NGHỆ THUẬT YÊU THƯƠNG
1Cr 15, 1-11; Lc 7, 36-50.
Người thời nay thường lưu tâm tới kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, kỹ năng đọc sách, kỹ năng nuôi dạy trẻ….như một gợi ý về khả năng tập luyện, rút tỉa kinh nghiệm, rất bổ ích cho sự thành đạt nơi cuộc sống này. Cha ông chúng ta không ngần ngại nhắc con cháu học ăn, học nói, học gói học mở. Nếu để ý một chút, ta sẽ hiểu, dù một lời cám ơn vụng về, còn dễ chịu hơn cả bầu khí im lặng bí ẩn. Thực ra, nếu biết khôn ngoan, biết chăm chỉ học hỏi, biết khiêm tốn lắng nghe người đi trước chia sẻ kinh nghiệm thì không bao giờ thừa.
Đạo lý làm người hướng đến một chân lý căn bản là yêu thương; song để biết yêu, ta phải được yêu. Quan niệm như thế tưởng hết sức đơn giản, vậy, chúng ta hãy cùng nghe thánh Phaolô và thánh sử Luca nói gì về nghệ thuật yêu thương.
Để cho thấy yêu là gì, Đức Giêsu không yêu trên môi miệng, lý thuyết, Ngài không từ chối lời mời dùng bữa với người biệt phái. Yêu không phải là đặc quyền ban phát, bố thí của kẻ trên người dưới; Đức Giêsu chẳng dành ưu ái cho riêng người nghèo, người đạo đức thánh thiện… Ông Simon biệt phái đã biết yêu vì được yêu, bằng chứng là ông suy nghĩ trong lòng về Thầy Giêsu, nhưng không hề xua đuổi người phụ nữ tội lỗi đang khóc lóc cản trở bữa ăn, làm rối beng cuộc đối thoại….
Thánh Phaolô quả quyết tình yêu thương của Đức Giêsu được cụ thể bằng nhiều đau khổ, chịu chết và ngày thứ ba đã sống lại, Chúa hiện ra với các tông đồ, với nhiều người và sau cùng hiện ra với ông như đứa con sinh non. Các tông đồ, các môn đệ, Phaolô, Simon người biệt phái, chị phụ nữ tội lỗi…., họ là những người được Chúa Giêsu yêu. Vì thế họ yêu Chúa, họ biết yêu những ai thuộc về Chúa, đó chính là nghệ thuật khoan dung trong tình yêu mà họ được Thầy Giêsu truyền lửa vào cách sống của họ.
Trang Tin mừng thật dí dỏm kể Chúa Giêsu thích tiệc tùng, đã vậy Chúa đến với người biệt phái danh giá, Chúa cũng không từ chối người phụ nữ tội lỗi đến khóc lóc, hôn chân…, lại mang theo bình bạch ngọc quí để xức chân Chúa… Chưa hết, Chúa Giêsu còn bênh vực người phụ nữ bằng một vài câu hỏi rất thuyết phục người biệt phái Simon : một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi, cả hai cùng được tha. Vậy hai người đó, người nào sẽ yêu mến chủ nợ nhiều hơn ? Cuối cùng Chúa Giêsu nói thật chí lý: Tôi bảo ông, tội người này rất nhiều mà đã được tha rồi, vì chị ta đã yêu mến nhiều.
Đành rằng ở đời có câu : nước mắt là vũ khí của người đàn bà. Tuy nhiên, Chúa Giêsu có khen là khen người phụ nữ biết thống hối về những quá khứ của chị ta; nước mắt của sám hối, thuốc thơm của danh dự, của tấm lòng dứt khoát, kính trọng.
Xã hội cho ta kinh nghiệm, giúp tiền người nghèo, sau khi tiêu xài hết họ lại nghèo. Cho cơm bánh người đói, họ ăn hết lại đói. Cho tình yêu thương, người được đón nhận sau đó có thể họ quên ! Nhưng cho số vốn và công việc, cho cá và cần câu, cho cả bí quyết Đức Giêsu chịu chết trên thập giá là để ta được sống; nghệ thuật ở chỗ là mình nhận ra lòng bao dung của Chúa, mình được yêu vì biết yêu. Amen.
Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc