Nghi thức Tuần Thánh

58

Dẫn Lễ & Nghi Thức

TUẦN THÁNH 

I. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN NHỚ

THỨ NĂM

– Nhà tạm hoàn toàn trống

– Bánh đủ rước lễ ngày mai

– Kinh Vinh Danh : rung chuông (rồi thôi đến Vọng Phục Sinh).

– Lễ như thường (hai bài đọc)

– Sau bài giảng : rửa chân

– Sau Lời Nguyện Hiệp Lễ : kiệu Thánh Thể

(đoàn rước : Thánh giá đi đầu, hai nến, hai bình hương, Mình Thánh sau cùng).

– Đến bàn thờ phụ : xông hương

– Trở về : ra “lột” bàn thờ (tất cả cất hết)

………………….

Xong lời nguyện hiệp lễ : kiệu Thánh Thể (đứng dưới bàn thờ bỏ hương, linh mục quỳ xông hương, quàng khăn và lên kiệu Mình Thánh).

Phẩm phục : trắng.

THỨ SÁU

– Bàn thờ trống (không thánh giá, không nến, không khăn bàn)

– Phẩm phục : đỏ.

– Ra : bái bàn thờ, phủ phục. (hai nến, hai giúp lễ hai bên)

– Lại bàn đọc sách, đọc lời nguyện (không đọc Chúng ta dâng lời cầu nguyện)

– Hai bài đọc.

Phúc Âm thương khó (có thể ba người đọc)

– Sau Phúc Âm : giảng

– Giảng xong : lời nguyện trọng thể

(10 lời cầu …)

– Xong lời nguyện : Nghi thức mở ảnh

(Linh mục đứng cấp thứ hai dưới bàn thờ nhận Thánh Giá. Hai nến đứng hai bên).

1. Cởi phía trên đầu thánh giá, giơ cao và hát : đây là Gỗ Thánh giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian.

Thưa : Chúng ta hãy đến thờ lạy (quỳ)

2. Cởi bên phải thánh giá và hát lần hai (lên một bậc)

3. Cởi hết và hát lần ba (lên cấp cuối cùng)

Xong : đặt xuống để hôn. Hai người giúp lễ quỳ hai bên, đặt hai nên hai bên.

Hôn Thánh Giá ; ca đoàn hát. Xong, đặt thánh giá lên bàn thờ (trước nhà tạm).

Phần Rước Lễ

– Trải khăn bàn thờ, khăn thánh, sách lễ…

– Thinh lặng đi kiệu Mình Thánh về, đọc : Vâng lệnh Chúa Cứu Thế…

Chịu lễ xong, đưa Mình Thánh vào cất.

Linh mục đọc lời nguyện hiệp lễ, lời nguyện trên dân chúng.

Giải tán.

THỨ BẢY

– Phẩm phục : trắng

– Linh mục xuống nơi làm phép lửa : chào

– Khuyên ít lời.

Nồi than củi sẵn sàng ; thổi lên ; làm phép lửa.

(Đứng trước bàn ; có người cầm thánh giá đứng giữa, hai người giúp lễ cầm nến đứng hai bên. Nước phép, bình và tàu hương. Đĩa đựng 5 nụ đinh).

Làm phép xong, thắp lên một ngọn lửa nhỏ,

– Linh mục vẽ hình thánh giá trên nến Phục Sinh

* Vẽ dọc = Chúa Kitô hôm qua và hôm nay

* Vẽ ngang = nguyên thủy và cùng đích

* Vẽ Alpha và Oméga (A – ?)

Vẽ số 1 : thời gian là của Chúa

Vẽ số 2 : và mọi thế hệ là của Chúa

Vẽ số 3 : vinh quang và vương quyền là của Chúa

Vẽ số 4 : qua mọi thế hệ cho đến muôn đời

Thưa : Amen

Vẽ xong : gắn nụ đinh

Linh mục lấy lửa mới, châm vào nến Phục Sinh và nói : xin ánh sáng Chúa Kitô sống lại vinh hiển, phá tan u tối trong tâm trí chúng con.

