Nghỉ ngơi

108

Người lớn nghỉ ngơi, trẻ em nghỉ ngơi. Nữ giới hay nam nhân cũng nghỉ ngơi. Người đau yếu, bệnh tật lẫn người khỏe mạnh đều nghỉ ngơi. Sự nghỉ ngơi đều dành cho cả người thành công lẫn người thất bại, cho những người đã hoàn tất công việc  lẫn ai đó công việc đang dang dở…. Và như thế, nghỉ ngơi là một nhu cầu cần thiết cho mọi người nhằm gia tăng, bồi dưỡng cho thể xác cả tinh thần những năng lượng cần thiết để ta nhìn đời bằng ánh mắt yêu thương, chờ đợi, tin tưởng, hy vọng theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Cũng vậy, từ trời hạ thế, sống thân phận kiếp con người ngoại trừ tội lỗi, Đức Giêsu hôm nay cũng nghỉ ngơi nhưng sự nghỉ ngơi của Người không giống như tôi và bạn. Trái lại Người nghỉ ngơi là để hoàn tất sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian là thành trì bảo vệ và cứu độ ta luôn mãi. Đồng thời, Đức Giêsu nghỉ ngơi để xuống tận đáy âm phủ để cứu những ai đang mong chờ Người và để chuẩn bị cho ngày Người  trở lại trong vinh quang. Vì thế, “Nghỉ ngơi” mà Đức Giêsu dành cho chính  mình lúc này là để đón chờ niềm hy vọng ánh sáng Phục Sinh sẽ đến, vinh danh tình yêu của Chúa Cha, và để cứu độ con người của ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

“Thế là đã hoàn tất”(Ga19,30). Đó là lời cuối cùng và khẳng định của Đức Giêsu trước khi Người trút hơi thở để cho thân xác được nghỉ ngơi. Bởi trong những năm tháng rao giảng thi hành sứ mạng Người đã chịu đầy rẫy những thử thách, trăm ngàn sự bách hại, muôn vàn đau khổ… Tất cả nhưng đau đớn cùng cực không chỉ ngắn ngủi từ vườn Cây Dầu tơi đỉnh núi Canvê, nhưng cuộc khổ nạn của Người đã được bắt đầu từ khi bước vào trần thế và sẽ  theo Người trong suốt cuộc đời. Vì lẽ đó, đến lúc này khi Người đã thực hiện sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian kết thúc, Người nghỉ ngơi đối với thân xác qua cái chết trên thánh giá. Người đón nhận sự nghỉ ngơi này trong bình an, hy vọng và tràn đầy tình yêu, Người xác tín chính giờ phút nghỉ ngơi này, Người mới được Chúa Cha tôn vinh công cuộc nơi Người hoàn tất. “Thế mà chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa và chịu nhục ê chề” (Is 53,4), dầu vậy Đức Giêsu vẫn luôn tin tưởng, phó thác cậy trông và luôn dành tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và nhân loại, để rồi như thánh Faustina kdwalska nói: “Con tin chắc sứ mệnh của con sẽ không ngừng lại với cái chết của con ngược lại đó mới  là khởi điểm của sứ mệnh con”. Ngài xác tín điều đó và sẵn sàng nghỉ ngơi trong cái chết đau thương để đón nhận sứ mệnh mới trong niềm vui hân hoan.

