SUY NIỆM Lời Chúa Ngôn ngữ thầm lặng (Lễ Thánh Giuse 19/3)

Ngôn ngữ thầm lặng (Lễ Thánh Giuse 19/3)

(Lễ Đức Thánh Giuse, Phu Quân Đức Mẹ Maria, 19 tháng Ba)

Giuse công chính, kiệm lời

Vâng lệnh Chúa Trời tuyệt đối luôn luôn

Mặc dù trái ý, nguy nan

Vẫn luôn mau mắn, quyết tuân thủ liền

Nhạc sĩ Paul Simon đã sáng tác ca khúc “The Sound of The Silence” (Âm Thanh của Sự Im Lặng – tựa đề lúc đầu là “The Sounds of Silence”, công diễn đầu năm 1965), và đạo diễn Jonathan Demme có bộ phim “The Silence of the Lambs” (Sự Im Lặng của Bầy Cừu), sản xuất năm 1991. Ý tưởng của họ thật là độc đáo!

Theo lẽ thường, sự im lặng không có âm thanh, nhưng thật ra nó có loại âm thanh đặc trưng của nó. Chỉ những ai tĩnh lặng mới khả dĩ “nghe” được loại âm thanh đặc biệt này. Sự im lặng cũng là loại ngôn ngữ đặc biệt, đôi khi sự im lặng lại nói nhiều và nói hay hơn lời nói.

Theo tiếng Do Thái, tên gọi Giuse là יוֹסֵף [Yosef], tiếng Hy Lạp là Ἰωσήφ [Ioseph], và có nghĩa là “thêm vào”. Có lẽ ý nghĩa này là điều thú vị khi nói về Đức Thánh Giuse, con ông Gia-cóp, dòng dõi Thánh Vương Đa-vít, Hôn Phu của Đức Trinh Nữ Maria, và người nhận lãnh trọng trách làm Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu trên trần gian.

Cuộc sống cho chúng ta trải nghiệm điều này: Tài năng thường được tỏa sáng trong sự im lặng, kém cỏi thường tự lan tỏa bằng âm thanh. Đức Thánh Giuse là người chồng và người cha gương mẫu, nhưng lại sống rất khiêm nhường, trầm tĩnh, quên mình vì vợ con, vì người khác, nêu cao tinh thần phục vụ, âm thầm tan biến như muối hòa tan để làm ngon mọi thứ, không còn ai nhận ra muối nữa, và ngài được tôn xưng là Đấng Công Chính.

Như chúng ta đã biết, Đức Thánh Giuse là Phu quân của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và là Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Như vậy, ngài “vai vế” lắm, trách nhiệm nặng nề và công cán to lắm, thế nhưng chẳng ai nghe thấy ngài nói gì, có lẽ ngài là người chỉ thích cười thôi. Quả thật, cuộc đời ngài hoàn toàn “nhỏ bé”, trầm lặng tuyệt đối, hầu như không có tài liệu nào ghi lại lời nói nào của ngài. Chúa Giêsu nói: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9:48). Đúng vậy, thảo nào Giáo hội Công giáo tôn xưng ngài là Thánh Cả, và là bổn mạng của Giáo hội.

Đức công chính rất cần, vì Chúa Giêsu đã đề cao: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6:33). Thật vậy, “một khi NÊN CÔNG CHÍNH thì con người ĐƯỢC BẢO ĐẢM ƠN CỨU ĐỘ” (Rm 5:1-2). Với Đức Thánh Giuse, chúng ta có nhiều điều để nói, mà rồi cũng chẳng có gì để nói – bởi vì rất khó nói. Kỳ lạ thật! Đó là hai thái cực của Sự Khôn Ngoan và Sự Ngu Dốt.

Nghe nói vậy có lẽ chúng ta cảm thấy “rát tai”. Nhưng chính khi sách Huấn Ca đã cho biết thẳng thắn: “Kẻ ngu đần chửi thẳng vào mặt; quà tặng của con người tham lam làm rơi nước mắt. Học trước đã rồi hãy nói sau; để ngừa bệnh, con hãy uống thuốc” (Hc 18:18-19). Vâng, hợp lý lắm: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Lời nói liên quan cái lưỡi, mà “lưỡi sắc bén tựa gươm đao” (Tv 57:5). Không đơn giản chút nào!