Rước nến Phục Sinh lên cung thánh

Thánh Giá đi đầu ; hai nến giúp lễ ; đoàn rước ; linh mục cầm nến Phục Sinh đi sau, linh mục xướng : Ánh sáng Chúa Kitô

Cộng đoàn thưa : Tạ ơn Chúa.

– Đến giữa nhà thờ : hát lần hai (mọi người cầm một nến thắp từ nến Phục Sinh, tiếp tục đi).

– Đến cung thánh : hát lần ba (đốt lên toàn bộ nến). Linh mục xông hương nến Phục Sinh, sách Tin Mừng.

– Công bố Tin Mừng : mọi người đứng cầm nến cháy trong tay.

– Phụng vụ Lời Chúa : sau bài cuối cùng Cựu Ước, cùng với thánh vịnh và lời nguyện của nó, thì đốt các nến trên bàn thờ.

Linh mục xướng Kinh Vinh Danh (rung chuông, đánh trống…)

Xong Kinh Vinh Danh: linh mục đọc lời nguyện, một bài thánh thư Tân Ước, sau đó linh mục long trọng xướng Alleluia ba lần (mỗi lần một cung).

Ca đoàn hát thánh vịnh. Mọi người đáp : Alleluia.

Hát đáp ca

Đọc Tin Mừng : không đưa nến, chỉ đưa hương.

Giảng xong : làm phép nước (số 45 trang 298).

Tuyên thề lời hứa rảy nước thánh (số 46 trang 299)

Không đọc Kinh Tin Kính

Đọc lời nguyện giáo dân.

========(+)========

Dẫn Nghi Thức

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lễ chiều và Tiệc ly

Chiều nay, Giáo hội kêu mời chúng ta sống lại những giây phút cao qúi tuyệt vời nhất của tình yêu Chúa Kitô, một tình yêu không thể đo lường hay sánh ví. Tình yêu bao la đó được thể hiện qua việc Người thành lập Lễ Hy Sinh là Nhiệm Tích Thánh Thể, để rồi sẽ hoàn tất trên Núi Sọ.

Vì thế, phụng vụ hôm nay trổi một điệp khúc : Chúa Kitô đã yêu thương loài người đến tột độ : Người đã để lại cho chúng ta một bảo chứng tuyệt vời của tình yêu : đó là Nhiệm tích Thánh Thể : lấy Thịt Máu mình làm của ăn nuôi hồn con cái. Đồng thời để ở lại với chúng ta cho đến tận thế, làm của lễ hiến tế Chúa Cha mỗi ngày trên bàn thờ. Không ai biết yêu thương bằng người biết hiến mạng sống mình vì kẻ mình yêu.

Có thể nói được rằng : bài học đầu tiên và cũng là lời trăng trối cuối cùng của Chúa trong những ngày khổ nạn là : hãy tự hiến và tận hiến. Một sự tận hiến không tính toán, so đo, không do dự, vị kỷ, không tiếc rẻ vì đã theo Chúa. Tự hiến hết mình, trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Ai không biết tự hiến, người đó không thể hy vọng trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Các bản văn phụng vụ Thánh Lễ hôm nay đã làm nổi bật ý lực ấy của Lễ Vượt Qua và Nhiệm Tích Thánh Thể.

Hôm nay, Chúa tự nộp mình cho kẻ tội lỗi, đồng thời Người tự cho ta trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Hai bộ mặt của mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.

Ca hiệp lễ, ca tâm niệm, ca dâng lễ và kinh tiền tụng hôm nay đã ca tụng bộ mặt vinh quang Mầu Nhiệm Cứu Thế : Vì chúng ta, Chúa Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến chết, vì thế Thiên Chúa đã suy tôn Người và tặng ban cho Người một danh hiệu cao quý hơn mọi danh hiệu.

Thánh lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể chiều hôm nay, giờ này nhắc ta nhớ lại bầu khí trang trọng, nhưng vô cùng xúc động tại Phòng Tiệc Ly ngày xưa. Thực ra, là một vị Thiên Chúa quyền năng nhưng Chúa Giêsu không thể không nghĩ ra được một cách thế nào cao hơn, tuyệt vời hơn để biểu hiện tình yêu nồng nàn của Người đối với chúng ta bằng cách lập phép Thánh Thể.

