Ngụ Ngôn Nhâm Dần

143

Bác Trâu Buồn Sầu Lắc Sừng Lui Bước

Nàng Cọp Nhí Nhảnh Gầm Rú Tiến Vào

Năm Nhâm Dần là năm con Cọp, nhưng chẳng ai biết năm nay là Cọp đực hay Cọp cái, mà cũng chẳng cần phân biệt. Đã là Cọp thì Cọp nào cũng hung dữ – Cọp đực thì dữ tợn, Cọp cái thì dữ dằn. Người ta cũng gọi Cọp là Hổ hay Hùm, và cái tên lạ kỳ là Ông Ba Mươi.

Để răn đời, người ta thường nhân cách hóa động vật hoặc thực vật và tạo nên truyện kể, gọi là ngụ ngôn. Nổi tiếng truyện ngụ ngôn là Jean de la Fontaine (1621-1695) người Pháp. Đặc biệt ông viết truyện ngụ ngôn theo thể văn vần chứ không theo văn xuôi.

Thiết tưởng cũng nên phân biệt: Ngụ Ngôn không là Dụ Ngôn, nhưng Dụ Ngôn cũng được gọi là Ngụ Ngôn. Hai danh từ này vừa mang ý nghĩa tương đương vừa mang ý nghĩa dị biệt.

Ngụ ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn chứa bài học có giá trị về luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.

Tương tự, dụ ngôn (Anh: parable; Pháp: parabole) cũng là một câu chuyện ngắn gọn, đơn giản, nhưng có điều khác là có tính bí ẩn, tính tục ngữ, đặc biệt là có chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu dùng thể loại này – tức là Ngài dùng “dụ ngôn” chứ không dùng “ngụ ngôn.”

ÔNG BA MƯƠI

Truyền thuyết kể rằng có một nhân vật tên Phạm Nhĩ sống ở Thiên Cung, có sức khỏe phi thường. Ông có vành tai rách nên gọi tên Nhĩ là vậy. Phạm Nhĩ cậy có sức át cả thiên binh thiên tướng. Qua nhiều lần giao chiến, ông định lật đổ Ngọc Hoàng để lên ngôi Thiên Đế. Ngọc Hoàng yếu thế bèn cầu Phật. Đức Phật đích thân đi bắt Phạm Nhĩ nhốt vào túi thần và giao cho Ngọc Hoàng xử lý.

Ngọc Hoàng đày Phạm Nhĩ xuống trần gian nhưng cắt đôi cánh đi để khỏi bay về trời làm loạn, đồng thời hóa phép làm cho tai Phạm Nhĩ, vốn rất thính, nghe được ngàn dặm, phải cụp lại khi tỉnh. Nể lời Phật dạy, Ngọc Hoàng giao cho Phạm Nhĩ làm chúa tể sơn lâm, và gọi là Hổ. Theo thông lệ, khi có người nào săn được hổ thì được vua thưởng 30 quan tiền vì trừ được tai họa cho dân, nhưng đồng thời cũng phạt 30 hèo vì sợ vong hồn Phạm Nhĩ giận mà tác quái.

Theo truyện Mộc Tinh trong sách Lĩnh Nam Chích Quái (Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam), người Văn Lang gọi Mộc Tinh, thần cây cối, tức là thần cây Chiên Đàn – một loại cây “trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay hình đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể hại người, hại vật, biến hóa khôn lường, và thường ăn thịt người.”

Dân chúng phải lập đền thờ Mộc Tinh. Hằng năm, cứ đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp thì mới được yên ổn. Dân thường gọi là thần Xương Cuồng – nghĩa là hành động bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được. Mộc Tinh trong hình ảnh con Cọp là tai họa của rừng núi, cũng như Ngư Tinh là tai họa của sông biển và Hồ Tinh (chồn cáo) là tai họa của đồng bằng.

Cũng có thuyết cho rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy bức, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do Hổ tha tới tiếp tế hằng ngày mà thoát chết. Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài, thuộc tỉnh Bà Rịa, để tạ ơn, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết Hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền.

Đó là vài cách lý giải về tên gọi Ông Ba Mươi mà người ta dùng để nói về con Cọp. Biết cho vui ngày Xuân ngày Tết chứ cũng chẳng lợi ích gì. Có những có vẻ “vô bổ” mà vẫn nên biết, vì nó mang tính văn hóa, nhưng có những thứ thực sự vô bổ mà cứ ham biết thì đúng là… vô bổ thật, vì chẳng ích lợi gì mà lãng phí thời gian cho những chuyện không đâu!

