Năm Quý Tỵ đã qua, tức là con Rắn đã phải trườn bò đi nhanh vì không làm được gì. Năm Giáp Ngọ đến, tức là con Ngựa đang phi nước kiệu tới, càng lúc càng gần…
Ca dao, tục ngữ và thành ngữ nói nhiều về Ngựa. Người ta dùng Ngựa để ví von nhiều thứ. Về sự thẳng thắn: “Thẳng như ruột Ngựa”; về tình đoàn kết: “Một con Ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; về sự nhanh nhẹn: “Nhanh như Ngựa vía”; về sự bất lương: “Đầu Trâu, mặt Ngựa”; về sự phú quý: “Lên Voi, xuống Ngựa”; về sự không trung thành: “Thay Ngựa, đổi chủ”; về sự tham lam: “Được đầu Voi, đòi đầu Ngựa”; về sự may rủi: “Tái ông mất Ngựa”; về sự bền chí: “Muốn đi xa phải giữ sức Ngựa” (ngạn ngữ Pháp); về sự lãnh đạo: “Cầm cương, nảy mực”; về sự cẩn trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn Ngựa đuổi không kịp)…
Người ta cũng “rút” được kinh nghiệm này: “Ở đời có ba cái dại: Một là đứng trước con ngựa, hai là đứng sau con bò, ba là đứng bên cạnh đàn bà”. Có thật vậy không? Phàm điều gì cũng vậy, có phần đúng và phần không đúng, tùy trường hợp.
Còn Kinh thánh nói gì về con Ngựa? Ngựa tốt hay xấu? Kinh thánh có nhiều chuyện về Ngựa, nhiều lần đề cập con Ngựa, chỉ riêng Chúa Giêsu lại không hề nhắc tới con Ngựa lần nào.
Sách Sáng Thế nói: “Người ta đưa các đàn vật của họ đến cho ông Giuse, và ông đã cho họ bánh, đổi lấy ngựa, lấy đàn chiên dê, đàn bò và lấy lừa. Năm đó, ông cung cấp bánh cho họ, đổi lấy tất cả những đàn vật của họ” (St 47:17).
Sách Xuất Hành cho biết: “Nếu ngươi không chịu thả cho chúng đi, mà cứ cầm giữ lại, thì này tay của Đức Chúa sẽ giáng ôn dịch rất nặng xuống trên súc vật của ngươi ở ngoài đồng, trên ngựa, lừa, lạc đà, bò bê và chiên cừu” (Xh 9:2-3).
Sách Đệ Nhị Luật kể lại: “Người cho nó phóng ngựa trên các vùng đất cao trong xứ, nó được ăn hoa màu đồng ruộng; Người cho nó nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương” (Đnl 32:13).
Sách Giô-suê tường thuật: “Chúng ra đi, chúng và tất cả các binh sĩ của chúng, một đám dân đông đảo, nhiều như cát ngoài bãi biển, cùng với vô số ngựa xe” (Gs 11:4).
Về chiến thắng ở Mê-rôm, chính Thiên Chúa đã phán với ông Giô-suê: “Đừng sợ chúng, vì ngày mai cũng vào giờ này, Ta sẽ nộp thây của tất cả bọn chúng cho Ít-ra-en; ngươi sẽchặt nhượng chân ngựa và phóng hoả đốt chiến xa của chúng” (Gs 11:6). Và Kinh thánh cho biết: “Ông Giô-suê xử với quân thù như Đức Chúa đã phán với ông: Ông đãchặt nhượng chân ngựa và phóng hoả đốt chiến xa” (Gs 11:9).
Sách Thủ Lãnh nói: “Vó ngựa vang rền trên mặt đất, đoàn thiên lý mã phi nhanh, phi thật nhanh” (Tl 5:22).
Khi dân xin một ông vua, Sa-mu-en nói: “Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông” (1 Sm 8:11).
