Ngày Xuân nói chuyện Đạo Hiếu

87
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐẠO HIẾU




ĐẠO HIẾU DƯỚI CÁI NHÌN MỘT KITÔ HỮU 

Một số bạn hữu của tôi thường phản ảnh suy tư của họ về quan niệm và cách thực hành đạo hiếu của người Công giáo. Đại khái những ý kiến ấy cho rằng Kitô giáo không cho thờ cúng tổ tiên, và như vậy cũng đồng nghĩa với việc không giữ đạo hiếu, không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Những gì được trình bày sau đây không mang tính cách đại diện cho nền tu đức và thần học về đức hiếu thảo Kitô giáo, nhưng chỉ là một góc nhìn mang tính cách cá nhân với hy vọng trả lời phần nào những gì mà các bạn hữu này, cũng như ai đó đang muốn biết người Công giáo suy nghĩ và hành động thế nào để giữ đạo hiếu của mình.

Trong 10 Giới Răn, Thiên Chúa đã truyền cho Mai Sen có một giới răn trực tiếp nói về bổn phận và trách nhiệm con cái đối với cha mẹ. Đó là Giới Răn Thứ Bốn, còn được gọi là giới răn hiếu thảo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”. Những ai mang danh Kitô hữu đều phải biết, hiểu, và thực hành giới răn này.

TỪ NIỀM TIN TÔN GIÁO 

Để hiểu phần nào ý nghĩa của Giới Răn Thứ Bốn, cũng cần phải hiểu rằng đối với các Kitô hữu lời của Thiên Chúa là “lời hằng sống”, “lời ban sự sống đời đời” như Phêrô đã tuyên xưng khi Ông được Chúa Giêsu hỏi liệu ông có bỏ Ngài khi một số môn đệ lúc bấy giờ đã có hành động bỏ Ngài vì bất đồng với lời giảng dậy của Ngài: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng tôi theo ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Do đó, mệnh lệnh hay giới răn “thảo kính cha mẹ” không chỉ nói về một lối sống thực hành theo cái nhìn luân lý, đạo đức xã hội, hoặc như một truyền thống văn hoá xã hội. Lời Chúa, dưới ánh sáng mặc khải không những soi sáng tư tưởng, hướng dẫn hành động con người theo chiều hướng tự nhiên, mà còn mang giá trị quyết định cho số phận đời đời nữa. Hiểu như vậy, ta mới thấy rằng nếu một người con không thảo kính cha mẹ, thì người đó không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa. Lý do, vì người ấy đã không giữ luật Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về giới luật này dựa vào những lời mặc khải trong Thánh Kinh. Khởi đi từ Cựu Ước, Thiên Chúa đã mặc khải cho các tác giả để ghi lại thành lời những chân lý này và truyền lại cho các thế hệ để hiểu rằng chính Ngài đã ghi khắc giới luật ấy trong lòng con người và truyền lệnh cho tất cả những ai được sinh ra đều phải tôn kính và yêu mến cha mẹ mình. Đạo hiếu – Giới Răn Thứ Bốn.

Thật vậy, những ai có lòng kính mến Thiên Chúa, vâng giữ lề luật của Ngài, thì người ấy cũng cảm thấy việc thực hành Giới Răn Thứ Bốn là điều tự nhiên. Hành động thảo hiếu với lòng yêu kính và tuân giữ giới luật Thiên Chúa sẽ dẫn đến tác động đạo đức và trở thành một nhân đức: Đức hiếu thảo. Đây là nhân đức quy chiếu về sự kính sợ và yêu mến Thiên Chúa: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Thờ phượng và tôn kính Thiên Chúa là Cha, Đấng Tạo Hoá muôn loài, và yêu thương kính trọng cha mẹ là người được Ngài cho phép hợp tác vào công trình tạo dựng, trong đó có việc đem chúng ta từ hư vô đến hiện hữu.

Sở dĩ Thiên Chúa ban luật và bắt buộc con cái phải thảo kính cha mẹ, vì đã là luật thì hễ không tuân thủ là có tội, như luật lệ do con người thiết lập trong sinh hoạt xã hội. Ngài làm thế vì con người rất dễ sai sót và yếu đuối, chính vì vậy việc tỏ lòng yêu mến và phục vụ cha mẹ đã được ghi khắc thành luật nhằm nhắc nhở và hướng dẫn hành động của con người. Vì luật lệ được lập ra không phải là để áp đặt, trừng phạt, nhưng là để giúp con người sống đúng và đạo đức hơn.

