Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14
“Áo Người trắng như tuyết”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Phúc Âm: Lc 9, 28b-36
“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi lên núi để gặp gỡ Ngài. Núi có ý nghĩa như thế, vì đó là hình ảnh diễn tả việc giữ khoảng cách với những vấn đề của cuộc sống, vốn hay trói buộc con người, để có thể hướng về trời cao và những gì thuộc về trời cao. Chính vì thế, Đức Giê-su hay lên núi cầu nguyện, giảng ở trên núi (Bài Giảng Trên Núi trong Mt 5-7), và đặc biệt lần này, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và lịch sử cứu độ, ở trên núi.
Trong đời sống đức tin và nhất là trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi cụ thể, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới « ngọn núi cao » biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể biết ơn, ca tụng và phụng sự Người trong mọi sự, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên “ngọn núi cao”.
Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, vẫn được ban cho chúng ta đấy thôi, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban.
- Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.
- Đó là thời gian chúng ta cùng cử hành Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.
- Đó là thời gian tĩnh tâm, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm; hay vì lòng khao khát, chúng ta sắp xếp được thời gian để sống riêng cho một mình Chúa.
Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay.
(c. 33)2. “Dung mạo Người bỗng đổi khác”
Chính lúc dung mạo Đức Giê-su đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa, là lúc có sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Elia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ. Chúng ta hãy lắng nghe các ngài đàm đạo. Theo thánh sử Lu-ca trong trình thuật Tin Mừng về mầu nhiệm Chúa Hiển Dung, các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem:
Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.
(Lc 9, 31)
Như thế, lịch sử cứu độ, mà Lề Luật và ngôn sứ kể lại và là cách diễn tả, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ. Mà lịch sử cứu độ là gì? Là lịch sử kể lại sự hiện diện, sự quan phòng và cách dẫn đưa của Thiên Chúa giầu lòng thương xót trong hành trình làm người của những cuộc đời, của một dân tộc, đầy thăng trầm và tội lỗi, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ (x. Ds 21, 4-9 và St 3, 1-7). Nếu là như thế, cuộc đời của chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ” loan báo Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất.
Chúng ta hãy chiêm ngắm dung mạo Đức Giê-su đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa; và theo lời kể của thánh Mát-thêu, Ngài trở nên chói lọi như mặt trời: « Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng » (Mt 17, 2). Như thế, chính khi lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dung nhan của Ngài trở nên Mặt Trời, Mặt Trời chiếu tỏa ánh sáng và sức nóng để thông ban và duy trì sự sống, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả: “Chẳng có chi tránh được ánh dương nồng” (Tv 19, 7).
Chúng ta được mời gọi nhận ra hành trình làm người của chúng ta nơi lịch sử cứu độ, nhận ra cuộc đời của chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, và tin rằng, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất hành trình làm người của chúng ta, như thánh sử Gioan ước ao: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31) Chúng ta hãy xin ơn được nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Ki-tô; vì chính khi đó, chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Ki-tô.
Trên hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong đời sống dâng hiến, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này : Đức Ki-tô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; và ước gì cuộc sống hằng ngày của chúng ta, dù phải đối diện với những thăng trầm, thử thách và khó khăn, là lời diễn tả tâm tình vui sướng : “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay!” Bởi vì, ánh sáng chói lòa của Đức Giêsu trên đỉnh núi muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói tám ngày trước (x. Lc 9, 23-26).
Chúng ta hãy cảm nếm và mặc lấy tâm tình của các môn đệ, để hiểu hết lời nói này của ông Phê-rô:
Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.
(c. 33)
Có người hiểu ông Phê-rô có ý nói: « Rất hay, vì có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài… ». Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó đơn giản là lời diễn tả “ơn an ủi thiêng liêng”, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu ngay trong thời gian ; và ông Phê-rô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. Lều là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây.
Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giê-su, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói lọi đối với chúng ta, nghĩa là “sức mạnh và khôn ngoan” thần linh của Người trở nên rạng ngời và cuốn hút chúng ta, đến độ có thể nói như thánh Phao-lô: “tôi coi mọi sự là thiệt thòi!”. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Ki-tô chói ngời trong Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa chói ngời, ngay trong hành trình đi theo Người trong một ơn gọi đầy thách đố của chúng ta.
3. “Hãy vâng nghe Lời Người”
Đám mây thần linh bao phủ các ông, là hình ảnh thật đẹp diễn tả tình yêu Thiên Chúa bao bọc, mời gọi con người đi vào trong kế hoạch cứu độ của Người. Hình ảnh đám mây còn diễn tả là điều Chúa Chúa muốn, đối lại với lòng ước ao “dựng lều” của ông Phê-rô. Bởi vì, khi ông còn đang nói, có đám mây sáng ngời bao phủ các ông. Đám mây là hình ảnh của sự di động, không thể làm chủ hay nắm bắt được, thay vì cố định, dễ làm chủ và nắm bắt như căn lều ; và từ đám mây, Thiên Chúa Cha lên tiếng :
Đây là Con Ta, Người đã được tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời người.
(c. 35)
Như thế, chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giê-su, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta có thể nói :
Lạy Chúa,
chúng con ở đây thật là hay !
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc-SJ