Vào một ngày đầu tháng 3, trong dịp họp mặt lần thứ 3, gia đình Học viện đã được Cha giáo Giuse Đỗ Quang Khang hướng dẫn chương III của Tông Huấn liên quan đến Thánh Kinh, đây là cơ hội để chị em chất vấn chính mình ngang qua những câu hỏi gợi ý như: Tôi có đang nghèo? Hiền có phải là thái độ tôi chọn lựa để cư xử với mọi người hay không? Tôi có đang được Chúa chúc phúc? …
Qua những phân tích mới mẻ của cha Giuse, chị em được hiểu rõ hơn về những mối phúc đầu tiên. Mối phúc được coi là quan trọng nhất vì được nói đến đầu tiên, đó chính là NGHÈO: “Phúc cho người nghèo trong tinh thần – Blessed are the poor in spirit” chứ không phải là phúc cho ai có tinh thần nghèo. Đi tu đồng nghĩa với việc sẽ tự nguyện khấn giữ đức Khó nghèo, nhưng miễn cưỡng sống nghèo bề ngoài mà bên trong còn ham muốn thì vẫn chưa phải là nghèo, cái nghèo đó là giả hình. Trong khi đó Nghèo lại là căn tính của người môn đệ. Nghèo trong tinh thần sẽ giúp người tu sĩ buông bỏ chính mình. Cho đi không có nghĩa là mất, nhưng là một sự chuyển hóa đầy ý nghĩa. Chị em tôi và cộng đoàn tôi sẽ được giàu có bởi sự nghèo của tôi. Như chính Chúa Giê-su đã tự nguyện nghèo để tất cả chúng ta được “giàu có”.
Đã là một Kitô hữu thì Nên Thánh là lời mời gọi chính đáng cho mọi thành phần. Chúng ta không thoái thác hay cho rằng đó là một lý tưởng xa vời chỉ dành riêng cho một vài đối tượng. Nói như thế thì Giáo hội đâu có nhiều vị thánh phong phú đến thế. Chẳng phải Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giê-su đã chọn cho mình một con đường nên thánh rất riêng đó sao? Các thánh đã không lãng phí thời gian phàn nàn về những thất bại của người khác, giữ miệng lưỡi trước sai lỗi của chị em, đồng thời cũng tránh tình trạng bạo lực ngôn từ và chần chừ đối xử hà khắc với người khác (x. GE 116). Các Thánh là những người chọn bám chặt vào Chúa, biết đối diện với chính con người của mình để Chúa có thể bước vào và ở lại. Nếu sống hết mình với mỗi phút giây trong cuộc đời, thì con đường lớn lên trong sự thánh thiện sẽ được ghi nhận và toát ra trong đời sống của chính chúng ta.
Mối Phúc thứ hai liên quan đến NGƯỜI HIỀN. Hiền không chỉ là tính cách nhưng còn là một thái độ sống “bất bạo động”. Bất cứ ai khi sống với thái độ hiền lành thì cũng được gọi là người nghèo của Chúa rồi. Các Thánh làm gương thôi thúc chúng ta, nhưng Con đường Nên Thánh của mỗi người lại rất riêng. Sự bắt chước máy móc hay dập khuôn không khiến tôi trở thành thánh, nhưng thái độ chọn lựa sống nghèo, sống thái độ hiền lành của Tin Mừng sẽ dẫn đưa tôi lớn lên trên đường nhân đức. Thái độ được mời gọi sống không gì khác hơn là “…mau nghe, đừng vội nói và khoan giận…” nghĩa là cần phải ý thức về 3 KHÔNG: không nói xấu, không nghĩ xấu và không làm xấu. Như thế có khó lắm không để trở nên nghèo thật sự trong Chúa? Tôi có muốn sống hiền? Chị em có thấy tôi hiền?
Sau cùng, nếu còn đang trong sự thờ ơ trước lời mời gọi này thì người môn đệ cũng sẽ giống như những cô trinh nữ khờ dại đã không sẵn sàng chờ đợi chàng rể. Đó là một tâm tình duy nhất của người môn đệ, tâm tình đó phải mở ra một cung cách sống khác từ bên trong: không còn dính bén nhưng thanh thoát, sống tích cực bao nhiêu có thể và hằng khao khát trở nên người công chính để được vào Nước Trời bằng con đường thực thi đức bác ái-một nhu cầu của linh hồn đang “đói khát” sự công chính. Sau cùng, tôi xin mượn lời cầu nguyện của Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu SJ, để thay cho lời kết:
“Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.
Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.
Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen”
Têrêsa Mộng Tuyền, Học viện MTG. Thủ Đức