Chúng ta hãy cảm nhận tấm lòng vô biên của Chúa, và phấn đấu sống tốt hơn để đáp trả tình yêu cao vời của Chúa.

– Sau bài hát “Vinh Danh”, chấm dứt chuông nhạc rộn ràng để bước vào một màn cảnh mới, màn cảnh bi thương khổ nạn của Chúa Giêsu : chính đêm nay Chúa bắt đầu tự nộp mình trong tay quân dữ. Chúng ta hãy theo sát bước chân Chúa trong các chặng khổ nạn này.

* Mời cộng đoàn đứng lên. Thánh Lễ chuẩn bị bắt đầu. (hát ca nhập lễ)

Nghi thức rửa chân (sau giảng)

Linh mục, vị thủ lãnh của cộng đoàn cởi áo ngoài, lấy khăn vải thắt lưng, bước xuống lấy nước rửa chân cho các ông. Ý nghĩa diễn lại cử chỉ Chúa Giêsu ngày xưa rửa chân cho các môn đệ : một bài học khiêm nhường phục vụ và luật bác ái.

Giờ phút trang nghiêm và cảm động, nếu không nhận ra ý định sâu xa của Thầy Chí Thánh, thì chúng ta có thể thốt ra lời từ chối này : “Không, đời nào Thầy lại rửa chân cho con !”. Nhưng, qua những cử chỉ khiêm nhường đó, Chúa Giêsu đã trăng trối cho chúng ta một bài học tâm phúc, Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng hãy làm như vậy (Ga 13,15). Các con hãy rửa chân cho nhau, đó là điều Chúa muốn dạy bảo và nêu gương cho các Tông Đồ, để các ngài cũng như chúng ta biết khiêm tốn và mau mắn phục vụ, vì yêu thương anh em.

Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết nhìn thấy Chúa nơi anh em, biết yêu thương và phục vụ anh em như chính Chúa đã yêu thương và phục vụ chúng ta.

Rửa chân xong, mời cộng đoàn đứng dậy, sốt sắng dâng lên Chúa những lười cầu nguyện.

Kiệu Thánh Thể

Sau lời nguyện hiệp lễ, phụng vụ tiếp tục bằng cuộc rước Kiệu Thánh thể long trọng sang bàn thờ bên cạnh. Đây không phải là một cuộc đưa Chúa đi ẩn mình hoặc có ý ám chỉ nhà tạm là Ghết-sê-ma-ni, hay ngôi mộ như có người lầm tưởng. Cuộc cất mình Chúa hôm nay nhằm mục đích dành cho bệnh nhân và để chịu lễ ngày mai.

Sở dĩ cuộc rước có tính cách long trọng, vì Giáo Hội muốn đón mừng kỷ niệm ngày Chúa lập phép Thánh Thể, nhiệm tích tình yêu của Chúa đối vời nhân loại. Ôi ! Nhiệm tích cao quý, chúng ta hãy khiêm cung thờ lạy.

ĐÊM CANH THỨC

(Trước lúc chầu)

Chúng ta hãy sống với Chúa những giây phút cô đơn thống khổ và mướt máu : “Linh hồn Thầy buồn đến chết được ! Các con hãy ở đây và tỉnh thức với Thầy” (Mt 26,38). “Không lẽ các con không tỉnh thức được với Thầy một giờ sao !” (Mt 26,40)

Đáp trả lời mời gọi của Chúa, đêm nay, đêm canh thức, chúng ta hãy đưa hết tâm tình chầu chực Chúa, đền tạ Chúa, để chia sẻ nỗi cô đơn đau buồn với Chúa trong tinh thần sám hối ăn năn. Chúng ta hãy theo sát Chúa vào vườn Giệt và các công nghị Do Thái đêm nay, nơi Chúa hấp hối lo buồn toát mồ hôi, máu, và bị đánh đòn sỉ vả trăm ngàn khốn khổ.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Hôm nay, ngày đại tang, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu chịu tử hình ô nhục đau thương trên thập giá vì tội lỗi nhân loại chúng ta. Và chính hôm nay, Giáo hội sống lại những giây phút thống khổ và tử nạn đó của Chúa. Vì thế phụng vụ được cử hành trong khung cảnh ảm đạm của màu tím. Tất cả mọi lễ nghi và câu hát trong ngày, nhằm đưa chúng ta lên Núi Sọ, dưới chân cây Thánh Giá. Vị Thượng Tê, Chúa chúng ta tự hiến làm lễ vật duy nhất cho Chúa Cha bằng khổ hình thập giá, một khổ hình vô cùng đau thương bi đát.

