Nghệ Thuật và Đức Tin (Phần cuối)

67

Nghệ Thuật và Đức Tin (Phần cuối)

Nghệ thuật ảo giác_05NGHỆ THUẬT VÀ ĐỨC TIN
Dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II 
và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
III. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỨC TIN ĐỐI VỚI NGHỆ THUẬTTương quan giữa nghệ thuật và đức tin chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh rộng lớn của tiến trình hội nhập văn hóa. Thuật ngữ “hội nhập văn hóa” trong thần học về truyền giáo nhằm nói lên sự giao thoa, gặp gỡ giữa Tin Mừng và các nền văn hóa. Trong tiến trình này Giáo Hội sử dụng các lối diễn tả của một nền văn hóa đặc thù để trình bày sứ điệp Tin Mừng, trong đó phải kể đến các lối diễn tả đặc trưng của nghệ thuật bản địa, để các chân lý đức tin có thể được người dân địa phương hiểu được và đón nhận, như chúng ta vừa trình bày trên đây.

Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập văn hóa ấy, Giáo Hội đồng thời cũng đưa các giá trị Kitô giáo vào hệ thống giá trị của nền văn hóa địa phương, để thanh lọc, hoàn bị, nâng cao và làm phong phú chính nền văn hóa đó. Về điều này, công đồng Vaticanô II đã khẳng định:

“Tin Mừng của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống đối và khử trừ các sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn luôn đe dọa. Tin Mừng không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Những đức tính của mọi thời như được Tin Mừng làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô (x. Ep 1,10) nhờ những ân huệ bởi trời. Như thế, trong khi chu toàn bổn phận riêng, Giáo Hội cũng đồng thời thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, và nhờ hoạt động của mình, ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ, Giáo Hội giáo dục con người đạt tới tự do nội tâm”.[1]

Đó là ảnh hưởng của Tin Mừng đối với văn hóa, và trong một phạm vi hạn hẹp hơn, đó là ảnh hưởng của đức tin đối với nghệ thuật. Trong đoạn trên chúng ta đã thấy đức tin cần đến nghệ thuật để diễn tả, để được chấp nhận, để sống và để truyền bá. Nhưng nghệ thuật cũng cần đến đức tin Kitô giáo để thể hiện và hoàn thiện chính mình.

Trước hết, như lịch sử văn hóa nghệ thuật của thế giới Tây Phương đã chứng minh, nghệ thuật đã cần đến đức tin Kitô giáo để tìm nguồn cảm hứng cũng như để chọn đề tài sáng tác, nhờ đó thể hiện chính mình cách phong phú. Có biết bao tác phẩm nghệ thuật được gợi hứng và lấy đề tài từ Thánh Kinh, lịch sử cứu độ hay các mầu nhiệm đức tin. Thật vậy, đề tài tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng là một trong số các đề tài được các nghệ sĩ mọi thời khai thác nhiều nhất. Có thể khẳng định rằng tôn giáo là nơi đặt ra những câu hỏi, những vấn nạn có tầm quan trọng sinh tử đối với con người, đồng thời cũng là nơi người ta tìm được những câu trả lời cụ thể và dứt khoát cho cuộc sống. Lý do dễ hiểu là tôn giáo và đức tin có khả năng giúp con người đi vào thế giới linh thánh, nhận ra chân lý, vẻ đẹp, cũng như ý nghĩa của các sự vật và cuộc sống con người. Đó cũng là những lãnh vực mà nghệ thuật mong muốn diễn tả, vì tự bản chất mọi nghệ thuật đều mang chiều kích thánh thiêng.

Ngoài ra, đức tin Kitô giáo không chỉ giúp nghệ thuật thể hiện, mà còn góp phần làm cho nó trở nên hoàn thiện hơn, theo mô hình của mầu nhiệm Nhập Thể. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đi vào trần gian, mặc lấy hình dạng con người và chịu ảnh hưởng của một nền văn hóa đặc thù với những sắc thái và giá trị của nó, nhưng đồng thời Người cũng dùng sức mạnh của thần tính để thánh hóa các thực tại trần gian và làm cho chúng được thanh luyện, được biến đổi để trở nên hoàn thiện hơn. Cũng vậy, đức tin Kitô giáo một khi đã hội nhập vào thế giới nghệ thuật, cũng góp phần thanh luyện và hoàn thiện nghệ thuật.

