GÓC SUY TƯ SUY TƯ Nghỉ ngơi và nghĩ ngợi

Nghỉ ngơi và nghĩ ngợi

Nghỉ ngơi và nghĩ ngợi

 

WGPSG — “Con người được mời gọi hợp tác với Thiên Chúa trong việc hoàn tất công trình tạo dựng Ngài đã khởi sự. Con người tiếp tục sáng tạo dựa trên những tài nguyên Thiên Chúa đã tạo dựng từ hư không. Qua công việc, con người đáp ứng được nhu cầu sống của gia đình mình, góp phần vào thiện ích chung của xã hội.

Mặt khác, con người được tạo ra để sống với người khác và với thiên nhiên, gặp gỡ và hiệp thông. Vì thế, công việc không được khiến con người mệt mỏi đến nỗi không còn khả năng chiêm ngắm những gì mình làm ra trước khi đem ra sử dụng, không còn thời gian để sống với các mối quan hệ vô vị lợi và thờ phượng Thiên Chúa. Nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, của người khác, của những thành quả lao động, người ta mới nhận ra sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Những ngày lễ nghỉ là lúc nghỉ ngơi, vun đắp tình cảm gia đình, khám phá tha nhân và gặp gỡ Thiên Chúa…” (trích “Đọc lại 10 bài giáo lý hướng về Đại hội Gia đình”, Ban Mục vụ Gia đình TGP TPHCM, bài 5, trang 26-27).

Nghỉ ngơi, một điều cần thiết và quan trọng giúp cho con người lấy lại sức lực và niềm vui trong dòng chảy tất bật và bộn bề của biết bao công việc ngày này tiếp nối ngày khác!

Dẫu biết là điều quan trọng và cần thiết, nhưng không phải ai cũng “muốn nghỉ ngơi”, không phải ai cũng “được nghỉ ngơi” mà đôi khi họ phải “bị nghỉ ngơi”.

Có người vướng vào cảnh chẳng đặng đừng: “bị nghỉ ngơi”! Không chỉ trong vài ba ngày, mà có khi kéo dài một tuần, cả tháng và thậm chí hàng năm trời: đó là “thất nghiệp”! Số người “bị nghỉ ngơi” này ngày càng gia tăng trên thế giới, không chỉ người “bị nghỉ” mới lo lắng, mà nỗi lo riêng đó đã trở nên mối quan ngại cho nền kinh tế thế giới. Nỗi lo không chỉ đóng khung trong khuôn khổ cá nhân-gia đình mà trở thành nan đề xã hội mang tính “toàn cầu”. Nghỉ việc trở thành nỗi ám ảnh đeo bám họ (dẫu chẳng hề trông mong)! “Nghỉ-mà-không-ngơi” là món ăn duy nhất mà đội quân thất nghiệp dùng hằng ngày, đến độ “nuốt không trôi” mà bị bó buộc “sử dụng”, họ ngán ngẩm và sợ hãi hai từ “nghỉ ngơi”!

Ngược lại, có những người không “muốn nghỉ ngơi” vì mỗi phút giây trôi qua, họ có thể kiếm lợi được rất nhiều của cải vật chất, hoặc đôi khi những nhà nghiên cứu khoa học, đang say sưa với những phát kiến mới, cũng chẳng muốn nghỉ ngơi, họ sợ công trình bị gián đoạn! Lại có người phải “chạy cơm từng bữa”, họ chẳng dám nghĩ đến đôi phút nghỉ ngơi, vài giờ thư giãn, vì nghỉ giờ nào là đói ăn giờ đó, “tay quai miệng trễ”! “Nghỉ ngơi” là món hàng xa xỉ đối với 3 loại người này! Có lẽ họ chỉ “nghỉ ngơi” khi không còn đủ sức để làm thêm nữa, lúc đó họ chia động từ “nghỉ ngơi” ở thể thụ động!

