Nghệ Thuật và Đức Tin (Phần I)

87

Nghệ Thuật và Đức Tin (Phần I)

NGHỆ THUẬT VÀ ĐỨC TIN
Dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II
và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
ĐGM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

NHẬP ĐỀ

Năm Đức Tin được khai mạc vào ngày 11 tháng 10 năm 2012, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng chung Vaticanô II (11-10-1962) và 20 năm ban hành Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (11-10-1992).

Trong thời gian khai mạc Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XIII tại Rôma với chủ đề: “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Một trong những phương thế được Giáo Hội sử dụng trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin là đối thoại với các nền văn hóa, trong đó in đậm dấu ấn của các loại hình nghệ thuật. Vì thế trong sứ điệp của Thượng Hội Đồng gửi cộng đồng dân Chúa có đoạn viết như sau:

“Chúng tôi muốn cám ơn những người nam nữ dấn thân trong một biểu thức khác của thiên tài con người, đó là nghệ thuật dưới những hình thức khác nhau, từ những hình thức cổ nhất cho đến những hình thức mới nhất. Chúng tôi nhìn nhận trong các tác phẩm nghệ thuật của họ có một con đường đầy ý nghĩa biểu lộ linh đạo trong lúc họ cố gắng thể hiện sự thu hút của con người đối với thẩm mỹ. Chúng tôi biết ơn, khi các nghệ sĩ, qua các tác phẩm mỹ thuật của họ, diễn tả vẻ đẹp của tôn nhan Chúa và của các thụ tạo của Chúa. Con đường mỹ thuật là một con đường đặc biệt hữu hiệu trong công trình Tân Phúc Âm Hóa”.[1]

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong văn thư hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin, cũng viết: “Thế giới ngày nay nhạy bén về mối quan hệ giữa đức tin và nghệ thuật. Do đó đề nghị các Hội Đồng Giám Mục vận dụng thích hợp nguồn di sản nghệ thuật tại địa phương thuộc trách nhiệm mục vụ của mình, đồng thời với sự hợp tác đại kết, để hướng vào việc giảng dạy giáo lý”.[2]

Hai văn kiện trên đây phản ánh giáo huấn chính thức của Giáo Hội công giáo được trình bày qua các văn kiện của công đồng chung Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo. Giờ đây chúng ta thử tìm hiểu mối tương quan giữa nghệ thuật và đức tin dưới ánh sáng của hai nguồn giáo huấn này. Nhưng trước hết là một thoáng nhìn về mối tương quan giữa Giáo Hội và nghệ thuật.

I. GIÁO HỘI VÀ NGHỆ THUẬT: MỘT THOÁNG NHÌN

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, nghệ thuật đã được Giáo Hội sử dụng để diễn tả đức tin và các mầu nhiệm thánh, cũng như để truyền giáo. Ngoài nghệ thuật âm thanh với các bài thánh ca, nghệ thuật hình ảnh đã đóng một vai trò trung tâm trong phụng vụ và đời sống Giáo Hội. Các bản Thánh Kinh viết tay, những bản văn phụng vụ và những sách thần học được minh họa bằng những hình ảnh tinh xảo. Các nhà thờ, tu viện, được xây dựng với nghệ thuật kiến trúc đa dạng và được trang hoàng cả bên trong lẫn bên ngoài bằng những bức bích họa, điêu khắc, kính màu.

Vào thế kỷ 16, các nhà thần học tin lành cải cách như J. Calvin cho rằng bất cứ việc sử dụng hình ảnh nào trong thờ phượng cũng dẫn đến việc thờ ngẫu tượng, mặc dù những tác phẩm nghệ thuật trong những bối cảnh khác vẫn được đánh giá cao. Nhóm chống cải cách đã phản ứng ngược lại bằng hàng trăm tác phẩm nghệ thuật tôn giáo với ý hướng khơi lên lòng đạo đức.

Sang đầu thế kỷ 18, tại hầu hết các nước Tây Phương, nghệ thuật có giá trị nhất là nghệ thuật tôn giáo. Tuy nhiên vào hậu bán thế kỷ ấy, khi Giáo Hội bị phê bình gay gắt, nghệ thuật có khuynh hướng chú ý đến đời sống thường nhật hơn là những chủ đề tôn giáo. Chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của trào lưu tục hóa và chủ nghĩa nhân bản, nghệ thuật đã chọn con đường phân chia về mặt triết học tách khỏi thẩm quyền mạc khải của Thánh Kinh. Sự phát triển này đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ cũng như hành động và đẩy Thiên Chúa ra bên lề. Đồng thời ngôn ngữ nghệ thuật chủ quan ngày càng làm tăng khoảng cách giữa nghệ sĩ và cộng đồng tôn giáo.