Như vậy, khi người Kitô hữu kính cha, yêu mẹ là chu toàn không những việc thờ phượng, kính mến Thiên Chúa mà còn phản ảnh hành động ấy, niềm tin ấy trước đối tượng thực tế là cha mẹ. Thánh Gioan khi nói về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người đã viết: “Kẻ mà không yêu được anh em mình là người mà nó nhìn thấy, làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng nó không nhìn thấy được” (1 Ga 4,20). Cũng một hình thức tương tự, nếu chúng ta không yêu mến, hiếu thảo cha mẹ là người đã sinh ra mình, ban cho mình sự sống thể lý đây thì làm sao ta có thể thảo hiếu, kính mến Thiên Chúa là Đấng vô hình đã tạo dựng, cứu độ, và thánh hoá chúng ta được. Ở đây, ta có thể nhìn giới luật này với một lối nhìn mới bằng cách tự hỏi rằng: Liệu thân phận và số phận con người hôm nay và mai sau có liên quan gì đến Đạo Hiếu không? Liệu ta có thể bị bỏ vào hoả ngục vì đã bất hiếu với cha mẹ không? Rất có thể, bởi vì trong 10 Giới Răn không thấy nói giới răn nào trọng hơn giới răn nào, điều này cho ta hiểu rằng cả 10 Giới Răn đều quan trọng và cần thiết như nhau để làm thành một vòng xích gắn bó chặt chẽ. Do đó, nếu một mắt xích nào lỏng lẻo, hoặc bị đứt lập tức sẽ làm cho cả vòng dây xích trở thành lỏng lẻo và thiếu hoàn hảo.

Tóm lại, đạo hiếu đối với người Kitô hữu không chỉ là một số hành động mang tính cách truyền thống, văn hoá hay đạo đức xã hội. Người Kitô hữu nhìn đạo hiếu bằng một lăng kính tâm linh mang ý nghĩa lề luật. Nó đem con người đến gần lại với Thiên Chúa qua việc thảo kính cha mẹ mình.

Tóm lại, đạo hiếu đối với người Kitô hữu không chỉ là một số hành động mang tính cách truyền thống, văn hoá hay đạo đức xã hội. Người Kitô hữu nhìn đạo hiếu bằng một lăng kính tâm linh mang ý nghĩa lề luật. Nó đem con người đến gần lại với Thiên Chúa qua việc thảo kính cha mẹ mình.

TRÊN CĂN BẢN THÁNH KINH 

Như vừa đề cập ở trên, Thánh Kinh ghi lại những luật truyền của Thiên Chúa về đạo hiếu. Những điều được ghi chép trong Cựu Ước và Tân Ước, bao gồm những lời dậy dỗ về đức hiếu thảo, những phần thưởng và hình phạt dành cho những con cái thảo hiếu cũng như bất hiếu đối với cha mẹ.

Bổn phận làm con đối với cha mẹ: 

“Hỡi các con hãy nghe cha đây,

Hãy xử sự sao để được độ sinh.

Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái,

quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.

Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm.

Và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng.

Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái,

khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời.

Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ,

Người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa.

Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,

Nó sẽ phục vụ các bậc sinh thành như chủ của mình.

Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm,

ngõ hầu mọi phúc lành đổ xuống trên con,

Vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc,

Còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây.

Con đừng vênh vang về việc cha con bị nhục,

Vì vẻ vang gì cho con, cái nhục của cha con!

Quả thế, người ta chỉ được vẻ vang

lúc cha mình được tôn kính,

và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh bỉ.

Con ơi! Hãy săn sóc cha con lúc tuổi già,

Sinh thời người, chớ làm người sầu tủi.

Trí khôn người có suy giảm, con cũng phải cảm thông,

chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.

Vì lòng hiếu thảo đối với cha sẽ không bị quên lãng,

nó sẽ đền bù tội lỗi cho con.

Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,

và các tội con sẽ biến tan,

như sương muối biến ta lúc đẹp trời.

Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,

Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó”.