Nhưng, Chúa không những chỉ đau đớn thể xác, Người còn khổ tâm hơn khi nghĩ tới thái độ vô ơn, giả tâm và bội phản của loài người qua các thế hệ. Trước thực trạng phủ phàng đó, Người cảm thấy tất cả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đang giáng xuống trên đầu Người, vì Người đã tự nguyện đứng ra để gánh tội lỗi thế gian. Và chén đắng đó đã làm Chúa Giêsu cảm thấy mình như bị Chúa Cha từ bỏ. Vì thế, Người đã đau đớn thốt lên : Lạy Cha, sao Cha bỏ Con ?

Vì thế, cuộc cử hành phụng vụ tử nạn Chúa không những chỉ là một nỗi buồn của kỷ niệm đau thương, mà còn là niềm đau xót của Giáo Hội trước tội lỗi của loài người vẫn còn tiếp diễn mỗi ngày một chồng chất lên. Do đó, lễ nghi và bầu khí của ngày Thứ Sáu là bằng chứng cụ thể nói lên bộ mặt xấu xa của tội lỗi. Đồng thời cho ta thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với loài người, tình yêu của một Đấng đã lãnh nhận cái chết đau thương nhục nhã để mang lại nguồn sống cho loài người sa đọa.

Nhận thức sâu xa điều đó, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta cùng nhất quyết hiệp nhất với giá máu của Chúa Kitô để chống lại tội lỗi, tiêu diệt tội lỗi và sẵn sàng chết cho tội lỗi.

Tuy nhiên, giữa màn đêm tối bi thảm này, đang bừng lên một tia hy vọng hoan hỷ : sự chết đã mang lại cho Chúa Kitô một chiến thắng vinh quang.

Chính cây thập giá đã gạt đổ bức tường tội lỗi ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người.

Chính cây thập giá là ngọn đuốc thiêng của đêm tối trần gian, là sự giải thoát của mọi người thiện chí… Bởi thế, chiều nay chúng ta hãy cùng Giáo Hội theo sát Chúa Kitô từng bước một để tìm ra hoa tươi trong đau khổ, và tìm được nguồn sống trong cõi chết. Đường thánh giá tuy là đường đau thương gai góc, nhưng cũng là đường chiến thắng vinh quang và là lẽ sống của mọi Kitô hữu chúng ta.

Phụng vụ hôm nay gồm ba phần : Phụng vụ lời Chúa – Thờ lạy Thánh Giá và Rước Lễ.

Phần I : phụng vụ Lời Chúa

(Lễ nghi bắt đầu) : linh mục mặc phẩm phục màu đỏ. Tiến ra bàn thờ, cúi chào, đoạn phủ phục xuống đất, một cử chỉ hết sức cảm động nói lên : sẵn sàng nằm xuống chết cho tội lỗi, cùng với Người, chúng ta thinh lặng âm thầm than khóc lỗi lầm chúng ta.

Giảng xong, cử hành lời nguyện trọng thể.

Mọi công nghiệp và ơn ích của ơn cứu rỗi đều do giá máu của Chúa Kitô. Vì thế, giờ đây, Giáo hội nhờ trung gian của Chúa Kitô và công nghiệp của Người để dâng lời cầu nguyện chung cho mọi nhu cầu chính trong Giáo hội. Chúng ta hãy đưa hết tâm tình hiệp thông trong giờ cầu nguyện trọng thể này.

Phần II : thờ lạy Thánh Giá

Sau một cuộc chiến thắng, quốc kỳ tượng trưng cho hồn dân tộc, đem đến khắp nơi niềm hoan hỷ. Cũng thế, thánh giá Chúa Kitô quả là một ngọn cờ chiến thắng và là dấu hiệu cứu độ của mọi kitô hữu chúng ta.

