NGHỆ THUẬT SỐNG Ngôn ngữ @

Ngôn ngữ @

Ngôn Ngữ @

 

Em gửi tin nhắn cho cô, với mục đích xin phép nghỉ học vì phải đi công tác đột xuất, tuần sau mới về. Nhưng em quên rằng gửi tin cho cô, nên em vẫn vô tư dùng loại ngôn ngữ mà em thường dùng với bạn bè mà có lần cô thắc mắc thì các em giải thích rằng đó là ngôn ngữ @.

Đọc tin nhắn của em, cô phải cố gắng hết sức và phải mất đến hơn mười phút, sau khi đoán già đoán non, nặn óc tra tự điển cả Anh lẫn Pháp; cuối cùng phải nhờ các bạn trong lớp “dịch” hộ cô mới có thể hiểu nội dung em muốn gửi.

Sau đó thì cô “bệnh”, không phải vì quá mệt để “dịch” được ngôn ngữ của em, nhưng cô bệnh vì lo lắng cho tương lai của các em, buồn phiền vì sự coi thường của em khi nhắn tin xin phép. Em có thể nhắn tin xin phép, nhưng nhắn với ngôn ngữ của em thì… cô chào thua.

Các em có thể dùng thứ ngôn ngữ mà các em gọi là ngôn ngữ @, một thứ ngôn ngữ mà các em cho là “thời thượng”, cho giống bạn bè, nhưng dùng nó để nhắn tin cho cô, để xin phép nghỉ học hoặc dùng trong các văn bản… thì quả thật phải suy nghĩ lại. Em có biết đó là sự coi thường, thiếu tôn trọng với người lớn?. Cô biết em sẽ giải thích là em quên, là thói quen… Nhưng nếu như em cứ quên, cứ quen như vậy khi viết đơn, khi soạn thảo những hợp đồng, khi làm bài thi… hậu quả sẽ thế nào?

Em đã lớn, đã đi làm và đã là sinh viên bằng hai, chứ đâu phải còn là học sinh phổ thông hay mới tập tễnh bước vào trường đại học.

Rồi sau này văn phong và cả văn phạm của các em sẽ ra sao khi cái gọi là ngôn ngữ @ của các em vừa què vừa cụt, lại sai chính tả và chẳng có một chút gửi thưa, chào hỏi.

Cô đã dành một tiết học để không giảng về chuyên môn mà cho các em thảo luận về “chuyên đề”:  “ngôn ngữ @”, lớp học ngẫu nhiên chia thành ba nhóm: nhóm một biện minh rằng phải như thế mới là sành điệu, mới là sáng tạo; nhóm hai có ý kiến có thể dùng khi chat chít nhắn tin với bạn bè, nhưng chỉ dùng khi “tám’, còn những việc nghiêm túc phải dùng đúng từ ngữ chuẩn; nhóm ba cho rằng đâu phải cứ dùng những từ ngữ đầy sáng tạo một cách bí hiểm thế mới là “thanh niên thế hệ kỹ thuật số”, nếu cho rằng “để tiên tiến, để hiện đại” sao không tổ chức những buổi giao lưu, những buổi thảo luận chuyên đề bằng ngoại ngữ, để rèn luyện và phát triển khả năng ngoại ngữ, thêm một ngôn ngữ rất cần cho cuộc sống hôm nay.

Các em đã lớn, sẽ tự đánh giá và rút ra bài học trong buổi thảo luận hôm nay, cô không kết luận, một buổi học cô để ngỏ cho các em tự đúc kết.

Đây là nội dung trích từ một thư điện tử của chị gửi cho sinh viên.

Về nhà chị làm một cuộc điều tra, và kết quả là có đến tám trên mười em tuổi từ mười đến hai mươi lăm thường dùng những từ: “bik, (biết), iu (yêu), rùi (rồi), lém (lắm), time (thời gian), 10K  (mười ngàn)…”  khi chat hoặc nhắn tin, thậm chí có bạn còn dùng ngay cả khi làm bài hoặc nói chuyện với cha mẹ, thầy cô.

Còn các bạn? Các bạn đứng vào nhóm nào trong ba nhóm sinh viên của lớp học kia?

Chúc các bạn bước vào đời với bước chân vững chắc, đôi tay tài năng và mỗi lời phát biểu được mọi người trân trọng.

LNVĐ

(chia sẻ TM HĐGD ĐM tháng 5.2011)

 

Exit mobile version