NGÀN HOA DÂNG MẸ
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…
(bài hát Lòng mẹ của Y Vân)
Trong văn chương, âm nhạc, điện ảnh, hôi hoạ…, đề tài về người mẹ không bao giờ cạn. Từ sâu thẳm cõi lòng mỗi người, hình ảnh người mẹluôn hiện lên êm ái, trìu mến, thân thương. Ai là người đã tác động nhiều nhất lên tính cách, lên cuộc đời mỗi người nếu không phải người mẹ? Ai là người gần gũi ta nhất, hiểu rõ tâm tư ta nhất nếu không phải là mẹ ta? Mẹ là người gắn bó với ta nhiều nhất.
Mẹ coi ta như là một phần thân thể của mẹ; cuộc sống của ta là cuộc sống của mẹ; hạnh phúc của ta là hạnh phúc của mẹ; đau khổ của ta cũng là đau khổ của mẹ. Với bản tính nhậy cảm trời phú cho người phụ nữ, mẹnhanh chóng hiểu được điều gì đã và đang xảy ra trong con người ta để có thểgiúp ta cách kịp thời. Tình yêu mẹ dành cho ta không chỉ khi còn nhỏ mà còn mãi về sau. Mẹ còn sống là còn lo lắng cho ta. Cảm nhận được những tâm tình đó, Tổng thống George Washington, một trong những vị anh hùng của dân tộc Hoa Kỳ, luôn tìm về với thân mẫu của ông sau những cuộc chiến cam go nơi chiến trường, nơi những công việc bề bộn của đất nước. Dù là nguyên thủ quốc gia, ông vẫn thường xuyên dành hàng giờ để về trò chuyện với mẹ hiền. Ông không coi đó là thì giờ uổng phí, mất thì giờ mà là những giây phút quý báu để ông tìm lại sự bình an, thanh thản, giúp ông có thêm nghị lực để sống, để làm việc cách tích cực hơn.
Mẹ là vậy! Ơn gọi làm mẹ là thế. Dường như người mẹ nào cũng theo sát con để cách nào đó giúp con sống ngày một tốt hơn.
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, Mẹcũng thấp thoáng hiện diện (x. Mt 12,47). Trong cơn nguy khốn của chặng Đường Thánh Giá,Đức Giêsu như được tiếp thêm sức mạnh với sự hiện diện của Mẹ. Và nhất là dưới chân Thập giá, Mẹ đã thông phần đau khổ trọn vẹn với người con yêu dấu. Mẹ đã nhận lời trăng trối của Đức Giêsu, đón nhận Hội Thánh,đứa con tinh thần của Con mình (Thánh Gioan là đại diện) làm con. Từ đó, Mẹluôn đồng hành cùng các môn đệ yêu dấu của Chúa để nâng đỡ tinh thần cho họ.Trong nhà Tiệc Ly, Mẹ đã cùng với các Tông đồ cầu nguyện, dọn lòng đón nhận Chúa Thánh Thần.
Không chỉ dừng ở đó, Đức Marria đã “giữ lời hứa”dưới chân Thập giá, bằng việc không ngừng hiện diện, nâng đỡ, ủi an, cứu giúp Hội Thánh. Mẹ đã nhiều lần hiện ra để cứu giúp, nhắc nhở đàn con như ở Fatima, Lộ Đức, La Vang… Mẹ chính là “trung gian” hữu hiệu của các Kitô hữu với Thiên Chúa. Sự hiện hiện của Mẹ giúp cho đời sống tín hữu thêm đạo đức, sốt sắng.
Mẹ Maria là Mẹ chung của Giáo Hội, Mẹ của mọi Kitô hữu. Nhưng cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta cách riêng tư. Nghe tiếng kêu cầu, đã biết bao lần Mẹ can thiệp để giúp đỡ những người khốn khổ không thể tự giải thoát.
