Ngôi sao dừng lại
(06.01.2013 – Chúa nhật – Chúa Hiển Linh)
Lời Chúa: (Mt 2,1-12)
7 Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Suy Niệm
Người Do Thái đợi chờ Ðấng Mêsia từ bao thế kỷ.
Ðấng Mêsia được ví như một vì sao từ nhà Giacóp (x.Ds 24,17).
Nói một cách thi vị, chờ đợi Ðấng Mêsia
là chờ đợi một vì sao xuất hiện.
Hình ảnh vì sao gợi lên trong lòng người Do Thái
niềm nôn nao đợi chờ Ðấng Cứu Ðộ
cho dân tộc mình và cho cả thế giới (x. Ds 24,7).
Nhưng không phải chỉ người Do Thái mới biết đợi chờ.
Theo các sử gia đáng tin cậy ở thế kỷ đầu,
cả dân ngoại cũng tin rằng Ðấng cai trị thế giới
sẽ được sinh ra từ xứ Giuđê.
Phải chăng đó là lý do khiến các nhà chiêm tinh
từ vùng Ba tư, Ả rập xa xôi
đã lặn lội đến Giêrusalem để bái yết tân vương,
khi họ thấy trên bầu trời xuất hiện vì sao lạ?
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều phản ứng khác nhau
trước sự hạ sinh của Vua dân Do Thái.
Hêrôđê thì sợ hãi vì thấy ngai vàng bị lung lay.
Ông dò hỏi về nơi sinh và ngày sinh của vị Vua mới
để âm mưu loại trừ một đối thủ.
Các thượng tế và kinh sư ở Giêrusalem
lại có thái độ dửng dưng thụ động.
Họ rành rẽ Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Vua Mêsia,
nhưng họ chẳng buồn cất bước tới Bêlem.
Còn các nhà chiêm tinh là đại diện cho dân ngoại,
đã hăm hở lên đường, lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm.
Họ làm tất cả miễn sao gặp được Ðấng quân vương.
Dù Ðấng ấy chẳng uy nghi ngự trong lầu vàng điện ngọc,
nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận với cả lòng thành.
Lễ Hiển Linh nhắc chúng ta về việc truyền giáo.
Các nhà chiêm tinh đã đến gặp Chúa nhờ ánh sao.
Con người hôm nay nhờ ánh sáng nào mà gặp được Chúa?
Mỗi môi trường cần một thứ ánh sáng riêng.
Mỗi con người nhạy cảm với một loại ánh sáng.
Chúng ta phải tìm hiểu xem
đâu là thứ ánh sáng thu hút được lòng con người.
Ánh sáng của sự chân thành, của phục vụ yêu thương;
ánh sáng của niềm vui an bình, của can trường bất khuất.
Một nụ cười, một ánh mắt, một lời khích lệ
cũng bừng sáng rực rỡ chẳng kém một vì sao.
“Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng
như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).
Chúng ta chỉ là những vì sao sáng
khi chúng ta để mọc lên trong lòng chúng ta (x. 2Pr 1,19)
ngôi sao mai là chính Ðức Kitô (x.Kh 2,28).
Ước gì mỗi Kitô hữu trở thành một ánh sao,
ánh sao nói được điều gì đó với người đang chờ đợi,
ánh sao đồng hành với nhân loại trên mọi nẻo đường,
ánh sao ngừng lại trước nhà của Con Thiên Chúa
để Con Thiên Chúa và thế giới hôm nay gặp nhau.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Ðó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.