CỌP VÀ MÈO

Người ta không nói “Đại Hổ” mà chỉ nói Hổ, nhưng lại gọi là “Tiểu Hổ” để nói về Mèo. Có lẽ do Mèo có “vóc dáng” như Hổ chăng? Còn nữa, hình ảnh Hổ được dùng để “tôn” vẻ oai nghiêm, như thường thấy có bia đá vẽ hình con Hổ ở trước các đền miếu. Có truyện kể rằng…

Ngày xưa, muông thú đều tôn Mèo là thầy, vì Mèo rất tài giỏi, dạy cho muông thú các môn võ nghệ để phòng thân và tồn tại. Như trâu biết húc, gà biết mổ và đá, ngựa biết chạy và lúc gặp kẻ thù nguy hiểm thì biết đá hậu… Khi ấy Hổ chưa biết ngón nghề võ nào, thấy muông thú đều được học thì cũng muốn lắm, ngặt nỗi không biết làm sao, bèn tìm cách học lén khi những con thú học với Mèo. Một lần bị Mèo bắt gặp, Hổ nói:

– Xin Thầy thương tình mà truyền cho các ngón nghề võ nghệ phòng thân.

Nghe thế Mèo đồng ý nhận Hổ làm học trò, hằng ngày truyền dạy võ nghệ và tất cả các ngón nghề. Mỗi lần học, Hổ lại nài nỉ:

– Thầy còn tuyệt nghệ nào xin truyền hết đi.

Thế là Mèo lại truyền môn “ra oai” bằng những chiêu gầm gừ, gầm rống và xù lông làm đối phương khiếp vía kinh hãi.

Ngày qua ngày, Hổ đã học được hết tất cả các môn võ nghệ. Muông thú đều sợ hãi và đều thất bại dưới móng vuốt của Hổ mỗi khi tỉ thí. Tính tham lam và cao ngạo lên cao, nhìn lại thấy chỉ còn Mèo là Hổ chưa tỉ thí và nghĩ Mèo quá nhỏ thó so với Hổ, nếu thắng Mèo nữa thì sẽ là Chúa Tể muôn loài. Vậy là Hổ thẳng thừng thách đấu với Mèo. Nghe tin ấy Mèo vẫn không tỏ vẻ sợ hãi hay ngạc nhiên.

Đến ngày thi đấu, Mèo đến, Hổ đã chờ sẵn. Không nói không rằng, Hổ liền bất ngờ tấn công. Mèo biết trước, nhanh nhẩu né tránh và trèo thoăn thoắt lên cây cao. Hổ bị bất ngờ nên tức lắm, ở dưới gốc cây gầm rống vang cả núi rừng. Mèo ở trên cây cười và bảo:

– Meo mẻo mèo meo, ta còn võ trèo, ta chẳng dạy cho!

Hổ càng tức điên, nhưng cố bình tĩnh, nhại lại Mèo, nghiến răng nói:

– Meo mẻo mèo meo, ta bắt được Mèo ta ăn cả phân!

Từ đó, Hổ tuy mạnh mẽ nhưng lại không biết leo trèo. Và cũng từ đó, dòng dõi nhà Mèo đều phải đào hố và giấu phân của mình. Khi thấy ai giấu giếm gì đó, người ta thường ví von là “giấu như mèo giấu c…” vậy!

CỌP VÀ NGƯỜI

Hổ đi dạo trong rừng nhưng chẳng may bị lọt vào bẫy. Nó hung hăng giãy giụa, hết húc đầu đến dùng răng gặm bẫy tìm cách chui ra, nhưng bẫy làm bằng những cây tre đực rất chắc nên không thể làm gì được. Đang cơn nguy khốn, bỗng có một người học trò đi qua. Thấy người học trò, Hổ bèn lấy giọng ngọt ngào:

– Chào thầy tú, làm sao thầy tú lại đi vào nơi nguy hiểm này. Chao ôi! Thầy không biết rằng bạn bè tôi hiện đang ở khắp mọi ngả để rình mồi đấy ư? Thôi, chúng ta hãy giao ước với nhau điều này nhé! Về phía thầy, thầy làm ơn mở nắp cho tôi ra. Về phía tôi, tôi sẽ luôn luôn bảo vệ thầy, không để cho một con hổ nào động đến. Mặt khác, tôi sẽ làm cho dân vùng quanh đây kính trọng thầy, tôn thờ thầy như một vị thần.

Người học trò đáp:

– Nếu ta mở cho ngươi ra, ngươi sẽ ăn thịt ta mất!

Nghe nói thế, hổ một hai xin thề và nói:

– Chao ôi! Thầy tú! Thầy lại không biết tôi là kẻ xưa nay chưa hề nói dối. Tôi đã nói không ăn thịt thầy thì lẽ nào vì một miếng ăn mà tôi làm sai lời. Tôi là chúa sơn lâm có đâu lại phí mất tiếng tăm của tôi. Thầy hãy mở cho ra, suốt đời tôi sẽ không quên ơn.

Người học trò nhẹ dạ cảm động về những lời khẩn cầu của Hổ và tin vào những câu thề thốt nặng lời của nó, nên vui lòng rón tay làm phúc. Cần bẫy kéo lên, Hổ ta nhanh nhẹn chui ngay ra, ngáp dài và gầm lên một tiếng làm cho người học trò giật mình kinh hãi:

– Ôi! Ngươi hét to quá làm ta đinh tai nhức óc.

