôi thắc mắc, buổi tối tôi ngủ ở đây, sao sáng thức dậy tôi lại ở kia. Người ấy bảo rằng: “Ban đêm, có một “thiên thần” đến bế tôi vào giường”. Người ấy còn dặn tôi: “Sáng ngủ dậy mà thấy mình đang nằm trên giường thì phải cảm ơn thiên thần ấy thật to, để đêm đến thiên thần còn bế mình vào giường”. Vì thiên thần “ẩn mặt” đó không ai khác chính là người ấy, người đã hiện hữu bên cạnh, làm nên cuộc đời tôi, người đã cho tôi quá nhiều nhưng chưa nhận được gì nơi tôi. Tôi phải gọi người ấy là gì đây? Thiên thần ư? Người vĩ đại ư? Hay một cái tên khác?
Vâng! Người ấy tôi phải gọi là “Mẹ”
Mẹ ơi! Mẹ có biết, chính vì có Mẹ mà con mới thấy đời mình có nhiều ý nghĩa và đầy thú vị không? Mẹ có biết, Mẹ là người tuyệt đẹp trong tâm trí con không? Và Mẹ ơi! Sẽ chẳng còn một cái tên nào có thể thay thế cho bằng con được gọi Mẹ là “Mẹ” cả.
Cảm ơn Mẹ! Cảm ơn Mẹ đã đón nhận bao hy sinh để “thêu dệt” nên cuộc đời con. Đẹp quá Mẹ ạ! Làm sao con có thể quên được những phút giây sống bên Mẹ. Thật quá êm đềm! Con cảm ơn Mẹ! Cảm ơn vì Mẹ luôn ở bên con, động viên khi con gặp thất bại ê chề: “Rồi con thấy: Thập Giá của con sắp nở hoa rồi đấy!”. Mẹ có biết không:
“Con dù lớn vẫn là con của Mẹ
Đi hết cuộc đời lòng Mẹ vẫn yêu con”.
Nhóc Còi
Thanh Tuyển viện MTG.Thủ Đức