      

Có người may mắn hơn khi “được nghỉ ngơi”! Nào là nghỉ hè nô đùa với sóng biển, tận hưởng khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa vàng,… nào là nghỉ tết xum họp đoàn viên, gia đình quây quần bên nhau đầm ấm yên vui! Đó là những khoảnh khắc đẹp và quý báu sau bao ngày lao nhọc vất vả! Hai niềm vui và may mắn của họ là: có công việc để làm chứ không chịu cảnh “lo ăn từng bữa”, lại được thưởng bằng những kỳ nghỉ vui tươi, bù đắp cho những lao công, khó nhọc và cố gắng của họ! “Nghỉ ngơi” là điều chính đáng và khả thi đối với những người may mắn này!

Bên cạnh đó, một số ít người có hoàn cảnh kinh tế sung túc, có “của ăn của để” đã chọn chia động từ “nghỉ ngơi” ở dạng chủ động! Họ là những chủ doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra”, họ là giám đốc công ty này xí nghiệp nọ: của cải sẵn có, thời giờ dư dật, gia đình yên vui đầm ấm, nên họ sẵn sàng dành khá nhiều thời gian để nghỉ ngơi xum vầy cùng gia đình: thường khi là một lần trong năm, đôi khi hai lần một năm, hoặc lý tưởng hơn là mỗi tháng một ngày dành riêng cho gia đình, con cái!

Như thế, “nghỉ ngơi” thật chính đáng và tươi đẹp biết bao nếu ai ai cũng có điều kiện để chia động từ “nghỉ ngơi” ở thể chủ động!

Tuy nhiên, để có thể chủ động nghỉ ngơi cũng như thực hiện việc này cách trọn vẹn và hữu hiệu, người ta cũng cần phải loại bỏ những trở ngại cho thời gian nghỉ ngơi quý báu này! Hai trong số những cản trở cho các kỳ nghỉ là: điện thoại di động và máy vi tính (kết nối mạng internet).

Có một giám đốc nọ chia sẻ: lúc ban đầu, sắm được chiếc điện thoại di động thì lấy làm hãnh diện, tự hào và tự đắc lắm (được người khác đánh giá là người sành điệu và giàu có mà!). Tuy nhiên, chỉ sau một tuần lễ thôi, anh lại muốn rời bỏ chiếc điện thoại di động ấy. Lý do: mất tự do và luôn bị phiền nhiễu. Mất tự do vì người khác có thể “làm phiền” hay “quấy rầy” bất kể mình đang ở đâu hay đang làm gì; phiền nhiễu vì họ có thể réo gọi bất cứ khi nào trong ngày, dù sáng sớm tinh mơ hay giữa đêm trường khi ta đang say giấc điệp! Để có những kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình (mỗi năm hai lần) thì vị giám đốc nọ quyết tâm: tắt nguồn điện thoại di động, để nó rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” và trong khoảng thời gian xum vầy bên vợ con, ông không dính bén với công việc nữa.

Thế nhưng trong thực tế, không phải ai cũng có quyết tâm dứt khoát như vị giám đốc này, thời nay người ta bị hội chứng nghiện điện thoại di động: họp hành, đến trường, cả khi đến sân vận động xem đá bóng, người ta vẫn không rời mắt khỏi màn hình điện thoại di động, thậm chí cử hành phụng vụ cũng vẫn bị phân tâm, cuốn hút vào chiếc máy cỏn con nhưng đầy hấp lực.

      

Ngoài chiếc điện thoại là nguyên nhân làm thất bại các cuộc nghỉ ngơi, máy điện toán và mạng internet cũng là cản trở khó vượt qua nhất. Dường như số đông nhân loại hôm nay cảm thấy khó chịu nếu một ngày không vào mạng để nhận thư, chat… hay lướt web, họ tự nguyện để mình bị trói buộc vào hệ thống internet mà không ý thức.

      

Ai cũng dễ cảm thấy nhu cầu nghỉ ngơi giữa biết bao công việc bộn bề, nhưng còn một sự an nghỉ dài hạn mà không ai không phải trải qua một lần trong kiếp người: yên nghỉ đời đời-cái chết! Tôi đã và đang chuẩn bị gì cho chuyến nghỉ đặc biệt nhất và dài lâu nhất này? Chúng ta cần loại bỏ những trở ngại và trở lực nào để cuộc hành trình vào cõi vĩnh hằng này đáng được gọi là “yên nghỉ”?

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2).

 Chiên Già

nguon: tgpsaigon.net

Exit mobile version