Kinh Thánh có cách so sánh rất thực tế: “Uống thuốc để ngừa bệnh”. Như vậy, “học trước, nói sau” là đúng. Người Việt cũng nói: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Không biết mà “tài lanh” thì quả là dại dột, đúng ra phải nói là “ngu xuẩn”. Ngu dốt sinh ra độc đoán. Đầu bã đậu nên không thể hiểu nổi ý tưởng cao xa. La Rochefoucauld nói rõ: “Những kẻ có trí tuệ tầm thường thì hay lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ”.

Lời nói có cái khó của lời nói. Im lặng có cái khó của im lặng, không dễ thể hiện. Chỉ vài người ngồi chung bàn mà ai cũng giành nói, tự cho mình biết nhiều, chữ nghĩa đầy bụng, muốn mình nổi bật, đôi khi nói mà không suy nghĩ, không uốn lưỡi bảy lần. Nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít. Không nói như Đức Thánh Giuse là OK nhất. Ngài thật tuyệt vời! Vả lại, nói đâu là chuyện dễ. Nói bừa thì nói làm gì? Nói nghiêm túc và có lợi cho người khác mới là điều đáng nói. Nhưng trước khi nói thì phải suy nghĩ, đắn đo, nói sao cho ngắn gọn mà đầy đủ. Nói dai, nói dài là nói dại. Suy nghĩ là điều khó, nói ra càng khó hơn, mà làm thì khó lắm. Đúng như Lachausser phân tích: “Nghĩ đúng, nói đúng, vậy cũng chưa đúng, mà còn phải làm đúng”.

Về tâm linh, sách Huấn Ca căn dặn: “Trước khi xét đoán, hãy tự kiểm điểm, thì trong giờ Chúa đến viếng thăm, con sẽ được khoan hồng” (Hc 18:20). Tính toán không hề đơn giản, dù chỉ suy nghĩ về điều nhỏ. Xem chừng “đơn giản” nhưng chỉ là… “đang giỡn” mà thôi. Việt ngữ ngộ vậy mà cũng chí lý lắm!

Trong cuộc sống, chúng ta thường đề cập “ba thù” – bộ ba: Ma quỷ, Thế gian, Xác thịt. Ham nói mà không ham làm là “dính líu” tới “thằng quỷ” Xác Thịt, vừa ích kỷ vừa kiêu ngạo. Thế mới “ham nói”. Ai thích “chỉ tay năm ngón” đều là kẻ… đa ngôn, lắm lời, nói nhiều, mà dở ẹc. Thực tế cho thấy như vậy. Vì thế, như đã nói, không dễ gì mà “im lặng” đâu! Có thể nói rằng giữ im lặng là một nhân đức, vì sự im lặng liên quan lòng khiêm nhường. Đức Thánh Giuse im lặng vì ngài rất khiêm nhường.

Mưu ma chước quỷ như lưới giăng bắt chim, phải cảnh giác cao độ. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi, vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:5-6). Không gì khôn ngoan hơn là hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. Chắc chắn Đức Thánh Giuse có đức tin lớn lao và mạnh mẽ, nên ngài “thoải mái” giữ im lặng và hoàn toàn tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Trình thuật 2 Sm 7:4-5, 12-16 cho biết: Ngày ấy, Thiên Chúa phán với ông Na-than: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Một trình thuật ngắn gọn nhưng cho thấy rõ Thánh Ý Thiên Chúa đã tiền định từ ngàn xưa. Ở đây, chúng ta có thể hiểu về Đức Thánh Giuse, một người đầy quyền thế nhưng không thích dùng quyền đó. Thật vậy, Đức Thánh Giuse tự hạ như hạt muối hòa tan vào mọi thứ, đến nỗi không còn ai nhận ra muối. Ngài không nói nhưng luôn hành động cụ thể. Thánh nữ Teresa Ávila (Teresa Sánchez de Cepeda y Ahumada, 1515-1582), Tiến sĩ Giáo hội, quả quyết: “Không có điều gì tôi xin với Đức Thánh Giuse mà không được. Nếu không tin tôi nói, bạn hãy thử mà xem!”.

