Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng 24/04/2019 tại quãng trường thánh Phêrô. Sáng nay ĐTC tiếp tục bài giáo lý của mình về Kinh Lạy Cha với chủ đề : Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng ta cho kẻ có nợ chúng con.
13. Như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta hoàn thành bài giáo lý về lời cầu xin thứ năm của Kinh Lạy Cha. Chúng ta dừng lại ở cụm từ “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Chúng ta thấy rằng thật không sai khi con người là con nợ trước mặt Thiên Chúa: chúng ta đã nhận được mọi thứ từ Ngài, về mặt tự nhiên và ân sủng. Cuộc sống của chúng ta không chỉ là được mong muốn, mà còn được Thiên Chúa yêu thương. Thật vậy, không có chỗ cho sự giả dối khi chúng ta chắp tay để cầu nguyện. Không tồn tại trong Giáo hội một “self made man”, người tự tạo ra mình. Tất cả chúng ta là những kẻ có nợ đối với Chúa và đối với nhiều người, đã từng ban tặng cho chúng ta những điều kiện sống thuận lợi. Căn tính của chúng ta được xây dựng bắt đầu từ những điều tốt đẹp mà chúng ta nhận được. Trước tiên là cuộc sống.
Người cầu nguyện thì luôn học cách nói lời “cám ơn”. Và chúng ta thường quên nói lời “cám ơn”. Chúng ta thật ích kỷ. Người cầu nguyện thì luôn học cách nói “cám ơn” và cầu xin Thiên Chúa hãy rộng thương họ. Cho dù chúng ta có gắng sức bao nhiêu thì vẫn luôn còn có một khoản nợ không thể lấp đầy trước mặt Thiên Chúa, điều mà chúng ta không thể trả lại được : đó là Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng hơn cả khi chúng ta yêu Ngài. Và rồi, cho dù chúng ta ra sức sống theo những giáo huấn kitô giáo, trong cuộc sống chúng ta vẫn còn điều gì đó cần phải xin tha thứ : chúng ta nghĩ đến những ngày trôi qua trong uể oải, những lúc mà sự oán thù đã xâm chiếm tâm hồn chúng ta… Chính những kinh nghiệm này, không phải là hiếm thấy, khiến chúng ta kêu lên : “Xin Cha tha nợ cho chúng con”. Chúng ta kêu xin sự tha thứ từ Thiên Chúa.
Chúng ta nghĩ, lời cầu khẩn có thể bị giới hạn ở phần đầu tiên này. Trái lại Chúa Giêsu kết nối lời cầu khẩn này với biểu thức thứ hai làm một với biểu thức thứ nhất. Mối quan hệ của lòng nhân từ theo chiều dọc từ phía Thiên Chúa bị khúc xạ và được kêu gọi để biến thành mối quan hệ mới mà chúng ta đang sống với anh em của mình: mối quan hệ chiều ngang. Thiên Chúa nhân lành mời gọi chúng ta hãy trở nên tốt lành. Hai phần của việc khẩn cầu được gắn kết lại bằng một liên từ : chúng ta xin Chúa tha nợ chúng ta, tội lỗi chúng ta “như” chúng ta tha thứ cho bạn bè, những người sống với chúng ta, gần gũi bên ta, những người làm điều chẳng mấy tốt đẹp cho chúng ta.
Mọi Kitô hữu điều biết rằng đối với Chúa sự tha thứ tội lỗi luôn tồn tại, tất cả chúng ta đều biết điều đó : Thiên Chúa tha thứ tất cả và luôn tha thứ. Khi Chúa Giêsu kể cho các môn đệ của mình về gương mặt của Thiên Chúa, Ngài phác họa nó bằng những diễn cảm của lòng thương xót dịu dàng. Ngài nói rằng trên trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là một đám những người công chính không cần hoán cải (x. Lc 15,7-10). Không có chỗ nào trong Tin mừng cho thấy rằng Thiên Chúa không tha thứ tội lỗi cho những ai thật sẵn sàng và cầu xin được ôm ấp lại trong vòng tay.