Vì thế, vào đầu thế kỷ 20 nhiều Kitô hữu đã tách mình ra khỏi thế giới nghệ thuật hoặc tỏ ra thờ ơ đối với nghệ thuật. Họ không hiểu và cũng không được dạy về vị trí của nghệ thuật trong đời sống đức tin. Nhiều người lớn lên trong các cộng đoàn Kitô hữu đã không tìm được nguồn suy tư về ơn gọi của họ trong lãnh vực nghệ thuật, cũng không tìm thấy sự khích lệ để theo đuổi ơn gọi ấy. Chính vì vậy, người Kitô hữu đã ít khi làm gì để vun xới trí tưởng tượng của mình trong định hướng tôn giáo. Trong khi đó, trí tưởng tượng của cả thế hệ đang được định hình bởi các khuynh hướng văn hóa vắng bóng đức tin Kitô giáo, và chính các nghệ sĩ ngoại giáo, chứ không phải là Kitô hữu, đang “đào luyện” các quốc gia qua phương tiện nghệ thuật.

Giáo Hội bày tỏ mối nghi ngại về các nghệ sĩ và tác phẩm của họ, khi thấy họ buông theo cảm xúc cách tự do phóng khoáng hoặc chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác. Chẳng hạn ở nhiều nơi Giáo Hội không dám đón nhận những hình thức nghệ thuật bản địa, vì sợ chúng gắn liền với ngoại giáo. Nhiều Kitô hữu làm nghệ thuật được đào tạo do nền văn hóa, chứ không do Giáo Hội. Điều này đã khiến các Kitô hữu làm nghệ thuật không có ý thức về vị trí của mình trong Giáo Hội hay trong công việc của Nước Trời. Họ ít có cơ hội được nuôi dưỡng trong hành trình thiêng liêng của mình.

Tuy nhiên trong những thập niên vừa qua đã có nhiều sự thay đổi trong Giáo Hội, chẳng hạn một số đáng kể các Giáo Hội địa phương tỏ ra cởi mở hơn với nghệ thuật. Nghệ thuật đóng vai trò quan trọng hơn trong việc phụng tự. Nhiều tổ chức cống hiến cho nghệ thuật đã được chính các Kitô hữu thành lập và có ảnh hưởng đáng kể.

Gần đây chúng ta cũng thấy nhiều bằng chứng của việc canh tân trong phụng vụ. Tất cả những ai được sự canh tân ấy đánh động đều thấy rõ rằng nghệ thuật đang đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta thường hiểu rằng hành trình đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng bởi những gì chúng ta hiểu được bằng trí óc, nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện. Việc canh tân phụng vụ ở thời đại chúng ta, trong cốt lõi, là một trường hợp thức giấc của những cảm nhận thẩm mỹ, vốn đã thiếp ngủ quá lâu trong nhiều cộng đoàn.

Sự thay đổi này một phần cũng do ảnh hưởng của văn hóa hậu hiện đại. Mặc dù lý thuyết hậu hiện đại chứa đựng nhiều khía cạnh tiêu cực, nhưng nó cho phép người ta cởi mở hơn với những điều thánh thiêng và chú ý nhiều hơn đến khía cạnh thẩm mỹ của cuộc sống. Khi bỏ lại sau lưng tính khắc khổ của luân lý phương Tây, lý thuyết hậu hiện đại đã thực sự đón nhận nghệ thuật dưới mọi hình thức. Ai cũng phải công nhận rằng sức mạnh của nghệ thuật làm lay động cả trái tim lẫn trí óc, và nghệ thuật có mặt khắp nơi. Chúng ta đang ở trong thời điểm chuyển tiếp trong lịch sử và những thay đổi này phải được xem như là việc cộng đoàn tín hữu tìm kiếm cách thế định hình cho sứ mạng thừa sai của mình trên toàn thế giới.