Sách Sa-mu-en cho biết: “Vua Đa-vít bắt được của vua ấy một ngàn bảy trăm kỵ binh và hai mươi ngàn bộ binh; và vua Đa-vít đã cắt gân chân tất cả những con ngựa kéo xe, chỉ chừa lại một trăm” (2 Sm 8:4).
Sách Sa-mu-en tường thuật: “Áp-sa-lôm đóng cho mình một cỗ xe, với những con ngựavà năm mươi người hộ tống” (2 Sm 15:1). Áp-sa-lôm đã thưa với vua: “Xin cho phép con đi Khép-rôn để con giữ trọn lời đã khấn hứa với Đức Chúa, vì khi còn ở Gơ-sua miền A-ram, tôi tớ ngài đã có lời khấn hứa rằng: Nếu quả thực Đức Chúa cho con trở về Giêrusalem, thì con sẽ thờ phượng Đức Chúa” (2 Sm 15:7-8). Vua chúc y đi bình an. Y lên đường đi Khép-rôn nhưng đã tạo phản và lên ngôi tại Khép-rôn (2 Sm 15:10).
Hoàng tử A-đô-ni-gia, con của bà Khác-ghít, tự xưng vương mà rằng: “Ta sẽ làm vua!”. Chàng sắm xe, ngựa, và kiếm được năm mươi người chạy đàng trước mình (1 V 1:5).
Sách các Vua cho biết: “Vua Sa-lô-môn có bốn ngàn ngăn chuồng cho ngựa kéo và mười hai ngàn con ngựa cưỡi” (1 V 5:6). Hoặc nhắc tới Ngựa theo cách khác: “Tất cả các thành làm kho dự trữ mà vua Sa-lô-môn sẵn có, các thành giữ xe trận, các thành nuôi ngựa và tất cả những gì vua Sa-lô-môn muốn xây cất ở Giêrusalem, ở Li-băng và trong toàn lãnh thổ thuộc quyền vua” (1 V 9:19).
Nói về xa mã của Vua Sa-lô-môn, sách các Vua cho biết: “Mỗi vị đều mang lễ vật: đồ bạc, đồ vàng, y phục, vũ khí, hương liệu, ngựa và lừa. Cứ thế từ năm này qua năm khác.26 Vua Sa-lô-môn tập trung xe và ngựa, xe có một ngàn bốn trăm cỗ, và ngựa có mười hai ngàn con. Vua để chúng ở các thành có xe, bên cạnh vua tại Giêrusalem” (1 V 10:25-26).
Và cũng nói tới giá mua Ngựa: “Ngựa của vua Sa-lô-môn được nhập từ Ai-cập và Cơ-vê. Các thương gia của vua đến tận Cơ-vê mua ngựa theo đúng giá. Một chiếc xe bán ra từ Ai-cập là sáu trăm se-ken bạc, và một con ngựa là một trăm năm mươi. Đối với tất cả các vua Khết và các vua A-ram, nhờ các thương gia làm trung gian mua vào, thì cũng thế” (1 V 10:28-29).
Sách Công Vụ cho biết: “Phải có sẵn ngựa cho ông Phaolô, để đưa ông ấy an toàn đến với tổng trấn Phê-lích” (Cv 23:24). Còn Thánh Gia-cô-bê dùng hình ảnh con Ngựa để nói về con người: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Nói về ngựa để nói về con người: “Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao!” (Gc 3:3-5).
Sách Khải Huyền nhắc tới Ngựa nhiều nhất trong các sách trọn bộ Kinh thánh:
1. “Tôi thấy một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng” (Kh 6:2).
2. “Một con ngựa khác đi ra, đỏ như lửa, người cỡi ngựa nhận được quyền cất hoà bình khỏi mặt đất, để cho người ta giết nhau; người ấy được ban một thanh gươm lớn. Khi Con Chiên mở ấn thứ ba, thì tôi nghe Con Vật thứ ba hô: ‘Hãy đến!’. Tôi thấy: kìa một con ngựa ô, và người cỡi ngựa cầm cân trong tay” (Kh 6:4-5).