Sự nghỉ ngơi thân xác đã tách linh hồn Người xuống nơi âm phủ, đến với những kẻ đang mong chờ Người, những linh hồn công chính để báo cho họ việc họ được giải phóng. Chính vì thế, việc Người xuống âm phủ biểu lộ lớn lao chiến thắng của Thiên Chúa, cũng là khởi điểm của việc đi lên trong vinh quang, vì Người đã đi xuống tới tận nút cùng của thân phận con người tự hạ, tự hủy, chết, xuống ngục tổ tông đó là mầu nhiệm Thiên Chúa đi tìm con người. Cuối cùng Người đã chiến thắng tất cả đã gặp gỡ được mọi người đang sống cũng như đã qua đời để lôi kéo họ trở về cùng Chúa Cha. Đồng thời, Người xuống âm phủ để tôi và bạn thấy rõ tình thương lớn lao của Thiên Chúa, tình thương ấy đã đi ngược với thời gian, không gian, không nhạt phai, không thay đổi. Người đi xuống để biến nơi tràn ngập niềm đau là âm phủ thành nơi hy vọng. Như vậy, Đức Giêsu nghỉ ngơi thân xác nhưng Người không kết thúc sứ mạng cứu độ mà để đảm nhận một sứ mệnh mới theo kế hoạch của Cha đã dành sẵn cho Người. Dù nghỉ ngơi hay thi hành sứ mạng cứu độ thì đối với Đức Giêsu chỉ có “Yêu” “Yêu”“Yêu” vì Người là “Thiên Chúa Tình Yêu”. (1Ga4,8)

Sự nghỉ ngơi của Đức Giêsu lúc này đã khiến toàn cõi đất lặng thinh bởi đây là giấc nghỉ của một vị vua. Kinh hãi vì tôi và bạn là nguyên cớ gây nên cái chết tức tưởi  của Người. Chính vì thế, trước sự thinh lặng của đất trời  và màu sắc cảnh vật u tối, nhất là trước nấm mồ của Đức Giêsu, tôi cũng được Người kéo tôi ra khỏi những ồn ào, xáo trộn sự bon chen trước nền kinh tế thị trường, những bận tâm lo lắng về việc rèn luyện bản thân, học tập để kết hợp với Người. tôi tin trong thinh lặng trong tâm hồn mình sẽ suy ngắm cuộc đời Người rõ hơn và nhìn lại cuộc sống bản thân cũng như chính con người mình ký hơn để cảm nếm tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Ngoài ra, sự nghỉ ngơi của Đức Kitô trong sứ mạng “đi xuống để đi lên” Thiên Chúa cũng mời gọi tôi hãy đi lên, hãy từ bỏ tội lỗi để trở về với Chúa, hãy đứng dậy trong những lần vấp ngã, trong những thử thách thất bại của cuộc sống, đoạn tuyệt với những yếu đuối, sa ngã để đi lên cùng Chúa. Vì thế, đây là cuộc bỏ mình Chúa muốn nơi tôi lúc này và trong cả tương lai hầu xứng đáng hơn với tình yêu cao vời mà Chúa luôn dành cho tôi, cũng là để chuẩn bị hành trang cho ngày được trở về, đi lên với Chúa trong Nước Trời.

Như vậy sự nghỉ ngơi trong thân xác của Đức Giêsu, trước nấm mồ ở trần gian, xuống ngục tổ tông để tiếp tục cứu độ nhân loại. nhưng sứ mạng yêu thương, sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu không bao giờ nghỉ ngơi, Ngài luôn muốn chúng ta nên một với Chúa trong tình yêu, Ngài muốn ta nghỉ ngơi về thể xác, nhưng tình yêu, con tim của chúng ta không bao giờ nghỉ ngơi, nhất là tâm thức quay về với Chúa để được Chúa tha thứ là luôn luôn. Vì Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho nhân loại, miễn sao chúng ta biết cảm thức về tội của mình để trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong sự thinh lặng của ngày hôm nay tôi và bạn hãy cố gắng tách ra khỏi những náo động của cuộc sống, nhất là thinh lặng từ chính nội tâm để chiêm ngắm tình yêu của Chúa, nghe Chúa nói, có như thế ta mới dễ dàng tâm sự với Chúa và với chính ta. Nhờ đó, ta thấy được sự sống của Thiên Chúa luôn tràn ngập trên nhân gian này, cho dù Người đa “ Nghỉ ngơi” về phần xác vì yêu ta.

Maria Nguyễn Kim, Tập Sinh MTG Thủ Đức