Cổ nhân Trung Quốc có từng truyền lại một câu chuyện về một chàng trai vì muốn giải đáp hết được mọi câu hỏi trong cuộc đời, bèn cất công đi khắp nơi tìm cao nhân giúp anh trả lời.
Hành trình gian nan
Chàng trai đã qua đi rất nhiều nơi, gặp qua rất nhiều người nhưng lại chẳng ai có thể đưa cho anh câu trả lời thích đáng, điều này khiến anh vô cùng thất vọng.
Một ngày anh ta gặp một người thầy, người đó nói cho anh rằng ở vùng núi phía Nam cạnh quê hương của mình, có một vị cao tăng đắc đạo sinh sống, nghe nói ông có thể giải đáp hết tất cả những câu hỏi trong cuộc sống dù nó khó đến mức nào.
Chàng trai nghe vậy rất thích thú, lập tức khởi hành hướng về vùng núi nơi vị ẩn sĩ tài danh sinh sống. Dù không biết chính xác vị cao nhân ở đâu, diện nào thế nào, anh vẫn vừa đi vừa hỏi thăm, tâm trạng vô cùng hào hứng.
Khi đã đến chân núi Nam, anh bắt gặp một người tiều phu vừa đi chẻ củi trở về liền giữ chân người này lại hỏi chuyện về vị cao tăng uyên bác kia.
Người tiều phu nhiệt tình trả lời anh thanh niên ham học, ông nói trên núi quả thật có một vị cao tăng thông thạo mọi đạo lý thiên hạ, nhưng tiếc rằng người này hay đi ngao du bốn bể, không ai biết được chính xác người đó đang ở đâu, nếu muốn gặp cũng phải do duyên phận.
Không chỉ có vậy, ngoại hình của vị cao tăng cũng được miêu tả một cách mơ hồ, không nhất quán. Có người nói nhìn ngài như phát ra ánh hào quang của Đức Phật, có người lại nói ngài trông vô cùng tùy tiện và nhếch nhác.
Trước vô số thông tin khác nhau về vị cao tăng bí ẩn, anh không hề nản lòng mà vẫn tiếp tục lên rừng tìm kiếm. Trên đường đi anh đã gặp gỡ rất nhiều người, trong đó có một người nông dân, một cậu bé du mục, một người thợ săn… nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng vị cao tăng mà anh mong mỏi bao lâu.
Câu trả lời từ một người ăn xin
Đến khi cảm thấy tuyệt vọng, chàng thanh niên quyết định xuống núi. Trên đường, cậu vô tình bắt gặp một người ăn mày, trên tay cầm một chiếc bát vỡ.
Người ăn mày cầu xin cậu cho một ít nước, cậu không ngại ngần lấy nước từ trong túi của mình đổ ra cho người ăn xin tội nghiệp. Thế nhưng, chiếc bát vỡ không thể chứa nổi một giọt nước nào, nước đổ vào bao nhiêu lại chảy ra bấy nhiêu, dù người ăn xin có cố gắng thế nào thì chỉ cần giơ chiếc bát lên miệng, nước đã chảy hết ra ngoài.
Chàng trai bất ngờ gặp một người ăn mày xin nước vào một chiếc bát vỡ. Ảnh minh họa: Baidu
Lúc này, chàng trai bắt đầu bực mình: “Cái bát đã vỡ như này làm sao có thể đựng được nước nữa chứ? Sao ông lại dùng nó để uống nước vậy?”
Tuy nhiên, câu trả lời của người ăn mày lại khiến chàng trai vô cùng kinh ngạc, ông nói:
“Chàng trai à, cậu đi khắp nơi để tìm lời giải trong cuộc sống, nhưng khi gặp những câu trả lời không đúng ý bản thân, cậu lại hoàn toàn gạt bỏ nó đi, vậy có phải cũng giống như bát nước này, càng đổ nước vào, nước càng chảy ra hay không cơ chứ”
Lời nói của người ăn xin như chạm được vào tim đen của chàng trai, anh ngẫm nghĩ và giật mình nhận ra người ăn xin có thể chính là vị cao tăng đắc đạo mà mình đang tìm kiếm. Thế nhưng anh chưa kịp nói gì, người ăn xin đã biến mất từ lúc nào không hay.
Lúc này, chàng thanh niên mới tỉnh ngộ, hóa ra câu trả lời anh muốn tìm đều đã được giải đáp trong suốt chuyến đi của mình, chỉ là anh đã không chịu chấp nhận nó mà thôi.
Thật vậy, câu trả lời cho mỗi vấn đề khó khăn mà ta gặp phải đều nằm ngay trong chính cuộc sống quanh ta, không cần phải đi quá xa xôi để tìm hiểu, chỉ cần bình tĩnh quan sát và chấp nhận, ta sẽ nhanh chóng tìm thấy lời giải cho vấn đề của mình.
Chàng trai trong câu chuyện bề ngoài có vẻ khiêm tốn, kiên trì, chịu khó đi khắp nơi, thỉnh giáo vô số người nhưng thực chất lại chỉ đang đi tìm một câu trả lời làm vừa lòng cái tôi của bản thân, không chịu tiếp thu những ý kiến trái chiều hay những quan điểm khác biệt, giống như có một lỗ hổng trong suy nghĩ vậy.
Cũng giống như cần lấp lại lỗ hổng trên chiếc bát, việc chàng trai cần làm không phải là tiếp tục tìm kiếm mà hãy lấp lại lỗ hổng tạo ra từ sự bảo thủ, cố chấp của bản thân và bắt đầu mở lòng chấp nhận những thứ xung quanh mình. Đây có lẽ cũng là bài học cho tất cả chúng ta.