Một cặp vợ chồng nghèo nọ sinh được hai người con[1]. Họ hết lòng thương yêu, chăm sóc chúng với tất cả lòng yêu mến. Ngày kia cháu lớn mới 4 tuổi bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Hai vợ chồng tất tả tìm thầy chạy chữa, cuối cùng họ đã đưa cháu vào bệnh viện để chữa trị. Chồng ởbệnh viện phục vụ đứa lớn, vợ ở nhà chăm sóc đứa nhỏ mới vài tháng tuổi. Anh chồng vừa chăm sóc thuốc men cho con, vừa cầu xin Đức Mẹ thương giúp con mauđược khỏi bệnh. Sau một tuần lễ, sức khoẻ cháu dần bình phục. Nhưng “hoạ vô đơn chí”, vừa khi đưa cháu lớn từ bệnh viện về tới nhà thì cũng là lúc phát hiện cháu bé cũng mắc chứng bệnh đó. Suốt thời gian chăm sóc đứa lớn ở bệnh viện, hai vợ chồng đều kiệt sức vì quá lo lắng, bỏ ăn, mất ngủ; giờ lại thêm nỗi lo mới: con nhỏ ngã bệnh. Vợ chồng như điên dại khi thấy bệnh tình đứa nhỏ ngày một nặng thêm mà tiền lại hết, lấy gì để đưa cháu vào bệnh viện. Đây là câu hỏi mà dường nhưkhông có lời giải đáp.
Trong lúc đau khổ tột cùng, người chồng quỳ xụp xuống trước tượng Đức Mẹ. Ông khóc lóc thảm thiết nhưtrẻ con và thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, lạ lùng thay, cháu béđang liếm môi đòi ăn, dấu chứng của bệnh sốt xuất huyết mới chỉ cách đây vài giờ đã biến mất không để lại một dấu tích nào cho thấy cháu đã từng mắc bệnh. Ông giục vợ cho con bú…
Cháu bé đã được cứu sống mà không cần chữa trị…
Trên đây chỉ là một trong muôn vàn sự can thiệp mà Đức Mẹthực hiện để cứu giúp những ai trông cậy vào Mẹ. Mọi nơi, mọi thời đều có bàn tay can thiệp của Đức Mẹ, từ những vấn đề trong cuộc sống vật chất, đến tinh thần và cả trong lĩnh vực tâm linh; đến nỗi chúng ta còn tin rằng chưa bao giờ Mẹ từ chối một lời nguyện xin (Kinh Hãy nhớ). Đây quả là hồng ân Thiên Chúa ban cho loài người ngang qua Mẹ, người nữ tỳ khiêm hạ và luôn vâng giữ lời Người. Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có những cảm nghiệm rất riêng tư về sự hiện diện của Mẹtrong cuộc đời mình. Còn chần chờ gì nữa mà chúng ta không chạy đến với Mẹ, tâm sự với Mẹ về những ưu tư trong cuộc sống, những lo lắng băn khoăn trong nội tâm, những khó khăn mà ta chưa biết cách giải quyết, những chọn lựa khi đứng giữa ngã ba đường… Vì Mẹ luôn dõi nhìn chúng ta, từng người chúng ta với ánh mắt yêu thương, chờ đợi và cả lo lắng nữa. Mẹ chỉ mong chúng ta kêu cầu, cậy dựa vào Mẹ, để Mẹ có “cơ hội” thông ban ơn Chúa cho ta.
Trong tháng 5 này, tháng mà người Kitô hữu dành ưu tiên để tôn kính Mẹ, mỗi người chúng ta cũng hãy dâng lên Mẹ những tâm tư tình cảm, những trăn trở của mình. Cùng với những đoá hoa thắm tươi, chúng ta cũng hãy dâng lên Mẹnhững “hoa lưu ly” của tâm hồn khiêm nhường, “hoa cúc” của tấm lòng đơn sơ, “hoa hồng” của lòng yêu mến, “hoa huệ” của sự thanh khiết… Chắc chắn Mẹ sẽ rất vui khi chúng ta sống ngày một tốt hơn, giống Mẹhơn.
Mai Tuyến, OP