Nghĩ về môi trường sống nhân Ngày trái đất

55

Nghĩ về môi trường sống nhân Ngày trái đất

 Ngày Trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào 22.4.1970, do thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson tài trợ.

Theo trang web Ngày Trái đất (earthday.org), hành tinh xanh – ngôi nhà của chúng ta, hiện đang bị lãng quên. Biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn. Những thảm họa sinh thái diễn ra gần như hằng ngày. Sông, suối, ao, hồ, không khí… ngày càng bị ô nhiễm.

Với chủ đề “hành động vì Trái đất”, Ngày Trái đất năm nay nhằm tạo cơ hội cho mọi người góp chung tiếng nói và hành động để bảo vệ hành tinh xanh, cũng như thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và bảo đảm một tương lai bền vững cho hành tinh.

Hưởng ứng Ngày Trái đất 22.4.2012, người dân tại các nước đã có các hoạt động nhằm mục đích: nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường sống trên hành tinh xanh.

Tại các nước Honduras, Guatemala, El Salvador, Nicaragua và Costa Rica, các thanh thiếu niên đã cùng tham gia trồng rừng và tiến hành nhiều hoạt động khác nhau để bảo vệ môi trường với khẩu hiệu: “Những hành động của bạn làm thay đổi hành tinh xanh”.

Tại Ấn Độ, các học sinh trung học dán những bức tranh vẽ bảo vệ môi trường cùng với khẩu hiệu “Cứu Trái đất của chúng ta”.

Tại Philippines, các tình nguyện viên tập trung dọn dẹp các vật liệu phế thải dọc theo bờ biển đảo Freedom thuộc vịnh Manila. Đây là một phần của chiến dịch hưởng ứng Ngày Trái đất 22/4 của nước này.

Tại Anh, từ năm ngoái, nhóm nhạc Tokyo Rose đã sáng tác ca khúc Save Planet Earth (Cứu Trái đất) để hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Trái đất 22.4.2012. Ca khúc này mang âm hưởng rock, với nội dung kêu gọi mọi người hãy cứu lấy Mẹ thiên nhiên, cứu lấy Trái đất nếu chúng ta còn muốn nhìn thấy Trái đất trong tương lai có màu xanh.

“Gã khổng lồ” về tìm kiếm trên mạng Google cũng hưởng ứng Ngày Trái đất bằng cách thay logo của mình bằng những hình ảnh động về những bụi cây nở hoa…
(xem nhipcautamgiao.net)

Đó là những hoạt động đa dạng rất hữu ích để gìn giữ môi sinh tự nhiên trong lành giúp cho cuộc sống chúng ta dễ thở hơn, thoải mái hơn và khỏe mạnh hơn.

Tuy vậy, còn có một số môi sinh khác cũng quan trọng không kém, mà chúng ta phải ra sức gìn giữ và chăm sóc: sự thinh lặng của nội tâm và sự trong lành trong truyền thông tin tức!

Không khó để nhận ra tiến trình đô thị hóa đang ngày càng lan rộng và lan nhanh đến mọi ngóc ngách của đời sống chúng ta, với tốc độ nhanh chóng mặt, kéo theo một nhịp sống hối hả, bon chen của những “thị dân”.

Người ta dễ bị lôi vào dòng xoáy của tốc độ (luôn tất bật để chạy: chạy trường, chạy điểm, chạy ghế, chạy chức, chạy lấn tuyến…), cũng như bị cuốn theo những dòng thác âm thanh (ngoài đường lúc kẹt xe, buộc phải đứng chết trân một chỗ, chịu trận mà nghe tiếng cằn nhằn, tiếng chửi, tiếng mắng, tiếng còi xe inh ỏi; về nhà ngồi vật lên ghế sofa, tưởng là thư giãn một chút, nào ngờ lại lao mình vào chuỗi âm thanh ồn ào, liên tu bất tận của chàng tivi, của nàng karaoke, của chú cátxét). Cứ như thể phải gây tiếng động, làm ầm ĩ, thì mới đánh dấu sự có mặt và chứng tỏ những người đang “thưởng thức” chúng có giá so với những người chung quanh!

Con người đô thị dường như sợ phải thinh lặng, họ trốn chạy sự yên ắng bằng cách lao đầu vào dòng thác âm thanh. Phải chăng ngụp lặn trong sự ồn ào, ầm ĩ đó người ta mới thực là chính mình, mới khẳng định rằng họ vẫn còn đang hiện hữu?

Môi trường bị ô nhiễm bởi những cơn sóng thần âm thanh do chính con người gây ra (nhân tai): chúng ào tới cuốn phăng tất cả mọi tương quan của “nạn nhân”, khiến nạn nhân xa dần xa dần những liên hệ với người chung quanh, họ bị cô lập trong môi trường sống nghẹt cứng, đầy ứ âm thanh! Họ dần mất khả năng lắng nghe tiếng nói, tiếng kêu cứu cần được trợ giúp của những người chung quanh!

Tốc độ và âm lượng quá tải có thể khiến con người mất tự chủ trong lời nói và hành động, cũng như trở nên vô cảm kinh niên trước nỗi đau của đồng loại. Càng nóng vội, con người càng dễ sử dụng sức mạnh của cơ bắp, của vũ khí để giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn. Kết quả, bạo lực tràn lan!

Không những bị áp lực bởi những cơn sóng âm thanh bên ngoài, con người ngày càng dễ bị trầm cảm (stress) hơn do những xáo động, quay cuồng trong nội tâm: ham muốn, dục vọng, tham vọng… Chúng tạo nên một thứ ngục tù nhốt kín con người trong chính mình.

Ngoài sự ô nhiễm bởi tiếng ồn, những thị dân còn bị ngập chìm trong biển thông tin. Báo, đài, mạng tràn lan thông tin: vàng thau lẫn lộn; trong đó dường như tin tức tiêu cực ngày càng như trỗi vượt và ảnh hưởng đến dư luận nhiều hơn những thông tin tích cực, xây dựng!

Do bẫm tính tò mò, người ta có khuynh hướng thích tìm xem, nghe những tin tức giật gân, chuyện lạ, chuyện đời tư của các nhân vật nổi tiếng. Than ôi, những chuyện như thế lại để lại ấn tượng và ảnh hưởng tiêu cực và dài lâu trong tâm trí độc giả, và dần dà khiến độc giả thấm nhiễm một quan điểm, một lối lập luận bàn bạc trong những tin tức ấy!

Như thế, con người hôm nay vừa dễ bị kích động bởi ô nhiễm âm thanh, vừa dễ bị lôi cuốn trong biển tin tức có tốt có xấu, con người như “mất thắng”, không thể dễ dàng làm chủ được bản thân, khó tỉnh táo để “lội ngược dòng” hầu phân định và kiểm chứng thực hư và dễ nghiêng chiều về cách ứng xử đã nghe nhìn nhiều đến nỗi nhập tâm.

Đâu là giải pháp cho một sự quân bình nội tâm giữa nhịp sống quay cuồng trong thời hiện đại? Phải chăng xây dựng và bảo tồn những khoảng thinh lặng nội giới và ngoại giới là một cách bảo vệ môi sinh tinh thần và tâm linh?

Chiên Già

tgpsaigon.net