Lúc nãy Hổ tỏ ra hèn hạ quỵ lụy bao nhiêu thì bây giờ lộ mặt hung hăng trắng trợn bấy nhiêu. Nó đổi giọng:

– Tiếng của ta làm ngươi khó chịu ư? Ta còn muốn ăn thịt ngươi nữa đấy!

– Ngươi vừa mới giao ước thề bồi với ta chưa ráo mồm, sao đã trở mặt nhanh như vậy?

Người học trò chưa kịp dứt lời, Hổ đã gầm lên:

– Ta cám ơn lòng tốt của ngươi. Nhưng ngươi phải hiểu rằng cái bụng đói của ta không cần biết phải trái gì hết. Ta nhịn đói đã mấy ngày nay và bây giờ cần có sức để trở về hang. Vậy ngươi hãy nộp mạng cho ta đi!

Trong khi con vật phản phúc đang tìm cách nuốt trôi lời hứa thì Thần Núi biết được câu chuyện. Thương hại người học trò bị mắc lừa, Thần Núi bèn hiện ra trước mặt người học trò và con hổ với dung mạo quan tòa, mặt mũi dữ tợn, mắt sáng long lanh, râu tóc trắng xóa. Thần Núi nạt lớn:

– Các ngươi làm gì mà cãi nhau ồn ào ở đây? Ai phải ai trái? Hãy nói ngay cho ta rõ, ta sẽ phân xử cho.

Người học trò vội kể lại câu chuyện vừa qua. Nhưng Hổ chỉ vào cái bẫy mà cãi biến:

– Làm gì có chuyện đó. Tôi đang ngủ yên lành trong kia thì bị tên này ở đâu đến quấy nhiễu. Không những hắn không cho tôi nghỉ ngơi mà còn tìm cách hại tôi. Vì thế, tôi phải ăn thịt hắn để trả thù.

Thần Núi phán bảo:

– Đúng! Ngươi có quyền trả thù kẻ nào dám xâm phạm chỗ ở của ngươi. Nhưng ta lại không tin rằng đó là chỗ ở của ngươi. Vì thân hình ngươi to lớn như vậy làm sao có thể nằm trong một chỗ chật hẹp như kia được chứ? Bây giờ thì hai bên sẽ trở lại đúng nguyên vị trí cũ, ta sẽ xem xét và phân xử sau.

Hổ tin mình thắng nên hí hửng chui vào bẫy. Lập tức Thần Núi hạ cần bẫy xuống và quát mắng:

– Đồ khốn kiếp! Ngươi đã bội ước và lấy oán trả ơn đối với người đã cứu mình ra. Giờ thì ngươi đừng có mong ai cứu cho nữa.

Rồi quay lại phía người học trò, Thần Núi nói:

– Đây là một bài học rất quý cho ngươi! Cần phải tốt và nhân hậu đối với mọi người, nhưng trước hết phải nhớ rằng chớ có bao giờ tốt và nhân hậu đối với kẻ độc ác nào cả!

CỌP VÀ KINH THÁNH

Trong Kinh Thánh không dùng chữ Cọp hay Hổ, chỉ thấy 2 lần đề cập chữ “Hùm thiêng” trong Cựu Ước:

  1. Ông Êliphát nói với ông Gióp: “Xin anh nhớ kỹ: Có ai vô tội mà phải tiêu vong? Có nơi nào người công chính lại bị huỷ diệt? Điều tôi thấy rành rành là những người vun trồng tội ác và gieo tai rắc họa cuối cùng chỉ gặt lấy họa tai. Chúng bị tiêu vong do hơi thở của Thiên Chúa, chúng phải tận diệt vì nộ khí của Người. Tiếng sư tử gầm, tiếng HÙM THIÊNG rống, Người làm cho im bặt. Người bẻ gãy nanh sư tử con. Sư tử tiêu vong vì không còn mồi, tất cả bầy con phải tan tác.” (G 4:7-11)
  2. Thánh Vịnh gia cho biết: “Bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bạn có thể giẫm lên HÙM THIÊNG rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long.” (Tv 91:9-13)

Trong cuốn “Jesus: A Pilgrimage” – Chúa Giêsu: Một Cuộc Lữ Hành, tác giả James Martin nói: “Có thể nói rằng chính Chúa Giêsu là DỤ NGÔN của THIÊN CHÚA.” Chúng ta có thể sử dụng chuyện của Ngài để thấu hiểu, không chỉ theo tình huống mà còn theo tính cách của Ngài. Rõ ràng không ai biết Thiên Chúa, nhưng qua Đức Kitô, chúng ta được biết câu chuyện tuyệt vời cho phép chúng ta hình dung Ngài đối với chúng ta. Chính Chúa Giêsu là Dụ Ngôn vĩ đại nhất.

Mỗi khi giáo huấn bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu thường hỏi các môn đệ: “Dụ ngôn này nghĩa là gì?” Và Ngài cũng vẫn đang hỏi mỗi chúng ta như vậy!

TRẦM THIÊN THU