Trong khi nghệ thuật trong tình trạng nguyên thủy không cần được cứu độ, thì sự biến dạng, sự sử dụng sai mục đích và sự lạm dụng mà nghệ thuật phải hứng chịu trong quá trình thể hiện do ảnh hưởng của tội lỗi con người khiến cho nghệ thuật cần phải được cứu độ bằng đức tin chân chính. Trong trường hợp này tiến trình cứu độ bao gồm sự gạn lọc, để những ý nghĩa và ý tưởng trái ngược với lời dạy của Thánh Kinh bị loại ra và những ý nghĩa mới được định hình cho hình thức nghệ thuật. Cũng như trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật, luật pháp, v.v., nghệ thuật cũng phải tùy thuộc vào các tiêu chuẩn luân lý do Thiên Chúa mạc khải. Một tác phẩm nghệ thuật mang tính vô luân, ngược với các tiêu chuẩn đạo đức, thì không thể chấp nhận được. Về vấn đề này công đồng Vaticanô II đã dạy:

“Vấn đề thứ hai là xét đến điều mà người ta thường nói là những tương quan giữa quyền lợi của nghệ thuật và tiêu chuẩn của luật luân lý. Vì những cuộc tranh luận thường xuyên về vấn đề này nhiều khi bắt nguồn từ những học thuyết sai lầm về luân lý và thẩm mỹ, nên thánh công đồng tuyên bố mọi người phải tuyệt đối tuân giữ quyền ưu tiên của lãnh vực luân lý khách quan, bởi vì lãnh vực này là lãnh vực độc nhất trổi vượt và phối hợp một cách thích đáng với mọi lãnh vực khác, dù là rất cao quí, của hoạt động con người, kể cả nghệ thuật nữa. Thật vậy chỉ có lãnh vực luân lý mới liên hệ đến toàn diện bản tính con người, một tạo vật có lý trí đã được Thiên Chúa tạo dựng và mời gọi vào đời sống siêu nhiên, vì nếu trung thành tuân giữ lãnh vực luân lý, con người sẽ đạt tới hoàn thiện và hạnh phúc đầy đủ”.[2]

THAY LỜI KẾT Trên đây chúng ta đã cùng nhau đặt mình dưới ánh sáng của giáo huấn công đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo để có một sự hiểu biết nào đó về mối liên hệ giữa đức tin và nghệ thuật. Tuy nhiên, có một hiểu biết cũng chỉ là giai đoạn khởi đầu. Điều tiếp theo cần phải thực hiện là làm sao để các cộng đoàn tín hữu có thể đẩy mạnh sự hiểu biết, nâng cao ý thức về nghệ thuật cũng như tạo được sự hòa hợp giữa nghệ thuật với đời sống đức tin. Nền giáo dục mà chúng ta muốn khích lệ phải bao gồm giáo dục về nghệ thuật, cũng như giáo dục đức tin nhờ nghệ thuật. Giáo dục đức tin bằng con đường nghệ thuật cũng là một cách Tân Phúc Âm Hóa.

Thời gian đã chín muồi để các cộng đoàn Kitô hữu chú tâm gắn kết với nghệ thuật như một yếu tố quan trọng trong đời sống Giáo Hội và là nguồn nối kết các nền văn hóa đa dạng nơi các cộng đoàn Kitô hữu đang sống. Sự thờ ơ với nghệ thuật làm nghèo đi đời sống cộng đoàn dân Chúa và làm mờ nhạt khả năng làm chứng tá cho Nước Chúa và Tin Mừng của Người.

Người tín hữu được mời gọi sử dụng và làm phát triển các quà tặng Chúa ban để làm vinh danh Chúa. Điều này cũng áp dụng cho các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ Kitô giáo nhận lấy món quà nghệ thuật và dâng tặng món quà ấy để làm vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta đang ở vào thời kỳ mà Giáo Hội được mời gọi có cái nhìn mới mẻ về vai trò của nghệ sĩ, cũng như Giáo Hội mời gọi các tín hữu phải có một cái nhìn mới về việc rao giảng Tin Mừng, trong chương trình Tân Phúc Âm Hóa được thực hiện chẳng những bằng một nhiệt tình mới, mà còn bằng phương pháp mới và cách diễn tả mới. Thiết tưởng dùng nghệ thuật để loan báo Tin Mừng là một trong những phương pháp mới và cách diễn tả mới ấy. Cho đến nay, rõ ràng nghệ thuật là một trong những nguồn chưa được khai thác đúng mức trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho con người thời hiện đại.

 Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org

[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 58.
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội Inter Mirifica (04.12.1963), số 6.