(Hc 3,1-16)

Cũng trong Huấn Ca, Thiên Chúa muốn con cái phải hết lòng tôn kính và thảo hiếu, đặc biệt nhấn mạnh đến công ơn sinh thành của người mẹ:

“Hết lòng tôn trọng cha con;

Và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ.

Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra:

Làm sao con báo đền được điều họ cho con?”

(Hc 7,27-28)

Trong Sách Tôbia, Ngài đã dùng lời của Tôbia khuyên con ông để nói với con người:

“Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dạ người” (Tb 4,3-4).

Và trong Tân Ước, Thánh Phaolô cũng đã nhắc lại và khẳng định rõ ràng, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Cl 3,20).

Nổi bật nhất là gương của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Với thân phận con người và trong vai trò làm con, đã thực hành đạo hiếu qua hành động vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

 Phần thưởng hiếu thảo 

Vì hiếu thảo mẹ cha là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, nên bất cứ những ai tuân theo điều Ngài truyền dạy, lập tức họ được hưởng những hoa trái do hành động của mình làm. Thiên Chúa đã nhân danh cha mẹ hứa thưởng cho những người con hiếu thảo ấy:

“Hãy kính trọng cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên phần đất Giavê Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi” (Xh 20,12).

“Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: vì đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất có kèm thêm lời hứa: Ngõ hầu ngươi được phúc và hưởng thọ trên đất” (Ep 6,1-3).

“Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài. Phần mình, Giêsu lớn lên khẻo mạnh, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và con người” (Lc 2,51-52).

Nối kết ý nghĩa của hai câu Thánh Kinh trên, ta có thể hiểu rằng Chúa Giêsu lớn lên, khoẻ mạnh, khôn ngoan và đầy ơn sủng Thiên Chúa, chính là vì Ngài là một người con có hiếu và vâng phục cha mẹ.

 Hình phạt bất hiếu 

Vì đạo hiếu chính là lề luật của Thiên Chúa, nên nếu có phần thưởng cho những ai tuân giữ, thì cũng có hình phạt cho những ai bất tuân. Sách Thánh đã ghi lại một số các hình phạt sau:

“Con mắt khinh dể cha và miệt thị tuổi già của mẹ, bầy quạ nơi thác nước sẽ mổ thủng, và phượng hoàng sẽ cấu xé nó” (Cn 30,17).

“Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ là đứa con bất xứng và ô trọc” (Cn 19,26).

“Và kẻ nào đánh đập cha mẹ mình sẽ phải chết. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ mình sẽ phải chết” (Xh21,15.17).

“Bởi chưng bất cứ ai mà nguyền rủa cha mẹ mình tất phải chết. Nó đã nguyền rủa cha mẹ nó: máu nó đổ xuống trên mình nó” (Lv 20,9).

“Kẻ rủa mẹ mình sẽ thấy đèn mình tắt lụi giữa tối tăm” (Cn 20,20).

Không thực hành đạo hiếu đã là một lỗi lầm lớn đối với Thiên Chúa, nhưng nếu hành động một cách bôi bác, chiếu lệ cũng không trọn lề luật. Chúa Giêsu đã trả lời tư tưởng này của bọn luật sĩ và biệt phái:

“Còn các ông, các ông lại bảo: Kẻ nào nói với cha mẹ mình rằng: “Mọi điều tôi có thể giúp ông bà, tôi dâng làm của thánh”, thì không phải thảo kính cha mẹ nữa. Các ông nại cớ tập tục của các ông mà phế bỏ luật điều của Thiên Chúa. Hỡi bọn giả hình, Isaia đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. Việc chúng tôn kính Ta trở nên vô ích, những giáo lý và luật điều chúng dạy bảo đều là của loài người” (Mt 15,5-9).

NIỀM TIN ĐI VÀO HÀNH ĐỘNG 

Vậy dưới cái nhìn tâm linh và căn cứ vào giới luật của Thiên Chúa, người Kitô hữu thực hành luật hiếu thảo như thế nào? Như đã trình bày trên, đạo hiếu đối với người Công giáo không phải là một lời khuyên hay một gợi ý mà ai muốn giữ hay không tùy ý. Nó đã trở thành luật – một giới luật – gắn liền với niềm tin tôn giáo.

