Ngựa trong ngôn ngữ dân gian

94

Thắm thoát một năm đã trôi qua, thời gian nhanh như “Bóng câu qua cửa sổ”. “Câu” là ngựa, ngọ hay mã, chứ không phải chim bồ câu như nhiều người nghĩ.

Thật tội nghiệp cho kiếp nô lệ “làm thân trâu ngựa” cho chủ hay cho kẻ có quyền có tiền, mặc dầu phải tận trung tận lực “Khuyển mã chí tình”, nhưng cuộc sống chẳng ra gì, ngày càng khổ cực, nhất là trong thời kinh tế khủng hoảng, “lạm phát phi mã” hiện nay.

Ngày nay, xã hội đảo điên, luân lý suy đồi, ra đường dễ gặp côn đồ “Đầu trâu, mặt ngựa”, nhiều băng nhóm “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” cấu kết làm hư xã hội, thêm vào đó nhiều thanh niên ăn học chưa thông, lại tự cao tự đại, không biết tính khiêm tốn nên thường dở chứng “ngựa non háu đá”.

Người ăn nói “thẳng như ruột ngựa” thường bị cấp trên không ưa thích. Trong xã hội nhiễu nhương như thế, chớ nên giỡn mặt chỉ trích cấp trên, mà gặp nguy nan, thiên hạ gọi hành động đó là “mó dái ngựa”, bị “ngựa đá ngược” thì chết không kịp ngáp, bởi vì cỗ nhân dạy chớ đùa giỡn với “Mõm chó vó ngựa“. Trong xã hội, không hẳn bạn bè nào cũng tốt, mà coi chừng có kẻ tiểu nhân, bạn bè phản phé “ngựa đá giò lái”, đâm sau lưng mà chết tức tưởi.

Chính vì vậy mà trong nghị trường đa số thuộc loại “Chỉ hươu nói ngựa” để làm vừa lòng cấp trên. Chuyện kể rằng hoạn quan Triệu Cao mưu đồ diệt vua Tần Nhị Thế, nhưng chưa dám ra tay vì chưa biết ai còn trung với nhà Tần. Nhân dịp trong buổi họp cùng các quan cận thần, Triệu Cao biếu vua Tần Nhị Thế một con hươu, nhưng nói với vua đó là con ngựa. Nhị Thế cười nói: “Thừa tướng lầm đấy chứ! Sao lại gọi con hươu là con ngựa?” Rồi Nhị Thế hỏi các quan, nhiều người im lặng, nhưng cũng có người hùa theo Triệu Cao nói là ngựa, trong khi một số ít nói đó là con hươu. Triệu Cao bèn tìm cách hãm hại những ai nói đó là hươu. Từ đó ai nấy đều khiếp sợ Triệu Cao, để y giết Tần Nhị Thế và lập Tử Anh lên thay, tức là Tần Tam Thế.

Trên chính trường, năm 2013 có quá nhiều nhân vật tiếng tăm nhưng phát ngôn chẳng ra gì, làm trò cười cho thiên hạ, đúng là “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”, một lời trót nói bốn ngựa đuổi không kịp.

Trong một xã hội loạn ly, không còn luật pháp, kẻ có quyền thế hay kẻ ngang ngược thường viện dẫn luật lệ hay lý lẽ vô lý để cướp của người khác, như chuyện Ngu Công tâu với vua Tề Hoàn Công: “Nguyên hạ thần có nuôi một con bò cái, đẻ được một bò con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đem đi bán, lấy tiền mua một con ngựa con đem về nuôi chung với bò cái trong cùng một chuồng. Một hôm có một chàng thanh niên đến, lấy lý rằng bò không thể đẻ ra được ngựa nên bắt ngang con ngựa đem đi. Thần cô thế không cãi lại được, đành phải chịu mất con ngựa, do đó mọi người đều cho thần là ngu và đặt tên cái hang nầy là hang Ngu công”. Hôm sau, trong buổi chầu, Hoàn công đem câu chuyện nói trên kể lại với quan Tướng quốc là Quản Trọng, tức Quản Di Ngô. Quản Trọng nói: “Đó chính là cái ngu cuả Di Ngô nầy chứ không phải của ông Ngu công nào cả. Thần làm Tướng quốc mà không giúp được gì cho Chúa công trong việc sửa sang phép nước, đến nỗi có người dám ngỗ ngược lấy không ngựa của người ta như vậy thì rõ ràng hình pháp ngày nay không ra gì. Vậy xin nhà vua kịp chỉnh đốn kỷ cương để cho người dân thấp cổ bé miệng như ông Ngu công nầy khỏi bị người ta ức hiếp…”.