Vì thế, lễ nghi tôn vinh thánh giá hôm nay, mặc một vẻ tôn nghiêm lạ thường. Thánh giá thực sự đã có Chúa cứu chuộc, phải được coi như đồng hóa với chính Người. Vì thế, tôn thờ thánh giá là tôn thờ Đấng Cứu Chuộc. Đây là gỗ thánh giá, nơi đây treo Đấng Cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy.

Hiệp lễ :

Hiến Tế Tiệc Ly giờ đây đã được hoàn tất do cái chết của Chúa Kitô trên thập giá và vì thế, mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan báo cái chết của Chúa và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến. Đồng thời được kết hợp với Chúa trong tình yêu.

Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để đón rước Chúa ngự vào cung lòng chúng ta.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

(đêm Vọng Phục Sinh)

Cho đến bây giờ, bầu khí vẫn giữ tịch mạc cô liêu, bởi Chúa đang an nghỉ trong mồ. Nhưng tin tưởng vào Lời Chúa, chúng ta hãy tỉnh thức chờ đợi, chờ đợi ánh sáng huy hoàng của chiến thắng Phục Sinh

Vì thế, đêm canh thức này bao hàm : một đêm kỷ niệm việc dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, kỷ niệm để nuôi dưỡng lòng tin và niềm tri ân đối với Giavê Thiên Chúa. Đối với chúng ta, đêm nay cũng là đêm hồng phúc vì là kỉ niệm Chúa Giêsu Chiến Thắng Phục Sinh. Chúng ta hãy canh thức với lòng tin và tri ân đối với Chúa Kitô.

Ngày xưa, dân Do Thái ở Ai Cập trông đợi ngày Chúa đến để giải thoát họ. Cũng thế trong đêm canh thức này, chúng ta cũng mong đợi Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi.

Vì thế, lòng tin tưởng của chúng ta không giả vờ mong đợi Chúa Phục Sinh, Chúa đã Phục Sinh thực sự, nhưng chúng ta mong chờ để hun đúc lòng tin Chúa Phục Sinh mãi mãi nơi tâm hồn chúng ta, và chúng ta hướng về ngày cánh chung, ngày đến gặp Chúa.

Ca tụng Ánh Sáng

Lễ nghi Phục Sinh đêm nay trước tiên là để ca tụng ánh sáng, toàn thể vũ trụ nằm trong đêm tối, đang mong đợi ánh sáng. Nhân loại tội lỗi đang mong đợi giải thoát. Tất cả đang hướng nhìn về Chúa Kitô, nguồn ánh sáng bất diệt.

Lễ nghi gồm hai giai đoạn :

1. Làm phép lửa mới và nến Phục Sinh : tượng trưng chính Chúa Kitô, ánh sáng của nhân loại.

2. Công bố Tin Mừng : chiến thắng vinh quang của sự sống lại.

Điểm chính yếu của nghi lễ là ánh sáng. Ánh sáng là nguồn soi sáng, nguồn sống và là sự hoan lạc của mọi người. Vì thế, trước tiên, nghi lễ được diễn ra trong khung cảnh đen tối của màn đêm, hình ảnh của sự sợ hãi, tội lỗi, thế giới qủi thần, sự chết của mọi vật.

Nhưng rồi, giữa bầu trời âm u đen tối, bừng lên một ánh lửa, một tia sáng tỏa lan khắp cảnh vật đánh tan những lo sợ chết chóc, tội lỗi, mang lại sự sống và niềm vui cho mọi người.

Đó là ý nghĩa cầu nguyện của Giáo Hội khi châm ngọn nến đầu tiên : “Xin ánh sáng Chúa Kitô sống lại, hãy đánh tan sự tăm tối của lòng trí chúng con”.