 Cha mẹ đã qua đời 

Để tuân phục và truyền dạy luật hiếu thảo, Giáo hội Công giáo đã đề ra những hướng dẫn rất thực tế nhằm giúp cho các tín hữu thực thi một cách đầy đủ Giới Răn Thứ Bốn; cách đặc biệt, đối với những cha mẹ đã qua đời. Những điểm thực hành này bao gồm: Tháng Các Linh Hồn. Lễ Các Thánh. Lễ Các Linh Hồn. Lễ Cầu Hồn. Lễ Giỗ. Thánh Lễ hằng ngày. Và Thánh Lễ Đầu Năm.

Để hiểu thêm về lý do của những thực hành trên, và sự cần thiết của nó liên quan đến Giới Răn Thứ Bốn, chúng ta cần biết thêm rằng, theo Giáo lý Công giáo tất cả những ai đã qua đời đều phải đi về hai nơi rất rõ rệt: Thiên Đàng hoặc hoả ngục. Thiên Đàng nơi hạnh phúc và bình an đời đời do Thiên Chúa dành để cho những ai suốt đời sống và thực hành các giới luật của Ngài (trong đó có Giới Răn Thứ Bốn). Hoả ngục dành cho Satan, các quỷ thần và những ai suốt đời sống trọng tội lỗi, bất tuân giới luật Ngài, làm điều ác cho tha nhân. Những người mà cho đến chết vẫn chối bỏ và phủ nhận tình thương của Thiên Chúa, nhận ơn tha thứ.

Trên con đường về Thiên Đàng, vẫn theo niềm tin Kitô giáo thì ngọai trừ Đức Trinh Nữ Maria, Đấng được ơn đầu thai vô nhiễm tội, tràn đầy ơn Thiên Chúa, là người đã sinh ra Chúa Cứu Thế đã được về trời cả hồn lẫn xác sau khi lìa trần. Còn lại tất cả đều phải dừng lại ở một nơi để được thanh luyện hầu cho trong sạch, tinh tuyền trước khi vào vinh quang thiên quốc và chiêm ngắn dung nhan Chúa Trời. Nơi đó, gọi là Luyện Hình hay Luyện Tội.

Cũng theo niềm tin Kitô giáo, thì sau khi đã chết, không ai có thể tự mình làm gì cho mình được, dù là một việc làm tốt rất nhỏ. Và do đó, không ai có thể tự cắt ngắn thời gian tinh luyện, nếu như không có người còn sống hy sinh, cầu nguyện và làm việc ấy thay cho mình.

Từ xác tín trên, Giáo Hội đã dành để một tháng cho các tín hữu, nhất là con cái, cháu chắt, và các người thân trong gia đình cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã qua đời. Tháng đó là tháng 11 và được gọi là Tháng Các Linh Hồn. Trong suốt tháng này, con cái, cháu chắt, người thân sẽ xin lễ, cầu nguyện, và làm việc thiện để cầu cho các linh hồn người thân đã quá cố. Nổi bật nhất là Lễ Các Thánh (ngày 1-11), và Lễ Các Linh Hồn (ngày 2-11).

Lễ Kính Các Thánh Nam Nữ hay Lễ Chư Thánh, là lễ để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, chúc mừng cha mẹ, ông bà, tổ tiên những vị đã qua đời mà nay đang hưởng phúc trên nơi vĩnh hằng. Trong ngày này những người còn sống hướng lên những vị thánh của gia đình mừng vui với các ngài, đồng thời xin các ngài cầu bầu cho mình để cũng được sống đạo tốt lành theo gương các ngài.

Lễ Các Linh Hồn hay Lễ Các Đẳng. Con cái, cháu chắt, và người thân tham dự Thánh Lễ để cầu cho các ân nhân, cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã qua đời. Ra nghĩa trang viếng mộ và sửa sang lại phần mộ với mục đích cám ơn và xin lỗi về những điều mình đã làm phiền muộn các ngài khi còn sống, ôn lại những hy sinh và những điều tổ tiên đã làm để noi theo, và tưởng nhớ đến các ngài.

Tiếp tới là Thánh Lễ An Táng ngày cha mẹ qua đời, và Lễ Giỗ kỷ niệm ngày các ngài qua đời.