Sự canh tân trong cái nhìn của Giáo Hội đối với nghệ thuật được nhìn thấy rõ ràng nơi công đồng Vaticanô II là một công đồng mang tính cởi mở và đối thoại đối với thế giới và các nền văn hóa. Trong hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, Giáo Hội đã nhận định rằng: khác với ngày xưa, ngày nay sự từ chối và tránh né đề cập đến Thiên Chúa và các vấn đề tôn giáo không còn bị coi là dị thường và có tính cá nhân nữa, nhưng được nhiều người coi như một xu hướng tiến bộ và nhân bản ngày càng phổ biến, không những trong các lãnh vực triết học, khoa học, sử học, luật học, mà còn trong lãnh vực văn chương và nghệ thuật nữa.[3]

Tuy nhiên, trong Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, Giáo Hội nhìn nhận rằng mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh là nghệ thuật thánh, là một trong những hoạt động cao quí nhất của tài trí con người, khiến Giáo Hội phải đặc biệt quan tâm, chứ không thể làm ngơ. Giáo Hội tự nhận mình luôn là bạn của nghệ thuật và nhìn nhận sứ mạng cao quí của nghệ thuật, cũng như tìm đến với nghệ thuật như một phương tiện hữu hiệu để trình bày đức tin và các thực tại thánh. Vì thế, Giáo Hội muốn đẩy mạnh việc huấn luyện các nghệ sĩ để họ có thể trình bày đức tin cách đúng đắn qua các tác phẩm nghệ thuật, cũng như tránh những điều sai lạc đức tin hay không phù hợp với đạo đức Kitô giáo.[4]

Sự quan tâm và đánh giá cao của Giáo Hội đối với những đóng góp của nghệ thuật trong lãnh vực đức tin được tiếp nối trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 123, và được lặp lại trong Hiến chế Gaudium et Spes: “Vậy nên cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ và một khi được hưởng tự do đúng mức, họ có thể trao đổi với cộng đoàn Kitô hữu dễ dàng hơn. Giáo Hội cũng phải công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đem vào nơi phụng tự những hình thức mới này, một khi với lối diễn tả thích nghi và phù hợp với phụng vụ, chúng giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. (x. PV 123)”.[5]

Sự quan tâm của Giáo Hội đối với nghệ thuật còn được bày tỏ qua sứ điệp nhân dịp bế mạc công đồng. Ngỏ lời với những người say mê và phục vụ cái đẹp: các thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, diễn viên điện ảnh và kịch nghệ, Giáo Hội đã gọi những người yêu chuộng nghệ thuật chân chính là bạn. Giáo Hội nhìn nhận những công lao đóng góp to lớn của họ trong việc suy tôn các tín điều, diễn tả sứ điệp thánh và các mầu nhiệm vô hình bằng ngôn ngữ hình thể và sắc màu, qua các công trình xây dựng và trang hoàng thánh đường, phục vụ và làm phong phú các cử hành phụng vụ.

Giáo Hội rất cần đến các nghệ sĩ và tha thiết yêu cầu họ đừng từ chối liên kết với Giáo Hội để đem tài năng ra phục vụ vẻ đẹp của chân lý do Thánh Thần gợi hứng. Thế giới ngày nay đang cần đến vẻ đẹp ấy để khỏi chìm đắm trong tuyệt vọng, bởi lẽ cái đẹp cũng như chân lý luôn mang lại niềm vui cho tâm hồn con người. Những tác phẩm nghệ thuật là những hoa trái không bao giờ tàn úa theo thời gian, nhưng mãi mãi tồn tại và có sức nối kết các thế hệ trong sự đồng cảm.[6]

Thái độ cởi mở và sự quan tâm của công đồng Vaticanô II đối với nghệ thuật đã được tiếp tục trong Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, một tác phẩm được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gọi là một trong những thành quả quan trọng nhất của công đồng.[7] Sách Giáo lý đã mời gọi các giám mục lưu tâm cổ võ nghệ thuật thánh, cổ truyền cũng như hiện đại, trong mọi hình thức của nó.[8]

(còn tiếp)

[1] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN THỨ XIII: Sứ điệp gửi cộng đồng dân Chúa, số 10: “Tin Mừng trong cuộc đối thoại với văn hóa và kinh nghiệm nhân bản và với các tôn giáo”.
[2] THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin, II, 6.
[3] Xem CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes (07.12.1965), số 7.
[4] Xem CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilum (04.12.1963), số 122.
[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 62.
[6] Xem CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sứ điệp gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc công đồng (08-12-1965), số 17-18.
[7] Xem BÊNÊĐICTÔ XVI, Tự sắc Porta fidei về Năm Đức Tin (11.10.2011), số 11.
[8] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2503.
Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org