3. “Tôi thấy một con ngựa xanh nhạt, và người cỡi ngựa mang tên là Tử thần, có Âm phủ theo sau” (Kh 6:8).
4. “Hình dạng châu chấu giống như ngựa sẵn sàng vào trận; trên đầu chúng có cái gì như thể triều thiên bằng vàng, còn mặt chúng thì như mặt người” (Kh 9:7).
5. “Ngực chúng khác nào áo giáp sắt, và tiếng cánh chúng đập, như tiếng xe nhiều ngựa kéo đang xông vào trận” (Kh 9:9).
6. “Trong thị kiến, tôi thấy ngựa và người cỡi ngựa như thế này: chúng mặc áo giáp màu lửa, màu huỳnh ngọc và diêm sinh; đầu ngựa như đầu sư tử, và mõm chúng phun ra lửa, khói và diêm sinh. Một phần ba loài người bị ba tai ương ấy giết, tức là lửa, khói và diêm sinh từ mõm ngựa phun ra. Quả thế, quyền phép của ngựa thì ở mõm và ở đuôi chúng, vì đuôi chúng như rắn, có đầu, và chúng dùng đầu ấy mà làm hại” (Kh 9:17-19).
7. “Người ta đạp nho trong bồn đặt ở ngoài thành, máu tự bồn trào ra ngập đến hàm thiếc ngựa và lan đến một ngàn sáu trăm dặm” (Kh 14:20).
8. “Hàng hoá đó là: vàng, bạc, đá quý, ngọc trai; vải gai mịn, vải đỏ tía, tơ lụa, vải đỏ thẫm; gỗ trầm, đồ bằng ngà, đồ bằng gỗ quý, bằng đồng, bằng sắt, bằng cẩm thạch; quế, sa nhân, hương thơm, mộc dược, nhũ hương; rượu, dầu, tinh bột, lúa mì, súc vật, chiên cừu,ngựa, xe, thân xác, và cả linh hồn người ta nữa” (Kh 18:12-13).
9. “Tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là Trung thành và Chân thật, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến” (Kh 19:11).
10. “Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh” (Kh 19:14).
11. “Tôi lại thấy Con Thú và vua chúa trên mặt đất, cùng với các đạo quân của chúng, tụ tập lại để giao chiến với Đấng cỡi ngựa và đạo quân của Người” (Kh 19:19).
12. “Những người còn lại bị thanh gươm phóng ra từ miệng Đấng cỡi ngựa giết chết, và mọi loài chim được ăn no thịt của chúng” (Kh 19:21).
Nói về Ngựa trong Kinh thánh, có lẽ đặc biệt nhất là “cú ngã ngựa chí mạng và nhớ đời” của Thánh Phaolô, nhờ cú ngã ngựa đó mà ông “nên người”. Khi ông hăng hái và hung hãn phi ngựa đi khắp nơi lùng bắt những người “cả gan” dám tin theo Chúa Giêsu, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9:4).
Thánh Phaolô kể lại: “Tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Híp-ri: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14).
Thật may phước cho ông, vì ông được Thiên Chúa bảo vào thành và được ông Kha-na-ni-a đặt tay và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần” (Cv 9:17).
Từ đó, một Sao-lê bạo ngược đã biến thành một Phaolô nhân chứng nhiệt thành của Đức Kitô. Và mỗi khi có thể, Thánh Phaolô vẫn vui vẻ hay nhắc lại “kỷ niệm” cũ: “Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 22:1).
Lạy Thiên Chúa, xin biến đổi chúng con thành những “ngựa chiến” của Ngài, để chúng con luôn phi nước đại khi làm chứng về Ngài trên đường lữ hành trần gian, và cuối cùng sẽ phi thẳng về gặp Ngài nơi Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Xuân Giáp Ngọ – 2014