Chúa Kitô thực sự là ánh sáng của đời ta và của muôn người. Người là nguyên cớ của vạn vật và là cùng đích của đời ta, là cứu cánh của mọi loài. Chúa Kitô vĩnh tồn trong quá khứ, và trong hiện tại, cả trong tương lai. Với dấu thánh giá trên cây nến, Giáo Hội tuyên xưng uy quyền Chúa Kitô Phục Sinh đối với toàn thể lịch sử, cả không gian lẫn thời gian. Năm hạt hương cũng gọi là nụ đinh trên nến Phục Sinh, tượng trưng cho năm thương tích của Chúa, những dấu tích của sự cứu rỗi.

Bởi thế, đêm nay tất cả nhân loại được giải thoát đang đứng trước Thiên Chúa mình, tay giơ cao ngọn đuốc đức tin, lòng cậy, và lòng mến ; để dâng lên Người niềm tạ ơn vì được tái tạo trong Đức Kitô.

– Lễ nghi bắt đầu : yêu cầu tắt toàn bộ ánh sáng. Chúng ta đứng tại chỗ, hướng về phía chủ tế khai mạc nghi thức làm phép lửa mới và Nến Phục Sinh. Nghiêm túc, trật tự để theo dõi, tham dự một cách tích cực các nghi lễ thánh.

– Rước nến : cuộc rước Nến Phục Sinh bắt đầu.

Cả nhân loại trong màn đêm tăm tối, bây giờ đã chiếu lên một ánh sáng, đó là ánh sáng Đức Kitô. Sau lời vị linh mục chủ sự xướng : “Ánh sáng Chúa Kitô”, Chúng ta hãy thưa lên : “Tạ ơn Chúa”

– Tới giữa bàn thờ, sau khi xướng hai lần, ánh sáng Nến Phục Sinh đã được tiến lên giữa cộng đoàn, bắt đầu lan tỏa sang chung quanh. Từ ánh Nến Phục Sinh, chúng ta hãy thắp chuyền cho nhau . Như vậy, ánh sáng Đức tin đã phong tỏa đến mọi người.

– Tới cung thánh, sau khi xướng ba lần… Ánh sáng Chúa Kitô phải được chiếu soi lan tỏa khắp nơi. Tất cả ánh sáng hãy bừng lên .(Bật điện)

Công bố Tin Mừng Phục Sinh

(Trong lúc xông hương Sách Thánh và Nến Phục Sinh)

Giờ cứu độ đã điểm, giờ vinh quang chiến thắng đã bắt đầu. Ánh sáng huy hoàng của ngọn Nến Phục Sinh đang bừng cháy. Trước niềm hân hoan chan hòa của một cuộc sống mới, Mẹ Giáo Hội kêu mời tất cả con cái loài người, cùng ca đoàn thiên sứ hãy vui lên ! Hãy vui lên để ca tụng Chúa Kitô khải hoàn từ cõi chết. Hãy vui lên hỡi anh chị em, vì ánh sáng Chúa Kitô đang xé tan màn đêm của tà thần tội lỗi.

Được ánh sáng huy hoàng của Vua muôn đời soi chiếu, hoàn vũ hãy nhận biết mình đã được giải thoát vòng tăm tối.

Đây là đêm nhắc lại những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho dân Người. Đây là đêm Chúa đã đưa Tổ Tông chúng ta, con cái Israel ra khỏi Ai Cập để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, và mang đến cho họ niềm an bình hạnh phúc.

Thì đây cũng là đêm những người có lòng tin vào Chúa Kitô, được giải thoát khỏi xiềng xích vết xấu thế gian và bóng tối tội lỗi, đem họ về với ơn Chúa, và toàn thể các thánh trong nguồn sống mới bất diệt. Vì thế, đêm nay thật là đêm hồng phúc, đêm chiến bại của tà thần, đêm vinh quang của ánh sáng, đêm chan hòa ơn cứu độ.

Chúng ta đứng thẳng người lên, cầm nến cháy trong tay tượng trưng ánh sáng đức tin của mình, lắng nghe bài công bố Tin Mừng Lễ Phục Sinh.

Phụng vụ Lời Chúa

Mời cộng đoàn ngồi xuống, tắt nến, lắng nghe Lời Chúa.