Nhưng ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa luôn đòi hỏi phải cố gắng. Ai đã nhận nhiều cần phải cho nhiều và không giữ lại cho mình những gì đã nhận được. Người đã nhận nhiều thì phải cho đi thật nhiều. Không phải tình cờ mà Tin mừng Matthêu ngay sau khi đưa ra bản văn về Kinh Lạy Cha, trong số bảy thành ngữ được sử dụng, Tin mừng đã nhấn mạnh chính xác về sự tha thứ huynh đệ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15). Điều này thật mạnh mẽ! Tôi nghĩ: một vài lần tôi nghe người ta nói rằng : “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người đó! Điều mà họ làm cho tôi khiến tôi không bao giờ tha thứ được”. Nhưng nếu bạn không tha thứ thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho bạn. Bạn đóng cửa rồi. Chúng ta nghĩ rằng, chúng ta có thể tha thứ hay không tha thứ được. Khi tôi ở một giáo phận khác, có một linh mục đã kể cho tôi trong đau buồn rằng : có lần ngài đi trao các bí tích sau cùng cho một cụ bà đang ở ngưỡng cửa sinh tử. Bà cụ không thể nói được. Và vị linh mục nói với bà : “Bà ơi, bà đã ăn ăn các tội chưa?”. Bà cụ nói “rồi”; bà đã không thể xưng tội nhưng lại nói ăn năn tội rồi. Thế là đủ. Vị linh mục hỏi tiếp : “Bà đã tha thứ cho người khác chưa?”. Bà cụ sắp chết trả lời : “không”. Thế là vị linh mục ấy cảm thấy đau khổ.
Nếu anh chị em không tha thứ, Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho anh chị em. Chúng ta nghĩ rằng, chúng ta đang ở đây, chúng ta tha thứ hay chúng ta là những người có khả năng tha thứ. “Thưa cha, con không không làm được điều đó, vì người ta đã gây ra cho con quá nhiều”. Nhưng nếu con không làm được điều đó, con hãy xin Thiên Chúa ban cho con sức mạnh để tha thứ: Lạy Chúa, xin giúp con biết tha thứ. Ở đây chúng ta tìm thấy sự ràng buộc giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Yêu thương kêu gọi yêu thương, tha thứ kêu gọi tha thứ. Trong Tin mừng Matthêu chúng ta còn tìm thấy một dụ ngôn rất mạnh mẽ dành cho sự tha thứ huynh đệ (x. Mt 18,21-35). Anh chị em hãy lắng nghe.
Có một người đầy tớ ký nhận một khoảng nợ kếch xù với ông chủ của mình : mười nghìn yến vàng! Anh ta không có gì để trả; Tôi không biết bây giờ nó là bao nhiêu, nhưng có lẽ hàng trăm triệu. Tuy thế, phép lạ xảy ra, điều người đầy tớ ấy nhận không phải là gia hạn thanh khoản nhưng là một sự tha thứ hoàn toàn. Một ơn huệ không mong đợi! Nhưng ngay sau đó, chính người đầy tớ ấy nằng nặc chống lại anh em mình, bắt người đó phải trả hàng trăm quan tiền – chuyện nhỏ nhặt – và mặc dù đây là một số tiền có thể trả được, anh ta không chấp nhận lời xin lỗi và lời cầu xin. Cho nên, cuối cùng, ông chủ cảnh cáo anh ta và kết tội anh ta. Vì nếu bạn không cố gắng tha thứ, bạn sẽ không được tha thứ; nếu không nỗ lực yêu thương thì bạn cũng không được yêu thương.
Chúa Giêsu lồng sức mạnh của sự tha thứ vào các mối tương quan nhân loại. Trong cuộc sống không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng công lý. Không. Nhất là ở nơi ta phải đắp một con đê trước sự ác, ai đó phải yêu thương vượt quá bổn phận phải làm, để bắt đầu trở lại một câu chuyện về ân sủng. Sự ác biết cách báo thù của nó, và nếu nó không bị gián đoạn, nó có nguy cơ lan truyền và làm cho toàn thể thế giới nghẹt thở.
Theo luật trả thù – những gì bạn đã làm cho tôi thì tôi sẽ trả lại cho bạn, được Chúa Giêsu thay thế bằng luật yêu thương : Thiên Chúa đã làm cho tôi, tôi trả lại cho Ngài. Hôm nay, trong tuần lễ Phục sinh này thật tuyệt vời để chúng ta suy nghĩ: tôi có khả năng tha thứ không. Và nếu tôi không thể tha thứ được thì tôi phải xin Chúa ban cho tôi ơn biết tha thứ, vì biết thứ tha là một ơn sủng.
Xin Chúa ban ơn cho mỗi người tín hữu biết viết lên câu chuyện hay trong cuộc sống về anh em của mình, đặc biệt về những người làm điều gì đó khó chịu và sai lầm. Bằng một lời nói, cái ôm, nụ cười, chúng ta có thể truyền đến cho người khác điều quý giá nhất mà chúng ta đã nhận lãnh. Đâu là điều quý giá nhất mà chúng ta nhận được? Đó là sự tha thứ, điều mà chúng ta phải có khả năng để trao ban cho người khác.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