Nhưng không phải chỉ có tháng 11, hoặc ngày cha mẹ qua đời hay các ngày giỗ, mọi ngày trong cuộc đời Kitô hữu, tất cả con cái, cháu chắt đều có cơ hội cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, và tổ tiên còn sống cũng như đã qua đời mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, người con, người cháu nhớ đến và cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình bằng những lời mà Giáo Hội đã đặt vào miệng lưỡi linh mục, khi dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời:

“Chúng con cũng xin Chúa thương cho ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để cùng nhau tận hưởng vinh quang Chúa muôn đời, khi Chúa lau sạch nước mắt chúng con, vì khi được thấy tường tận Chúa là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở nên giống Chúa, và sẽ ca ngợi Chúa không cùng” (Kinh Nguyện Thánh Thể III, Sách Lễ Giáo Dân, 1410).

Đó là lý do người Kitô hữu nhớ đến những người thân yêu, và cũng là lý do tại sao Kitô giáo có truyền thống xin lễ cầu cho các linh hồn, nhất là linh hồn cha mẹ, ông bà, tổ tiên sau khi các vị này đã qua đời. Người Kitô hữu tiếp tục làm như vậy vì không biết sự đền trả của người thân mình sẽ là bao lâu, và hoặc giả các vị đã siêu thoát thì những lời cầu ấy sẽ trợ giúp những tín hữu mà con cháu, hoặc người thân bỏ quên không nhớ tới.  Đức tin Công giáo gọi đây là mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Sự thông công này trở nên một thực hành nhằm củng cố đức tin, nâng đỡ các tín hữu thiếu may mắn, và đáp lại đạo hiếu mà mọi người cần phải thực hiện.

Vào dịp đầu năm mới, hình ảnh cha mẹ, ông bà, tổ tiên từ cái nhìn đạo hiếu dân tộc còn được tìm thấy qua Thánh Lễ Đầu Năm. Thánh Lễ dâng lên để cám ơn Thiên Chúa, Cha nhân lành và cùng con người hoà nhập vào với thiên nhiên để tỏ lòng tôn kính và yêu thương cha mẹ. Ứng dụng niềm tin vào truyền thống văn hoá Việt Nam, ngày Đầu Năm Mới còn được gọi là ngày cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, nhắc nhớ vai trò làm con của mọi người đối với Đấng Tạo Hoá, và đạo hiếu của người con đối với công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Trước khi chúc tuổi thọ, dâng biếu quà cáp cho ông bà, cha mẹ trần gian, người Kitô hữu nâng lòng mình và lời chúc tụng mình lên Thiên Chúa, Cha toàn năng, và trong thánh lễ, dĩ nhiên cũng cầu xin cho cha mẹ, ông bà còn sống, đồng thời tưởng nhớ đến mọi người thân yêu đã quá vãng. Tất cả những đáp trả tâm linh ấy phải được thực hành trước, rồi mới đến hành động hiếu thảo bằng những tặng vật, quà cáp vật chất.

 Cha mẹ khi còn sống 

Tuy nhiên không chỉ là đáp trả công đức sinh thành, thực hành đạo hiếu bằng tinh thần suông, người Kitô hữu cũng như mọi người còn có trách nhiệm thực hành đạo hiếu bằng những việc làm thực tế của mình. Nhưng để thực hành cách đầy đủ và tỏ lòng yêu kính các bậc sinh thành, chúng ta cũng cần phải hiểu qua những khó khăn của các ngài trong lúc tuổi già:

Về thể lý, cái yếu ớt của người già tương tự như sự yếu ớt của một em bé. Tuy nhiên, ở tuổi trẻ những yếu ớt kia đang từ từ được củng cố, và phát triển theo thời gian; ngược lại, sự yếu ớt của người lớn tuổi lại từ từ đi xuống cho đến khi sức khoẻ thể lý không cho phép họ làm được gì nữa. Câu nói xem như diễu cợt: “Ông lão là đứa bé sống lâu” đã trở nên đúng khi so sánh về mối tương quan thể lý và phát triển của một đời người.