– Để chờ đón giờ Chúa Kitô Phục sinh chiến thắng, Giáo Hội lắng nghe Sách Thánh nhằm nuôi dưỡng lòng tin và niềm hy vọng. Giáo Hội canh thức chờ Chúa đến, mắt đức tin đăm nhìn vào Thánh Kinh như ngọn đuốc chiếu soi vào đêm tối.

(Thánh Augustin)

Bài đọc I : St 1,1-2,2

Thuật lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Người tạo dựng tất cả vì tình yêu vô biên của Người. Đặc biệt là con người, theo hình ảnh Thiên Chúa, như là tột đỉnh của việc tạo dựng.

Bài đọc II : St 22,1-2,9a.10-13,15-18

Mô tả việc Abraham vâng lệnh Chúa sát tế người con duy nhất của mình là Isaac, chính vì sự vâng phục này mà ông được gọi là “cha các kẻ tin”. Và ông được Chúa chúc phúc để trở thành cha của một dân tộc đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển. Việc sát tế này là hình ảnh của việc sát tế chính Con của Thiên chúa : Đức Giêsu Kitô.

Bài đọc III : Xh 14,15-15,1

Tường thuật lại việc dân Do Thái đi qua lòng Biển Đỏ khô cạn và được bình an. Đó là hình ảnh của cuộc giải thoát mới do công trình cứu độ của Đức Kitô. Đó là cuộc giải thoát từ kiếp sống nô lệ, đưa đến vùng đất tự do : là miền Đất hứa.

Bài đọc IV : Is 54, 1-14.

Đây là bài yên ủi dân Ít-ra-en đang sống trong kiếp lưu đầy tại Babylon. Họ bị lưu đày vì đã bất trung với Chúa, nhưng họ sám hối thì Chúa lại tha thứ và chăm lo cho họ. Chúa lấy lòng nhân từ vô biên quy tụ họ lại để họ vui hưởng nền hòa bình lâu dài.

Bài đọc V : Is 55,1-11

Tiên tri Isaia loan báo một thời kì thịnh đạt mà Israel sẽ được vui hưởng, thời kì mà Chúa sẽ kí kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân mà Chúa đã hứa với Đavit. Và điều này sẽ được thực hiện nơi Chúa Cứu Thế.

Bài đọc VI : Br 3,9-15.32-4,4

Bài đọc ghi lại lời tiên tri Baruc nói cho dân Ít-ra-en biết : tại vì họ bỏ đường lối Chúa nên họ đã bị lưu đay. Vậy muốn sống mãi trong bình an thịnh vượng, thì hãy tuân giữ luật Chúa và trung thành với Giao ước.

Bài đọc VII : Ed 36,16-17a-18-28

Tiên tri Ézékiel cho dân Do thái biết tại vì họ bỏ Chúa để tôn thờ thần tượng, phạm đủ thứ tội nên họ bị lưu đày. Nhưng rồi Chúa sẽ qui tụ họ về, thanh tẩy họ, ban cho họ một quả tim và một thần trí mới, để họ thực thi huấn lệnh Chúa.

– Sau lời nguyện bài đọc Cựu ước cuối cùng này: vị chủ tế xướng “Kinh Vinh Danh”. Tất cả chuông trống, thánh nhạc vang lên, chúng ta cùng hân hoan chúc mừng Chúa sống lại.

Tuyên thệ lời hứa (giảng xong) : mời cộng đoàn đứng lên, cầm nến sáng trên tay để chúng ta chuẩn bị tuyên thề lại lời hứa khi chịu Bí Tích Rửa tội.

Với nghi thức tuyên thệ này, Giáo Hội nhắc chúng ta là những người đã cùng chết và cùng sống lại với Đức Kitô. Hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người : hãy chết đi cho tội lỗi, cho ích kỉ, cho những gì làm ta xa Chúa, để luôn sống xứng đáng thân phận làm con Chúa và Giáo hội.

Chúng ta lặp lại lời tuyên xưng và từ bỏ, khi chịu phép Rửa Tội. Linh mục bắt đầu làm phép nước thánh (xong tuyên thệ và rảy nước thánh).

Không đọc Kinh Tin Kính, phụng vụ tiến hành lời nguyện giáo dân : “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước thiên nhan và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều”.