NGHE VÀ HIỂU
St 17, 3-9; Ga 8, 51-59.
Thông thường người ta sẽ nghe bằng đôi tai, hiểu biết chính xác nhờ bộ não còn tốt ; thực ra, người ta còn nghe bằng “trái tim”, hiểu nhau bằng ngôn ngữ “không lời”, nhưng quan trọng là người ta có sử dụng lợi thế đó không ? Ngày nay nhiều thứ âm thanh đang xáo trộn ảnh hưởng đến cuộc sống, vì thế, người ta cần đến bộ lọc âm, cần đến kiến thức khôn ngoan để chọn lựa, nhưng đâu là “lời hay ý đẹp” ?
Để nói lên trọng tâm mà người đời luôn tìm kiếm, Đức Giêsu cho đám đông Do Thái biết đó chính là sự sống đời đời. Chỉ khi lắng nghe người ta mới hiểu, mới chấp nhận được lời căn dặn : “ai nghe và giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Do quá tự mãn về khả năng hiểu biết của mình, nên khi Chúa Giêsu nói đến sự sống đời đời, đám đông Do Thái lại đặt “tầm ngắm” vào sự sống ở trần gian này. Khi nói tới liên hệ đức tin giữa Tổ phụ Abraham với Thiên Chúa, người Do Thái lại hiểu đến liên hệ dòng tộc máu mủ, họ cho rằng Chúa Giêsu chưa được 50 tuổi không thể nhìn biết Abraham là ai.
Mục đích hướng tới của con người là đạt tới kết quả tốt đẹp, người Do Thái khao khát hạnh phúc đời đời, Chúa Giêsu rất muốn mọi người hiểu và nhận ra Chúa Giêsu đến trần gian thực hiện sứ mệnh cứu độ. Nghe mà không hiểu có khi là đôi tai có vấn đề, có khi cố tình không muốn hiểu ! Người xưa có câu : “nước đổ lá khoai”, nghĩa là đổ mãi đồ hoài cũng không thể ướt được, mà lá khoai và người Do Thái lẽ nào lại giống nhau ! Vì không quan tâm Đức Giêsu là ai, nên người Do Thái nghe Chúa Giêsu “như vịt nghe sấm”, cố tình không thèm hiểu, do đó họ xúc phạm nói Đức Giêsu bị quỷ ám.
Người Do Thái có ý định ném đá Đức Giêsu, vì ngay từ ban đầu họ không thể tin Con Thiên Chúa xuất hiện dưới hình ảnh một em bé ở hang bò lừa, chứ không phải là một hoàng tử ở cung điện nhà vua. Đức Giêsu lớn lên trong gia đình con bác thợ mộc, mà không hề trưởng thành từ gia đình một tư tế. Đức Giêsu chiến thắng thế gian bằng khổ đau và cái chết thập giá. Vì thế mà người ta chỉ có thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt đức tin, nghe được tiếng nói của Con Thiên Chúa bằng “cái tâm trong sáng”, và đặc biệt là nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa bằng tình yêu và tinh thần khiêm tốn.
Người kitô hữu chúng ta hôm nay vẫn rất cần nghe và hiểu thánh ý Chúa để được sống và sống đời đời. Chúa Giêsu tiếp tục nói lên những căn bản về Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa cứu độ; nhưng hẳn chúng ta phải đủ khiêm tốn, đủ khôn ngoan sử dụng tai mắt tự nhiên và tai mắt tâm hồn để nghe, để thấy Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật.
Lm. Jos DĐH, GP. Xuân Lộc