Từ sự yếu đuối thể lý dẫn đến những căn bệnh ngặt nghèo mà không ai trong lứa tuổi này muốn có. Thân thể, tứ chi và nội tạng như một chiếc máy rệu rạo, hoạt động rất giới hạn. Trí thông minh cũng bị hạn chế! Những nghiên cứu gần đây cho biết 10% người già 65 tuổi và 50% người già 85 tuổi mắc hội chứng lú lẫn (Alzheimer). Trí thông minh trước đây sắc bén, linh hoạt bao nhiêu thì bây giờ đang trở nên lẩn thẩn, chậm chạp và lú lẫn bấy nhiêu. Ðó là những gì mà chúng ta nhìn thấy và khảo cứu được. Còn ảnh hưởng rệu rạo, rã rời của thân xác do ảnh hưởng của bệnh tật gây ra thì chỉ người cao niên mới thực sự cảm nhận rõ ràng hơn qua khía cạnh tâm lý. Sau đây là một số hành động hiếu thảo mà con cháu có thể làm cho ông bà, cha mẹ khi các ngài còn sống:

* Trọng kính vâng lời: Ðiều này áp dụng cả khi chúng ta đã khôn lớn. Hành động trọng kính và vâng lời là hành động của những người con, dù những người con ấy lúc này là bất cứ ai và ở vào tuổi tác nào. Người con có thể nghĩ và coi mình đã lớn, đã có danh phận và địa vị, nhưng trước mắt cha mẹ, người con vẫn là những cu Tý, cái Tẹo như hồi còn thơ trẻ, và vì thế cha mẹ vẫn luôn mong muốn và thấy mình hạnh phúc nếu con cái vâng lời, và trọng kính.

* Giúp đỡ an ủi: Sự giúp đỡ không chỉ với vấn đề vật chất, mà còn cả về mặt tâm lý và tinh thần. Một lời nói, một cử chỉ, một cú điện thoại, một lần thăm viếng. Tâm lý cô đơn và trống vắng của tuổi già khiến các ngài rất dễ sầu tủi, do đó, sự hiện diện, thăm viếng, hỏi han của con cháu là một nhu cầu rất tâm lý của tuổi già cha mẹ.

* Giữ gìn danh tiếng cho cha mẹ: Đây cũng là một trong 5 điều thuộc đạo hiếu của Nho giáo. Người con được cho là bất hiếu nếu ăn ở bất lương, làm điều xấu xa để vì vậy mà cha mẹ bị khinh thường và nhục lây là những đứa con bất hiếu.

* Cầu nguyện cho cha mẹ: Không phải chỉ là ngày cha mẹ qua đời, mỗi năm một lần nhân ngày giỗ, hoặc trong Tháng Các Linh Hồn, mà là mọi ngày trong Thánh Lễ cũng như lời kinh nguyện của chúng ta.

* Nhắc nhớ về cội nguồn: Treo hình ảnh cha mẹ, ông bà, tổ tiên nơi trang nghiêm để con cháu biết mà hãnh diện về nguồn gốc của chúng. Những thế hệ đầu di dân vì mau chóng hội nhập vào dòng chính, nên phần lớn quên mất hoặc cố tình quên đi cội nguồn của mình. Nhưng con cháu thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba lại có khuynh hướng và nhu cầu tìm về cội nguồn và muốn biết tổ tiên mình là ai, từ đâu đến và vì lý do gì?

* Bảo tồn ngôn ngữ: Ðối với những người Việt tha hương, bảo tồn ngôn ngữ cũng là một cách báo hiếu cha mẹ. Một số phụ huynh trẻ cho rằng cần phải để con em quên tiếng Việt và muốn con em mình nói tiếng Mỹ, tiếng Pháp, tiếng Đức… vì sợ rằng nói hai tiếng sẽ làm cho các em lẫn lộn và ảnh hưởng đến việc học. Tâm lý phát triển minh chứng ngược lại rằng các em nói được nhiều ngôn ngữ là những em thông minh và thành công hơn trong học vấn. Con cháu sẽ dễ dàng, thông cảm hơn cha mẹ, ông bà nếu mức độ cảm thông qua việc diễn tả bằng ngôn ngữ đạt tới mức cả hai đồng cảm được với nhau. Do đó, việc con cái duy trì được truyền thống và tinh thần văn hoá dân tộc, trong đó có Đạo Hiếu, cũng ảnh hưởng nhiều nếu chúng biết đọc, biết viết và biết nói tiếng Việt.

KẾT LUẬN 

Đạo Hiếu theo Kitô giáo không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội. Nó còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau 3 giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Điều này cho thấy người Công giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hoá, xã hội, tâm lý, mà căn bản nhất, đó là hành động này đặt trên niềm tin tôn giáo. Và một trong những tác dụng của niềm tin này là họ biết rằng: Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Trần Mỹ Duyệt