Ngã rẽ

NGÃ RẼ

Vào tuổi mười lăm, cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, tôi vô tư, hồn nhiên như bao đứa bạn cùng trang lứa khác. Dưới con mắt của tôi, mọi việc đều đơn giản và dễ hiểu.

Sau khi tốt nghiệp cấp hai, bạn bè tôi hầu hết đều học trường huyện, chỉ mình tôi là thi vào trường điểm trên thành phố. Số là, tôi cũng tính thi trường huyện, nhưng vì ba má tôi được công ty chuyển công tác từ trụ sở chính ở miền Nam ra chi nhánh miền Bắc, tận ngoài Hà Nội ; sợ tôi ở nhà một mình nên ba má muốn tôi chuyển lên thành phố ở với ngoại cho vui. Vậy là tôi thi trường thành phố và được xếp vào lớp 10A1.

Đến ngày nhập học, bà ngoại đã chuẩn bị cho tôi một bộ đồng phục mới được ủi phẳng phiu, thơm tho. Ăn sáng xong, tôi khoác vội bộ đồng phục mới lên người, vì sợ trễ giờ xe buýt. Ngồi trên xe, tôi suy nghĩ đủ thứ, tâm trạng vừa buồn vừa lo lắng : buồn vì không còn được học chung với nhóm bạn thân, không còn được ngày ngày đạp xe trên con phố thân quen ; lo vì không biết ở trường mới bạn bè như thế nào ? Thầy cô ra sao ?… Bao câu hỏi cứ chạy nhảy trong đầu khiến tôi quên mất việc phải để ý xem trường mới ở đâu, bỗng một tiếng nói vọng lại từ phía cửa xe buýt :

– Này, bạn gì đấy ơi ! Hình như bạn cũng xuống trạm này phải không ?

Tôi giật mình nhìn quanh thì thấy phía trước quả là trường học. Tôi bước vội xuống xe, định chạy theo cám ơn nhưng người đó đã lẫn vào đám đông học sinh đang tiến về phía cổng trường và mất hút.

Vừa đặt chân vào lớp, tôi đã nghe các bạn nói cười ồn ào, hầu như họ đều đã quen nhau từ trước. Tôi ngó quanh và tìm được cho mình một chỗ ngồi ở cuối lớp, gần cửa sổ. Đang suy tư, không hiểu tại sao người đó biết tôi học ở trường này thì một giọng nói trầm, nghe quen quen, cất lên :

– Rất vui được gặp lại bạn ! Mình có thể ngồi ở chỗ này được không ?

Tôi ngước lên và nhận ra đó chính là cô bạn tôi đã gặp trên xe buýt, tôi ngơ ngác trả lời :

– Bạn cứ tự nhiên, chỗ này còn trống chưa có ai ngồi đâu.

Bạn ấy ngồi xuống và quay sang hỏi chuyện :

– Cậu mới chuyển nhà đến đây phải không ?

– Đúng vậy ! Nhưng sao cậu biết ? – Tôi lộ rõ vẻ ngạc nhiên.

– Tại mình và cậu cùng đứng ở một trạm xe buýt mà. Chắc tại lúc đó đông người nên bạn không để ý thôi.

– Vậy… lúc ở trên xe buýt, làm sao bạn biết mình học chung trường với bạn ?

– Điều này thì đơn giản, chẳng phải trên áo bạn có dán logo trường là gì ? Hơn nữa, ở đây chỉ có trường mình là học sinh nữ còn mặc đồng phục áo dài thôi.

Bây giờ, tôi mới nhìn xuống và thấy đúng là áo có dán logo trường (Trường THPT Ngô Sĩ Liên – Lớp 10A1 – MS : 40). Sau một hồi nói chuyện, tôi biết tên bạn ấy là Thùy, Nguyễn Thị Phương Thùy, và một điều làm tôi hết sức bất ngờ… nhà ngoại tôi và nhà Thùy ở sát vách nhau.