Quả thật, đức tin của Đức Thánh Giuse quá lớn, đến nỗi ngài chìm đắm trong Dòng Thác Thương Xót của Thiên Chúa nên không còn biết nói gì nữa, chỉ biết không ngừng âm thầm xưng tụng: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Vâng con nói: Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời” (Tv 89:2-3). Mọi điều đã ứng nghiệm như xưa Thiên Chúa tuyên phán: “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: Dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ” (Tv 89:4-5).

Phân tích mối liên quan giữa sự công chính và đức tin, Thánh Phaolô nói: “Không phải chiếu theo Lề Luật mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp, nhưng ông được lời hứa đó vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin” (Rm 4:13). Vì tin mà Tổ phụ Áp-ra-ham được công chính hóa. Đức Thánh Giuse cũng vì tin mà được công chính hóa. Đó là hệ quả tất yếu theo lời hứa của Thiên Chúa.

Và Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4:16-18). Thật là tuyệt vời, giao ước của Thiên Chúa là tặng phẩm hoàn toàn miễn phí, thế nhưng lại hiệu quả và ích lợi cho những ai thực sự tin tưởng. Còn chúng ta, cái gì cho thì có lẽ không mấy giá trị!

Như chúng ta cũng đã biết, đức tin của Tổ phụ Áp-ra-ham vô cùng vĩ đại: Sẵn sàng ra đi theo lệnh Chúa truyền, và cũng không ngại hạ sát đứa con trai duy nhất của mình làm hy lễ dâng Thiên Chúa. Dù khó khăn cỡ nào, có lúc như tuyệt vọng, nhưng Tổ phụ Áp-ra-ham vẫn một lòng tín trung: “Ông Áp-ra-ham đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rm 4:20-22).

Có thể là “muộn màng”, nhưng cũng xin mượn lời Thánh Vịnh để chúc mừng Tổ phụ Áp-ra-ham và Đức Thánh Giuse: “Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài” (Tv 84:5). Ước gì chúng ta cũng mau trưởng thành tâm linh để khả dĩ được công chính hóa, nhất là trong Mùa Chay Thánh này, vì đây là cơ hội ngàn vàng!

Trong trình thuật Mt 1:16. 18-21. 24a, Thánh sử Mát-thêu kể: Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.

Câu chuyện được kể rất ngắn gọn, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy trong đó là một hành trình dài đằng đẵng, đầy gian khó, hẳn là Đức Thánh Giuse bị giằng co dữ dằn lắm. Chả thế mà “Chàng định ngấm ngầm bỏ đi khi thấy Nàng bụng to”. Chết chắc! Thời đó bị ném đá chứ chẳng đùa đâu. Thấy ơn lắm chứ! Đức Thánh Giuse có ý định “bỏ của chạy lấy người” cũng là lẽ thường của con người, thế nhưng sứ thần cấp báo cho ngài biết rằng chuyện không đơn giản như vậy, vì đó là “quyền phép của Chúa Thánh Thần” í mà. Chi mà nhát gan vậy chứ? Chắc là Đức Thánh Giuse lúc ấy… gãi đầu. Kể ra cũng ngại thí mồ!

Sau đó, khi tỉnh giấc, đã biết rõ “hai năm rõ mười”, Đức Thánh Giuse liền làm y như sứ thần Chúa dạy và vui vẻ “đưa nàng về dinh”. Chả có vấn đề gì ráo trọi. Thế là an tâm và vô tư. Chả lo chi nữa, và Chàng Giuse lại tiếp tục hành nghề thợ mộc để sinh sống, chuẩn bị cho mái ấm tương lai. Hay quá chừng luôn!

Lạy Thiên Chúa quan phòng và tiền định, xin cảm tạ Ngài về mọi điều, dù có những lúc con cảm thấy trái ý riêng. Con chân thành xin lỗi Ngài. Xin biến đổi con, giúp con biết noi gương thầm lặng của Đức Thánh Giuse, biết quên mình mà dấn thân sống tích cực vì tuân phục Thánh Ý Chúa và hết lòng vì tha nhân. Xin Đức Thánh Giuse đồng hành với con và luôn cầu giúp nguyện thay. Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Exit mobile version