Lời cầu nguyện nghỉ yên muôn đời xuất hiện khi nào? Có những lời nguyện nào khác dành cho một người đã chết?
Linh mục Diego Pancaldo, giáo sư thần học tu đức, trả lời
Lời cầu nghỉ yên muôn đời (Requiem aeternam) có nguồn gốc rất xa xưa. Ngay tại nghĩa trang của Ain Zara ở Rôma gần Tripoli, vào thế kỷ thứ 5, chúng ta thấy câu “Requiem aeternam det tibi Dominus et lux perpetua luceat tibi” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Vào thế kỷ thứ 6, cụm từ này, ở số nhiều, đã trở thành một phần trong sách Graduale Romanum, sách phụng vụ theo nghi lễ Rôma, như một bài ca nhập lễ cho Thánh lễ an táng, và sau đó, người ta thêm cụm từ nghỉ yên muôn đời vào trong lời nguyện chung. Vào thế kỷ 13, thấy xuất hiện cụm từ này trong giờ kinh nhật tụng của Dòng Phanxicô ở phần kết thúc của mỗi giờ kinh khác nhau của đan viện: “Fidelium animae per misericordiam Dei requiescant in pace. Amen”.
Cầu nguyện chắc chắn có nền tảng Kinh Thánh, nếu chúng ta nghĩ về chủ đề nghỉ yên muôn đời, về nghỉ ngơi, trong đó có nhiều đoạn Tân Ước nói đến, chẳng hạn như Thư gửi tín hữu Do Thái :”Dân Thiên Chúa còn có thể được nghỉ như Thiên Chúa nghỉ ngày thứ bảy ” (Dt 4, 9); hoặc Sách Khải huyền : “Phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa!” Thần Khí phán: “Phải, họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14:13). Tuy nhiên, có một bản văn thuộc sách ngụy thư có lẽ được viết vào thế kỷ thứ ba sau Chúa Kitô, cuốn thứ tư của Sách Ezra, nhắc lại rõ ràng lời cầu Requiem: «… Hãy chờ đợi Đấng chăn dắt các ngươi, Ngài sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ đời đời bởi vì Đấng sẽ xuất hiện vào ngày cùng tận đã gần kề. Hãy sẵn sàng và các ngươi sẽ nhận được phần thưởng nước trời, vì đời đời ánh sáng ngàn thu sẽ chiếu soi trên các ngươi. Các ngươi hãy tránh xa bóng tối của thời hiện tại, hãy lãnh nhận niềm vui vinh quang của mình” (II, 33-34).
Còn có những lời cầu nguyện khác có thể dành cho người đã qua đời. Tôi muốn trích ra đây hai lời cầu: Thánh Vịnh 130 và lời khẩn cầu tuyệt vời của Thánh Ambrôsiô: «Lạy Chúa là Thiên Chúa, chúng con không thể trông mong cho người khác hơn những gì mong muốn cho bản thân. Vì vậy, con van xin Chúa: sau cái chết, đừng chia cắt con khỏi những người mà con rất yêu thương trên thế gian. Lạy Chúa, con nài xin Chúa, rằng con ở đâu thì họ cũng ở đó với con, để con có thể được hoan hỉ trước sự hiện diện của họ, vì họ sớm bị cất đi khỏi thế gian trước con. Lạy Thiên Chúa tối cao, con nài xin Chúa mau đón những người con dấu yêu vào lòng cuộc sống. Thay vì cuộc sống ngắn ngủi ở trần gian, xin ban cho họ hạnh phúc muôn đời”.
G. Võ Tá Hoàng