Trong những năm gần đây, miền Sahel, gồm những nước ở vùng sa mạc Sahara, đã trở thành nơi mà bạo lực leo thang từ phía những nhóm thánh chiến Hồi giáo, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất về nhân đạo hiện nay tại miền này, theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc.
Phúc trình tựa đề “Những bước tiến tới hòa bình” (Steps Toward Peace), do cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ thực hiện, qua một loạt các cuộc phỏng vấn và thăm dò dư luận nơi giới nông dân, những người làm nghề chăn nuôi súc vật, các dân quân địa phương, các vị lãnh đạo tôn giáo và các truyền thống tại ba quốc gia ở trung tâm bạo lực là Mali, Burkina Faso và Niger. Nhiều người được phỏng vấn chống lại trào lưu tôn giáo cực đoan. Các tín hữu Công giáo, tuy là thiểu số trong vùng, nhưng được tôn trọng, không tùy thuộc tín ngưỡng của họ, và Giáo hội được coi như một nhân tố trung lập, khách quan, chứ không phải là một nhân tố chính trị trong vùng.
Bà Jennifer Overton, Giám đốc cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ ở miền Tây Phi, cho biết phúc trình nêu bật điều này là: mặc dù cuộc khủng hoảng ở miền Sahel được mô tả như có tính chất tôn giáo hoặc chủng tộc, nhưng trong thực tế khủng hoảng này là kết quả của một sự chênh lệch giàu nghèo và một sự bất mãn với chính quyền. Vì thế, điều thúc đẩy nhiều người trẻ gia nhập các nhóm võ trang chính là tình trạng nghèo đói. Những thành phần thánh chiến Hồi giáo và các nhóm tội phạm lợi dụng những người nghèo, người thất nghiệp, những người bất mãn nói chung và sự thiếu tín nhiệm đối với giới lãnh đạo chính trị quốc gia, để chiêu dụ họ gia nhập các lực lượng võ trang.
Các vị lãnh đạo cộng đoàn và tôn giáo, dù là Hồi giáo hay Kitô giáo, dấn thân chiến đấu cho sự đoàn kết và kháng chiến án bình, vì thế họ là đối tượng của những vụ giết người, với toan tính phá hủy ảnh hưởng của họ.
Đức cha Laurent Dabire, giám mục giáo phận Dori, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Burkina Faso và Niger, khi giới thiệu bản phúc trình của cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ, đã nói rằng: “Những tên khủng bố không tha một ai, dù là người Hồi giáo, Công giáo, Tin lành hay là tín đồ các tôn giáo truyền thống.”
Cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ hiện diện và hoạt động từ 60 năm nay ở vùng Sahel và đầu tư nhiều vào việc củng cố hòa bình, cổ võ sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ, người trẻ, các vị lãnh đạo địa phương vào những tiến trình nhắm giải quyết các cuộc khủng hoảng trong vùng.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org