Trong một xã hội nhiễu nhương như vậy, để làm màu mè che mắt thế gian, cũng có nhiều đoàn thanh tra đến địa phương, nhưng điều tra qua loa cho có chuyện, y như việc “cởi ngựa xem hoa”. Tuy xã hội lập nhiều lao tù để giam giữ kẻ bất lương, nhưng thiếu chính sách giáo hóa đúng đắn với các phần tử “Như ngựa bất kham”, cứng đầu khó dạy như “Ngựa đứt dây cương”, nên khi ra khỏi tù thì “Ngựa quen đường cũ”.

Trong cuộc đời, khi gặp một biến cố, không ai có thể biết trước cái tốt hay cái xấu, cái may hay cái rủi sẽ xảy ra, như chuyện “Tái ông mất ngựa”. Vì vậy, cũng đừng nhìn cái hiện tại để đánh giá là thành công hay thất bại, như chuyện chạy marathon, người chạy dẫn đầu chưa chắc là kẻ thắng cuộc sau cùng, cũng giống như “Ngựa về ngược” hay “Ngựa chạy nước rút” trong cuộc đua ngựa.

Cũng trong cuộc đời, không có gì đau bằng “bị ngựa đá” khi bị tình phụ, hay bị “ngựa đá giò lái” do bạn bè phản trắc, hay các chính khách bị “thay ngựa giữa dòng”. Chắc chắn ai ai cũng có nỗi đau “Bị té ngựa” không nhiều thì ít, khi thi cữ công danh chưa toại, hay làm ăn thất bại, gặp xui xẻo trong đời. Một xã hội gọi là tốt khi mọi người biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”.

Người phụ nữ bị ràng buộc nhiều bởi lễ giáo, giống như con ngựa, ngoài dây cương còn phải bịt một phía mắt “Có chồng như ngựa có cương”. Nếu không, ra đường mà ngó ngược ngó xuôi, thì bị cho “đồ ngựa rượt”, “Đồ đĩ ngựa”, “Đồ quá ngựa”, thứ “Ngựa dập voi giày”. Ngược lại, thật tội nghiệp cho các cô thơ ngây, tin trai để bị “quất ngựa truy phong” mà hư cả cuộc đời.

Thanh niên mà không có lập trường, nay ý này, mai ý khác, được so sánh với “Lông bông như ngựa chạy đường quai”, còn ăn nói cà chớn không ra gì, tính tình cà tửng thì mang danh đồ “Ngựa búng”, còn đang ngoan ngoãn, công việc đang trôi chảy tốt đẹp mà lại bỏ dỡ làm hư nửa chừng thì là“ngựa trở chứng”. Khi lo âu, bị stress, con người thẫn thẫn thờ thờ, mặt  trở thành “Mặt dài như mặt ngựa”.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
(Chinh Phụ Ngâm)

Đó là hình ảnh anh hùng của bậc nam nhi khí phách, ra chiến trận trên lưng “thiên lý mã” chạy ngàn dặm, xem cái chết nhẹ như lông hồng, lấy “da ngựa bọc thây”, chứ không ru rú trong nhà chết “Thượng mã phong” … Là kẻ anh hùng, đôi khi phải “đơn thương độc mã” cùng đấu với tướng địch, hay phải điều “thiên binh vạn mã” trong chiến trận.

Quốc gia nào cũng phải có binh hùng tướng mạnh để bảo vệ độc lập đất nước, thời bình hay thời chiến đều phải “Chiêu binh mãi (luyện) mã”. Đất nước ta, trong suốt dòng lịch sử, lúc nào cũng phải đấu tranh với giặc Tàu phương Bắc. Con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương vừa bay vừa phun lửa diệt giặc Ân và sau khi phá tan giặc, liền bay vút lên trời xanh.

Khi thành công đuổi được quân Mông ra khỏi đất nước trong 3 lần xâm lược, vua Trần Nhân Tôn làm lễ tạ ơn trời đất tại điện Chiêu Lăng. Nhận thấy các ngựa đá ở trước lăng, con nào chân cẳng cũng lấm đầy bùn đất, vua Trần cho rằng nhờ khí thiêng sông núi nên đến ngựa đá cũng ra trận và góp phần đánh thắng quân thù, do đó Ngài xúc cảm làm hai câu thơ chữ Hán:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Ngựa đá hai phen phò xã tắc 
Âu vàng muôn thuở giữ sơn hà)

Nguyễn Thị Kim-Thu
khoahocnet.com