Trong bữa cơm tối, tôi kể lại cho ngoại nghe những chuyện hồi sáng, chuyện tôi gặp Thùy. Tôi được ngoại cho biết về gia cảnh cậu ấy : Cách đây hai năm, gia đình Thùy là một gia đình khá giả, ba là kiến trúc sư, má làm giáo viên trường cấp hai. Cuộc sống gia đình hạnh phúc với ba người con, hai gái một trai, Thùy là con đầu. Bất ngờ, một tai nạn giao thông xảy đến cướp mất ba Thùy, để lại má Thùy với ba đứa con nhỏ đang đi học. Kể từ đó, cuộc sống gia đình khó khăn hơn, má Thùy phải tăng thêm buổi dạy để có tiền nuôi ba đứa con đi học. Phần Thùy, là một đứa con hiếu thảo, học giỏi, thấy gia đình khó khăn, Thùy đòi nghỉ học, đi làm nhưng má Thùy không cho. Hiện tại, Thùy vẫn đi học, nhưng đã xin được một chân may quần áo cho một công ty gần nhà. Hằng tuần, Thùy lãnh quần áo mang về nhà may, đến kì hạn thì giao lại. Dù bận rộn như vậy, Thùy vẫn siêng năng đi lễ và đang là giáo lý viên trong giáo xứ.

Kể từ ngày hôm đó, tôi và Thùy trở thành bạn thân, ngày ngày cùng nhau đi học và giúp đỡ nhau trong mọi việc. Đúng như lời ngoại nhận xét, Thùy là một con chiên ngoan đạo. Nhờ chơi với Thùy, tôi cũng trở nên siêng năng hơn trong việc đi lễ, đọc kinh. Vào mỗi chúa nhật, chúng tôi cùng đi dạy giáo lý cho các em nhỏ. Thỉnh thoảng, Thùy cũng hay rủ tôi tham gia các chương trình thuyết giảng về ơn gọi hay đến tham quan và tìm hiểu một dòng tu. Lâu dần, tôi biết được rằng Thùy rất thích đi tu và cũng chính nhờ Thùy mà niềm khao khát đi tu nảy nở trong tôi. Chúng tôi hẹn nhau sau khi tốt nghiệp cấp ba sẽ cùng đi tu chung một dòng.

Giữa năm lớp mười hai, chúng tôi đang vui vì sắp được thực hiện ước mơ bấy lâu thì một chuyện khủng khiếp xảy ra : má Thùy mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ nói : “Có lẽ thời gian sống không còn nhiều”. Một không khí u ám bao trùm gia đình Thùy. Nhìn nét mặt của chị em Thùy, ai cũng cố tươi cười bình thường để má khỏi lo lắng, mà tôi thấy xót xa vô cùng. Hơn một tháng sau, má Thùy qua đời. Thùy cố giấu nỗi đau vào tim để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp và để lo cho cuộc sống của mấy chị em, mà bây giờ Thùy là trụ cột.

Thời gian thấm thoát trôi qua, cũng đến lúc chúng tôi được cầm trên tay tấm bằng cấp ba, tấm bằng mở ra những cánh cửa tương lai. Ngày chia tay lớp, bạn bè tôi đứa nào cũng khóc sướt mướt, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Thùy cầm tay tôi, mắt ngó lơ chỗ khác và nói :

“Có lẽ mình… và cậu… không thể đi chung một con đường được rồi, mình chúc cậu đi trọn con đường đã chọn nha !”. Dứt lời, cả hai đứa tôi ôm nhau khóc. Tôi, hơn ai hết, biết rõ Thùy vẫn rất thích đi tu, nhưng vì lo cho các em, Thùy đành từ bỏ khát vọng bấy lâu.

Ngày tôi nhập dòng, Thùy tiễn tôi tới tận cửa nhà dòng. Tôi nghẹn ngào :

– Thỉnh thoảng cậu nhớ gọi cho mình nha !

Thùy khẽ thì thầm vào tai tôi :

– Ngốc ạ ! Tất nhiên rồi ! Chúng ta mãi là bạn thân của nhau, mãi mãi ! Cậu đừng quên rằng : Cậu và tớ luôn có chung một khao khát…

Nói rồi, Thùy nhìn tôi, nở một nụ cười rạng rỡ, cho tới khi cánh cửa khép lại để mở ra một hy vọng, niềm hy vọng vào tình yêu Chúa…

Anna Trần Thị Thảo Trinh

                  (Thanh Tuyển Viện MTG Thủ Đức)

Exit mobile version